Phát triển kinh tế thúc đẩy dân chủ nhưng có ngoại lệ

Print Friendly, PDF & Email

_76109186_1a9aa7f2-100c-492a-800f-c80750996928

Nguồn: Daniel Treisman, “Economic development promotes democracy, but there’s a catch”, The Washington Post, 29/12/2014.

Biên dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Trang | Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Liệu phát triển kinh tế có làm cho các quốc gia trở nên dân chủ hơn không? Rất nhiều tài liệu đã cho là có. Chỉ trừ một vài nước xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu nằm ở khu vực vịnh Ba Tư, còn lại hầu hết các nước giàu có nhất đều có chính phủ có trách nhiệm giải trình và phản ứng tốt (với đòi hỏi của người dân).

Tuy nhiên, cứ khi sắp có sự đồng thuận về vấn đề này thì những ý kiến trái chiều lại xuất hiện. Những người phản đối quan điểm này và có ảnh hưởng lớn đã chỉ ra nhiều trường hợp ngoại lệ và đề xuất các lý thuyết thay thế. Có lẽ các yếu tố khác đã khiến một số nước có thể vừa thúc đẩy phát triển kinh tế và vừa hình thành nên được các thể chế dân chủ, trong đó không có quan hệ nhân quả giữa hai vấn đề này. Và chúng ta lý giải thế nào về trường hợp các quốc gia đã tăng trưởng [kinh tế] trong suốt nhiều năm, mặc dù không có dấu hiệu nào của tự do chính trị? Trường hợp Tây Ban Nha dưới thời Tướng Franco, Indonesia dưới thời Tổng thống Suharto, và Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin thì sao?

Trong một bài viết gần đây, tôi đã đề xuất một cách giải thích tại sao cuộc tranh luận này vẫn chưa kết thúc. Phát triển kinh tế sẽ mang lại tự do dân chủ nhưng không phải theo con đường nhẹ nhàng hay đi thẳng. Vào những thời điểm nhất định, thu nhập của một quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình phát triển chính trị, nhưng ở những khoảng thời gian khác thì lại hoàn toàn không có ảnh hưởng gì. Câu trả lời nằm ở sự chuyển tiếp lãnh đạo. Khi các nhà nước chuyên chế càng trở nên giàu có, họ càng có xu hướng dân chủ hơn – nhưng tác động của sự phát triển lại tập trung vào những năm đầu sau khi những lãnh đạo chuyên chế mới lên cầm quyền.

Hãy thử lấy ví dụ là Tây Ban Nha. Dưới thời Franco, người bắt đầu cầm quyền từ năm 1939, Tây Ban Nha từ một vũng lầy nông thôn đã trở thành nền kinh tế công nghiệp đứng thứ 11 thế giới lúc đó. Khi Franco chết vì già yếu năm 1975, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) trên đầu người của Tây Ban Nha đã tăng gấp 4 lần, và số thuê bao điện thoại tăng hơn 250 lần. Nhưng chính quyền này vẫn là một chế độ chuyên quyền độc tài và tàn bạo.

Tuy nhiên, chỉ trong vài năm, chỉ số xếp hạng dân chủ của Tây Ban Nha đã vụt lên hàng đầu. Các nhà sử học nhìn thấy rõ mối quan hệ giữa sự hiện đại hóa đa diện về kinh tế và xã hội trong những năm 1960 và sự chuyển đổi chính trị của nước này vào cuối những năm 1970. Phát triển kinh tế đã đặt nền móng cho nền dân chủ, nhưng người ta chỉ nhận thấy tác động của nó sau khi Tướng Franco rời chính trường.

Biểu đồ dưới đây về Tây Ban Nha giải thích tại sao chúng ta khó nhìn thấy được ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế nếu chỉ có tầm nhìn ngắn hạn. Biểu đồ dựng cột phải là điểm Chính thể – theo thang độ từ -10 (độc tài toàn diện) đến +10 (dân chủ toàn diện) và cột trái là GDP trên đầu người (theo giá đô-la năm 1990). Liệu hai vấn đề này có liên quan đến nhau hay không? Nếu chỉ nhìn vào biến động hàng năm, chúng ta sẽ không nhận thấy rõ mối liên hệ. Thực tế thì hai đường biểu đồ chỉ di chuyển cùng hướng trong vài năm sau 1975. Hầu hết thời gian còn lại, điểm Chính thể khá bằng phẳng, dường như không bị ảnh hưởng bởi thu nhập vẫn tăng ổn định của đất nước này.

Spain

Minh họa: Daniel Treisman/The Monkey Cage

Trong thời gian một nhà độc tài nắm quyền, ví dụ như Franco, thu nhập tăng lên không đồng nghĩa với sự tự do dân chủ. Tuy nhiên, trong thời gian thay đổi lãnh đạo, mối quan hệ giữa thu nhập và tự do hóa chính trị là rất rõ ràng. Do luôn có sự thay đổi lãnh đạo nếu chờ đợi đủ lâu, nên mối quan hệ giữa thu nhập và dân chủ sẽ được hiển thị rõ nét hơn trong phân tích thống kê tương đối dài hạn – tức khoảng thời gian từ 10-20 năm – so với nếu chỉ có tầm nhìn hàng năm hoặc trong kì hạn 5 năm.

Franco không phải là nhà lãnh đạo duy nhất kìm hãm dân chủ. Danh sách sau đây liệt kê 21 nhà lãnh đạo phi dân chủ từ năm 1875 đến 2004 mà trong thời gian họ cầm quyền, GDP trên đầu người lên tới 6.000 USD (theo giá năm 1990). Các nhà độc tài này không ủng hộ chính phủ tự do: dưới thời của họ, các thể chế chính trị nhìn chung đã trở nên ít dân chủ hơn. Tuy nhiên sau khi họ rời chính trường, những áp lực mà họ tạo ra đã bùng nổ. Trong 3/4 các trường hợp, sự tự do hóa chính trị diễn ra chỉ trong thập kỉ đầu tiên sau khi các nhà độc tài rời ghế quyền lực, và thường là những bước đột phá mạnh mẽ. Nhìn chung, điểm Chính thể của các nước này tăng hơn 8 điểm trên thang 21 điểm chỉ trong khoảng một thập kỷ đó.

Dictators

Điều đặc biệt gì ở các nhà độc tài lâu năm đã phá vỡ mối quan hệ (nhân quả) giữa phát triển [kinh tế] và dân chủ? Có phải do các nhà độc tài thay đổi dần theo thời gian? Có phải do càng nắm quyền lực lâu dài thì họ càng trở nên phản động? Hay chỉ các nhà độc tài phản động (ngay từ ban đầu) mới tồn tại được – một dạng cơ chế chọn lọc? Tôi tìm thấy chứng cứ cho cả hai giả thuyết, nhưng giả thuyết cơ chế chọn lọc chắc chắn hơn. Các nhà lãnh đạo chuyên chế nhiều khả năng sẽ tự do hóa [chính trị] trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của họ hơn là về sau. Nhưng những nhà cầm quyền trong thời gian dài lại có khuynh hướng tự do hóa [chính trị] thấp hơn mức trung bình, kể cả trong thời gian đầu mới lên nắm quyền. Những “người sống sót” như vậy thường không được học đại học, hoặc lên nắm quyền trước khi đất nước được hiện đại hóa, hoặc là người đứng đầu một chế độ quân chủ, nhà nước độc đảng hay nền độc tài cá nhân, chứ không phải là một chính quyền quân sự.

Nếu phát triển kinh tế khiến cho nhà độc tài khó chuyển giao nguyên vẹn chế độ cho con hoặc cộng sự, thì tại sao các nhà độc tài vẫn cho phép đất nước của mình được phát triển kinh tế? (Tất nhiên, một số người đã không cho phép điều đó – nhưng đa số là có). Có thể họ cho rằng phát triển kinh tế là thiết yếu đối với phòng thủ quân sự, nhưng có lẽ đó không phải là lí do duy nhất.

Tôi xin cung cấp bằng chứng cho một lí do khác. Có một nghịch lý là tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và hệ quả cuối cùng của nó là thu nhập quốc dân cao lại có tác động đối nghịch: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ củng cố quyền lực cho nhà độc tài, còn thu nhập quốc dân cao lại làm suy yếu chế độ độc tài đó. Sự tăng trưởng [kinh tế] vượt bậc – thúc đẩy cả thu nhập hộ gia đình và thu nhập của chính phủ – giúp nhà độc tài có khả năng cầm quyền lâu hơn. Vì vậy, các nhà độc tài có lợi ích cá nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng theo thời gian, chính sự tăng trưởng [kinh tế] đó lại thay đổi cả xã hội và giới tinh hoa cầm quyền theo những cách thức khiến chế độ đó dễ sụp đổ sau khi nhà độc tài thôi nắm quyền. Những điều tốt cho các nhà độc tài chưa hẳn đã tốt cho chế độ của ông ta.

Chế độ Franco đã chứng kiến sự phát triển kinh tế đầy mạnh mẽ. Nhưng sau khi ông qua đời thì chế độ đó cũng sụp đổ. “Trật tự mới” của Indonesia cũng không tồn tại lâu sau Suharto. Tại Nga, thời gian Tổng thống Putin cầm quyền cũng là lúc thu nhập bình quân đầu người tăng cao (tính theo sức mua ngang giá PPP năm 2011) từ khoảng 12.000 đô la lên gần 24.000 đô la, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Liệu trường hợp của Nga có giống với mô thức của Tây Ban Nha và Indonesia hay không?

Chúng ta sẽ phải chờ xem điều gì sẽ xảy ra sau khi Putin rời điện Kremlin. Tất nhiên, tăng trưởng tại các nước chuyên quyền có nền kinh tế phát triển không phải luôn  dẫn đến tự do hóa chính trị: sự tự do hóa đã không diễn ra ở Singapore, nơi Lý Quang Diệu chuyển giao quyền lực cho Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) năm 1990, khi đó GDP bình quân đầu người đã là khoảng 14.000 đô la. Rõ ràng, một số nhà độc tài ở các nước giàu có hơn đã chọn người kế nhiệm cũng phản động, khéo léo hoặc may mắn như họ.

Mặc dù đã đạt kỷ lục vượt trội về tăng trưởng, Trung Quốc chỉ vừa mới tiến đến mức thu nhập mà tại đó việc chế độ chuyên chế tiếp tục tồn tại là đáng ngạc nhiên. Sự chuyển giao quyền lực khá nhẹ nhàng tính đến thời điểm này cho ông Tập Cận Bình có thể cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tạo ra một cơ chế chuyển giao quyền lực hiệu quả hơn trong việc chọn các lãnh đạo để bảo vệ chế độ. Nhưng, như cựu lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai đã nói trong một bối cảnh khác, nói gì vào lúc này vẫn là quá sớm.

Daniel Treisman là nhà khoa học chính trị tại Đại học California, Los Angeles. Bài viết này tóm lược lại bài báo khoa học Income, Democracy, and Leader Turnover” của ông trong tạp chí American Journal of Political Science.