Lựa chọn xã hội và phúc lợi xã hội

Print Friendly, PDF & Email

615x200-ehow-images-a01-t3-f1-make-career-choice-800x800

Tác giả: Amartya Sen | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Con người luôn sinh sống theo các nhóm cộng đồng, và cuộc sống cá nhân của họ lúc nào cũng phụ thuộc vào quyết định của tập thể. Nhưng việc đưa ra lựa chọn nhóm có thể là một thách thức rất khó khăn, đặc biệt với những lợi ích và mối quan tâm khác nhau của những thành viên trong nhóm. Vậy thì quyết định tập thể nên được đưa ra như thế nào?

Một kẻ độc tài muốn kiểm soát mọi khía cạnh cuộc sống của người dân sẽ tìm cách bỏ qua ưu tiên của tất cả những người khác. Nhưng rất khó đạt được mức độ quyền lực như thế. Quan trọng hơn, người ta dễ dàng nhận ra rằng bất cứ thể chế độc tài nào cũng là cách tồi tệ để quản trị một đất nước.

Bởi thế, vì cả lí do đạo đức và thực tế, từ lâu các nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu làm thế nào mối lo ngại của các cá nhân trong một xã hội có thể được phản ánh bằng cách này hay cách khác thông qua những quyết định tập thể, ngay cả khi xã hội đó không phải là hoàn toàn dân chủ. Chẳng hạn, trong thế kỷ thứ 4 TCN, Aristotle người Hi Lạp và Kautilya người Ấn Độ đã khám phá nhiều khả năng khác nhau của lựa chọn xã hội trong những cuốn sách kinh điển của họ, theo thứ tự là Politics[i]Economics[ii] (tên cuốn sách của Kautilya trong tiếng Phạn, Arthashastra, nghĩa đen là “bàn về nguyên tắc của phúc lợi vật chất”).

Nghiên cứu về lựa chọn xã hội trở thành một bộ môn chính thức lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18, trong đó đi tiên phong là các nhà toán học người Pháp, tiêu biểu là Jean-Charles de Borda và Hầu tước de Condorcet. Không khí học thuật thời đó chịu ảnh hưởng lớn bởi Thời kỳ Khai sáng châu Âu với mối quan tâm về sự xây dựng cấu trúc lí tính của trật tự xã hội, và cam kết tạo nên một xã hội đáp ứng những mong muốn của mọi người dân.

Nhưng các nghiên cứu lý thuyết của Borda, Condorcet, và những người khác thường chỉ mang lại những kết quả khá bi quan. Đơn cử như cái gọi là “nghịch lý biểu quyết” (voting paradox) mà Condorcet đưa ra cho thấy nguyên tắc đa số có thể gặp bế tắc khi mọi lựa chọn đều bị đánh bại bằng cách biểu quyết bởi một số lựa chọn khác, do đó không lựa chọn nào có khả chiến thắng trước các lựa chọn khác.[iii]

Nền tảng chặt chẽ của lý thuyết lựa chọn xã hội trong hình thức hiện đại và có hệ thống của nó được Kenneth J. Arrow đưa ra trong luận án tiến sĩ của ông tại Đại học Columbia năm 1950. Luận án của Arrow trình bày “định lý về sự bất khả” (impossibility theorem) nổi tiếng của ông, một kết quả phân tích thanh nhã và có tầm ảnh hưởng ngoạn mục.

Lý thuyết của Arrow cho thấy ngay cả những mức độ hợp lý vừa phải trong việc đưa ra các quyết định xã hội dựa trên cơ sở xếp hạng các ưu tiên đơn giản của các cá nhân trong cộng đồng cũng không thể đồng thời được đáp ứng bởi bất kỳ quy trình nào. Khi cuốn sách dựa trên luận án của ông, Social Choice and Individual Values (Lựa chọn xã hội và Giá trị cá nhân), được xuất bản năm 1951, nó lập tức trở thành cuốn sách kinh điển.

Các nhà kinh tế, lý luận chính trị, triết học đạo đức và chính trị, xã hội học, và cả công chúng nhanh chóng để ý tới thứ có vẻ như — và thực sự là — một kết quả thê thảm. Hai thế kỷ sau khi tầm nhìn về lý tính (trong các vấn đề) xã hội nở rộ trong tư tưởng Khai sáng, dự án này đột nhiên có vẻ, ít nhất là bề ngoài, không thể tránh khỏi thất bại.

Điều quan trọng là hiểu được tại sao và làm thế nào kết quả bất khả của Arrow lại xuất hiện. Xem xét các lập luận chính thức tạo nên nền tảng cho định lý về sự bất khả, có thể thấy nếu chỉ dựa vào bảng xếp hạng ưu tiên của các cá nhân thì sẽ rất khó phân biệt được giữa các vấn đề lựa chọn xã hội khác nhau. Tính khả dụng của các thông tin có sẵn cũng bị tiêu giảm do tác động kết hợp của những nguyên tắc vô thưởng vô phạt rất phổ biến trong các cuộc tranh luận không chính thức.

Dù không thể trực tiếp suy ra từ bảng xếp hạng lựa chọn xã hội của dân chúng, việc so sánh lợi ích và thiệt hại của những cá nhân khác nhau và ghi nhận sự sung túc tương đối của họ là rất cần thiết, đặc biệt là đối với việc đưa ra những đánh giá về phúc lợi xã hội. Việc xem xét dạng cụm bảng xếp hạng ưu tiên nào gây trục trặc cho những loại hình thủ tục biểu quyết khác nhau nào cũng quan trọng không kém.

Tuy nhiên, định lý về sự bất khả của Arrow cuối cùng cũng đóng một vai trò mang tính xây dựng rất lớn trong việc nghiên cứu những gì nền dân chủ đòi hỏi, những thứ mà việc kiểm phiếu (dù không kém phần quan trọng) cũng không thể làm được. Việc làm phong phú thêm những nền tảng thông tin cơ bản của dân chủ và tận dụng nhiều hơn sự tranh biện xã hội mang tính tương tác có thể đóng góp đáng kể vào việc khiến nền dân chủ khả thi hơn, và cũng cho phép đánh giá phúc lợi xã hội một cách duy lý.

Như vậy lý thuyết lựa chọn xã hội đã trở thành một ngành nghiên cứu rộng, bao quát một loạt các vấn đề khác nhau. Trong điều kiện nào thì nguyên tắc đa số đưa ra được những quyết định rõ ràng và nhất quán? Những thủ tục biểu quyết khác nhau hiệu quả đến đâu trong việc đưa ra những kết quả thuyết phục? Làm thế nào chúng ta đánh giá được một xã hội về tổng thể tốt đẹp đến đâu nếu tính đến việc nó đáp ứng các lợi ích khác biệt của từng cá nhân ra sao?

Chưa hết, làm thế nào chúng ta có thể phục vụ các quyền và tự do cá nhân trong khi đem lại sự công nhận phù hợp cho những mong muốn chung của tất cả? Làm thế nào chúng ta có thể định lượng tổng mức đói nghèo nếu tính đến các mức độ khó khăn và khổ sở khác nhau của các cá nhân đa dạng, những người cấu thành nên xã hội? Làm thế nào chúng ta đạt được sự đánh giá xã hội về các hàng hóa công ví dụ như môi trường tự nhiên?

Ngoài những vấn đề này, một lý thuyết về công lý có thể đúc rút được nhiều điều từ những góc nhìn sâu và kết quả phân tích của lý thuyết lựa chọn xã hội (như tôi đã thảo luận trong cuốn sách xuất bản năm 2009 của tôi có tựa đề The Idea of Justice [Tư tưởng về Công bằng]). Hơn nữa, những hiểu biết có được từ các lý thuyết lựa chọn xã hội về quyết định tập thể cũng hữu ích đối với một số nghiên cứu khác vốn không trực tiếp là một phần của lý thuyết lựa chọn xã hội — chẳng hạn như nghiên cứu về hình thức và hậu quả của bất bình đẳng giới, hay về nguyên nhân và việc phòng chống nạn đói.

Mức độ ảnh hưởng và sự phù hợp của lý thuyết lựa chọn xã hội là rất rộng lớn. Thay vì làm suy yếu sự theo đuổi lý tính (trong các vấn đề) xã hội, định lý về sự bất khả đầy thách thức của Arrow cùng một khối lượng văn liệu đồ sộ mà nó truyền cảm hứng đã tăng cường mạnh mẽ khả năng suy nghĩ một cách có lí tính của chúng ta về những quyết định tập thể vốn làm nền tảng cho sự tồn tại và hạnh phúc của chúng ta.

Amartya Sen là nhà kinh tế học, triết gia Ấn Độ. Năm 1998, ông trở thành người châu Á đầu tiên được trao giải Nobel Kinh tế.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

—————

[i] Cuốn sách này đã được xuất bản tại Việt Nam dưới tựa đề Chính trị luận, Alpha books, 2013 – ND.

[ii] Kinh tế luận. Trong các tài liệu tiếng Việt, cuốn sách này còn được biết đến dưới tựa đề Luận về bổn phận – ND.

[iii] Nghịch lý biểu quyết còn được biết đến dưới tên Nghịch lý Condorcet. Một ví dụ là giả sử có 3 người (1, 2, và 3) với ba lựa chọn (A, B, và C) như sau: 1: A-B-C (1 ưu tiên A hơn B, và ưu tiên B hơn C); 2: B-C-A; 3: C-A-B. Giả sử B thắng (1 và 2 ưu tiên B trong khi 3 thì không) thì C hay A cũng có thể thắng bằng cách lí luận tương tự. Lựa chọn này rốt cuộc rơi vào vòng luẩn quẩn – ND.