Đòn ngăn chặn cách mạng từ xa của Putin

russia-ukraine-citizenship-bill.si

Nguồn: Alexander Etkind, “Russia’s Preemptive Counter-Revolution”, Project Syndicate, 27/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Quang Khải | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng

Năm 2014, Tổng thống Vladimir Putin đã đưa nước Nga trở lại chế độ độc tài. Từ Điện Kremlin tới Crimea, người dân Nga đang phải đối phó với lòng tham, nỗi kinh hoàng và sự xảo trá của một nhà độc tài, kẻ mà chỉ trong vòng một năm đã loại bỏ hết mọi sự kiểm soát còn lại nào đối với quyền hành của ông ta.

Xét về nhiều khía cạnh, chế độ độc tài của Putin mang tính chất nguyên thủy. Sự độc đoán ấy sinh ra từ những cảm xúc tầm thường hơn là những động lực ý thức hệ thời Xô-viết. Mặc dù Putin đã cố gắng cấy vào đầu dân chúng Nga ham muốn về một đế chế với việc xâm lược Crimea và can thiệp vào miền Đông Ukraine, nhưng những hành động ấy chẳng khác nào bịt mặt ăn cướp nửa đêm; sự vinh quang do chúng đem lại sẽ chẳng tồn tại lâu dài.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa đồng nghiệp của tôi không đồng tình với quan điểm đó. Họ một mực cho rằng chế độ của Putin là sản phẩm tiếp nối những di sản của truyền thống văn hóa Nga. Họ cho rằng nước Nga đã kế thừa một loại DNA văn hóa không thể bị biến đổi bởi các cuộc cách mạng, và như thể có một loại gene xấu nào đó đã thúc đẩy hành động xâm lược đế quốc hiện nay của Kremlin ở Ukraine (và, nếu những nguy cơ từ phía Putin là có thực, thì Kazakhstan có thể là mục tiêu tiếp theo). Một số người khác cho rằng sự tiếp nối truyền thống ấy có được là nhờ tính cách dân tộc. Họ lập luận rằng bản chất đặc thù của người Nga khiến dân tộc này ủng hộ Putin như họ đã từng ủng hộ Stalin và vương triều Romanov vậy.

Những lập luận kể trên đều là vô căn cứ. Các đế chế sinh ra rồi lụi tàn, truyền thống cũng vậy. Nga hoàng hay chính ủy nào cũng vậy, từ Catherine II đến Putin, lúc nào cũng có những người lãnh đạo sẵn sàng rút lui. Alexander II bán Alaska; Lenin rút khỏi Ukraine để hòa hoãn với Đức; Gorbachev rút chân khỏi Trung Âu trong một nỗ lực nhằm chấm dứt Chiến tranh Lạnh.

Quan niệm cho rằng người Nga muốn có một nhà lãnh đạo độc đoán cũng sai lầm nốt. Đầu năm 2015, tỉ lệ ủng hộ ông Putin vẫn duy trì ở mức cao (mặc dù những con số này chẳng đáng tin cậy hơn là mấy so với phân bổ ngân sách của Nga, những tuyên bố chính trị và sự phân phối khí đốt). Nhưng, ngay cả nếu những con số điều tra ấy là đúng đi chăng nữa, thì sự ủng hộ dành cho ông Putin cũng không chính đáng ở chỗ: các nhà độc tài không cai trị bằng khế ước xã hội, và vị trí hay tính chính đáng của kẻ độc tài cũng không bắt nguồn từ sự ủng hộ của dân chúng.

Sự khác biệt giữa nhà nước và người dân đó đã từ lâu định hình chính sách của phương Tây đối với Nga. Trong bức Điện tín Dài (Long Telegram) năm 1946, đánh dấu sự khởi đầu Chiến tranh Lạnh, nhà ngoại giao Mỹ George F. Kennan cho rằng đường lối của Đảng Cộng sản “không hề đại diện cho thiên hướng của người dân Nga”.

Mặc dù được mô tả là một nhà lãnh đạo quyền lực, nhưng không thể kết luận rằng Putin đang đi theo con đường của người đàn ông quyền lực nhất trong lịch sử nước Nga, Stalin, dù là mặt nào chăng nữa. Dưới thời Stalin, sự hy sinh tự nguyện và tư duy lý tính khoa học được thúc đẩy trở thành các lý tưởng. Sự phát triển công nghiệp và chiến thắng quân sự là có thật, mặc dù phải trả với cái giá kinh khủng về con người. Chế độ ấy phụ thuộc vào đấu tố và các trại lao động cải tạo, đồng thời sử dụng bạo lực vô tiền khoáng hậu hòng củng cố quyền lực của tầng lớp cai trị khắc kỷ và giáo điều. Tham nhũng là một tội bị trừng trị.

Ngày nay, tham nhũng là chuyện thường ngày ở huyện, và đấu tố, dù vẫn còn, không xuất hiện với “quy mô công nghiệp” như thời Stalin. Putin và bè cánh của ông bận rộn với chuyện tồn tại của chế độ và làm giàu cho bản thân hơn cả. Putin lo sợ cuộc nổi dậy ở Ukraine năm 2014 như là “dịch bệnh cách mạng” chỉ bởi nó có khả năng làm dấy lên một cuộc nổi dậy tương tự trên chính các quảng trường của Mátxcơva. Ham muốn dập tắt nguy cơ ấy của Putin là lời giải thích cho phản ứng thô bạo của Điện Kremlin.

Chế độ của Putin chỉ là một phiên bản khác của chủ nghĩa bảo hộ lợi ích phe nhóm, theo đó tiền của và lợi ích kinh tế được phân phối trên cơ sở mối quan hệ chính trị. Những tội ác nảy sinh từ hệ thống này đã rõ rành rành nhiều năm trời nay, và thật thảm hại là không một cường quốc thế giới nào có khả năng trừng trị nó. Chính vì lòng tham, nỗi sợ hãi, hay sự tự lừa dối bản thân của họ, phương Tây tự do đã ngấm ngầm đồng thuận với những hành động bạo ngược của Nga ở Ukraine

Trên thực tế, sau khi bòn rút tiền bạc và tài nguyên của đất nước và người dân Nga, Putin và bè lũ tài phiệt ngoan ngoãn của ông ta lại được phép đầu tư đám của cải bất chính của họ vào các ngân hàng và bất động sản ở Mỹ và châu Âu, rồi trả những khoản phí kếch xù làm béo các công ty phương Tây.

Tuy nhiên, phần lợi ích của phương Tây lại tiếp tục gây khó khăn rất lớn cho thường dân Nga. Sau gần một phần tư thế kỷ của cái gọi là chính sách kinh tế “tự do”, mọi thứ từ hàng hóa đến thế chấp ngân hàng đều đắt đỏ hơn nhiều so với ở phương Tây. Và các biện pháp trừng phạt gần đây lại càng làm tình hình xấu đi.

Cuộc khủng hoảng Ukraine phơi bày sự thật rằng mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Nga và phương Tây đã làm suy yếu những nguyên tắc quan trọng của trật tự thế giới hiện đại như thế nào. Ai cũng biết nước Nga của Putin đầu tư thì ít, mà khai thác thì nhiều, một đất nước hỗn loạn không luật pháp, nhưng không một cường quốc nào mảy may để ý đến chuyện bàn luận về vấn đề này, chứ đừng nói đến chuyện đấu tranh với nó. Chỉ khi Nga quyết định đưa “chế độ đạo tặc” (kleptocracy: một dạng tham nhũng chính phủ trong đó chính quyền khai thác triệt để tài nguyên thiên nhiên và tham nhũng tiền của dân nhằm làm giàu cho bản thân tầng lớp thống trị – ND) lên thành một nguyên tắc đối ngoại của mình thì chính phủ của Putin mới trở thành mối quan ngại toàn cầu.

Nước Nga đã có hơn hai mươi năm để tái định hình chính mình thành một đất nước vì lợi ích của dân chúng, của châu Âu và thế giới. Tuy vậy, nước này vẫn chìm đắm trong một thế giới hậu Xô-viết u ám được duy trì bởi những nỗ lực chung của giới tinh hoa, những kẻ có lợi từ việc ngăn chặn sự hình thành của một quốc gia giàu mạnh và tuân thủ pháp luật. Dù không hẳn là tất yếu, xu hướng phản cách mạng này có lẽ sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2015.

Alexander Etkind từng là giảng viên Văn học và Lịch sử văn hóa Nga tại King’s College, Cambridge. Hiện ông là giáo sư lịch sử tại Viện Đại học châu Âu ở Florence.