Nguồn: Michael D. Swaine, “China: The Influence of History”, The Diplomat, 14/01/2015.
Biên dịch: Lương Khánh Ninh | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng
Lịch sử tác động đến suy nghĩ và cách hành xử của người Trung Quốc ngày nay như thế nào?
Với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở châu Á và các khu vực khác, nhiều nhà phân tích tìm đến lịch sử Trung Quốc để tìm hiểu xem một nước Trung Quốc hùng mạnh sẽ hành xử và nhìn nhận thế giới như thế nào trong tương lai. Nhiều nỗ lực áp dụng lăng kính lịch sử ấy đã mắc phải lỗi đơn giản hóa quá mức và diễn giải sai lệch mối liên hệ với hiện tại và ý nghĩa của lịch sử hàng trăm năm tư tưởng và cách hành xử của người Trung Quốc.
Xem thêm:
Trung Quốc thường bị nhìn nhận một cách sai lầm như thể nó đã tồn tại trong vai trò một thực thể toàn vẹn đơn nhất trong hàng thế kỷ, có quan điểm về chính trị và an ninh giống nhau trong mỗi giai đoạn phát triển và hành xử như một quốc gia-dân tộc hiện đại. Đặc biệt, một số nhà quan sát còn tùy tiện khẳng định rằng Trung Quốc đã luôn muốn tìm cách thống trị thế giới của họ bằng sức mạnh cứng, thường thành công trong việc này và theo lẽ tự nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách đạt được vị thế thống trị tương tự trong tương lai.
Thực tế lại phức tạp và nhiều sắc thái hơn. Trong thời kỳ tiền hiện đại, cách hành xử an ninh của Trung Quốc rất khác nhau trong từng triều đại và trong những thời kỳ mạnh yếu khác nhau. Sự khác biệt là quá lớn đến nỗi một số sử gia Trung Quốc tin rằng không thể thực sự khái quát hóa truyền thống ngoại giao và cách hành xử an ninh của Trung Quốc, chứ chưa nói đến việc áp dụng những bài học ấy vào hiện tại và tương lai. Thật vậy, nhiều sử gia tin chắc rằng sự xuất hiện của các quốc gia-dân tộc (trên thế giới – ND) và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20 bên cạnh những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một nhà nước và xã hội vững mạnh, thịnh vượng và hiện đại mang đến một bối cảnh phù hợp và đáng tin cậy hơn rất nhiều so với thời kỳ tiền hiện đại để từ đó ta có thể hiểu được cách hành xử an ninh của Trung Quốc trong hiện tại và tương lai.
Vậy thì lịch sử có tác động như thế nào đến suy nghĩ và cách hành xử của người Trung Quốc trong hiện tại và nó có thể sẽ tác động như thế nào trong tương lai, khi sức mạnh và sức ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên? Những bài học mà lịch sử để lại được thể hiện ở ba loại thái độ sau: niềm tự hào dân tộc đi đôi với tâm lý rất sợ tình trạng hỗn loạn; một hình ảnh được khắc sâu trong tâm trí người dân về một xã hội yêu chuộng hòa bình và thiên về phòng vệ (hơn là gây hấn – NBT) cùng với một chính quyền trung ương vững mạnh và có đạo đức; và một quan điểm về quan hệ quốc tế độc đáo, theo đó quan hệ giữa các nước có tính thứ bậc nhưng lại nhằm mang lợi ích cho tất cả các bên.
Về điểm thứ nhất, hầu hết người dân Trung Quốc đều rất tự hào về lịch sử lâu đời của đất nước mình – một nền văn hóa có sức sống mãnh liệt, sống động và một thực thể chính trị-xã hội có tầm ảnh hưởng to lớn. Họ tin rằng Trung Quốc nằm trong nhóm những cường quốc hàng đầu của châu Á, và xét trên một vài khía cạnh, của cả thế giới. Họ cũng vô cùng tự hào về những thành tựu của Trung Quốc trong suốt thời kỳ cải cách kinh tế theo định hướng thị trường bắt đầu từ cuối thập niên 1970 và đánh giá rất cao việc đất nước có tốc độ tăng trưởng mạnh và đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, và tự hào vì những thành tựu của Trung Quốc được kính trọng trên trường quốc tế. Mặc dù nhiều người Trung Quốc đánh giá cao việc họ được hưởng nhiều quyền tự do hơn nhờ các cuộc cải cách, dường như đa số dân chúng vẫn rất e sợ rằng tình trạng hỗn loạn về mặt chính trị-xã hội sẽ tái diễn, giống như những gì đã xảy ra trong thời cận đại (khoảng từ giữa thế kỷ 19 đến nay).
Đối với nhiều người Trung Quốc, những trải nghiệm của họ đối với tình trạng hỗn loạn gắn liền với những thiệt hại về người và của mà các cường quốc thực dân phương Tây và Nhật Bản gây ra cho Trung Quốc trong thế kỷ 19 và 20 (hay còn được gọi là “thế kỷ ô nhục” – century of humiliation). Hơn nữa, nhiều người Trung Quốc cho rằng sự tự do cá nhân và tự do chính trị theo kiểu phương Tây có thể gây ra tình trạng hỗn loạn ở một đất nước rộng lớn như Trung Quốc, nơi có vô số người có thu nhập thấp và không được giáo dục đầy đủ, tỉ lệ tham nhũng ở mức cao và một nền xã hội dân sự còn yếu kém.
Những mối lo ngại này cộng với niềm mong muốn của rất nhiều người Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ lại trở thành một quốc gia hùng mạnh và giàu có dẫn đến kết quả là đại đa số người dân đều đề cao một chính quyền trung ương vững mạnh, thống nhất và mang niềm tự hào dân tộc được dẫn dắt bởi những cá nhân “có đạo đức” luôn lo lắng cho lợi ích của nhân dân. Người Trung Quốc không có xu hướng ủng hộ một hệ thống chính trị tự do dân chủ và phân quyền theo kiểu phương Tây, dù có xét trên phương diện lịch sử hay văn hóa. Niềm tin này chỉ đang dần thay đổi trong một số thành phần thuộc giới cư dân thành thị được giáo dục đầy đủ hơn. Còn đối với đại đa số người Trung Quốc, phương Tây chỉ đơn thuần cung cấp công cụ cho Trung Quốc trở nên hùng mạnh và thịnh vượng hơn chứ không cung cấp các mô hình chính trị và xã hội để đất nước họ noi theo.
Về nhóm đặc điểm thứ hai, sự tuyên truyền trong suốt nhiều năm của nhà nước CHND Trung Hoa cũng như cách diễn giải lịch sử Trung Quốc do những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa nhà nước (statist nationalists) (dù theo Đảng Cộng Sản hay Quốc Dân Đảng) đưa ra đã khắc sâu trong tâm trí đại đa số người Trung Quốc một cái nhìn về hình ảnh đất nước họ trên thế giới như một quốc gia yêu chuộng hòa bình và không đe dọa nước khác, thiên về bảo vệ lãnh thổ và sự phát triển bên trong, và, xét về lợi ích căn bản của đất nước, gần gũi với các quốc gia đang phát triển hơn là các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến.
Hơn nữa, khu vực biên giới bất ổn cộng với tính dễ bị tổn thương từ những cuộc tấn công đến từ vùng ngoại biên trong suốt giai đoạn lịch sử tiền hiện đại lâu dài của Trung Quốc và trải nghiệm về việc bị người ngoài hạ nhục trong một thế kỷ đã khắc sâu trong tâm trí người Trung Quốc sự hoài nghi về âm mưu của ngoại bang nhằm thao túng nền nội trị Trung Quốc. Kết quả là rất nhiều người Trung Quốc rất hay coi sự “bá quyền” hay sự thống trị của phương Tây (đặc biệt là của Mỹ) trên thế giới như là một phần của xu hướng lịch sử lâu dài mà trong đó các cường quốc mạnh hơn can thiệp nội bộ và hãm hại các cường quốc yếu thế hơn. Vì vậy mà đối với nhiều người Trung Quốc, phương Tây hỗ trợ cho sự tăng trưởng của Trung Quốc vì động cơ lợi ích cá nhân (và có lẽ là cả để làm biến đổi Trung Quốc) chứ không phải chủ yếu để “giúp đỡ” người dân nước này.
Thứ ba, Trung Quốc là một quốc gia đầy mâu thuẫn. Cùng với những quan điểm và tình cảm đã trình bày ở trên, nhiều người Trung Quốc lại ngưỡng mộ những thành tựu mà phương Tây đạt được và ở một mức độ nào đó còn tìm cách phấn đấu học tập cách làm của phương Tây, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và một số lĩnh vực xã hội. Cũng có nhiều người Trung Quốc ngưỡng mộ nền tự do kiểu Mỹ và nhìn chung có thiện cảm với người Mỹ. Đối với một số người của thế hệ cao tuổi và được giáo dục đầy đủ, lịch sử quan hệ Trung-Mỹ trước năm 1949 cung cấp rất nhiều ví dụ về cách hành xử tích cực của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Thêm vào đó, bất chấp những điểm tương đồng của Trung Quốc với các quốc gia đang phát triển và sự nghi ngờ sâu sắc của người dân Trung Quốc đối với phương Tây vốn được họ coi là ngang ngạnh và bá quyền, nhiều người Trung Quốc có quan điểm về lịch sử rằng ở một mức độ nào đó, hệ thống quốc tế vốn mang tính thứ bậc và những cường quốc lớn hơn và hùng mạnh hơn có nghĩa vụ và trách nhiệm dẫn dắt và định hình các cường quốc nhỏ hơn theo hướng cùng có lợi. Đối với nhiều người Trung Quốc, tôn trọng, kính nể lẫn nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm là những thành tố quan trọng của cách hành xử lý tưởng giữa các quốc gia. Điều này phần nào không chỉ phản ánh vị trí lịch sử của Trung Quốc ở châu Á mà còn phản ánh niềm tin của nhiều người Trung Quốc rằng sự tuân thủ những nguyên tắc ứng xử phù hợp có thể xác định các mối quan hệ trong một thế giới mang tính thứ bậc. Còn các cường quốc mang tính bá quyền đương nhiên không tuân thủ những nguyên tắc này.
Dĩ nhiên, một số người Trung Quốc tìm cách thao túng khái niệm này để phục vụ những mục đích thực dụng và đôi khi vị kỷ hơn. Và chí ít thì cũng có một số người Trung Quốc tin rằng tất cả các cường quốc quan trọng, bao gồm cả Trung Quốc, đều có xu hướng bá quyền. Nhưng trên hết, đại đa số người Trung Quốc dường như tin rằng vị trí xứng đáng của Trung Quốc trong trật tự quốc tế là một cường quốc quan trọng (nhưng không thống trị tuyệt đối) mà quan điểm của Trung Quốc phải được tôn trọng nhưng Trung Quốc lại tồn tại trong sự hài hòa tổng thể với các nước khác. Điều này quả thật khác xa khái niệm cho rằng Trung Quốc là một con thủy quái hồi sinh với quyết tâm thống trị châu Á và thế giới.
Michael D. Swaine là chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace).