Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (10/03/2015)

Print Friendly, PDF & Email

Tau_do_bo_hai_quan_viet_nam_05

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Việc Trung Quốc tuyên bố gia tăng ngân sách quốc phòng của mình lên thêm 10% trong năm 2015 có lẽ là tin tức quốc phòng đáng chú ý nhất trong tuần vừa qua. Với những ai chuyên theo dõi về quốc phòng Trung Quốc, điều này không mấy ngạc nhiên. Ngân sách dành cho quốc phòng của nước này luôn tăng xung quanh con số 10% trong vòng một thập kỷ vừa qua. Không những thế còn tăng với con số năm sau đều cao hơn năm trước. Kết quả là Trung Quốc đã bắt đầu tạo dựng được một đội quân bắt đầu có khả năng đối đầu với Hoa Kỳ tại khu vực phía tây Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, cái chính là có thể dự đoán được điều gì xung quanh tuyên bố này của Bắc Kinh? Qua hai thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng của mình với tỷ lệ bằng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế. Suốt thời gian này, các chiến lược gia và những nhà quan sát đã tranh luận không ngừng: quá trình này có ý nghĩa gì, nó có bền vững không, và nó nguy hiểm như thế nào với Hoa Kỳ và những quốc gia xung quanh? Hai quan điểm nổi lên.

Quan điểm thứ nhất, sự gia tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc bản thân nó mang hàm ý rằng nước này có tham vọng lớn hơn, và có mong muốn chuyển đổi năng lực thành sức mạnh để cạnh tranh quyền lực tại khu vực. Theo lập luận này, Bắc Kinh sẽ không cho phép suy giảm kinh tế ảnh hưởng tới sự gia tăng ngân sách quốc phòng. Quan điểm thứ hai, việc gia tăng ngân sách quốc phòng là bình thường với một quốc gia đang nổi. Các lý do liên quan tới tham vọng hay mong muốn gia tăng quyền lực về phía Trung Quốc không được chú trọng. Do vậy, theo lập luận này, một khi kinh tế suy giảm thì ngân sách quốc phòng sẽ suy giảm theo.

Thực tế trong năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã phải cắt giảm tăng trưởng xuống mức 7% – thấp nhất trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Có thể thấy quan điểm thứ nhất đã chiếm ưu thế. Điều quan trọng là, Trung Quốc hiểu được rằng các quốc gia khác sẽ coi hành vi gia tăng ngân sách quốc phòng này như là ví dụ thể hiện tham vọng siêu cường. Điều này thực sự là một sự thật “khó nhằn” đối với Hoa Kỳ và các quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

Thế hệ máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không mới của Hải quân Hoa Kỳ (máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6) sẽ không có tốc độ quá cao cũng như chế độ tàng hình sẽ không phải là điểm nổi bật. Đó là những chi tiết mà Tham mưu trưởng Hải quân Đô đốc Jonathan Greenert đã tuyên bố tại Hội chợ Khoa học và Công nghệ tương lai hải quân (Naval Future Force Science and Techonology Expo) ở Washington D.C. Theo Greenert, “các máy bay mới sẽ không cần phải sở hữu tốc độ quá cao do các tên lửa đã có tốc độ nhanh hơn”, và “các máy bay cũng khó có khả năng tàng hình hoàn toàn – chúng vẫn tạo ra một dạng tín hiệu nào đó”. Để cân bằng với các điểm trừ này, Greenert cho rằng loại máy bay mới – mang mã hiệu F/A-XX – sẽ có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau vốn có khả năng áp chế hệ thống phòng không của đối thủ.

Tuyên bố của Tham mưu trưởng Greenert là hoàn toàn dễ hiểu nếu xét đến những tiến bộ công nghệ quân sự gần đây. Như USNI News đã đưa tin, sự phổ biến của các loại tên lửa phòng không siêu thanh đã hạn chế rất lớn lợi thế tốc độ của các máy bay chiến đấu thế hệ mới. Và như Dave Majumdar đã đề cập trên The National Interest: “Nga và Trung Quốc đều đã bắt đầu phát triển hệ thống phòng không với các loại ra-đa hoạt động trên băng tần UHF và VHF vốn có thể vô hiệu hoá các máy bay thế hệ thứ 5 của Hoa Kỳ. Các máy bay chiến đấu tàng hình hiện nay chỉ được tối ưu hoá để chống lại các loại ra-đa băng tần Ku, X, C và S.

Một thông tin khác về công nghệ quân sự. Nhà thầu Lockhed Martin vừa qua đã thử nghiệm thành công một thiết bị laser mới mang tên ATHENA, được phát triển dựa trên hệ thống ADAM. Các hệ thống laser nói chung, vốn có thể tấn công các mục tiêu cả trên không lẫn mặt đất với chi phí rẻ, phù hợp với một lực lượng quân đội đang suy tính cắt giảm ngân sách hoặc không có nhiều ngân sách. Hệ thống ATHENA đã có thể vô hiệu hoá một chiếc xe hơi mà không cần phải sử dụng vũ khí nóng. Dòng tia laser bắn xuyên qua động cơ của chiếc xe ở khoảng cách hơn một dặm mà không làm cho chiếc xe phát nổ. Ứng dụng này hiệu quả trong các mục đích ngăn chặn khủng bố, ví dụ như ngăn chặn các phương tiện tình nghi có mang bom đang hướng tới mục tiêu. ATHENA sử dụng kỹ thuật tia hội tụ (spectral beam combining), nghĩa là tập trung nhiều các thiết bị phát laser vào chung một điểm để tạo ra một chùa tia laser mạnh và có độ tập trung cao.

Trong một cuộc khảo sát được công bố bởi chính phủ Nhật Bản, người dân nước này cho rằng Trung Quốc là mối đe doạ an ninh hàng đầu. Hơn 60% số người được hỏi đã đưa ra ý kiến như trên, so với con số chỉ 46% ba năm trước đó. Mối lo ngại liên quan đến Triều Tiên đã giảm xuống còn 53% so với con số trước đó là 65%. Bên cạnh đó, có 59% số người được hỏi cho rằng quy mô của lực lượng phòng vệ Nhật Bản hiện tại là phù hợp. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người cho rằng lực lượng này nên được mở rộng, với con số khảo sát là 30%. Con số này gia tăng so với mức 25% của đợt khảo sát trước và 14% so với 6 năm trước đó. 71,5% cho biết họ có quan tâm tới lực lượng phòng vệ, và 92% có ấn tượng tốt với lực lượng này.

Thông tin cuối cùng có liên quan tới Việt Nam. Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) ngày 6 tháng 3 đưa ra thông tin cho biết Bộ Quốc phòng đang tiến hành làm thủ tục mua xe vận tải có trọng tải lớn trang bị cho vận tải chiến lược; đóng mới tàu vận tải đổ bộ, tàu tuần tiễu, tàu kéo sông…Hiện nay, các cơ sở đóng tàu quân đội đã đóng mới thành công tàu đổ bộ ST-2300. Đây là tàu đổ bộ 80 tấn, có vỏ thép, ca-bin bố trí phía đuôi tàu, phía trước bố trí sàn và tàu đổ bộ. Có thể thấy, hệ thống các loại tàu đổ bộ hiện tại của Việt Nam đã khá lỗi thời và cần được thay mới. Trong bối cảnh mà nhu cầu cần phải bảo vệ và triển khai nhanh chóng lực lượng lính thuỷ đánh bộ đến các điểm đảo xung yếu, thì quá trình đóng mới các tàu đổ bộ như ST-2300 là hết sức cần thiết. Với kinh nghiệm đóng mới ST-2300 cùng với ngành công nghiệp đóng tàu chiến đang ngày một hoàn thiện sẽ giúp cho Việt Nam trong tương lai có thể đóng được các loại tàu đổ bộ mới với lượng giãn nước lớn hơn.