Các cường quốc lầm lỗi: Ai khơi mào Khủng hoảng Ukraine?

Print Friendly, PDF & Email

470593811JM00041_VIOLENCE_E

Nguồn: Micheal McFaul, “Faulty Powers: Who Started the Ukraine Crisis?”, Foreign Affairs, Vol. 93 Issue 6, Nov/Dec 2014,  pp. 167-171.

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Xuân Hùng

Sự lựa chọn của Moscow

John Mearsheimer (tác giả bài “Tại sao cuộc khủng hoảng Ukraine là lỗi của phương Tây”) là một  trong những lý thuyết gia nhất quán và có sức thuyết phục nhất của trường phái hiện thực trong quan hệ quốc tế, tuy nhiên lý giải của ông về cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang phản ánh những hạn chế của tư duy chính trị thực dụng. Nhánh chủ nghĩa hiện thực của Mearsheimer cùng lắm chỉ giải thích được một vài khía cạnh trong mối quan hệ Nga-Mỹ trong 30 năm vừa qua. Nó có thể trở nên phi lý và nguy hiểm nếu trở thành một chỉ dẫn cho chính sách – việc Tổng thống Nga Vladimir Putin áp dụng tư duy này đang minh chứng cho điều đó.

Theo Mearsheimer, Nga sáp nhập Crimea và can thiệp vào miền đông Ukraine để phản ứng lại sự mở rộng của NATO, điều được ông gọi là “gốc rễ của vấn đề”. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát ở Nga quả là đã viện dẫn sự bành trướng của liên minh quân sự này như một lời giải thích cho hành động của Putin. Tuy nhiên, những tường thuật của truyền hình Nga lẫn bài tiểu luận của Mearsheimer đều không thể giải thích lý do vì sao Nga đã không đưa quân vào Ukraine trong khoảng thời gian hơn mười năm, giữa mốc NATO bắt đầu mở rộng vào năm 1999, và sự can thiệp quân sự trên thực tế vào Ukraine năm 2014. Nga khi đó không phải là quá yếu: nước này đã tiến hành tại Chechnya hai cuộc chiến đòi hỏi sức mạnh quân sự lớn hơn rất nhiều so với việc sáp nhập Crimea.

Mearsheimer cũng không thể giải thích được cái gọi là quá trình khởi động lại mối quan hệ Nga-Mỹ, một giai đoạn hợp tác kéo dài từ mùa xuân năm 2009 đến tháng Một năm 2012. Khi đó, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama lẫn Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đều đồng thuận về những bước tiến mà họ cho là phù hợp với lợi ích quốc gia của mỗi nước.  Hai nhà lãnh đạo đã ký và phê chuẩn hiệp ước START mới, bỏ phiếu ủng hộ danh sách các biện pháp trừng phạt toàn diện nhất từ trước đến giờ đối với Iran, và mở rộng con đường cung ứng cho lính Mỹ tại Afghanistan vốn có một phần đi qua lãnh thổ Nga. Hai nước này cũng đã hợp tác để giúp Nga trở thành thành viên Tổ chức Thương Mại Thế Giới, thiết lập một ủy ban song phương dưới quyền Tổng thống để thúc đẩy hợp tác về mọi mặt từ năng lượng hạt nhân đến chống khủng bố, và đặt ra một quy chế thị thực nhập cảnh tự do hơn. Vào năm 2010, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn 60 phần trăm người Nga có cái nhìn thiện cảm về Hoa Kỳ.

Ngay từ buổi đầu của thế kỷ, Nga đã vừa hợp tác, vừa đối đầu với Hoa Kỳ. Biến số đơn về việc NATO mở rộng của Mearsheimer không thể nào giải thích được cả hai hệ quả trên. Nếu muốn biết được sự thật, người ta phải bỏ qua những yếu tố không đổi và tập trung vào những gì đã thay đổi: tình hình chính trị của nước Nga.

Một vài chiến lược gia

Mặc dù những người theo chủ nghĩa hiện thực thích tập trung vào đối tượng phân tích là nhà nước, tuy nhiên để giải thích cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Mearsheimer lại nghiên cứu các nhà lãnh đạo và các hệ tư tưởng của họ. Ông miêu tả Putin như một “chiến lược gia bậc nhất”, người được trang bị bộ khung lý thuyết chính xác nhất để phân tích tình hình – khung lý thuyết của chính Mearsheimer. “Putin và những đồng sự của ông ta đang tư duy và hành động theo những nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, trong khi những người đồng cấp phương Tây của họ vẫn đang trung thành với những lý tưởng tự do về quan hệ quốc tế, ” ông viết. “Kết cục là Hoa Kỳ và các nước đồng minh của nó đã vô tình khơi mào cho một cuộc cuộc khủng hoảng trầm trọng trên khắp đất nước Ukraine”.

Đưa các nhà lãnh đạo và lý tưởng của họ vào trong nghiên cứu phân tích, Mearsheimer chấp nhận khả năng rằng những chính khách khác nhau, được những hệ tư tưởng khác nhau dẫn đường, có thể sẽ đưa ra những chính sách ngoại giao cũng rất khác nhau. Có lẽ Mearsheimer tin rằng Hoa Kỳ và thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu các nhà lãnh đạo của Mỹ hoàn toàn tuân theo trường phái chủ nghĩa hiện thực của ông, trong khi tôi thì nghĩ rằng cả hai (thế giới và Hoa Kỳ) sẽ tốt đẹp hơn nếu như Putin và các nhà lãnh đạo tương lai của Nga đi theo chủ nghĩa tự do. Nhưng chúng ta không cần phải mơ về giả thuyết này: chúng ta đã chứng kiến điều đó dưới thời Medvedev.

Trong những tháng đầu tiên trên cương vị Tổng thống, Medvedev dường như rất giống với Putin, người thầy hiện thực chủ nghĩa của mình. Ông ta đã ủng hộ sự can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia và đưa ra một thuật ngữ rất hiện thực chủ nghĩa, “khu vực lợi ích đặc quyền”, để khẳng định bá quyền của Nga trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Obama đã phủ nhận kiến giải về chủ nghĩa hiện thực này của Medvedev. Trong cuộc hội đàm với Medvedev vào tháng tư năm 2009 tại Luân Đôn, Obama đã đáp lại rằng Hoa Kỳ và Nga có nhiều lợi ích chung, ngay cả tại khu vực láng giềng của Nga.

Vào lúc đó, chính quyền Obama đang phải đấu tranh quyết liệt để giữ cho căn cứ không quân Manas của quân đội Mỹ tại Kyrgyzstan được mở cửa. Vài tuần trước đó, Tổng thống Kyrgyzstan, Kurmanbek Bakiyev đã viếng thăm Moscow và nhận được khoản hỗ trợ kinh tế hai tỉ đô la, và không lâu sau ông ta tuyên bố ý định đóng cửa căn cứ này. Trong cuộc hội đàm với Medvedev, Obama công nhận việc điện Kremlin đang chơi trò chính trị nhằm cân bằng quyền lực, nhưng sau đó lại đặt câu hỏi rằng liệu việc đóng cửa căn cứ này có thực sự phục vụ cho lợi ích quốc gia của Nga hay không. Suy cho cùng, những người lính Mỹ bay vào Afghanistan qua căn cứ này là nhằm chiến đấu chống lại những tên khủng bố bị cả Nga và Mỹ coi là kẻ thù. Obama lập luận rằng việc giữ cho căn cứ này mở cửa không phải là một sự vi phạm “khu vực lợi ích đặc quyền” của Nga, mà chính là một kết cục “đôi bên cùng thắng” cho cả Washington lẫn Moscow.

Một kẻ theo chủ nghĩa hiện thực sẽ chối bỏ lập luận của Obama và thẳng thừng tiến hành việc đóng cửa căn cứ – đúng như những gì Putin đã làm vào đầu năm nay. Tuy vậy, trong những tháng tiếp sau cuộc hội đàm giữa Obama và Medvedev,  chính quyền Kyrgyzstan – được sự ủng hộ ngầm của điện Kremlin – đã đồng ý kéo dài quyền đóng quân của chính phủ Mỹ. Medvedev đã dần dần tiếp nhận khung lý thuyết về quan hệ tương lợi của Obama.

Chính sự thay đổi trong chính sách ngoại giao này của Nga đã phần nào dẫn đến những tiến bộ đạt được trong quá trình tái khởi động. Lợi ích của việc hợp tác với Mỹ và của việc hỗ trợ các thể chế quốc tế có sức thuyết phục với Medvedev đến nỗi ông ta thậm chí còn đồng ý bỏ phiếu trắng (thay vì phiếu chống) đối với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc cho phép sử dụng vũ lực chống lại chế độ của Muammar al-Qaddafi tại Lybia vào năm 2011 – một hành vi không hề nhất quán với chủ nghĩa hiện thực. Sau cuộc gặp cuối cùng trên cương vị Tổng thống Nga với Obama tại Hàn Quốc vào tháng ba năm 2012, Medvedev đã nói với báo chí rằng việc khởi động lại quan hệ song phương là “một hoạt động cực kỳ hữu ích”. “Suốt ba năm vừa qua, Hoa Kỳ và Nga đã đạt được trạng thái quan hệ tốt đẹp nhất trong suốt nhiều thập kỷ”, ông nói.

Điều ông không nhắc đến chính là sự mở rộng của NATO. Trên thực tế, trong năm năm phục vụ trong chính quyền Obama, tôi đã tham dự gần như tất cả các cuộc gặp giữa Obama với Putin và Medvedev, và ba năm trong số đó, khi làm việc tại Nhà Trắng, tôi đã nghe tất cả các cuộc điện đàm mà vẫn không hề nghe thấy việc NATO mở rộng được nhắc đến. Ngay cả trong những tháng trước khi Putin sáp nhập Crimea, tôi cũng không thể nhớ ra bất cứ tuyên bố quan trọng nào từ một quan chức cao cấp nào của Nga cảnh báo về những hệ quả nguy hiểm của việc mở rộng NATO. Lý do rất đơn giản: trong những năm gần đây, NATO không hề tiến hành mở rộng về phía đông.

Các nhà phê bình chính sách hiện thực chủ nghĩa khác mắc phải lỗi tương tự khi họ lập luận rằng chính quyền Obama đã bộc lộ sự yếu đuối trước điện Kremlin, qua đó tạo điều kiện cho Putin lợi dụng sự yếu đuối này. Lý lẽ này, cũng giống như phân tích của Mearsheimer, tỏ ra không mấy thuyết phục. Không rõ là việc từ chối ký hiệp ước START mới hay thôi không thúc ép Nga bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt chống lại Iran có thể làm giảm nguy cơ Nga xâm lược Ukraine như thế nào.

Hơn nữa, từ sau năm 2012, Obama đã thay đổi chính sách và theo đuổi một phương thức tiếp cận mang tính đối đầu hơn để đáp lại hành vi của Putin. Ông đã từ bỏ các cuộc đàm phán về vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa, không ký bất kỳ hiệp ước hạn chế vũ trang mới nào, đặt ra các biện pháp trừng pháp đối với những người Nga đã vi phạm luật nhân quyền quốc tế, và hủy bỏ một cuộc cuộc gặp thượng đỉnh với Putin dự kiến được tiến hành vào tháng chín năm 2013. Obama đã hợp tác với các đồng minh của Mỹ để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp của Nga, vượt xa những gì Tổng thống Geogre W. Bush đã làm sau cuộc xâm lược Gruzia của Nga vào năm 2008. Ông đã củng cố cam kết về an ninh của NATO, cung cấp những sự hỗ trợ cho Ukraine, và thiết kế phản ứng của phương Tây đối với hành động gây hấn của Nga như là một hành động cần thiết để bảo tồn các quy tắc quốc tế và bảo vệ các giá trị dân chủ.

Khó có thể coi những động thái này là yếu đuối hay phi thực tế. Tuy vậy, những biện pháp đó đã không thể ngăn chặn hành động gây hấn mới đây của Nga, cũng như tất cả các Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1956 đã không thể ngăn chặn việc Nga tiến hành can thiệp vào Đông Âu và Afghanistan.

Những người theo chủ nghĩa hiện thực, nếu phê phán Obama vì đã không kiên định trước Putin, cần phải lý luận một cách thuyết phục xem một chính sách khác sẽ dẫn đến một kết cục khác như thế nào. Chỉ duy nhất một chính sách khác mới có thể khiến Nga phải chùn bước: trao tư cách thành viên NATO cho Ukraine từ nhiều năm trước. Cần phải xét lại khá nhiều điều trong lịch sử để khiến cho giả thuyết này trở nên thuyết phục. Trong những năm trước, cả chính phủ Ukraine lẫn các thành viên NATO đều không muốn Kiev gia nhập vào liên minh này trong tương lai gần. Trước khi Victor Yanukovych được bầu làm Tổng thống vào năm 2010, các nhà lãnh đạo lẫn người dân của Ukraine đều không hề nài nỉ để trở thành thành viên của NATO.

Sự thật

Chính sách đối ngoại của Nga trở nên hiếu chiến hơn không phải nhằm phản ứng lại các chính sách của Mỹ, mà sự thay đổi đó là do kết quả của những biến động chính trị trong nước Nga. Sự đổi chiều này bắt đầu khi lần đầu tiên trong lịch sử, Putin và chế độ của ông ta phải chịu sự công kích. Sau khi Putin tuyên bố rằng ông sẽ ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, cuộc bầu cử Quốc hội đã được tiến hành ở Nga vào tháng 12 năm 2011 một cách đầy gian lận như mọi khi. Nhưng lần này, các công nghệ kỹ thuật mới và các mạng xã hội – bao gồm điện thoại thông minh có gắn camera quay phim, Twitter, Facebook và mạng xã hội Vkontakte của Nga – đã giúp phơi bày việc làm sai trái của chính quyền và gây ra những cuộc biểu tình lớn nhất từng được chứng kiến kể từ khi chế độ Xô Viết sụp đổ. Bất bình xung quanh gian lận bầu cử nhanh chóng biến thành sự bất mãn với việc Putin quay trở lại điện Kremlin. Một vài lãnh đạo phe đối lập thậm chí còn kêu gọi tiến hành cách mạng.

Putin khinh bỉ những người biểu tình và sự vô ơn của họ. Ông cho rằng chính ông đã giúp họ trở nên sung túc. Sao họ có thể quay lưng lại với ông vào lúc này? Tuy nhiên, ông cũng rất e ngại họ, nhất là khi các cuộc cách mạng màu ở Đông Âu (đặc biệt là cuộc cách mạng Cam ở Ukraine năm 2004) và mùa xuân Ả-rập vừa diễn ra. Trong một nỗ lực để huy động các cử tri  trung thành với mình và khiến phe đối lập mất uy tín, Putin một lần nữa đã cho nước Mỹ vào vai phản diện.

Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đột nhiên miêu tả nước Mỹ như kẻ đang gieo rắc bạo loạn bên trong nước Nga. Báo chí Nga cáo buộc rằng tôi là một tên gián điệp được Obama cử đến để lãnh đạo một cuộc cách mạng màu mới. Trong giai đoạn từ sau cuộc bầu cử Quốc hội đến lúc Putin tái đắc cử, chính sách của Hoa Kỳ đối với Nga không mấy thay đổi. Vậy mà khi Putin nhậm chức vào tháng Năm năm 2012, ngay cả một người mà chỉ tình cờ nghe các bài phát biểu của Putin hay xem qua truyền hình Nga cũng sẽ nghĩ rằng cuộc Chiến tranh Lạnh đang trở lại.

Một số nhà quan sát chính trị Nga đã hy vọng rằng đợt tuyên truyền công kích Hoa Kỳ này sẽ dịu đi sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Nga kết thúc. Nhiều người, trong đó có cả tôi, đã cho rằng cuộc đổi vai giữa Medvedev và Putin sẽ chỉ tạo ra những thay đổi không đáng kể trong chính sách ngoại giao của Nga, bởi ngay cả khi Medvedev còn là Tổng thống, Putin vẫn là người đưa ra quyết sách tối cao. Nhưng, cùng với thời gian, người ta nhận ra rằng quan niệm của Putin về lợi ích quốc gia của nước Nga khác hẳn với cách nhìn của Medvedev. Khác với Medvedev, Putin có xu hướng coi quan hệ cạnh tranh với Hoa Kỳ như một cuộc đấu “người thắng – kẻ thua” (zero-sum). Để duy trì tính chính danh trong nước, Putin vẫn cần một kẻ thù như Hoa Kỳ. Ông ta cũng thực lòng tin rằng Hoa Kỳ là một thế lực hắc ám trong chính trị quốc tế.

Cơn địa chấn chính trị đã diễn ra ra ngay sau đó tại Ukraine. Vào tháng 11 năm 2013, người dân Ukraine đã xuống đường biểu tình sau khi Yanukovych từ chối ký một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu. Chính phủ Mỹ không đóng bất kỳ vai trò gì trong việc châm ngòi cho các cuộc biểu tình, nhưng đã thúc giục cả Yanukovych lẫn các lãnh đạo phe đối lập thỏa thuận về một kế hoạch quá độ, mà sau đó đã được hai bên ký kết vào tháng 2 năm 2014. Washington cũng không có liên quan gì đến việc Yanukovych quyết định chạy khỏi Ukraine ngay ngày hôm sau.

Putin có một cách diễn giải rất khác về những sự kiện này. Ông ta quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ về những cuộc biểu tình, sự thất bại của thỏa ước 21 tháng Hai và sự thay đổi chính quyền tiếp sau đó, mà ông ta gọi là một cuộc đảo chính. Hệ tư tưởng của Putin khiến ông ta đặt những sự kiện này trong khuôn khổ một cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Nga. Bị kìm hãm trong khung lý thuyết này, ông đã phản ứng một cách đơn phương theo cái cách mà ông nghĩ rằng sẽ kéo cán cân sức mạnh lệch về phía mình, đó là sáp nhập Crimea và hỗ trợ những tên lính đánh thuê ở miền đông Ukraine. Sự mở rộng từ ngày xưa của NATO không phải đối tượng phản ứng của Putin.

Bàn thua của Putin

Vẫn còn quá sớm để phán xét liệu tư tưởng chủ nghĩa hiện thực của Putin có hợp lý nếu xét theo lợi ích quốc gia của Nga hay không. Cho đến lúc này thì những lợi ích của nó vẫn còn hạn chế. Những hành động tưởng như là thực dụng và mang tính hiện thực chủ nghĩa của ông ta tại Ukraine chỉ góp phần tôi rèn cho người Ukraine một bản sắc mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn và thân phương Tây hơn.

Những hành động đó đã bảo đảm rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập vào dự án con cưng của ông ta, Liên minh Kinh tế Á – Âu, và thay vào đó thúc ép đất nước này tiến gần hơn đến Liên minh châu Âu. Trong khi đó, Belarus và Kazakhstan đã trở nên lo lắng và kém nhiệt tình hơn trong vai trò là các đối tác trong Liên minh Kinh tế Á – Âu. Cùng lúc đó, Putin đã khiến cho NATO trở nên mạnh mẽ hơn, khiến nền kinh tế Nga trở nên yếu đuối hơn, và làm suy giảm uy tín quốc tế của Nga vốn trước đó được coi là người luôn đấu tranh cho chủ quyền và chống can thiệp.

Cuộc khủng hoảng này không phải là của Nga, NATO, hay chủ nghĩa hiện thực, mà là của chính Putin và chủ nghĩa phiêu lưu thiếu kiểm soát và thất thường của ông. Thách thức đối với phương Tây lúc này là tìm ra một cách xử lý vừa đủ sức mạnh để ngăn chặn hành vi đó, vừa đủ hợp lý để giữ cho các vấn đề không leo thang một cách đột ngột; dù người ta sẽ gọi phương thức tiếp cận của phương Tây là hiện thực chủ nghĩa hay tự do chủ nghĩa đi chăng nữa.

Micheal McFaul là giáo sư ngành khoa học chính trị, viện sĩ Viện Hoover, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Freeman Spogli về Nghiên cứu quốc tế, trực thuộc Đại học Stanford. Ông giữ vai trò Cố vấn đặc biệt cho Tổng thống tại Hội đồng An ninh Quốc gia từ năm 2009 đến năm 2012, và làm Đại sứ Mỹ tại Nga từ 2012 đến 2014.