Thách thức cải cách thực sự của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

download (1)

Nguồn: Adair Turner, “China’s Real Reform Challenge,” Project Syndicate, 12/06/2015.

Biên dịch: Hoàng Hải Hà | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Mức sống của các nền kinh tế mới nổi thường được cho là sẽ tương ứng với mức sống tại các nước phát triển. Tuy nhiên, ngoài những nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia – thành phố như Hồng Kông và Singapore thì chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan là đạt được mức GDP đầu người bằng ít nhất 70% mức trung bình của các nước phát triển trong 60 năm qua. Trung Quốc hy vọng sẽ đạt được điều tương tự, nhưng nó đang phải đối mặt với một thách thức đặc biệt: quy mô lớn của đất nước.

Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan đã áp dụng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đuổi kịp các nền kinh tế phát triển. Nhưng Trung Quốc – nơi sinh sống của gần 20% dân số thế giới và là nơi sản xuất 15% lượng hàng hóa toàn cầu – đơn giản là một quốc gia quá lớn nên không thể chỉ phụ thuộc vào các thị trường bên ngoài. Để đạt được bước phát triển tiếp theo, Trung Quốc sẽ cần đẩy mạnh một con đường tăng trưởng khác, đòi hỏi nhiều cuộc cải cách khó khăn hơn những gì đang được chú trọng hiện nay.

Chắc chắn là cho tới nay, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc, với thặng dư tài khoản vãng lai đã lên tới 10% GDP trong năm 2008. Tuy vậy, rốt cuộc thì thặng dư cao như vậy cũng không thể duy trì được mãi. Bởi đơn giản là thị trường thế giới không có đủ nhu cầu nhập khẩu để theo kịp đà gia tăng của hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bộc lộ thực tế này. Trước năm 2008, sự thặng dư lớn của Trung Quốc có được là nhờ những thâm hụt gia tăng bởi tín dụng (credit-fueled deficits) không bền vững ở các nước phát triển. Khi thời kỳ bùng nổ này chấm dứt, sự giảm sút nhu cầu của thị trường quốc tế đã tác động mạnh tới ngành xuất khẩu của Trung Quốc, và đe dọa gia tăng tỉ lệ thất nghiệp ở nước này.

Để đáp lại, Trung Quốc đã bắt đầu hướng động cơ tăng trưởng nội địa vào các khoản đầu tư dựa trên tín dụng trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản. Từ năm 2008, tín dụng đã tăng từ 125% GDP lên hơn 210% GDP, do đó tỉ lệ đầu tư đã tăng từ 42% GDP lên tới gần 48% GDP vào năm ngoái.

Trên khắp Trung Quốc, bê tông đã được đổ vào các khu căn hộ, đường cao tốc nhiều làn xe, trung tâm hội nghị, ga tàu lửa, và sân bay. Đầu tư vào bất động sản hiện nay chiếm 15% GDP của Trung Quốc, so với chưa tới 5% năm 2000; nếu tính cả các ngành công nghiệp có liên quan như sắt thép và xi măng thì con số này tăng lên tới một phần ba GDP của Trung Quốc. Khoảng 60 triệu lao động Trung Quốc đang làm việc trong ngành công nghiệp xây dựng hiện nay, so với con số chưa tới 20 triệu lao động vào năm 2007.

Con đường phát triển hiện tại của Trung Quốc hoàn toàn đối lập với con đường mà Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan từng theo. Khi GDP bình quân đầu người của các quốc gia này còn ở mức ngang bằng với Trung Quốc hiện nay, bất động sản chỉ đóng một vai trò khiêm tốn trong nền kinh tế của họ; quả thật, ngành này thường xuyên bị hạn chế vốn đầu tư một cách có chủ ý.

Sự bùng nổ đầu tư khiến cho việc làm ở các đô thị Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên nước nào cũng chỉ cần bấy nhiêu nhà ở. Thực tế, tổng giá trị vốn chia theo đầu người ở Trung Quốc thực sự vẫn kém xa các nước phát triển. Nhưng báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiết lộ một thực tế đáng ngạc nhiên rằng diện tích nhà ở theo đầu người ở Trung Quốc hiện đã  , và đạt tới ngưỡng gần bằng, thậm chí ở nhiều thành phố nhỏ còn lớn hơn ở các quốc gia Châu Âu trung bình.

Do việc xây dựng rầm rộ đã dừng lại, nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua một sự suy giảm nghiêm trọng. Theo một số ước tính, tăng trưởng của Trung Quốc gần như đã ngừng lại trong quý đầu năm nay. Thậm chí các số liệu chính thức còn chỉ ra rằng nhiều tỉnh nằm ngoài những khu vực duyên hải năng động hơn đã hoàn toàn ở trong tình trạng suy thoái.

Điều này đặt Trung Quốc đối mặt với hai thách thức lớn. Thứ nhất là về tài chính: làm thế nào để giải quyết những khoản nợ không bền vững của nhiều chính quyền địa phương và các doanh nghiệp nhà nước. May mắn là các giải pháp cho vấn đề này là rõ ràng. Nợ của chính quyền địa phương có thể được chuyển giao cho chính quyền trung ương, hoặc các khoản nợ ngân hàng có thể được xóa và ngân hàng được tái cấp vốn.

Thách thức thứ hai nghiêm trọng hơn liên quan đến nền kinh tế thực: làm thể nào để bố trí lại lao động và vốn ra khỏi các ngành công nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề dư thừa năng lực sản xuất và những thành phố được xây dựng quá nhiều công trình.

Đòi hỏi này đôi khi vẫn bị từ chối. Người ta cho rằng hàng trăm triệu người vẫn phải di cư đến các thành phố nơi mà họ sẽ cần nơi ăn chốn ở. Tuy nhiên, do gần một nửa lao động ở nông thôn ở trong độ tuổi trên 50 tuổi, nên nhiều người trong số họ có thể sẽ không bao giờ di cư. Và tổng dân số của Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm trong vòng 15 năm tới. Trung Quốc không phải sắp đạt tới đỉnh cao của làn sóng đô thị hóa mà sắp sửa hoàn thành quá trình đó trong vòng từ 10 đến 15 năm nữa.

Ngay cả nếu quá trình đô thị hóa vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhiều lao động sẽ không di cư tới các thành phố bậc hai và bậc ba, nơi có sự dư thừa năng lực lưu trú lớn nhất, mà lại tới các thành phố duyên hải lớn. Tuy chính phủ có thể sử dụng hệ thống hộ khẩu để làm chậm lại tiến trình di cư đó, nhưng họ thậm chí còn không thể hướng người dân di cư tới các thành phố có năng lực lưu trú dư thừa lớn nhất.

Như vậy, biện pháp gì có thể được thực hiện? Một lựa chọn cho Trung Quốc là xuất khẩu kiến thức chuyên môn về xây dựng và công nhân ngành này. Quả thật, đây là một lý do căn bản của sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm tái hiện Con đường Tơ lụa cổ đại ở trên bộ và trên biển kết nối Trung Quốc với châu Âu. Tuy nhiên, như với bất cứ chiến lược dựa vào xuất khẩu nào, tác động của cách tiếp cận này cũng sẽ bị hạn chế bởi quy mô của các thị trường tiềm năng bên ngoài so với nền kinh tế Trung Quốc. Không mức độ xuất khẩu công nghiệp xây dựng nào có thể bù đắp được hoàn toàn cho sự trì trệ của đầu tư trong nước.

Thay vào đó, tiêu dùng nội địa vốn được thúc đẩy bởi việc tăng lương mạnh mẽ phải trở thành động lực chủ đạo cho tăng trưởng. Tin tốt là tốc độ tăng lương thực sự đang nhanh hơn GDP – xu hướng này có thể sẽ tiếp tục, do sự thay đổi nhân khẩu sẽ hạn chế việc cung cấp lao động mới. Trong thập niên tới, dân số Trung Quốc trong độ tuổi từ 15 đến 30 sẽ giảm gần 25%.

Tuy vậy, các cải cách lớn về chính sách cũng vẫn là cần thiết. Trung Quốc phải hành động để hạn chế sự đầu tư quá mức vào các doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm trợ cấp tín dụng cho các doanh nghiệp này và buộc họ phải nộp mức lợi tức cao hơn cho chính phủ. Những nguồn thu này sau đó có thể được đầu tư để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, từ đó xóa bỏ nhu cầu của các hộ gia đình Trung Quốc là duy trì những khoản tiền tiết kiệm dự phòng.

Các cải cách như vậy sẽ thách thức những nhóm lợi ích có thế lực. Không dễ dàng để xây dựng sự đồng thuận trong mọi nỗ lực, ví dụ như việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ quyết định giá trị tài sản dự trữ của IMF – hay gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR)– một động thái dù phù hợp nhưng sẽ không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế trung hạn. Nhưng nếu Trung Quốc hy vọng lặp lại thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan, thì không có lựa chọn nào khác ngoài thực hiện cải cách mạnh mẽ.

Adair Turner, cựu chủ tịch Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tài chính và thành viên Ủy ban Chính sách Tài chính của Vương quốc Anh, là Chủ tịch của Viện Tư duy Kinh tế Mới (INET).

Copyright: Project Syndicate 2015 – China’s Real Reform Challenge