Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (13/01/2015)

Print Friendly, PDF & Email

ZTZ96A_Type_96A_main_battle_heavy_tracked_armoured_vehicle_China_Chinese_army_PLA_640

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Lục quân là một cấu thành không thể thiếu trong quân đội quốc gia thời hiện đại, mà biểu tượng sức mạnh và hình tượng của quân chủng này không gì khác hơn là chiếc xe tăng. Xuất hiện lần đầu tiên vào Chiến tranh Thế giới thứ nhất như là một thứ vũ khí nhằm giải quyết bế tắc của “chiến tranh chiến hào”, xe tăng cho đến này nay đã trải qua ba thế hệ phát triển và đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong tác chiến hiện đại. Tuy vậy, theo một bài bình luận trên Washington Post, lục quân Hoa Kỳ đã dần dần không xem trọng vai trò của xe tăng trên chiến trường như trước đây. Trong chiến tranh hiện đại, lực lượng quân sự cần phải được triển khai nhanh chóng ở một khoảng cách xa; và vì vậy những loại vũ khí khác như máy bay ném bom tầm xa, tàu ngầm và trong tương lai là máy bay không người lái, chính là những loại vũ khí cần phải được đầu tư.

Tuy nhiên, đặc điểm tác chiến này có thể chỉ đúng với Hoa Kỳ. Không có một quốc gia nào có lịch sử viễn chính lớn như Hoa Kỳ trong thời hiện đại, và cũng không có một quốc gia nào hiện nay so sánh được với năng lực quân sự tổng thể của xứ cờ hoa. Câu chuyện về chiếc xe tăng ở Châu Á – Thái Bình Dương lại tương đối khác biệt: phần lớn các nước Châu Á đang tiến hành hiện đại hoá lực lượng xe tăng chủ lực của mình. Theo Asian Military Review, Trung Quốc đã tiếp nhận 700 xe tăng Type 99 tiên tiến. Bắc Kinh cũng đang tiến hành nghiên cứu một dự án xe tăng hiện đại khác, MPT-3000. Ấn Độ cho tới năm 2020 cũng sẽ đưa vào trang bị hơn 1.600 xe tăng T-90 của Nga (trong đó 1,000 chiếc được sản xuất ngay tại Ấn Độ); nâng cấp 1.900 xe tăng T-72 hiện có trong trang bị; và tiếp tục sản xuất xe tăng thế hệ thứ ba nội địa của mình. Nhật Bản cũng bắt đầu trang bị xe tăng hạng nhẹ Type 10, trong khi Hàn Quốc, với mối đe doạ từ lực lượng thiết giáp hùng hậu của Triều Tiên, cũng chuẩn bị tiếp nhận gần 400 xe tăng K2 “Báo Đen” mới.

Tranh luận cũng nổi lên ở Việt Nam về vai trò của tăng thiết giáp trong tác chiến hiện đại. Lực lượng xe tăng chủ lực của Việt Nam được cho là lớn nhất Đông Nam Á, tuy nhiên đã lạc hậu. Với ¾ địa hình là đồi núi, và với việc không phải đối mặt với nguy cơ xâm lược lớn từ đất liền trong tương lai gần, động lực hiện đại hoá tăng thiết giáp của Việt Nam đã chuyển sang những vấn đề cấp bách hơn: hiện đại hoá không quân và hải quân để đối phó với mối đe doạ an ninh hướng biển ngày càng lớn. Thế nhưng, trong khi các quốc gia láng giềng vẫn duy trì một lực lượng lục quân với xe tăng vẫn là vũ khí tiến công chính, thì Việt Nam trong ngân sách eo hẹp cũng sẽ phải cố gắng duy trì và hiện đại hoá từng bước lực lượng này.

Trợ lại với tin tức về hải quân, Trang tin Defense News có bài phân tích cho rằng hạm đội các tàu khu trục trang bị ra-đa mảng pha của Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2018, và trở thành quốc gia sở hữu nhiều tàu khu trục loại này nhất Châu Á. Vào ngày 22 tháng 12 vừa qua, Bắc Kinh đã hạ thuỷ khu trục Type 052C thứ năm của nước này, và với việc khởi đóng khu trục hạm Type 055 gần đây, Trung Quốc đang quyết tâm để khẳng định vị thế siêu cường hải quân tại Châu Á – Thái Bình Dương. Tony Beitinger của AMI International cho rằng Hải quân Trung Quốc sẽ sở hữu “6 khu trục hạm Type 052C, 8 khu trục hạm Type 052D, 6 khu trục hạm tối tân Type 055” từ nay cho tới năm 2024. Số lượng này là vượt trội so với Nhật Bản và Hàn Quốc khi hai nước này chỉ sở hữu tổng cộng 11 tàu khu trục có trang bị ra-đa mảng pha. Hệ thống các tàu khu trục này sẽ giúp Trung Quốc hoàn thiện hơn nữa khả năng phòng không tầm xa và phòng thủ điểm trong một đội hình với tàu sân bay là trọng tâm. Đồng thời giúp tăng cường hơn nữa cho chiến lược A2/AD khi các tàu này có khả năng phòng không bảo vệ các cơ sở hạ tầng chiến lược như sân bay và hải cảng quan trọng. Đây sẽ là một chiến lược nhiều lớp, với tên lửa đạn đạo, tàu ngầm, và nhóm tác chiến tàu sân bay đóng vai trò ngăn chặn và đẩy lùi ảnh hưởng của hải quân Hoa Kỳ ra khỏi khu vực. Type 052C/D cũng như Type 055 trong tương lai sẽ là những con cờ quan trọng.

Nhật Bản sắp tới cũng sẽ đưa ra một đạo luật mang tính vĩnh viễn cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) có thể tăng cường triển khai quân tới cho các nhiệm vụ gìn giữ hoà bình và hỗ trợ hậu cần cho Hoa Kỳ và đồng minh. Trước đây, Quốc hội Nhật Bản vẫn thông qua các dự luật tạm thời cho phép triển khai JSDF ra nước ngoài. Chính sách an ninh mới của Nhật Bản vốn được khởi động vào tháng 7 năm 2014 bởi nội các đã kêu gọi “thiết lập các đạo luật an ninh liên tục nhằm đảm bảo sự tồn tại của nước Nhật và bảo vệ người dân Nhật Bản”. Dự kiến cũng trong tuần này, chính phủ Nhật Bản sẽ thông qua hiến chương mới về việc cấp vốn hỗ trợ ODA cho nước ngoài, trong đó nêu rõ cho phép nước này viện trợ quân sự cho các mục tiêu phi tác chiến như cứu trợ thiên tai và phát triển cơ sở hạ tầng. Rõ ràng các nước Đông Nam Á, vốn đang có căng thẳng về lãnh hải với Trung Quốc, sẽ được hưởng lợi rất lớn từ quyết định này của Nhật Bản. Nước Nhật dưới thời Thủ tưởng Shinzo Abe rõ ràng đang thúc đẩy quá trình “tái quân sự hoá” đất nước, mặc dù vẫn đang ở những bước đi đầu tiên.

Truyền thông trong nước Việt Nam tuần vừa qua trích dẫn thông tin từ báo chí Nga và Bộ Quốc phòng Nga khẳng định rằng Không quân Nga, lần đầu tiên kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, đã sử dụng sân bay Cam Ranh của Việt Nam làm nơi hạ cánh cho IL-78. Đây vốn là loại máy bay tiếp dầu cho cỗ máy ném bom chiến lược tầm xa Tu-95MS của Không quân Nga. Hoạt động này cho thấy nước Nga đang ngày càng gia tăng các hoạt động tiếp xúc của mình tại khu vực, trong bối cảnh chung của chính sách hướng Đông của Tổng thống Putin. Việt Nam, thông qua hợp tác mạnh mẽ giữa quân đội hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về khả năng cân bằng cũng như “thu hút” sự chú ý và tin cậy của các nước lớn ngoài khu vực. Như một học giả Nga đã nói: “Việt Nam và Ấn Độ là hai đồng minh đáng tin cậy nhất của Nga tại Châu Á”.