Nguồn: Robert D. Kaplan, “Asia’s Rise Is Rooted in Confucian Values,” The Wall Street Journal, 06/02/2015.
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Các nước đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Hàn Quốc, và Singapore đã trở thành tư bản bằng cách dựa trên những giáo lý cũ: lòng khoan dung và sự ổn định xã hội.
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Bàn về Thuật trị quốc,[1] cuốn sách mới được phát hành mùa thu năm ngoái bằng nhiều ngôn ngữ (trong đó có tiếng Anh) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là việc ông dựa rất nhiều vào “những quan điểm xuất chúng” của Khổng Tử để giải thích cho triết lý chính trị và xã hội của riêng mình. Chẳng hạn, Tập Cận Bình đã trích câu nói súc tích này của vị Vạn thế Sư biểu: “Kiến hiền tư tề yên; kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh dã.”[2] Và rõ ràng Tập Cận Bình đã ngầm đề cập đến Khổng Tử khi ông viết rằng Trung Quốc luôn “phát triển đất nước thông qua nghiên cứu bản tính của sự vật, lấy sự chân thành để chỉnh đốn tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cá nhân, quản lý gia đình…và bảo vệ hòa bình thiên hạ.”
Tạm gác lại vấn đề sự chân thành của chính Tập Cận Bình trong việc viện dẫn những tư tưởng cổ đại và rõ ràng là phi cộng sản đó, thì chắc chắn các giá trị Nho giáo mà ông viện dẫn đã trở thành nền tảng của một trong số những câu chuyện lịch sử thành công nhất về mặt xã hội, văn hóa, kinh tế trong mấy thập niên qua. Bất chấp những khó khăn và thiếu sót của châu Á (cùng những thành tựu ấn tượng của nhiều nơi khác như Canada, Scandinavia và Israel trong cùng giai đoạn), kể từ những năm cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh, chúng ta đã sống trong một thời khắc Nho giáo. Sự trỗi dậy của các “con hổ” Thái Bình Dương trong những năm 1970 đã bắt đầu một quá trình cho phép châu Á trở thành nguyên tắc tổ chức về mặt địa lý của nền kinh tế thế giới. Những nước như Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn sẽ đã không thể loại bỏ được chủ nghĩa cộng sản về mọi mặt trừ tên gọi trên danh nghĩa, chuyển sang một hình thức tư bản hỗn loạn nhưng vẫn duy trì được sự ổn định như lâu nay nếu không có sự khoan dung và tôn trọng chính quyền, tôn ti trật tự xã hội cần thiết được thể hiện trong Nho giáo.
Đạo Khổng tốt hơn hết nên được mô tả như là một triết lý hơn là một tôn giáo. Nó vừa cạnh tranh vừa bổ sung cho các tôn giáo châu Á khác như Phật giáo và Đạo giáo. Nói châu Á là Nho giáo thì đơn giản hóa quá mức, nhưng nếu nói sự thông thái của Nho giáo giúp định hình châu Á thì lại hợp lý.
Sự trỗi dậy của châu Á trong thời đại chúng ta có liên quan mật thiết với việc sự ổn định xã hội mà Nho giáo khích lệ đã tương tác với chủ nghĩa tư bản hiện đại như thế nào. Chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của thứ chủ nghĩa chuyên chế năng động và mang tính khai sáng ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, và Singapore — tất cả, ngoại trừ Trung Quốc, đã phát triển thành các hệ thống (dân chủ) nghị viện. Chế độ của Trung Quốc có thể cũng sẽ bị buộc phải biến đổi, nhờ vào các khuấy động dân chủ tương đối ôn hòa và hạn chế như chúng ta đã thấy ở Hồng Kông và có thể cuối cùng cũng sẽ xuất hiện ở chính Trung Quốc đại lục.
Quả thật, những nhà lập quốc của nhiều nước châu Á – Park Chung-hee của Hàn Quốc, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Lý Quang Diệu của Singapore – tất cả đều chủ ý theo Nho giáo trong khi chèo lái qua những khó khăn trên con đường tạo lập xã hội hiện đại. Đối với Trung Quốc, một trong những yêu cầu của quá trình chuyển đổi thoát khỏi tình trạng tham nhũng và sự thiếu hiệu quả vốn đã tích tụ suốt một phần ba thế kỷ phát triển kinh tế vượt bậc vừa qua chính là khôi phục lại các giá trị nền tảng của Đạo Khổng.
Nho giáo thực chất là gì? Confucius (Khổng Tử) là dạng La-tinh hóa của Kong fuzi (孔夫子 Khổng phu tử – Thầy Khổng). Ông sống cách đây khoảng 2.500 năm ở nước Lỗ nằm phía Bắc Trung Quốc cuối thời nhà Chu. Trong thời hoàng kim của triều đình nhà Chu, Khổng Tử đã truyền dạy cho những môn sinh của ông thứ mà học giả và dịch giả Raymond Dawson gọi là “những biểu hiện nền tảng” (“seminal expressions”) của nền văn minh Trung Quốc.
Đa số tư tưởng nói trên được trình bày trong Luận ngữ, bao gồm những trích đoạt triết lý dễ hiểu do học trò Thầy Khổng chép lại. Hai khái niệm quan trọng nhất trong cuốn sách là “nhân” và “đức,” chúng cùng nhau định hình tính cách cá nhân và thúc đẩy mối quan hệ giữa người với người.
Không có gì là ủy mị hay ngây thơ trong những lời răn như thế này: Mọi người phải hướng đến một tiêu chuẩn cao bình đẳng, tất cả dựa trên sự tôn trọng đối với kinh nghiệm của thế hệ đi trước. Như Thầy Khổng dạy, “Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ.”[3]
Trong đạo Khổng, quá khứ không phải là thứ để chê bai là nguyên thủy hay lạc hậu; quá khứ tạo nên kinh nghiệm của con người, và hiện tại phụ thuộc vào lịch sử. Đặc biệt trong thời đại thay đổi xã hội và công nghệ sâu sắc, các Nho sĩ nhận ra thứ bảo vệ tốt nhất chống lại sự hỗn loạn chính là truyền thống, đặc biệt là trong các phẩm chất “trung” và “hiếu”.
Ngược lại, cuộc sống hậu hiện đại phương Tây đôi khi được mô tả là suy đồi do nó tôn thờ tuổi trẻ. Với những người như tôi (Kaplan), quan sát cả hai nền văn hóa, rất khó cưỡng lại được ý nghĩ phương Tây có thể hưởng lợi từ một liều thuốc Nho giáo, và chính Trung Quốc cũng có thể (hưởng lợi) như vậy, khi chính sách một con mà đến tận gần đây mới được nới lỏng, đã tạo ra một thế hệ trẻ em hư hỏng.
Khổng giáo cũng khuyến khích mạnh mẽ lòng khoan dung và can ngăn sự bất tuân, điều mà, cũng giống như thói vị kỷ, không đồng nghĩa với lòng dũng cảm. Khổng giáo nói về việc bảo tồn sự cân bằng tinh tế giữa người với người và giữa các cá nhân bên trong các tổ chức chính trị và xã hội. Như Thầy Khổng nói: “Quân tử chu nhi bất tỷ; tiểu nhân tỷ nhi bất chu.”[4] Những người biểu tình ở Hồng Kông có thể đã yêu cầu sự thay đổi về chính trị, nhưng tính kỷ luật, tổ chức và sự lịch sự nói chung của họ là rất Nho giáo.
Với những người phương Tây, đa số điều này nghe có vẻ giống như chủ nghĩa bảo thủ hiện đại theo quan điểm của Edmund Burke, tức là ác cảm với sự thay đổi đột ngột nhưng chấp nhận sự thay đổi dần dần. Edmund Burke, hoảng hồn trước cảnh tượng của cuộc Cách mạng Pháp, tin vào sự biến đổi theo chủ nghĩa tiệm tiến. Chủ nghĩa chuyên chế khai sáng của Đông Á cũng cần được xem xét theo cách nhìn này: là một sự quá độ mang tính hiệu quả về kinh tế, chứ bản thân nó không phải là mục đích.
Thế giới nói chung vẫn đang trong quá trình chuyển tiếp hỗn loạn, khi lối sống và cấu trúc gia đình truyền thống đang bị băng hoại trên khắp các châu lục. Trong thử thách này, sự sống sót về mặt xã hội và chính trị sẽ đến với các nền văn hóa nơi có thể bảo tồn một nền tảng đạo đức đã được thời gian kiểm chứng như một lá chắn trước sự thay đổi mang tính hủy diệt. Đông Á đã viết nên những câu chuyện lịch sử thành công không thể phủ nhận trong bốn thập niên qua, cho dù có vẻ giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ của nó giờ đã qua rồi. Tôi dám cược rằng thời khắc Nho giáo sẽ còn tiếp tục tồn tại trong thời gian tới.
Robert D. Kaplan là tác giả cuốn Asia’s Cauldron: The South China Sea and the End of a Stable Pacific. Ông là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS).
———————–
[1] Tên tiếng Trung: 习近平谈治国理政 (Tập Cận Bình đàm Trị quốc lý chánh). Tên tiếng Anh: Xi Jinping: The Governance of China.
[2] Khổng Tử. Luận ngữ. Thấy người đức hạnh thì lo sao bằng được người ta, gặp người kém đức hạnh thì suy xét lại bản thân mình. (见贤思齐焉,见不贤而内自省也。).
[3] Khổng Tử. Luận ngữ. [Ta] thuật lại chứ không sáng tác, tin mà ưa thích điều xưa. (述而不作,信而好古。)
[4] Khổng Tử. Luận ngữ. Quân tử hòa đồng mà không phe cánh, tiểu nhân phe cánh chứ không hòa đồng. (君子周而不比,小人比而不周。)