Trung Quốc có nên giảm giá đồng Nhân dân tệ?

Print Friendly, PDF & Email

_78104276_40gffz6e

Nguồn: Stephen S. Roach, “Steady on the Renminbi”, Project Syndicate, 24/02/2015.

Biên dịch: Hà Thị Quỳnh Hương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Các cuộc chiến tranh tiền tệ đang diễn ra dữ dội trên toàn thế giới, và Trung Quốc đang chịu đựng gánh nặng chủ yếu. Đồng nhân dân tệ đã lên giá đáng kể trong vài năm vừa qua, xuất khẩu đang chùng xuống, và rủi ro về giảm phát đang tăng. Trong hoàn cảnh này, nhiều người gợi ý rằng một sự đảo ngược trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc nhằm làm suy yếu đồng nhân dân tệ là cách giải quyết hợp lý nhất. Đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng.

Thực tế, khi Trung Quốc theo đuổi các cải cách cơ cấu nhằm đảm bảo tăng trưởng liên tục, việc ép giảm giá đồng tiền là điều cuối cùng nước này cần đến. Điều này cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề cho kinh tế toàn cầu.

Trên bề nổi, tình huống này chắc chắn gây lo ngại – đặc biệt là khi được nhìn qua lăng kính tiền tệ, khi nó phản ánh việc giá của các sản phẩm Trung Quốc thay đổi so với giá cả ở phần còn lại của thế giới. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ giá hối đoái hiệu lực thực của Trung Quốc – tức giá trị trung bình của đồng nhân dân tệ tính theo trọng số của các hàng hóa xuất nhập khẩu điều chỉnh theo lạm phát so với các đồng tiền của các đối tác thương mại của Trung Quốc – đã tăng 26% trong 4 năm gần đây.

Đồng tiền của Trung Quốc đã tăng giá nhiều hơn bất cứ một đồng tiền nào khác trong số 60 nước mà BIS có hoạt động (trừ Venezuela đang có vấn đề, tại đây các số liệu bị bóp méo do tồn tại nhiều chế độ tỉ giá hối đoái khác nhau). Để so sánh, đồng đô la mang tiếng là mạnh chỉ tăng 12% giá trị thực so với cùng kỳ. Trong khi đó, các đối tác thị trường mới nổi của Trung Quốc lại bị mất giá tiền tệ nghiêm trọng, ví dụ đồng real của Brazil giảm 16%, đồng ruble của Nga giảm 32%, và đồng rupee của Ấn Độ là 12%.

Tất nhiên, sự dịch chuyển giá trị tiền tệ này dẫn tới việc các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc tăng giá. Cùng với sự đình trệ liên miên trong tổng cầu toàn cầu, điều này khiến cỗ máy xuất khẩu Trung Quốc vốn từng hùng mạnh một thời giờ đây đang phải chịu hậu quả, với tổng xuất khẩu giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Giêng (2015). Đối với một nền kinh tế mà xuất khẩu chiếm khoảng 25% GDP, đây không phải là một diễn biến nhỏ.

Cùng lúc đó, đồng nhân dân tệ mạnh hơn làm cho nhập khẩu rẻ hơn, gây sức ép đối với cơ cấu giá của Trung Quốc. Hiển nhiên là điều này đã thổi phồng nỗi sợ về giảm phát, với CPI tăng chỉ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Giêng, và giá nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất tính theo năm đã giảm 4,3%. Trong khi những xu hướng này đang bị khuếch đại thêm do giá dầu thế giới giảm, tỷ lệ lạm phát CPI lõi của Trung Quốc (không bao gồm những biến động giá thực phẩm và năng lượng) là gần 1% trong tháng Giêng.

Trong bối cảnh ấy, cũng dễ hiểu tại sao nhiều người mong chờ một sự điều chỉnh mang tính chiến thuật trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc, từ việc lên giá chuyển sang giảm giá. Một động thái như vậy chắc chắn là có vẻ hấp dẫn vì sẽ đưa ra được cách thức tạm thời nhằm giảm nhẹ áp lực vốn đang kéo tăng trưởng và giá cả xuống. Nhưng có ba lý do tại sao một động thái như vậy có thể đem lại kết quả ngược với sự mong đợi.

Đầu tiên và quan trọng nhất, một sự thay đổi trong chính sách tiền tệ sẽ làm yếu đi – thực ra là phá hoại – các tiến bộ mà Trung Quốc đã đạt được trên con đường cải cách và tái cân bằng. Trên thực tế, đồng nhân dân tệ mạnh hơn phù hợp với mục tiêu chính của Trung Quốc trong việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng tập trung vào xuất khẩu sang phát triển dựa trên tiêu dùng. Sự tăng giá đều đều của đồng nhân dân tệ – đã tăng 32,6% so với đồng đô la Mỹ kể từ giữa năm 2005 – là nhất quán với mục tiêu này và không nên đi ngược lại. Điều này tăng cường sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc và giảm thiểu bất cứ sự trợ giá nào liên quan đến tiền tệ đối với các mặt hàng xuất khẩu.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, chính quyền đã tạm ngừng chính sách tăng giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, và tỷ giá hối đoái được giữ ổn định từ giữa năm 2008 đến đầu năm 2010. Do tình hình hiện tại không đáng sợ bằng hoàn cảnh trong cuộc Đại suy thoái, nhu cầu cần điều chỉnh chiến thuật trong chính sách tiền tệ thêm một lần nữa không quá cấp thiết.

Thứ hai, việc giảm giá tiền tệ có thể châm ngòi cho những suy nghĩ bài Trung Quốc tại các đối tác chính của nước này – đặc biệt là Mỹ, nơi Quốc hội trong nhiều năm qua luôn tìm cách áp dụng những lệnh trừng phạt thương mại đối với các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Liên minh hai đảng ở Hạ viện Mỹ mới đây đã đề xuất cái gọi là Đạo luật Cải cách Tiền tệ phục vụ Thương mại Công bằng, theo đó coi việc định giá thấp tiền tệ như là một hình thức trợ giá, cho phép các công ty Mỹ có thể kiến nghị áp thuế chống bán phá giá cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu.

Tương tự, chính quyền của tổng thống Barack Obama mới có thêm một động thái chống lại Trung Quốc trong WTO – lần này tập trung vào các khoản trợ giá không hợp pháp mà Trung Quốc dành cho các nhà xuất khẩu thông qua cái gọi là “các nền tảng dịch vụ chung” (common services platforms) và “các cụm công nghiệp tiêu biểu” (demonstration base).[1] Nếu Trung Quốc can thiệp để đẩy giá đồng tiền của mình xuống thấp hơn, các hoạt động chính trị ở Mỹ ủng hộ các hành động thương mại chống Trung Quốc hiển nhiên sẽ tăng mạnh, đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đến gần bờ dốc của chủ nghĩa bảo hộ.

Cuối cùng, một chính sách giảm giá đồng nhân dân tệ sẽ dẫn đến việc chiến tranh tiền tệ toàn cầu leo thang. Trong một kỷ nguyên của chính sách nới lỏng định lượng (QE) chưa từng có tiền lệ, việc phá giá đồng tiền để tăng tính cạnh tranh xuất khẩu giờ đây đã trở thành điều bình thường đối với các quốc gia xuất khẩu chính của thế giới – đầu tiên là Mỹ, sau đó là Nhật Bản, và giờ đây là Châu Âu. Nếu Trung Quốc tham gia cuộc đua xuống đáy này, các nước khác sẽ muốn leo thang và các thị trường tài chính thế giới sẽ phải đối mặt với một nguồn bất ổn nghiêm trọng khác.

Cũng như khi Trung Quốc từ chối cơ hội giảm giá đồng Nhân dân tệ trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-98 – một quyết định có thể đã đóng vai trò bản lề trong việc dừng sự lây nhiễm khủng hoảng trong khu vực – Trung Quốc phải tiếp tục chính sách ấy ngày hôm nay. Điều này còn quan trọng hơn trong một môi trường nới lỏng định lượng rối loạn, nơi vai trò của Trung Quốc như một mỏ neo tiền tệ có thể còn có ý nghĩa quan trọng hơn so với cuối những năm 1990.

Chiến lược là sức mạnh lớn nhất của Trung Quốc. Thời gian qua đi, các quan chức Trung Quốc đã đương đầu thành công với rất nhiều tiến triển không đoán trước được mà không mất đi tầm nhìn đối với các mục tiêu chiến lược dài hạn. Họ nên cố gắng giữ được thành tích này, sử dụng đồng Nhân dân tệ mạnh như một động lực để tăng cường các nỗ lực cải cách và tái cân bằng, hơn là một lý do để đảo ngược chính sách. Bây giờ không phải là lúc Trung Quốc chùn bước.

Stephen S.Roach, cựu Chủ tịch và Kinh tế trưởng của Morgan Stanley Asia, là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Jackson về các Vấn đề Toàn cầu, Đại học Yale.

——————

[1] Theo điều tra của Mỹ, Trung Quốc miễn phí hoặc giảm giá các dịch vụ cho các doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp đạt được các thành tích xuất khẩu nhất định. Theo số liệu của Mỹ, từ 2010 đến 2012, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 1 tỉ đô la trợ cấp xuất khẩu dưới dạng này cho các doanh nghiệp trong các ngành như hải sản, dệt, dược phẩm… (NHĐ).