Thế lưỡng nan của Hoàng đế Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

Xi_2337986b

Nguồn: Chris Patten, “Emperor Xi’s Dilemma,” Project Syndicate, 21/1/2015.

Biên dịch: Trần Anh Hòa | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tôi từng nói chuyện với một nữ học giả người Trung Quốc; cha mẹ bà trốn chạy khỏi quê hương vào những năm 1930 do kinh sợ trước sự tham lam và nạn tham nhũng lan tràn trong nước trước khi cuộc cách mạng cộng sản nổ ra. Họ trở về sau năm 1949, bỏ lại công việc an nhàn trong các trường đại học ở California để giúp xây dựng một Trung Quốc mới.

Cha của nữ học giả này đã phải chịu nhiều đau khổ trong các chiến dịch chống hữu khuynh trong những năm 1950 và trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 và 1970, và chết trong nghèo khó sau một án tù. Nhưng mẹ của bà vẫn luôn trung thành với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bà coi những khó nhọc của chồng như cái giá riêng để đổi lấy những thứ tốt hơn.

Thế nhưng trong những năm cuối đời, bà ngày một chán nản bởi làn sóng tham nhũng đang gia tăng. Bà ra đi với cảm giác rằng bà và chồng bà đã dành cả đời để hy sinh một cách vô ích. Tình trạng vô đạo đức độc hại của những năm 1930 đã quay trở lại.

Ngày nay, cuộc chiến chống tham nhũng đang tiêu tốn phần lớn năng lượng và sự quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – và đúng như vậy. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), một cơ quan giám sát chống tham nhũng, đã đưa Trung Quốc vào danh sách các nước tham nhũng nhất thế giới, đứng thứ 80, giữa Hy Lạp và Tunisia. Với hàng loạt câu chuyện về các quan chức chính phủ với những chiếc đồng hồ Rolex lấp lánh, lái xe Maserati, và quá quen thuộc với các thiên đường thuế ở nước ngoài, công chúng ngày càng mất lòng tin vào Đảng Cộng sản.

Vậy thì nhà lãnh đạo có quyền thế lớn nhất của Trung Quốc trong một thế hệ qua có đủ sức mạnh để ngăn chặn sự thối rữa hay không?

Sau cái chết của Mao Trạch Đông, người kế nhiệm ông là Đặng Tiểu Bình đã công nhận rằng chế độ độc tài cá nhân trị là quá nguy hiểm đối với Trung Quốc, vì nó đem đến cho đất nước những khía cạnh thái quá tồi tệ nhất của một nền chính thể chuyên chế thất thường. Do vậy, từ khi Đặng Tiểu Bình về hưu năm 1992 cho đến khi Tập Cận Bình được bầu lên đứng đầu đất nước cách đây 2 năm, quyền lãnh đạo Trung Quốc đều mang tính tập thể và đồng thuận. Chủ tịch Giang Trạch Dân và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào giống quan nhiếp chính hơn là hoàng đế.

Tuy nhiên, giờ đây thế cân bằng một lần nữa nghiêng về nền lãnh đạo “hoàng đế”, sau khi cảm nhận ngày một rõ về sự phân tán trong giới chóp bu của Đảng khiến nhiều người lo rằng các quyết định lớn – không chỉ những quyết định liên quan đến cải cách kinh tế – đã bị né tránh. Từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố lại tất cả các đòn bẩy quyền lực chính, và gạt vị thủ tướng bù nhìn Lý Khắc Cường sang một bên.

Hơn nữa, vụ bắt giữ Bạc Hy Lai, một quan chức cấp cao bị nghi ngờ đang có âm mưu thâu tóm quyền lực, đã khiến nhiều đảng viên Đảng Cộng sản lo sợ. Họ còn sợ hãi hơn nữa sau vụ bắt giữ Chu Vĩnh Khang, dù là Bộ trưởng lâu năm của Bộ Công an Trung Quốc và là uỷ viên cấp cao của Bộ Chính trị nhưng vẫn đang bị giam giữ.

Sự thành công của chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình là rất quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc. Đó là cách duy nhất để đảm bảo rằng chế độ trọng dụng nhân tài thắng thế so với chủ nghĩa thân quen – và từ đó chấm dứt tình trạng phân bổ sai tài nguyên trầm trọng của đất nước. Khi tín dụng bị chính trị hóa, các ưu tiên đầu tư sẽ nhanh chóng trở nên méo mó. Tệ hối lộ và mua quan bán tước càng làm cho vấn đề tồi tệ hơn.

Tập Cận Bình là người mà Trung Quốc gọi là “Thái tử Đảng”, con trai của một nhà lãnh đạo Đảng và anh hùng quân đội.[1] Ông cư xử với sự tự tin của giới quý tộc. Nhưng ngay cả ông cũng phải tuân theo quy tắc đầu tiên của trò chơi: Khi nào Đảng quyết định xong là ai tham nhũng thì mới được chỉ đích danh người đó.

Có thể gọi đó là chống tham nhũng mang bản sắc Trung Quốc: Lẽ ra phải thẳng thắn (dù nguy hiểm về mặt chính trị) yêu cầu quan chức phải kê khai các nguồn thu nhập của họ. Thay vào đó, giới lãnh đạo lại bắt giữ các nhà hoạt động, những người đã kêu gọi giới lãnh đạo làm chính việc đó.

Khi tạp chí Bloomberg và tờ New York Times công bố chi tiết về gia đình các nhà lãnh đạo Trung Quốc hàng đầu (kể cả của Tập Cận Bình), những người có nhiều tài sản và bổng lộc, cả hai đều bị tấn công chính thức một cách nghiêm trọng và bị buộc phải nhanh chóng thu hồi ấn bản của họ ở Trung Quốc. Một số người suy đoán rằng một trong những nguyên nhân của việc Tập Cận Bình chỉ định cựu Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn để lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng là vì ông Vương và vợ không có con – nghĩa là không có lũ con cháu tham lam có thể buộc ông phải chùn bước.

Rõ ràng Tập Cận Bình không có ý định thay đổi nền văn hóa chính trị của Trung Quốc, cho dù nó không có lợi cho các nhiệm vụ mà ông đã đặt ra. Minh bạch, đa nguyên, nhà nước pháp quyền, tự do báo chí, và trách nhiệm giải trình mang tính dân chủ là những bảo đảm tốt nhất cho sự trung thực trong đời sống công cộng – và là con đường chắc chắn nhất để đảm bảo bất kỳ loại hình cải cách kinh tế nào mà Tập Cận Bình muốn.

Trung Quốc đang ngày càng tìm cách theo đuổi sự thành công của mô hình phát triển thị trường kết hợp chủ nghĩa chuyên chế (markets‑and‑mandarins) của mình. Nhưng khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại trong năm nay, nhà lãnh đạo hoàng đế của nó nhiều khả năng sẽ phát hiện ra rằng thực sự có một mối liên hệ giữa sự cởi mở của xã hội và tính bền vững trong thành công kinh tế của Trung Quốc.

Chris Patten, Thống đốc Anh cuối cùng của Hồng Kông và cựu ủy viên EU về đối ngoại, là Hiệu trưởng danh dự Đại học Oxford.

—————–

[1] Thái tử Đảng là danh xưng không chính thức mang sắc thái mỉa mai ở Trung Quốc, dùng để chỉ những người thuộc tầng lớp con ông cháu cha, phần nào đó tương tự như cách gọi “hạt giống đỏ” ở Việt Nam. Tập Cận Bình là con trai cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, thế hệ lãnh đạo đầu của Trung Quốc – NHĐ.