Bế tắc cải cách tại Trung Quốc

121018095950-china-growth-story-top

Nguồn: Keyu Jin, “China’s reform stalemate”, Project Syndicate, 26/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Hoàng Minh | Hiệu đính: Nguyễn Ngọc Tường Ngân

Kế hoạch cải cách của Trung Quốc đã đi vào thế bế tắc, với những xung đột lợi ích căn bản và các cơ chế phản kháng tinh vi đang ngăn chặn tiến trình này. Cho tới khi những rào cản này được loại bỏ, gần như không có hi vọng nào về việc nền kinh tế đang tăng trưởng chậm của Trung Quốc – với chỉ số tăng trưởng 7,4% năm 2014, thấp nhất trong khoảng một phần tư thế kỉ gần đây – có thể dựa vào cải cách để tạo động lực phát triển cần thiết.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quá quen với khó khăn trong việc tiến hành những cải cách quyết liệt. Khi Đặng Tiểu Bình triển khai kế hoạch cấp tiến của mình về “cải cách và mở cửa” vào năm 1978, ông đã đối mặt với sự phản đối dữ dội – hầu hết từ các nhà tư tưởng cực đoan và các nhà cách mạng bảo thủ. Cũng giống như vị thế và sức mạnh của Đặng Tiểu Bình đã giúp ông qua mặt các đối thủ và tiếp tục quá trình hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc, sự lãnh đạo quyết đoán của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có thể vượt qua được các nhóm lợi ích cố hữu để tiến hành những cải cách cần thiết. 

Dĩ nhiên, việc dung hòa các bất đồng lợi ích căn bản ở Trung Quốc sẽ không dễ dàng – ít nhất là bởi các nhóm lợi ích sẽ không thảo luận, chứ đừng nói là phản đối, các cải cách một cách công khai và minh bạch. Thay vào đó, họ cho rằng các cải cách là quá mạo hiểm hoặc sẽ làm mất đi các lợi ích quan trọng của mình. Chỉ vài nhượng bộ nhỏ được đưa ra đối với việc giảm can thiệp của chính phủ, ảnh hưởng tới các quyền lực hoặc không liên quan hoặc chưa bao giờ tồn tại thực sự.

Có hai loại mâu thuẫn lợi ích giữa các cơ quan chính phủ. Thứ nhất, bộ máy hành chính đầy quyền lực của Trung Quốc không muốn từ bỏ quyền lực nhân danh tự do hóa và chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường hơn.

Ví dụ, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản của Quốc Vụ Viện (Assests Supervision and Administration Commission of the State Council – SASAC) là một cơ quan chính phủ cấp bộ quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Nhiệm vụ của cơ quan này hiện nay bao gồm cả việc loại bỏ độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, yếu tố kiềm hãm sự cạnh tranh trên thị trường, Nhưng làm giảm quyền lực của các doanh nghiệp nhà nước cũng đồng nghĩa với vai trò bị giảm sút của SASAC – và nhiều khả năng SASAC sẽ mất đi vai trò của mình. Do vậy, các nỗ lực chống độc quyền đang bị chậm lại, và bước tiếp theo của cách – sự chuyển đổi sang một “hệ thống sở hữu hỗn hợp” – vẫn còn rất xa vời.

Tương tự như vậy, Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (State Administration of Foreign Exchange – SAFE), một bộ phận của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương – NBT), vốn quản lý các giao dịch ngoại hối của các ngân hàng thương mại và hộ gia đình, có được quyền lực nhờ việc quản lý các dòng vốn trong và ngoài nước. Nhận thấy rằng tiến trình hướng tới tự do hóa tài khoản vốn sẽ làm mất đi quyền lực của mình, SAFE đã tạo ra vô số lý do (mà các khủng hoảng tài chính gần đây tại phương Tây đã giúp làm tăng thêm sự tin tưởng) để giữ chặt việc quản lý các giao dịch ngoại hối. Do đó, bất chấp cam kết đã được khẳng định của chính phủ về việc tự do hóa tài khoản vốn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vẫn chưa tạo ra được các tiến triển khả quan.

Mâu thuẫn lợi ích chính thứ hai tại Trung Quốc là giữa chính quyền trung ương và địa phương, hai cấp chính quyền được cho là phải điều chỉnh mô hình chia sẻ doanh thu ngân sách. Vấn đề nằm ở sự chênh lệch giữa tỉ trọng doanh thu từ thuế của chính quyền trung ương so với các khoản chi tiêu bắt buộc của chính quyền địa phương. Do các chính quyền địa phương bị buộc phải trang trải một tỷ lệ lớn các khoản chi tiêu công trong khi doanh thu thuế lại rất thấp nên nợ của chính quyền địa phương đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên chính quyền trung ương vẫn lưỡng lự trong việc tạo ra các thay đổi đáng kể cho mô hình chia sẻ doanh thu, cảnh giác không chỉ với các ảnh hưởng lên ngân khố của mình, mà còn với việc trao quyền nhiều hơn cho các quan chức địa phương. Hơn nữa, họ cũng nghi ngờ năng lực của chính quyền địa phương trong việc quản lý ngân sách hợp lý và sử dụng các khoản doanh thu thuế bổ sung một cách có hiệu quả.

Những ví dụ trên chỉ ra rằng mâu thuẫn cơ bản là giữa các mục đích của tiến trình cải cách với các động cơ thúc đẩy chúng. Điều này thể hiện rõ ràng nhất trong “hệ thống sở hữu hỗn hợp” được vạch ra bởi Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc khóa 18. Khuyến khích khu vực tư nhân mua cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng và tài chính được cho là sẽ gia tăng cạnh tranh, đẩy mạnh tính hiệu quả và làm giảm áp lực đầu tư từ chính phủ.

Nhưng tại sao các nhà đầu tư tư nhân nên đầu tư tiền của họ vào các doanh nghiệp nhà nước? Trong vai trò các cổ đông nhỏ trong các công ty với các giám đốc được chỉ định bởi Ban Tổ chức Trung ương, các cổ đông tư nhân không thể can thiệp vào việc đưa ra quyết định. Chừng nào mà chính quyền trung ương chưa sẵn sàng từ bỏ quyền kiểm soát đối với việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, các cải cách về sở hữu chỉ có thể khơi lên những mối quan tâm không đáng kể từ khu vực tư nhân.

Nếu được thi hành đầy đủ, đợt cải cách hiện nay sẽ có tác động sâu rộng tới nền kinh tế chính trị Trung Quốc, bởi chúng dịch chuyển sự cân bằng quyền lực từ cơ quan nhà nước sang thị trường. Điều này sẽ giúp Trung Quốc tiếp tục con đường đi lên vị thế thu nhập cao, nâng cao mức sống của hàng triệu người dân trên con đường này.

Nhưng những nhóm lợi ích cố hữu sẽ không lùi bước. Dù họ sẽ không phản đối cải cách hoàn toàn, họ sẽ tiếp tục trì hoãn và làm lan rộng nỗi sợ hãi về sự bất ổn của nền kinh tế và áp lực xã hội để ngăn chặn những thay đổi vốn đe dọa xóa đi địa vị và đặc quyền của mình. Trừ khi và cho đến khi các nhà lãnh đạo cao cấp Trung Quốc vượt qua được sự kháng cự này, tiến triển của quá trình cải cách sẽ vẫn rất chậm chạp.

Keyu Jin (Kim Khắc Vũ) là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, Lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, và là thành viên của Hội đồng Cố vấn Tập đoàn Richemont.