#239 – Trung Quốc từ bỏ chính sách không can thiệp: Trường hợp châu Phi

Print Friendly, PDF & Email

2012.03.30.china-africa

Nguồn: Harry Verhoeven (2014). “Is Beijing’s Non-Interference Policy History? How Africa Is Changing China”, The Washington Quarterly, Vol. 37, No. 2, pp. 55–70.

Biên dịch: Hoàng Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Nghiêm Hồng Sơn

Sự thắt chặt nhanh chóng trong mối quan hệ giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là Trung Quốc) với 54 nước châu Phi mang ý nghĩa địa chính trị to lớn. Khó mà có thể hiểu được Trung Quốc đã duy trì được sự tăng trưởng ngoạn mục hàng năm của mình như thế nào nếu không có sự đóng góp của xuất khẩu nguyên liệu từ châu Phi và lợi nhuận của những doanh nghiệp Trung Quốc thu được từ nhu cầu của châu Phi về hàng tiêu dùng, về các dự án xây dựng, và về dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông. Lượng văn liệu đồ sộ về câu chuyện Trung Quốc- châu Phi gồm những nghiên cứu cho rằng chính Bắc Kinh đã dẫn đến sự tái thuộc địa hóa cả châu lục[1] đối  chọi với những phân tích tán dương Trung Quốc như là vị cứu tinh của châu Phi vào lúc mà phương Tây chỉ can dự tới châu lục này qua lăng kính của cuộc chiến quốc tế chống khủng bố và các dự án từ thiện được vận động bởi các ngôi sao nhạc rock.[2] 

Những năm gần đây, các nghiên cứu tinh tế hơn đã nhấn mạnh tới những phương diện lịch sử đối với mối quan hệ Trung Quốc- châu Phi, tìm hiểu sự thay đổi và tiếp nối địa vị của châu Phi trong nền kinh tế chính trị thế giới, và giải mã huyền thoại rằng tất cả những tác nhân Trung Quốc – như các đại sứ quán, doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn tư nhân và những người di cư – cùng chia sẻ một mục đích thống nhất, được chỉ dẫn bởi một kế hoạch lớn do Đảng Cộng sản Trung Quốc ấp ủ.[3]

Bất chấp dòng quan điểm mới này, cuộc tranh luận đang diễn ra vẫn tiếp tục tập trung chủ yếu vào cách mà Trung Quốc đang giúp làm biến đổi bộ mặt châu Phi, nhưng lại ít chú ý đến việc những kinh nghiệm trên lục địa này đang làm thay đổi những chủ thể từ Trung Quốc. Bài viết này nhấn mạnh một chuỗi những phát triển không mong muốn đang buộc các nhà thực thi chính sách Trung Quốc phải rời bỏ vùng an toàn của họ để tiến vào những vùng đất sơ khai. Trong khi các quan chức chính phủ Trung Quốc vẫn trung thành với nguyên tắc chính của chính sách ngoại giao đưa ra năm 1949, trên thực tế Bắc Kinh đang dần xóa bỏ cam kết đứng ngoài mọi hoạt động chính trị nội bộ của các nước châu Phi. Trung Quốc đang từ bỏ chính sách không-can-thiệp gây tranh cãi của nước này một cách từ từ nhưng chắc chắn. Đây không hẳn là sản phẩm của một thay đổi được xem xét kỹ lưỡng trong chính sách đối ngoại, mà nó là một phản ứng logic đối với cả các cuộc khủng hoảng an ninh sâu sắc ở châu Phi những năm gần đây cũng như sự tái xuất hiện của Trung Quốc như là một cường quốc toàn cầu với lợi ích lớn hơn, tại những vùng đất xa xôi hơn.

Như vậy, sự kết hợp những yếu tố cấu trúc và những giải pháp tình thế (ad hoc) có vẻ không phải là một sự chuyển tiếp êm thấm, nhẹ nhàng mà là một quá trình vừa-đi-vừa-nghỉ, một tiến trình chậm nhưng chắc đang chuyển hướng đi của gã khổng lồ Trung Quốc. Một Đại sứ Trung Quốc đã thừa nhận điều này và đã tóm lược những rủi ro của Bắc Kinh khi can thiệp vào vùng đất mới: “Tất nhiên là chúng ta ngày càng bị vướng vào những hoạt động chính trị của các quốc gia châu Phi, chúng ta đang bị kéo vào, chúng ta không có lựa chọn. Nhưng liệu người châu Phi có thực sự muốn sự can thiệp của chúng ta? Tôi không biết, điều này thật không rõ ràng”.[4]

Sự xuất hiện trở lại của châu Phi về mặt Địa-chính trị

Sau những thập niên mất mát 1980-1990, khi đóng góp của châu Phi trong nền thương mại toàn cầu tụt xuống dưới 1%, châu lục này đang trở lại. Động cơ của những người như Tony Blair và Gordon Brown nhằm hàn gắn “vết sẹo trong lương tâm của thế giới”[5] thông qua viện trợ phát triển và xóa bỏ nợ đã được tăng cường bởi thế hệ những nhà lãnh đạo mới của châu Phi. Những người theo chủ nghĩa liên Phi (Pan-Africanists) như Kofi Annan và Thabo Mbeki đã đưa châu Phi lên chương trình nghị sự chính trị toàn cầu và đã lãnh đạo thành lập Liên minh châu Phi để đưa ra “những giải pháp châu Phi cho những vấn đề châu Phi”, thiết lập lại các cơ chế của châu Phi để giải quyết các vấn đề đan xen giữa sự kém phát triển, quản lý công kém, và xung đột vũ trang. Xu hướng này được đẩy mạnh bởi một thay đổi mang tính kiến tạo trong nền kinh tế chính trị toàn cầu. Sự tăng trưởng sáng lạn của những nền kinh tế đang nổi lên và giá cả hàng hóa cơ bản tăng, cùng với việc quản lý nền kinh tế vĩ mô được cải thiện xuyên suốt trên khắp châu Phi, cho thấy rằng, từ khi độc lập, châu Phi chưa bao giờ hấp dẫn đến thế với những  nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nhân trong khu vực.[6]

Vai trò của Bắc Kinh đã trở nên quan trọng. Một mặt, nước này nhập khẩu một lượng chưa từng thấy dầu, đồng, cô-ban, măng-gan, và những khoáng sản khác từ Angola, Congo, Nigeria, và Nam Phi để duy trì phép màu kinh tế của mình. Mặt khác, hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào châu Phi cũng vượt quá 60 tỷ USD từ năm 2011, điều này chứng minh cho sức mua của thị trường châu Phi vốn từng được đánh giá quá thấp đã tăng lên.[7] Nếu một lần nữa châu Phi trở thành nơi có cơ hội sinh lời, thì Trung Quốc đáng được ghi công lớn.

Việc Trung Quốc tiêm “hooc-môn tăng trưởng” vào thị trường hàng hóa cơ bản trong bối cảnh thế giới đang lo lắng sẽ cạn kiệt tài nguyên đã khiến nhiều người dự đoán một “Cuộc tranh giành châu Phi” mới,[8] gợi nhớ lại cuộc chiếm đoạt đất và tài nguyên của châu Phi bằng bạo lực vào thế kỉ 19. Những người như Cassandra đã dự báo trước sự gia tăng căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ, các nước châu Âu, và Trung Quốc, đặc biệt là căng thẳng liên quan đến năng lượng và khoáng sản, trong khi một vài người cho rằng châu Phi sẽ trở thành trận địa của cuộc chiến giành tài nguyên ở thế kỉ 21 trong một “Cuộc đua để lấy  những gì còn lại”.[9]

Điều này hình thành một dòng quan điểm rộng hơn, phân tích sự trỗi dậy của Bắc Kinh qua thuyết “chuyển giao quyền lực”, đi cùng với những dự đoán bi quan về va chạm gần như không thể tránh khỏi giữa vị bá chủ đã xác lập (Mỹ) và cường quốc mới nổi (Trung Quốc), bắt đầu với sự chạm trán gián tiếp tại những khu vực ngoại biên của Trái đất, như lục địa Châu Phi.[10] Dự báo cho rằng khi những lợi ích của Trung Quốc trở nên sâu và rộng hơn, Trung Quốc sẽ mạnh mẽ bảo vệ các tuyến đường cung cấp và thị trường trọng yếu, và tìm cách xây dựng liên minh với những quốc gia có cùng chí hướng, trong khi phương Tây sẽ cố gắng kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy[11] – một quá trình quân sự hóa và phân cực hóa trở thành kết cục không thể tránh khỏi của đặc tính trật tự quốc tế hiện nay.[12]

Đối lập tuyệt đối với quan điểm này là những tranh cãi rằng xung đột về lợi ích hay văn hóa trên đất châu Phi là không chắc có thực. Với một số người, đây là kết quả của việc Trung Quốc chung sống với trật tự thế giới tự do và Bắc Kinh không có tham vọng xét lại (trật tự thế giới).[13] Theo cách nhận định này, những cuộc khủng hoảng địa chính trị là khủng hoảng về thẩm quyền và quản trị, chứ không phải của những giá trị hay thế giới quan thù địch, và vì vậy, những cuộc khủng hoảng này có thể giải quyết được qua việc điều tiết những lợi ích đang thay đổi.[14] Những người khác lại đưa ra trường hợp ngoại lệ của Trung Quốc: Trung Quốc chưa bao giờ là đế quốc toàn cầu, chưa bao giờ xây dựng căn cứ quân sự bên ngoài biên giới; và về lịch sử hay đương đại, Trung Quốc về cơ bản không hứng thú với việc gây ảnh hưởng đến nền chính trị và các giá trị của quốc gia khác.[15] Nói cách khác, nguyên tắc chính của Trung Quốc là không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác sẽ được duy trì.

Bài viết này không đồng tình với những người bi quan về tác động địa chiến lược của sự hiện diện đang tăng lên của Trung Quốc tại châu Phi và về thách thức quân sự mà Trung Quốc đặt ra đối với các chủ thể Phương Tây vốn có vai trò thống trị ở châu Phi trong lịch sử. Nhưng bài viết cũng không tán thành với luận điểm cho rằng các tác nhân Trung Quốc có thể phớt lờ nền chính trị lộn xộn của châu Phi để chỉ tập trung duy nhất vào thành công về kinh tế. Cả hai cách tiếp cận này đều không nhận thấy cách ứng xử của Trung Quốc sẽ không chỉ được định hình bởi những điều kiện cấu trúc của môi trường hoạt động (liệu đồng thuận với trật tự tự do hay cạnh tranh khốc liệt trong một thế giới vô chính phủ ngày càng khan hiếm tài nguyên) hay bởi lịch sử và văn hóa của nước này (tuyên bố về một Trung Quốc với lập trường nhất quán là sẽ không can thiệp vào chuyện chính trị của châu Phi), mà cách ứng xử ấy còn được định hình bởi những kinh nghiệm đặc biệt và nhãn quan của Trung Quốc về châu Phi. Tư liệu về cách Trung Quốc giải quyết các vấn đề về thiếu an ninh, quản trị kém, và sự thất thường của một loạt các quốc gia châu Phi đã cho thấy rằng, châu Phi cũng có thể thay đổi các chủ thể Trung Quốc nhiều như Trung Quốc đã thay đổi khu vực này.

Đáng ngạc nhiên là bức tranh địa chính trị vừa mới nổi lên ít tạo ra những cuộc đối đầu giữa lợi ích của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, và ngoài cuộc chiến kinh tế hiển nhiên thì không có tình trạng tương tự về quân sự. Bất chấp các tuyên bố về sự đối đầu được-thua về dầu và các tài nguyên khác của châu Phi,[16] đại diện ngoại giao của các “cường quốc” nhiều khả năng sẽ tìm kiếm những chiến lược cùng phát triển và thăm vấn lẫn nhau hơn là tài trợ cho những thành phần đối lập trong các cuộc nội chiến hoặc làm mất ổn định những chế độ liên minh thân cận với lực lượng kình địch tại những quốc gia có chiến tranh như Angola, Congo hoặc Ethiopia. Tất cả những điều này từng là kịch bản của cuộc đối đầu đẫm máu với Liên Xô qua các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, nhưng những nhà chức trách phương Tây lẫn Trung Quốc hiện tại (năm 2013) đều đang có những mối quan hệ tốt đẹp với cùng giới tinh hoa châu Phi năm xưa. Các nhà ngoại giao cho rằng, sự đối đầu là không thích hợp và họ chú ý gần như duy nhất vào việc xây dựng mối quan hệ với bất kì ai đang cầm quyền, một sự đảo ngược với chính sách trước 1989 và các nhà lãnh đạo châu Phi đã khai thác thành công triệt để điều này.

Ví dụ, chính phủ Ethiopia có thể gần gũi với các nhà đầu tư Trung Quốc trong những dự án địa chiến lược siêu đắt đỏ như xây dựng đập và đường sắt,[17] nhưng cùng lúc lại chứa chấp các cơ sở của CIA và mở rộng thương mại với châu Âu và Mỹ. Lợi ích của các chính thể châu Phi là giữ cả Bắc Kinh và Washington gần gũi mình nhưng không bao giờ để cho một trong hai bên hoàn toàn chiếm ưu thế. Đây là điệu nhảy chiến lược mà Mỹ và Trung Quốc trình diễn một cách thực tế mà không để cho hệ tư tưởng “dân chủ hóa” hay “chủ nghĩa xã hội” tham gia vào. Lăng kính về những quốc gia phụ thuộc quân sự của cường quốc này hay cường quốc khác hiện nay có ít ý nghĩa khi mà thậm chí những đồng minh trong quá khứ của Mỹ như Kenya giao dịch thương mại với Trung Quốc nhiều hơn với Mỹ. Cũng như vậy, sự lấn sâu của Trung Quốc vào các nhà sản xuất dầu khí vốn từng thân cận với phương Tây như Chad, Congo – Brazzaville và Nigeria đã không gây ra làn sóng kích động địa chính trị nào, cũng giống như sự nối lại của Angola với IMF vào năm 2009-2010 đã không dẫn đến sự đáp trả mạnh tay nào từ các khách hàng dầu mỏ ở Trung Quốc. Tất nhiên là thực tại hiện nay không loại trừ khả năng một cuộc chạm trán quân sự trong tương lai,  nhưng cho tới giờ châu Phi chưa thấy bằng chứng của một cuộc chiến tranh lạnh mới, hay thậm chí một “trò chơi lớn” theo phong cách Trung Á (nơi Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng – NBT).

Quân sự hóa châu Phi

Trong khi những cuộc chiến tranh tài nguyên giữa cường quốc đã xác lập và cường quốc đang nổi lên có thể không xuất hiện ở châu Phi, thì quá trình quân sự hóa và an ninh hóa đang lớn lên trong quan hệ quốc tế ở châu lục này là không thể phủ nhận.[18] Xu hướng chung này bắt rễ từ những mối quan tâm của phương Tây vốn ngày càng được Trung Quốc chia sẻ về sự bất ổn định đang lây lan hơn là hệ quả của sự cạnh tranh địa chính trị. Trung Quốc không đơn thuần là một khán giả thụ động trong quan hệ năng động này mà tham gia ngày càng tích cực hơn, nước này đang bắt đầu từ bỏ chính sách không-can-thiệp của mình, để lựa chọn sự can thiệp chính trị và quân sự ngày càng lớn vào châu Phi bởi lợi ích của họ ngày càng sâu đậm hơn và nhận thức của Trung Quốc về lục địa này cũng đã thay đổi nhờ vào 2 thập kỷ tăng cường tương tác với các chủ thể châu Phi.

Cộng đồng quốc tế nhận thức rằng sự bất ổn định có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân bao gồm khủng bố xuyên quốc gia, “chiến tranh khí hậu”, dòng người tị nạn hay cướp biển trên châu lục này. Đáp lại những nguy cơ này, cộng đồng quốc tế, thường với sự ủng hộ của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã tìm cách đưa ra nhiều giải pháp quân sự cho những vấn đề phức tạp đã bén rễ khá sâu này. Đầu tiên là việc những hoạt động giữ gìn hòa bình tiêu tốn hàng tỷ đô la của Liên Hợp Quốc lại được mở rộng sau sự thất bại thời kỳ thập niên 1990 ở Rwanda và những nơi khác. Từ Liberia và Bờ Biển Ngà đến Darfur và Nam Sudan, hàng chục nghìn lính mũ xanh được điều động. Hàng nghìn quân từ Liên minh Châu Phi cũng đã được gửi đến vùng giao tranh, gồm có Somalia và Burundi. Hội đồng Bảo an đang thể hiện khuynh hướng gia tăng cho phép các sứ mệnh – như “Lữ đoàn can thiệp” (Intervention Brigade) tại Congo được chấp thuận tháng 3 năm 2013, Lực lượng An ninh lâm thời của Liên Hợp Quốc tại Abyei (hoạt động từ 2011 ở biên giới Sudan – Nam Sudan), và chiến dịch MINUSMA ở Mali được ủy quyền vào tháng 4 năm 2013[19] – nhiều thẩm quyền hơn trong việc sử dụng vũ lực, trao cho họ những sứ mệnh mạnh mẽ hơn để chống lại những “kẻ xấu” được xác định đã xúi giục xung đột và gây nguy hiểm cho dân thường tại các khu vực bất ổn định của châu Phi.

Thứ hai, trong những năm gần đây, lực lượng phương Tây – vốn hiếm khi tham gia vào những nhiệm vụ bảo vệ hòa bình ở châu Phi – đã thực hiện 4 chiến dịch quân sự lớn trên lục địa này, các chiến dịch quân sự nhộn nhịp chưa từng thấy ở những thập niên trước. Trong khi lực lượng tấn công (force-de-frappe) của Pháp được coi là giữ cân bằng ở cả Bờ Biển Ngà năm 2010 và Mali năm 2013, tàu chiến EU đang chiến đấu với cướp biển ở Vịnh Aden từ 2008, thì các binh sĩ châu Âu lại đang cố gắng chặn đứng cuộc thanh lọc sắc tộc tại Cộng hòa Trung Phi,[20] máy bay và lực lượng đặc nhiệm của NATO đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Libya có hiệu lực năm 2011 và lật đổ Muammar Qaddafi. Cuối cùng, các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã tăng cường hợp tác quân sự song phương với các quốc gia châu Phi, đặc biệt nhất là thành lập Bộ Chỉ huy Mỹ – Phi (AFRICOM), hoạt động từ 2008. Những cơ sở quân sự, các trại tạm giam, và đường băng cho máy bay tấn công không người lái ở Djibouti, Ethiopia, và Kenya đã được mở rộng trong cuộc chiến đấu chống al-Qaeda và những tổ chức thành viên; lính Mỹ đang săn lùng những thủ lĩnh phía Bắc Uganda của lực lượng Quân đội Kháng chiến của Chúa khét tiếng từ năm 2011.[21]

Các nghị quyết của Liên Hợp Quốc hợp pháp hóa tiến trình quân sự hóa châu Phi, nhưng không nghi ngờ gì nữa, những cường quốc phương Tây vẫn là người dẫn đầu – cả về tài chính, chính trị, và quân sự. Một số người đã hiểu điều này như là một chiến lược phủ đầu chống lại Trung Quốc, nhằm không chỉ loại bỏ mối đe dọa an ninh sâu sắc, mà còn bảo vệ các lợi ích kinh tế dài hạn.[22] Tuy nhiên, điều đáng chú ý là việc Bắc Kinh chấp thuận những thủ đoạn này – ví dụ như Trung Quốc đã không sử dụng quyền phủ quyết của mình – mà còn ngày càng ủng hộ những việc phương Tây làm để an ninh hóa châu Phi, thay vì chống đối vì những chiến dịch này như họ đã làm trong nhiều thập niên trước. Vì vậy, trong số tất cả các thành viên thường trực HĐBA, những cống hiến về quân lính của Trung Quốc cho những sứ mệnh của Liên Hợp Quốc là lớn nhất, Trung Quốc gửi 2000 quân nhân tới Libya, Darfur, và Nam Sudan, và bây giờ là hàng trăm lính đến Mali.[23] Đây là một sự đảo ngược đầy ấn tượng so với trường hợp của 15 năm trước khi mà Bắc Kinh không có tới 100 lính mũ nồi xanh được triển khai.[24]

Trung Quốc là một đối tác quân sự quan trọng qua công tác huấn luyện, cung cấp vũ trang, và trợ giúp kĩ thuật cho những nước lớn trong khu vực như Algeria, Angola và Nigeria.[25] Từ 2008, hải quân Trung Quốc đã tham gia những nỗ lực chống cướp biển đầy mạo hiểm của châu Âu trên vịnh Aden; Trung Quốc cũng đã ủng hộ một lập trường quốc tế cứng rắn để chiến đấu với phiến quân nổi loạn al-Shabab của Somalia và các phần tử Thánh chiến Hồi giáo nước ngoài, chia sẻ với những lo lắng của phương Tây về việc sự bất ổn định sẽ tràn ra vùng rộng lớn hơn. Để giúp sơ tán hơn 35.000 người Trung Quốc từ vùng chiến sự của Libya, nhiều tàu chiến Trung Quốc đã đi vào biển Địa Trung Hải lần đầu tiên trong kỷ nguyên mới, phối hợp với các thành viên NATO như Italia, Anh, và Pháp. Hơn nữa, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho sự can thiệp của Pháp vào Mali và Bờ Biển Ngà, mặc dù những hoạt động này mang tính quyết định trong việc thay đổi cán cân chính trị nội bộ nghiêng về một trong các bên tham chiến.

Có lẽ rõ ràng nhất là câu chuyện chính trị về lập trường của Bắc Kinh trong sự sụp đổ của chính quyền Muammar Qaddifi.[26] Trung Quốc đã không phủ quyết việc không lực Anh-Pháp áp đặt vùng cấm bay lên bầu trời Libya như nhiều người mong đợi. Trong khi nhiều học giả Trung Quốc lên án việc vi phạm nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc, điều mở đường cho sự thay đổi chế độ ở Tripoli, thì chỉ trích của Bắc Kinh về cách giải thích nghị quyết một cách phóng khoáng của NATO có vẻ để phục vụ chính cho mục đích nội bộ là xoa dịu giới chống chủ nghĩa đế quốc trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, và lời chỉ trích này đã được loại bỏ trong các cuộc tiếp xúc riêng và cả trong những cuộc tranh biện sau này của HĐBA. Theo nhận định của một trong những cố vấn ngoại giao hàng đầu của Thủ tướng Anh, “so với Nga, Ấn Độ hay Nam Phi thì Trung Quốc đã rất im ắng về vấn đề Libya”.[27] Mối quan hệ song phương với Qaddafi chưa bao giờ nồng ấm, và vị Đại tá này là một trong ít những nhà lãnh đạo của châu Phi xa lánh sự kiện ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc năm 2006 khi mà Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc – châu Phi (FOCAC) đã thu hút 47 nguyên thủ và thủ tướng các nước châu Phi đến Bắc Kinh. Qaddafi đã đến thăm Trung Quốc lần cuối vào năm 1982, và việc ông gửi thứ trưởng ngoại giao của mình đến FOCAC bị các nhà ngoại giao Trung Quốc xem như một sự mất mặt đối với nước này.[28]

Ngay cả khi quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Lybia thực tế vẫn tiếp tục sau năm 2006, cũng không có nhiều nước mắt thương tiếc trong cuộc nổi dậy chống Qaddafi năm 2011. Rất nhiều đại sứ của Hội đồng Bảo an hiểu rằng Libya không phải là ưu tiên của Trung Quốc , với việc Trung Quốc ủng hộ chuyển các lãnh đạo của chế độ Qaddafi lên Tòa án Tội phạm Quốc tế, và bỏ mặc Nga trở thành tiếng nói đơn độc gay gắt phản đối những luận điểm can thiệp mạnh mẽ của phương Tây. Vào tháng 5 năm 2011, Trung Quốc nhấn mạnh “không thể có bất kỳ cố gắng thay đổi chế độ hay tham gia vào các cuộc nội chiến của bất kỳ bên nào dưới chiêu bài bảo vệ dân thường… Chúng tôi chống lại bất cứ ai cố ý giải thích lệch lạc nghị quyết hoặc có những hành động vượt quá những gì nghị quyết cho phép”[29]. Nhưng món ăn truyền thống của Trung Quốc về việc không can thiệp vào nội bộ nước khác, đôi khi được viện dẫn ra để chứng minh rằng phương Tây đã “lừa” Trung Quốc ủng hộ nghị quyết 1973 với những lời hứa suông, cần phải được thưởng thức với một chút gia vị của chính sách chính trị thực dụng. Cố vấn an ninh quốc gia Nam Phi, Welile Nhlapo, đã gọi nó một cách chính xác là “không thể tin được rằng một vài thành viên thường trực Hội đồng Bảo an không hiểu ngụ ý của nghị quyết với Qaddafi trong câu “dùng đến tất cả các biện pháp cần thiết”.[30]

Bắc Kinh hiểu đúng và đầy đủ rằng thay đổi chính quyền là một kết cục gần như tất yếu – và điều này tốt cho các lợi ích kinh tế Trung Quốc hơn là một cuộc nội chiến kéo dài – và nước này đã quyết định không sử dụng quyền phủ quyết. Như thế, Trung Quốc đã cố gắng cân bằng mối ràng buộc lịch sử với chính sách không-can-thiệp và nhìn nhận thực tế của nước này về tình hình Libya. Ít sự kiện có thể tiết lộ nhiều hơn về chủ nghĩa thực dụng Trung Quốc hơn là sự thật rằng, trong vòng 24h sau cái chết khủng khiếp của Qaddafi tháng 10 năm 2011, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu miêu tả vị lãnh đạo Libya như một “kẻ điên”, thúc giục những nhà cầm quyền mới của Tripoli lật sang trang mới và xây dựng mối quan hệ với Bắc Kinh, và ngừng những bình luận về chủ nghĩa đế quốc NATO.[31]

Một cách chính thức thì Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn duy trì sự phản đối về việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc vẫn thường xuyên chỉ trích sự can thiệp của phương Tây và những quy định về tự do – dân chủ mà phương Tây áp đặt lên các nhà nước châu Phi. Chưa hết, hồ sơ của Trung Quốc cho thấy định nghĩa của nước này về “can thiệp” và “làm ổn định” có thể được nới rộng hơn nhiều so với những gì có thể tưởng tượng cách đây 10 năm. Vào lúc diễn ra cuộc xâm lược Iraq năm 2003, điểm cao trào trong sự hung hăng đơn phương từ Mỹ, ngay sau cuộc chiến tranh “bất hợp pháp” khác ở Kosovo – Serbia (bao gồm vụ đánh bom vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999), không một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nào đã cho rằng Bắc Kinh sẽ bật đèn xanh cho nhiều hoạt động quân sự được phương Tây lãnh đạo hoặc tài trợ tại các nước đang phát triển. Cũng không ai cho rằng vào năm 2011 hải quân Trung Quốc có thể bảo vệ chính lợi ích của quốc gia này một cách trực tiếp, cùng với những hoạt động của phương Tây trên những vùng biển mà nước này chưa từng hiện diện trong lịch sử.

Trường hợp điển hình của Sudan

Kết luận: Ai đang thay đổi ai?

…….

Download phần còn lại của văn bản tại đây: TQ tu bo chinh sach khong can thiep- Truong hop chau Phi.pdf

———————-

[1] “The New Colonialists”, The Economist, ngày 13 tháng Ba năm 2008, http://www.economist.com/node/10853534

[2] Zhaoyu Huang, Jinfu Zhao, “China’s Relation with Africa: Building a Harmonious World,” Contemporary International Relations 19, số 1 (2009), trang 65-78.

[3] Chris Alden, Daniel Large, Ricardo Soares de Oliveira (đồng biên tập), China Returns to Africa (London: Hust & Co, 2008); Deborah Brautigam, The Dragon’s Gift (Oxford: Oxford University Press, 2011)

[4] Phỏng vấn tháng Ba năm 2014, được giữ y nguyên theo yêu cầu của người được phỏng vấn.

[5] “Full text: Tony Blair’s speech (part one),” The Guardian, ngày 2 tháng 10 năm 2001, http://www.theguardian.com/politics/2001/oct/02/labourconference.labour6.

[6] Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), The Africa Competitiveness Report 2011 (Geneva: WEF/World Bank/African Development Bank, 2011).

[7] “Full Text: China-Africa Economic and Trade Cooperation (2013),” Xinhuanet, Ngày 29 tháng 8, 2013, http://news.xinhuanet.com/english/china/2013-08/29/c_132673093_2.htm.

[8] Padraig Carmody, The New Scramble for Africa (Cambridge: Polity Press, 2011).

[9] Michael Klare, The Race for What’s Left. The Global Scramble for the World’s Last Resources (Picador, 2012).

[10] John J. Mearsheimer, The Tragedy of Great Power Politics (New York: W.W.Norton, 2001); William A. Callahan, “How to Understand China: The Dangers and Opportunities of Being a Rising Power,” Review of International Studies 31 (2007), Trang 701-714.

[11] Liu Mingfu, Zhongguo meng: hou meiguo shidai de daguo siwei yu zhanlue dingwei [China Dream. Great Power Thinking and Strategic Posture in the post-American Era] (Beijing: Zhongguo Youyi Chiban Gongsi, 2010.)

[12] Jonathan Kirshner, ‘The Tragedy of Offensive Realism: Classical Realism and the Rise of China’, European Journal of International Relations 18, số 1 (2010), trang 1-23.

[13] Mingjiang Li, “Rising from Within: China’s Search for a Multilateral World and Its Implications for Sino-US Relations,” Global Governance 17, số 3 (2011), trang 331-352.

[14] John G. Ikenberry, Liberal Leviathan. The Origins, Crisis, and Transformation of the American World Order (Princeton, Princeton University Press, 2011).

[15] Zhang Weiwei, The China Wave. Rise of a Civilizational State (Hackensack: World Century Publishing, 2012); Alastair Iain Johnston, “Is China a Status Quo Power?” International Security 27, số 4, (2003), trang 5-56.”

[16] John Ghazvinian, Untapped: The Scramble for Africa’s Oil (Mariner Books, 2008); Pierre Abramovici, “Activisme militaire de Washington en Afrique” [in French], Le Monde Diplomatique, tháng 7 2004

[17] “Looking East,” The Economist, 21 tháng 10, 2010, http://www.economist.com/node/17314616.

[18] Mark Duffield, Global Governance and the New Wars (New York: Zed Books, 2001).

[19] Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, “Security Council Meeting 6952 on the situation in Mali,” S/PV.6952,  25 tháng 4, 2013, http://www.un.org/ga/search/view_doc.asp?symbol=S/PV.6952.

[20] “First EU peacekeeping troops arrive in CAR,” France24, ngày 10 tháng 4, 2014, http://www.france24.com/en/20140409-eu-eufor-peacekeeping-troops-arrive-bangui-car-france/.

[21] Helene Cooper, “More U.S. Troops to Aid Uganda Search for Kony,” New York Times, 23 tháng 3, 2014, http://www.nytimes.com/2014/03/24/world/africa/obama-is-sendingmore-resources-for-joseph-kony-search.html.

[22] Michael Klare, Daniel Volman, “America, China and the Scramble for Africa’s Oil,”

Review of African Political Economy 33, số 108 (2006), trang 297-309.

[23] “Contributors to United Nations Peacekeeping Operations,” Liên Hợp Quốc, 31 tháng 1, 2014, http://www.un.org/en/peacekeeping/contributors/2014/jan14_1.pdf.

[24] Saferworld, Role in Peace and China’s Growing Security (Beijing: Saferworld, 2011).

[25] David Shinn, “Military and Security Relations: China, Africa, and the Rest of the World,” Robert Rotberg (biên tập), China into Africa (New York: Brookings Institute, 2008), Trang 155-196.

[26] Các đoạn văn này dựa trên những cuộc phỏng vấn mở rộng vào năm 2013 ở Bắc Kinh và Thượng Hải với các nhân vật quan trọng trong giới hoạch định chính sách ngoại giao Trung Quốc, những người đã yêu cầu giữ kín danh tính.

[27] Phỏng vấn, London, tháng 2 năm 2013

[28] Mu Chunshan, “China’s Prickly Gaddafi Ties,” The Diplomat, ngày 7 tháng 3, 2011, http://

thediplomat.com/2011/03/chinas-prickly-gaddafi-ties/.

[29] Hội đồng Bảo an LHQ, “Security Council Meeting 6531 on the Protection of civilians in armed conflict,” S/PV.6531,  ngày 10 tháng 5, 2011, http://www.securitycouncilreport.org/atf/cf/%7B65BFCF9B-6D27-4E9C-8CD3-CF6E4FF96FF9%7D/POC%20S%20PV%206531.pdf.

[30] Phỏng vấn ở Pretoria, Nam Phi, tháng 2 năm 2013

[31] Christopher Bodeen, “Gadhafi goes from ‘strongman’ to ‘madman’ in China,” Associated Press, 21 tháng 10, 2011.