Nguồn: Yu Yongding, “China faces challenges but bears beware of betting on collapse”, East Asia Forum, 28/12/2014.
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
George Orwell từng nhận xét: “Những kẻ đang chiến thắng có vẻ như sẽ luôn bất khả chiến bại”. Cách đây không lâu, nhiều người phương Tây đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành nền kinh tế đứng đầu thế giới.
Dù vậy, trong vòng hai năm qua nhiều người phương Tây đã bắt đầu nhận ra những nguy cơ sắp xảy ra ở Trung Quốc. Tình trạng bất ổn lao động, bong bóng nhà đất ngày càng phình to, hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking), nợ chính quyền địa phương tăng cao và tình trạng dư thừa sản xuất (overcapacity) chung quy lại đều cho thấy một điều: sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc đang đến gần.
Nhưng không như kỳ vọng của những người có suy nghĩ bi quan về nền kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế nước này sẽ một lần nữa đi ngược lại những dự báo tồi tệ của năm 2014. Tăng trưởng năm 2014 được kỳ vọng sẽ gần đạt mục tiêu 7,5% mà chính phủ đặt ra.
Nhưng các nhà kinh tế Trung Quốc cũng không hề lạc quan về triển vọng kinh tế của nước này. Họ đều cho rằng nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào “thời kỳ bình thường mới” (new normal) được đặc trưng bởi ba sự thay đổi. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng ở mức cao giờ chỉ còn là chuyện của quá khứ. Tốc độ tăng trưởng trong tương lai sẽ xấp xỉ hoặc thấp hơn mức 7%, một con số không mấy ấn tượng. Thứ hai, chừng nào mà tốc độ tăng trưởng vẫn còn trên một mức nào đó (chưa được chính phủ xác định) – có thể là 7%, chính phủ sẽ tránh sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để kích thích tăng trưởng thậm chí cả trong trường hợp vẫn còn ngân sách dự trữ. Thứ ba, nhiều cuộc cải cách mang định hướng thị trường hơn nữa sẽ được thực hiện một cách cứng rắn hơn dù phải đánh đổi tốc độ tăng trưởng đến một mức độ nào đó.
Giải quyết tình trạng dư thừa sản xuất vẫn sẽ là chìa khóa của triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2015. Đầu tư và xuất khẩu đã và đang là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong suốt hai thập kỷ. Đầu tư của Trung Quốc bao gồm ba thành tố chính: sản xuất, bất động sản và cơ sở hạ tầng, chiếm lần lượt 34, 23 và 18% tổng đầu tư tài sản cố định trong năm 2013 theo báo cáo của Morgan Stanley.
Với vai trò là động lực quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ năm 1998, đầu tư bất động sản luôn duy trì mức tăng trưởng hơn 20% một năm.
Ngày nay, sau hơn một thập kỷ rưỡi đổ xô vào đầu tư bất động sản, Trung Quốc đã hoàn thành hơn 700 khách sạn năm sao và khoảng 500 khách sạn năm sao khác đang được xây, cùng với 470 tòa nhà chọc trời đã xuất hiện bên cạnh 332 tòa nhà khác đang trong quá trình xây dựng. Năm trong số mười tòa nhà cao nhất thế giới đang trong quá trình xây dựng đều ở Trung Quốc. Là một quốc gia với thu nhập bình quân đầu người ở mức 6.700 USD/năm, tỉ lệ sở hữu nhà đất ở Trung Quốc đã vượt con số 80%, vượt trội so với tỉ lệ 65% ở Hoa Kỳ và 40% ở Đức. Không gian sinh sống trên đầu người của Trung Quốc vào khoảng 30 mét vuông. Trái lại, không gian sinh sống trung bình của một gia đình ở Hồng Kông là ít hơn 48 mét vuông trong khi thu nhập trung bình ở Hồng Kông là hơn 52.000 USD/năm, cao gấp hơn tám lần mức thu nhập trung bình ở Đại lục.
Chính phủ Trung Quốc lo lắng về bong bóng bất động sản và sự bất mãn ngày càng tăng đối với giá nhà đất cao ngất ngưởng, đặc biệt là sự bất mãn của người dân sinh sống ở các đô thị. Một đôi vợ chồng trẻ ở Thượng Hải phải làm việc suốt 24 năm và không được chi tiêu gì thì mới tiết kiệm đủ tiền để mua một căn hộ tầm trung. Kể từ khi chính phủ tiến hành chính sách kiểm soát chặt chẽ, tới tháng 10/2014, tăng trưởng bất động sản đã tụt xuống mức 12,6% .
Tốc độ đầu tư vào bất động sản giảm xuống không chỉ tác động trực tiếp tới tăng trưởng mà còn kéo cả nền kinh tế đi xuống thông qua các tác động của nó đối với đầu tư sản xuất. Từ đầu thập niên 2000, chính phủ đã coi phát triển bất động sản là ngành trụ cột của nền kinh tế. Phần lớn hoạt động kinh tế phụ thuộc vào sự phát triển của bất động sản.
Ngành công nghiệp thép là một trường hợp cho thấy sự phụ thuộc này. Trung Quốc đã xây dựng hàng ngàn nhà máy thép với công suất 1 tỉ tấn, chiếm khoảng một nửa công suất toàn cầu. Với việc tốc độ phát triển bất động sản chậm lại, các nhà máy này ngay lập tức gặp khó khăn. Năm 2014, tiền lãi thu được từ hai tấn thép chỉ đủ để mua một cái kẹo mút. Năm 2015 tình hình sẽ không thay đổi nhiều. Điều tương tự cũng xảy ra đối với rất nhiều ngành công nghiệp khác trong khu vực sản xuất. Thật khó tưởng tượng được làm thế nào để tốc độ tăng trưởng đầu tư vào sản xuất có thể tăng lên đủ để bù đắp được những tác động do sự suy giảm đầu tư vào bất động sản gây ra.
Vẫn còn chỗ cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đang cố gắng xây thêm đường sắt và đường cao tốc. Cái gọi là chiến lược Con đường Tơ lụa Mới sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt tác động tiêu cực tạo ra bởi sự dư thừa sản xuất. Nhưng vì năng lực hấp thụ (absorption capacity) và nguồn vốn có giới hạn, Trung Quốc sẽ không còn có thể hoặc sẽ không muốn tái khởi động một gói kích thích đầu tư 4 nghìn tỉ nhân dân tệ (586 tỉ USD) mới vào cơ sở hạ tầng.
Còn xuất khẩu và tiêu dùng thì sao? Xuất khẩu đã là trở lực đối với tăng trưởng từ nhiều năm nay. Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới. Thế giới lại quá nhỏ bé để Trung Quốc có thể giữ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nó ở mức cao như trong lịch sử. Về tiêu dùng (trong nước), những năm gần đây tiêu thụ hộ gia đình đã tăng đều đặn dù có một vài giai đoạn thăng trầm. Nhưng vì tỉ lệ của nó tương đối nhỏ so với quy mô nền kinh tế và sức ì của người tiêu dùng, tăng trưởng tiêu dùng trong nước không thể trở thành động cơ của tăng trưởng chỉ trong chớp mắt.
Trung Quốc cần phải dịch chuyển từ tăng trưởng dựa trên nhu cầu sang tăng trưởng dựa trên sáng tạo. Chỉ khi điều này xảy ra thì cung mới tự động tạo ra cầu và tình trạng dư thừa sản xuất kiểu Trung Quốc mới có thể chấm dứt. Tuy nhiên điều này không còn chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế và sự thay đổi sẽ cần thời gian. Thậm chí nếu Trung Quốc lựa chọn sự điều chỉnh này, một vài yếu tố không thuận lợi về dài hạn – như dân số già hóa – sẽ âm thầm gây cản trở và khiến tương lai kinh tế của Trung Quốc khó có thể đoán trước.
Nói tóm lại, sau 30 năm tăng trưởng chóng mặt, Trung Quốc đã đạt đến một giai đoạn mới. Chất chứa đầy rẫy những vấn đề nghiêm trọng, cỗ xe kinh tế Trung Quốc cần phải đi chậm lại. Tỉ lệ đòn bẩy doanh nghiệp đang đặc biệt đáng lo ngại. Các khoản nợ chính quyền địa phương sẽ ngày càng chồng chất bởi sự suy giảm tốc độ tăng trưởng.
Dù vậy, Trung Quốc có năng lực phi thường trong việc xoay xở và giữ cho nền kinh tế tiếp tục vận hành. Năm 2015 Trung Quốc sẽ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%. Bất chấp những điểm yếu trong hệ thống tài chính nước này, thật khó để hình dung ra việc một cuộc khủng hoảng sẽ có thể xảy ra trong năm 2015. Đánh cược vào sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc đang đến gần là một công việc mạo hiểm. Đây là một bài học cơ bản mà những người bi quan về Trung Quốc có lẽ nên biết từ lâu.
Yu Yongding là cựu Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc. Ông là Khách mời Đặc biệt của Ngân hàng Trung ương Australia.