Nguồn: Christopher Hughes (2008). “Chapter Five: Japan’s External Military Commitments”, The Adelphi Papers, 48:403, pp. 79-98.
Biên dịch: Trương Thị Thanh Hiền | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Quá trình tái quân sự hóa ở bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản cần được đánh giá không chỉ về khía cạnh triển khai trực tiếp các lực lượng quân sự của họ ra nước ngoài thông qua các cơ chế của liên minh Mỹ – Nhật và các hoạt động của Liên Hiệp Quốc mà còn thông qua việc mở rộng hỗ trợ về vật chất và tài chính của Nhật Bản cho quá trình triển khai sức mạnh của Hoa Kỳ ở cấp độ khu vực và toàn cầu, dưới hình thức cung cấp các căn cứ và khả năng phối kết hợp các năng lực quân sự. Quá trình triển khai quân đội ra nước ngoài và việc tái cơ cấu liên minh Mỹ – Nhật trong thời kỳ hậu Koizumi đã bị giảm sút và tiến triển chậm hơn mong muốn của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bất chấp tranh cãi chính trị trong nước về khả năng triển khai lực lượng ra nước ngoài, Nhật Bản vẫn kiên trì trong việc tái cơ cấu liên minh của mình với Hoa Kỳ và tiếp tục tìm kiếm cách thức để triển khai Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) ra nước ngoài. Do đó, Nhật Bản đã tiếp tục củng cố các cam kết quân sự của mình ở nước ngoài.
Các sứ mệnh của JSDF ở Iraq và Ấn Độ Dương
Nhật Bản đã nhận thấy rằng khó có thể duy trì hai sứ mệnh nổi bật nhất của mình ở nước ngoài trong giai đoạn hậu 11/9: sự hỗ trợ của Lực lượng Phòng vệ Biển (MSDF) cho Chiến dịch Tự do Bền vững (Operation Enduring Freedom – OEF) ở Ấn Độ Dương, và sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) và Lực lượng Phòng vệ trên không (ASDF) trong quá trình tái thiết Iraq. Cam kết của Nhật Bản với các sứ mệnh này đánh dấu một tiền lệ quan trọng bởi đây là lần đầu tiên JSDF được triển khai ra nước ngoài trong khi các xung đột đang diễn ra, mặc dù trong các vai trò phi tác chiến. Hai sứ mệnh trên được coi là biểu tượng quan trọng đánh dấu sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và sự phổ biến của vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), và của các cam kết tương lai của họ đối với việc mở rộng hợp tác an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, kể từ năm 2006, Nhật Bản đã giảm bớt các cam kết của mình đối với những sứ mệnh này. 600 binh sĩ GSDF đang thực hiện nhiệm vụ ở Samawah, tỉnh Muthana, Iraq được rút về vào tháng 7 năm 2006 sau khi hoàn thành sứ mệnh hai năm của họ, một phần bởi vì các mục tiêu tái thiết chính của họ được cho là đã hoàn thành. Theo Bộ Quốc phòng, GSDF đã cung cấp 53.000 tấn nước, sửa chữa 36 trường học và 66 cơ sở y tế, hoàn thành 31 tuyến đường và cung cấp việc làm cho hơn 1.000 người dân Iraq.[1] Tuy nhiên, GSDF phải được “tái triển khai”, và với một tốc độ tương đối nhanh chóng, bởi vì quá trình chuyển giao an ninh theo kế hoạch trên địa bàn tỉnh cho các lực lượng Iraq đã được đưa ra, và các lực lượng của Anh và Australia đang bảo vệ cho GSDF đã được rút đi. Hai năm sau, vào tháng 12 năm 2008, hoạt động năm năm của ASDF với nhiệm vụ vận chuyển nhân lực và vật lực cho Liên Hiệp Quốc và liên quân từ Kuwait đến Baghdad và Erbil ở tây bắc Iraq đã kết thúc. ASDF được cho là đã thực hiện tổng cộng 821 chuyến bay, vận chuyển 46.500 nhân viên và 673 tấn hàng hóa.[2] Chính phủ Nhật Bản quyết định rút ASDF bởi vì các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cho phép các sứ mệnh của liên quân ở Iraq sắp hết hạn, và bởi vì Hoa Kỳ và các đối tác liên minh khác đang cắt giảm lực lượng của họ. Ngoài ra, chính phủ nhận thức được rằng Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đang cân nhắc việc sử dụng sức mạnh mới của họ ở Quốc hội để buộc sứ mệnh phải kết thúc.
Cuối cùng, quá trình rút JSDF khỏi Iraq đã được thực hiện khá gấp rút, để thích ứng với hoàn cảnh quốc tế đang thay đổi và các áp lực trong nước. Cũng không chắc chắn liệu sứ mệnh của JSDF là một trở ngại hơn là một sự trợ giúp cho các hoạt động liên minh. Sự phản đối của Nhật Bản đối với bất kỳ sứ mệnh nào ngoại trừ sứ mệnh phi tác chiến (chỉ có 3 quân nhân GSDF bị thương (không nguy hiểm đến tính mạng), gây ra bởi các vụ tai nạn giao thông vào tháng 6 năm 2006, và không có một phát súng đơn lẻ nào nổ ra do tức giận suốt năm năm triển khai) có nghĩa là nhiệm vụ bảo vệ (cho binh sĩ Nhật) đã được thực hiện bởi các lực lượng liên quân khác. Ngoài ra, sứ mệnh cực kỳ tốn kém, và đem lại nhiều nghi vấn cho quá trình tái thiết. Việc cung cấp nước và những đóng góp cho các hoạt động tái thiết khác của GSDF tốn kém hơn nhiều nếu so sánh với quá trình cung cấp tương tự bởi các tổ chức phi chính phủ hoặc thậm chí là các nhân viên địa phương; các thiết bị y tế được hiến tặng bởi GSDF không thể được duy trì về sau bởi nhân viên Iraq, nhất là vì các hướng dẫn đều bằng tiếng Nhật; và sự rút quân nhanh chóng của GSDF có nghĩa rằng họ không thể hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa đường xá của mình, để lại những đoạn đường dài chưa được trải sỏi.[3]
Sứ mệnh của MSDF ở Ấn Độ Dương cũng đã gặp phải các áp lực trong nước và quốc tế và phải đối mặt với những chỉ trích tương tự. Từ năm 2001, Nhật Bản đã tìm cách duy trì một hoặc hai tàu khu trục và một tàu cung ứng nhiên liệu hoạt động thường trực ở Ấn Độ Dương; theo Bộ Quốc phòng, giữa tháng 12 năm 2001 và tháng 10 năm 2007, MSDF đã tiếp nhiên liệu cho các tàu liên quân 794 lần với tổng số 490.000 mét khối nhiên nhiệu, và cung cấp nhiên liệu cho máy bay trực thăng 76 lần với tổng số 990 mét khối. MSDF đã hỗ trợ cho các tàu chiến từ Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Pakistan, Canada, New Zealand, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha và Hy Lạp.[4]
DPJ đã tìm cách ngăn cản việc gia hạn Luật Giải pháp Đặt biệt Chống Khủng bố (ATSML) cho phép triển khai quân đội vào năm 2007. DPJ phản đối sứ mệnh này vì họ lập luận rằng Nhật Bản về bản chất đang cung cấp sự hỗ trợ cho các sứ mệnh của Hoa Kỳ và liên minh nhằm sử dụng vũ lực ở Afghanistan và có thể là ở những nơi khác, do đó vi phạm lệnh cấm về phòng vệ tập thể. DPJ đã dùng vấn đề này để buộc ông Abe từ chức vào năm 2007, và sau đó tiếp tục phản đối những nỗ lực tiếp tục sứ mệnh này của ông Fukuda. DPJ lại có thêm sức ảnh hưởng nhờ những tiết lộ vào cuối năm 2007 rằng MSDF đã báo cáo không chính xác những số liệu về cung ứng nhiên liệu, và có những nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đã chuyển nhiên liệu của Nhật Bản cho các hoạt động ở Iraq. Trong một báo cáo vào tháng 9 năm 2007 dựa trên dữ liệu không được coi là bí mật của Hoa Kỳ, Tổ chức Phi Chính phủ Peace Depot Nhật Bản đã cho rằng MSDF đã cung cấp nhiên liệu cho tàu sân bay Kitty Hawk của Hoa Kỳ vào năm 2003, và rằng con tàu sau đó đã ngay lập tức tham gia vào Chiến tranh Iraq, do đó trái với mục đích của ATSML, được thiết kế đặc biệt chỉ để hỗ trợ cho Chiến dịch Tự do Bền vững.[5] Được hỗ trợ bởi thông tin bổ sung từ Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng đã phản bác những lời buộc tội này.[6]
Thủ tướng Fukuda đã thành công trong việc thông qua Luật Giải pháp Đặc biệt Hỗ trợ Bổ sung (RSSML) vào tháng Giêng năm 2008, nhưng sự phản đối liên tục của DPJ đối với việc tiếp tục ban hành đạo luật này vào cuối năm 2008 đã góp phần vào sự từ chức của ông. Người kế nhiệm ông Fukuda, Thủ tướng Aso, đã thúc đẩy Quốc hội thông qua RSSML một lần nữa vào tháng 12 năm 2008. Do đó, bất chấp sự phản đối của DPJ, các chính quyền kế tiếp đã xoay sở để duy trì sứ mệnh của MSDF ở Ấn Độ Dương, mặc dù chỉ bằng cách hứng chịu các chi phí chính trị tăng dần trong nước, giới hạn nhiệm vụ của MSDF chỉ xoay quanh việc cung ứng nhiên liệu và buộc tất cả lực lượng hải quân có liên quan phải đảm bảo rằng nhiên liệu được cung cấp sẽ chỉ được sử dụng như là một phần của Chiến dịch Tự do Bền vững.[7]
Quá trình triển khai MSDF đến Ấn Độ Dương là hành động đầu tiên và đáng chú ý nhất của Nhật Bản trong việc hỗ trợ ‘cuộc chiến chống khủng bố’ của Hoa Kỳ, tạo thành một cam kết mang tính biểu tượng quan trọng đối với những nổ lực chống khủng bố của Hoa Kỳ và thế giới. Tuy nhiên, thực tế là Nhật Bản nhận thấy rằng họ khó mà duy trì thậm chí là cam kết khiêm tốn này, kết hợp với sự bẽ mặt của việc MSDF rút lui tạm thời khỏi Ấn Độ Dương vào tháng 11 năm 2007, vốn bị gây sức ép bởi sự phản đối của DPJ đối với việc gia hạn ATSML và việc GSDF nhanh chóng rời khỏi Iraq. Thực tế trên đặt ra những nghi vấn không thể tránh khỏi về sự sẵn sàng của Nhật Bản trong việc thực hiện những sứ mệnh ở nước ngoài và tương lai của việc triển khai MSDF ở Ấn Độ Dương vẫn còn không chắc chắn.
Tuy nhiên, trong khi những vấn đề của Nhật Bản ở Iraq và Ấn Độ Dương cản trở tham vọng an ninh quốc tế của họ, đã xuất hiện thêm nhiều khó khăn nhỏ và tạm thời theo nhiều cách khác nhau. Các nhà hoạch định chính sách nhìn chung đã xem những chiến dịch này là rất thành công, đặt tiền đề cho sự mở rộng về dài hạn các cam kết ở nước ngoài của Nhật Bản. Do đó, thay vì chỉ tập trung vào những đóng góp cụ thể của các sứ mệnh ở Iraq và Ấn Độ Dương đối với an ninh quốc tế, Nhật Bản đã tận dụng những sứ mệnh này để đạt được kinh nghiệm hoạt động trong các liên minh quốc tế. Hiện nay, JSDF đã làm việc cùng với quân đội Hoa Kỳ và các nước khác ở Ấn Độ Dương và Iraq, và đã phái nhân viên đến Bộ chỉ huy Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) ở Tampa, Florida, để tham gia vào việc lập kế hoạch liên minh.[8] Nếu các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc cũng được gộp chung với các sứ mệnh ở Iraq và Ấn Độ Dương, thì ước tính rằng, đến năm 2002, có 3.000 quân nhân Nhật Bản được triển khai ở nước ngoài tại cùng một thời điểm. Khoảng 5.500 quân nhân GSDF phục vụ luân phiên tại Iraq, và đến năm 2007 xấp xỉ 30.000 quân nhân JSDF đã có kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài.[9] Nhật Bản đã mở rộng phạm vi các loại vũ khí mà GSDF có thể được sử dụng ở nước ngoài, bắt đầu với súng ngắn trong các sứ mệnh đầu tiên và tăng dần đến súng trường, súng liên thanh, súng không giật và đạn chống xe tăng hạng nhẹ. JSDF cũng nhận được chỉ thị mới cho phép sử dụng những vũ khí này bảo vệ nhân viên và những đối tượng khác nằm trong trách nhiệm của mình, bao gồm người tị nạn và các quân nhân Hoa Kỳ bị thương. Cả hai sứ mệnh ở Ấn Độ Dương và Iraq đã cung cấp những tiền lệ quan trọng cho việc triển khai JSDF ra ngoài Nhật Bản trong tương lai. Thật vậy, những nhà hoạch định chính sách an ninh của Nhật Bản bất chấp những vấn đề về việc gia hạn RSSML, đang tìm kiếm những sứ mệnh và những đối tác liên minh mới.
Sóng thần ở Ấn Độ Dương, Afghanistan, Luật Điều động Vĩnh viễn và các sứ mệnh chống cướp biển
Ngoài các sứ mệnh ở Iraq và Ấn Độ Dương, Nhật Bản đã khám phá ra một loạt những cách thức mới nhằm đưa JSDF ra nước ngoài. Dưới sự cho phép của Luật Cứu trợ Thiên tai Quốc tế, JSDF đã thực hiện hoạt động ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của mình nhằm đối phó với thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương, triển khai tổng cộng 1.500 nhân viên, chuyển các tàu MSDF từ Ấn Độ Dương trở về Nhật Bản để vận chuyển hàng viện trợ, và vào tháng Giêng năm 2005 đã phái một đội tàu bao gồm một tàu chở quân lớp Osumi đến Aceh ở Sumatra sau vụ sóng thần. Đội tàu, mang theo 5 máy bay trực thăng GSDF và 20 xe tải, đóng vai trò như một “doanh trại nổi” cho các hoạt động chung của MSDF và GSDF. Thông qua việc tham gia vào hoạt động cứu trợ, JSDF đã thu được những kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động chung và kết hợp, và kinh nghiệm hoạt động với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong môi trường đa quốc gia, thông qua việc thành lập trụ sở liên lạc phối hợp cùng với Hoa Kỳ tại căn cứ quân sự của Thái Lan ở Utapao.[10]
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản cũng cho thấy mối quan tâm của họ đối với các Chiến dịch gìn giữ Hòa bình của Liên Hợp Quốc (UNPKO) như là một cách để gia tăng kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài của JSDF, mặc dù thực tế là, vào đầu năm 2009, chỉ có hơn 30 nhân viên JSDF được triển khai trong những hoạt động như vậy, trong tổng số gần 240.000 quân, chứng tỏ rằng sự tích cực về chính sách của Nhật Bản trên thực tế vẫn còn tập trung vào việc tham gia vào các sứ mệnh dưới hình thức liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo hoặc do Liên Hợp Quốc ủy quyền. Hai mươi chín nhân viên GSDF đã được triển khai như một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Cao nguyên Golan từ năm 1996; sáu sĩ quan liên lạc được phái đến Phái đoàn Chính trị của Liên Hợp Quốc ở Nepal (UNMIN) vào tháng 4 năm 2007 với thời gian triển khai một năm; và vào giữa năm 2008, Nhật Bản đã xem xét tham gia vào Phái đoàn Liên Hợp Quốc ở Sudan (UNMIS), một phần để đối phó với sự hiện hiện ngày càng tăng của Trung Quốc trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình ở Châu Phi.[11] Cuối cùng, hai sĩ quan liên lạc được gửi đến trụ sở của UNMIS ở Khartoum.
Các vấn đề chính trị liên quan đến việc tiếp tục các đạo luật gắn với các sứ mệnh ở Iraq và Ấn Độ Dương đã thúc đẩy những nhà hoạch định chính sách Nhật Bản tìm kiếm thêm những phương tiện thông thường để triển khai JSDF ra nước ngoài. Tháng 8 năm 2006, trong nhiệm kỳ của mình ở cương vị Tổng Thư ký Nội các, ông Abe đã đưa ra khả năng của một đạo luật điều động vĩnh viễn (kokyu hoan hoặc ippanho) cho JSDF, loại bỏ việc yêu cầu chính phủ phải tiến hành các cuộc tranh luận tốn thời gian và thông qua các đạo luật có thời hạn riêng biệt cho mỗi sứ mệnh, do đó làm cho JSDF có thể tham gia một cách nhanh chóng vào ‘các hoạt động hợp tác hòa bình quốc tế’.[12] Ông Abe đã nêu lên vấn đề này một lần nữa vào tháng 1 năm 2007, trong một bài diễn văn – lần đầu tiên từ trước đến nay bởi một Thủ tướng Nhật Bản – tại Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, dấy lên hy vọng trong NATO về các hỗ trợ quân sự của Nhật Bản ở Afghanistan.[13] Bộ trưởng Quốc phòng Kyuma đã thảo luận về đạo luật được nêu ra và cam kết của JSDF đối với Afghanistan với các sĩ quan NATO vào tháng 5 năm 2007.[14]
Khi chính quyền của ông hoạt động vào tháng 9 năm 2007, Fukuda dường như ít nhiệt tình với luật điều động vĩnh viễn, cũng như ít bận tâm lo lắng như với các vụ bê bối liên quan đến quốc phòng. Tuy nhiên, đến đầu năm 2008, sau những khó khăn xung quanh việc thông qua RSSML, ông bắt đầu hâm nóng lại ý tưởng này. Fukuda cũng nhận thức được nhu cầu ngày tăng từ Hoa Kỳ và NATO đối với JSDF trong việc đẩy mạnh những nỗ lực của mình để ủng hộ Chiến dịch Tự do Bền vững ngoài việc cung ứng nhiên liệu, và hỗ trợ liên minh trên mặt đất ở Afghanistan. Cuối cùng, có lẽ ông Fukuda đã nhận thấy luật điều động vĩnh viễn là một phương tiện để tạo ra sự thỏa hiệp với DPJ về các cam kết ở nước ngoài của JSDF; tháng 10 năm 2007, lãnh đạo DPJ, ông Ichiro Ozawa đã lập luận rằng JSDF có thể được điều động đến Afghanistan, thậm chí có thể thực thi các nhiệm vụ chiến đấu, nếu họ được cho phép làm như vậy bởi các nghị quyết thích hợp của Liên Hợp Quốc.[15]
Tháng Giêng năm 2008, ông Fukuda đã chỉ thị cho Hội đồng Nghiên cứu chính sách (PRC) của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bắt đầu một Nhóm Dự án (PT) để nghiên cứu tính khả thi của việc đệ trình một đạo luật điều động vĩnh viễn lên Quốc hội vào cuối năm, dựa trên các nguyên tắc như việc triển khai JSDF sẽ nằm trong khuôn khổ hiến pháp, phù hợp với những yêu cầu từ Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác và giới hạn trong những khu vực phi chiến sự và sẽ đòi hỏi sự chấp thuận bởi Quốc hội.[16] Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Masahiko Komura sau đó đã lập lại ý định của Nhật Bản nhằm thông qua luật điều động vĩnh viễn tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 năm 2008.[17] Các nhà lãnh đạo Nhật Bản sau đó đã gợi ý rằng họ sẽ thông qua đạo luật này và triển khai GSDF như là một phần của Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) ở Afghanistan, bao gồm một tuyên bố về việc này của ông Ishiba tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á IISS vào tháng 5.
Nhật Bản sau đó đã nhận được những yêu cầu trực tiếp từ Hoa Kỳ và NATO cho GSDF nhằm cung cấp máy bay trực thăng và các máy bay C-130 để bù đắp thiếu hụt trong liên quân, với việc GSDF, như đã lưu ý ở Chương 2, bắt đầu bọc giáp các máy bay trực thăng CH-47JA cho các loại sứ mệnh này.[18] Tuy nhiên, trong nửa sau năm 2008, rõ ràng rằng chính phủ Fukuda khó có thể thúc đẩy thông qua luật điều động vĩnh viễn. Bản thân LDP và đối tác liên minh New Komeito, ngày càng lo ngại việc về rủi ro JSDF có thể vướng vào các hoạt động chiến đấu ở Afghanistan khi tình hình an ninh có vẻ xấu đi.[19] Nhật Bản đã hủy bỏ các kế hoạch gửi JSDF đến Afghanistan, và giải quyết thay thế bằng cách tăng sự đóng góp của mình cho ISAF thông qua tài trợ cho việc nâng cấp các máy bay trực thăng của liên quân NATO, và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các Nhóm Tái thiết cấp Tỉnh (PRTs).[20] Đầu năm 2009, có vẻ như chính quyền Obama ở Hoa Kỳ đã hài lòng với những đóng góp tài chính bổ sung này khi họ chuẩn bị tăng cường lực lượng của mình ở Afghanisan.
Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản hiện nay đang tập trung vào các hoạt động chống cướp biển của MSDF ngoài khơi biển Somalia và Vịnh Aden. Đặc biệt, từ tháng 3 năm 2008 ông Aso đã dùng lý lẽ để biện hộ cho các loại hình hoạt động này như là phương tiện để mở rộng và xác định lại hợp tác an ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản.[21] Mối quan tâm của Nhật Bản trong các hoạt động chống cướp biển được thúc đẩy bởi Nghị quyết 1816 của Liên Hợp Quốc vào tháng 6 năm 2008, đã đưa ra một yêu cầu mạnh mẽ về sự tham gia của JSDF vào Lực lượng Đặc nhiệm Hỗn hợp (CTF) 150. Mối quan tâm được củng cố bởi vụ cướp tàu Sirius Star và các hoạt động cướp biển nổi bật vào cuối năm 2008, thu hút sự chú ý đến các vấn đề của riêng Nhật Bản với nạn cướp biển trong khu vực. Giữa tháng 10 năm 2008, ông Aso tuyên bố rằng Nhật Bản có thể xem xét việc thông qua một đạo luật chống cướp biển mới cho phép triển khai MSDF, một đề xuất đã thu hút được sự ủng hộ của các chính trị gia nhóm liên đảng LDP và DPJ.[22] Cuối cùng, và mang tính quyết định, cuối tháng 12, tin tức cho hay rằng Trung Quốc đã quyết định phái hai tàu khu trục đến Vịnh Aden đã gây nên mối lo ngại trong đất nước Nhật Bản rằng Trung Quốc có thể tận dụng cơ hội để mở rộng hợp tác với Hoa Kỳ.[23]
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã quyết định một phương thức tiếp cận hai giai đoạn đối với việc triển khai quân nhằm đảm bảo tuân thủ các yêu cầu của hiến pháp và luật pháp. Giai đoạn đầu tiên là lấp kẽ hở trong việc điều động MSDF theo các điều khoản của hoạt động tuần tra biển của Luật về JSDF hiện hành. Điều này cho phép JSDF bảo vệ tàu của Nhật Bản và các tàu khác với thủy thủ đoàn người Nhật Bản hoặc chuyển chở các hàng hóa liên quan đến Nhật Bản. JSDF sẽ được phép sử dụng vũ lực chống lại cướp biển để tự vệ và tạo điều kiện cho các cuộc sơ tán khẩn cấp và nhằm ra lệnh cho các tàu bị nghi ngờ là cướp biển dừng lại và thực hiện khám xét. Quá trình triển khai JSDF được củng cố bởi sự hiện diện của 8 nhân viên thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) trên các tàu khu trục, bởi vì theo luật pháp hiện hành thì MSDF thiếu quyền hạn bắt giữ, trong khi JCG có thể bắt giữ và thu thập chứng cứ để khởi tố những tên cướp biển.[24]
Các quan chức của Bộ Quốc phòng và MSDF chịu trách nhiệm thực hiện sứ mệnh chống cướp biển cảm thấy rằng quy định luật pháp hiện hành là không đủ để đảm bảo các hoạt động hiệu quả và sự an toàn của các quân nhân Nhật Bản trong trường hợp chạm trán với cướp biển đã sẵn sàng để dùng vũ lực chống lại họ. Do đó, giai đoạn phản ứng thứ hai là chuẩn bị một đạo luật chống cướp biển mới bởi Nhóm Dự án LDP-New Komeito.[25] Luật mới ban hành cho phép JSDF bảo vệ các tàu không phải của Nhật Bản với điều kiện là họ ở trong cùng vùng lân cận và việc sử dụng vũ lực không chỉ nhằm mục đích tự vệ mà còn để buộc các tàu cướp biển dừng lại nếu không còn cách nào khác.[26] Chính phủ lập luận rằng việc sử dụng vũ lực chống lại cướp biển để bảo vệ các tàu nước ngoài không tương tự như phòng vệ tập thể bởi vì đó là một hành động cần thiết để chống lại một chủ thể phi nhà nước.[27] Việc triển khai JSDF sẽ được chấp thuận bởi Thủ tướng và sau đó được báo cáo lên Quốc hội, do đó tránh được những vấn đề như đã xảy ra trong quá trình tìm kiếm sự phê chuẩn trước đó đối với ATSML/RSSML.[28]
Chính phủ lên kế hoạch đệ trình luật chống cướp biển mới lên Quốc hội vào tháng 3 năm 2009. Thực tế là dự luật đã được hỗ trợ bởi LDP và New Komeito, và rằng nhiều thành viên DPJ đồng cảm với động cơ chống cướp biển, đề nghị rằng dự luật này nên được thông qua một cách tương đối nhanh chóng. Tuy nhiên, dự luật gây nhiều tranh cãi bởi vì, bất chấp những lập luận chính thức phản bác lại những ý kiến đối lập, các điều khoản cho phép bảo vệ các tàu không phải của Nhật Bản dường như đụng chạm đến các vấn đề về phòng vệ tập thể và dự luật đòi hỏi một sự nới lỏng rõ ràng các giới hạn sử dụng vũ lực. Chính phủ đã tìm cách xoa dịu những quan ngại bằng cách quy định rằng những tàu dưới sự bảo vệ của Nhật Bản phải trong phạm vi gần, do đó làm mờ đi sự khác biệt giữa tự vệ và phòng vệ tập thể.
Tháng Giêng năm 2009, Bộ Quốc phòng ra lệnh cho các tàu khu trục Sazanami và Samidare chuẩn bị cho việc triển khai. Các tàu khu trục sẽ mang theo Đơn vị Biệt kích của MSDF (SBU). Bộ Quốc phòng cũng đang xem xét việc gửi máy bay tuần tra P-3C đến trụ sở CTF 150 ở Djibouti một khi Thỏa thuận về Quy chế các Lực lượng (SOFA) được ký kết xong.[29] Tháng 2 năm 2009, Bộ thực hiện một chuyến công du tìm hiểu thực tế quanh Vịnh Aden, ở Djibouti, Bahrain, Yemen và Oman, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai MSDF; các tàu khu trục đã khởi hành đến Vịnh Aden vào ngày 14 tháng 3, để bắt đầu các chuyến tuần tra chống cướp biển vào đầu tháng 4.
Mặc dù cam kết riêng lẻ này một lần nữa mang tính khiêm tốn, nhưng sự tham gia của Nhật Bản trong các nỗ lực chống cướp biển sẽ là sự bổ sung rất hữu ích cho các nỗ lực an ninh quốc tế. Quan trọng hơn, nó sẽ cho phép JSDF mở rộng và kéo dài sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa. Việc triển khai các tàu khu trục, nhân viên JCG và máy bay tuần tra P-3C, và có khả năng là một tàu cung ứng nhiên liệu bổ sung, kết hợp với RSSML, sẽ cung cấp cho quân đội Nhật Bản các khả năng triển khai sức mạnh đáng kể trong khu vực.[30] Với một thực tế là khoảng 2.300 tàu buôn liên quan đến Nhật Bản đi qua khu vực Vịnh Aden hàng năm sẽ đảm bảo rằng MSDF vẫn sẽ hoạt động tích cực trong dài hạn.[31] Sứ mệnh chống cướp biển một lần nữa cung cấp cho MSDF những kinh nghiệm quý giá trong quá trình làm việc chung với Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong môi trường đa quốc gia; thật vậy, tháng 2 năm 2009, Nhật Bản và Hàn Quốc thậm chí đã thảo luận về khả năng tuần tra chung.[32] Ngoài ra, các điều khoản mới về bảo vệ tàu nước ngoài và sử dụng vũ lực của luật chống cướp biển có thể lập nên những tiền lệ hữu ích cho các sứ mệnh của JSDF trong tương lai nếu Nhật Bản một lần nữa xem xét thông qua đạo luật điều động vĩnh viễn.[33]
Quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, Australia và Ấn Độ
Sự thay đổi và tổ chức lại trong liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản
Kết luận
…..
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Cam ket quan su ben ngoai cua Nhat Ban.pdf
————————
[1] Boeishohen, Boei Hakusho 2007, p. 285.
[2] ‘Iraku Shien Katsudo Shuryo’, Nihon Keizai Shimbun, 18 December 2008, p. 2.
[3] ‘Kansha to Fuman: Samawa Kara no Hokoku’, Asahi Shimbun, 31 August 2008, p. 1; McCormack, Client State, p. 70; Maeda Tetsuo, Jieitai: Henyo no Yukie (Tokyo: Iwanami Shinsho, 2007), p. 104.
[4] Đối với các số liệu này của MSDF và các chi tiết đầy đủ về sứ mệnh của họ ở Ấn Độ Dương cho đến năm 2007, xem Boeisho, ‘Kyu Terotaisaku Tokusoho ni Motozuku Taio Socchi no Kekka ni Tsuite’, 1 January 2008, http://www.mod.go.jp/j/news/hokyushien/pdf/siryou_080311.pdf.
[5] Pisu Depo, Chosa Kinkyu Hokoku Kaijikan ga Kyuyu Shita Beikan wa Iraku Sakusen ni Shiyo Shita, 20 September 2007, http://www.peacedepot.org/media/pcr/mediarelease3/oil.htm.
[6] ‘Kyuyu Giwaku Kuzureru Setsumei: Bei Hitei Seimei, Konkyo Shimesazu’, Asahi Shimbun, 20 October 2007, p. 4.
[7] Boeishohen, Boei Hakusho 2008, p. 233.
[8] Asahi Shimbun Jieitai 50nen Shuzaiha, Jieitai Shirarezaru Henyo (Tokyo: Asahi Shimbunsha, 2005), pp. 52–8.
[9] Tetsuo Maeda, Jieitai: Henyo no Yukie (Tokyo: Iwanami Shinsho, 2007), pp. 66, 73; ‘All GSDF Troops Safely Home from Historic Mission to Iraq’, Japan Times Online, 26 July 2006, http://search.japantimes.co.jp/cgi-bin/nn20060726f3.html.
[10] Kazuhiko Morinaga, ‘Indoyo Tsunami no Kyokun’, Securitarian, March 2005, pp. 3–4; ‘Kaijikan, Rikuji Shukueiji ni’, Asahi Shimbun, 2 February 2005, p. 29.
[11] ‘Sudan PKO Jieitai Haken e Raigetsu ni mo Chosadan’, ibid., 15 May 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0515/TKY200805150082.html.
[12] ‘Jieitai Haken “Kokyu Hoan Iru” Abe Kanbochokan’, ibid., 26 August 2007, p. 3.
[13] Ministry of Foreign Affairs Japan, ‘Speech by Prime Minister Shinzo Abe at the North Atlantic Council, “Japan and NATO: Toward Further Collaboration”’, 12 January 2007,
http://www.mofa.go.jp/region/europe/pmv0701/nato.html.
[14] ‘SDF May Head to Afghanistan To Aid Reconstruction’, Japan Times Online, http://searchjapantimes.co.jp/print/nn20070506a2.html.
[15] Ichiro Ozawa, ‘Ima Koso Kokusai Anzen Hosho no Gensiku Kakuritsu o’, Sekai, November 2007, pp. 148–53; ‘Afugan Shien “Seiken Toreba Butai Sanka” Ozawashi’, Asahi Shimbun, 5 October 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0105/TKY200801050187.html.
[16] ‘Jieitai Kaigai Katsudo no Ippanhoan, Aki no Rinji Kokkai Teishutsu Shino’, ibid., 6 January 2008, http://www.asahi.com/politics/update/1005/TKY200710050157.html; ‘Jieitai Kokyu Hoan Kento no Yoto PT Tachiage Jimin Yamasaki’, ibid., 10 February 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0210/TKY200802100141.html.
[17] ‘Jieitai no Kaigai Haken “Sekkyoku-teki ni” Komura Gaisho’, ibid., 6 January 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0211/TKY200802110004.html.
[18] ‘Jiteitai Haken Tarinu Kensho: Iraku Senso 5nen Seifu wa Ippanho Suishin’, ibid., 20 March 2008, p. 4; ‘Afugan Fukkyo e Rikuji Haken, Shusho ga Kento Hyomei’, Yomiuri Shimbun, 6 January 2008, http://www. yomiuri.co.jp/politics/news/20080601-OYT1T00432.htm; ‘Afugan Fukkyo Shien, Rikugi Haken mo Shino ni Kento Kanboo Chokan’, Asahi Shimbun, 31 May 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0531/TKY200805310288.html; ‘Ishiba Boeisho, Jieitai Kaigai Haken Kokyuho no Hitsuyosei Kyocho’, ibid., 31 May 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0531/TKY200805310175.html; Shigeru Ishiba, ‘The Future of East Asian Security’, The Seventh IISS Asian Security Summit Shangri-La Dialogue, 31 May 2008, http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-ladialogue/shangri-la-dialogue-2008/plenary-session-speeches-2008/secondplenary-session-the-future-of-eastasian-security/second-plenary-sessionshigeru-ishiba; ‘Afugan ni Jieitai Heri o, Bei ga Nihon ni Nihon ni Dachin’, Yomiuri Shimbun, 19 October 2008, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20081018-OYT1T00700.htm.
[19] ‘Afugan Hondo Haken, Seifu Miokuri Shinho Seiritsu Medo Tatazu’, Asahi Shimbun, 18 July 2008, http://www.asahi.com/politics/update/0717/TKY200807170309.html.
[20] ‘Afugan de no Taitero Shien, Seifu ga Yusoyo Heri Kaishu ni 4okuen Kyoshutsu’, Yomiuri Shimbun, 9 January 2009, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20090109-OYT1T00038.htm.
[21] ‘Aso Motogaisho, Kaiyo Shinpojiumu de Nichi Domei “Saiteigi” o Teigen’, ibid., 6 March 2008, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20080306-OYT1T00346.htm.
[22] ‘Kaizoku Taisaku ni Jieitai Shusho, Somariaoki Haken ni Shinho Kento, Asahi Shimbun, 17 October 2008, http://www.asahi.com/politics/update/1017/TKY200810170373.html; ‘Somariaoki ni Jieitai Haken, Choto Haken Giren ga Tokusoho o Kento’, Yomiuri Shimbun, 20 November 2008, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20081120-OYT1T00612.htm.
[23] ‘Kaiji Haken ni Kabe’, Nihon Keizai Shimbun, 24 December 2008, p. 2.
[24] ‘Coast Guard To Help MSDF Ships Handle Pirate Arrests off Somalia’, Japan Times Online, 11 January 2009, http://searchjapantimes.co.jp/print/nn20090111a5.html.
[25] ‘Somariaoki Kaizoku Taisaku, Yoto PT ga Hatsukaigo’, Asahi Shimbun, 9 January 2009, http://www.asahi.com/politics/update/0109/TKY20091090139.html.
[26] ‘Kaizokusen Shageki o Yonin Yoto PT, Shinho no Kokkoan Ryosho’, ibid., 26 February 2009, http://www.asahi.com/politics/update/0225/TKY200902250308.html.
[27] ‘Kaizoku e no Buki Shiyo, Buryoku Koshi ni Atarazu Seifu Kaiken’, ibid., 17 December 2008, http://www.asahi.com/politics/update/1217/TKY200812160458.html; ‘Kaiji no Buki Shiyo Kengen Kakudai Kaizoku Taisaku Shinho Gaigokusen mo Hogo’, ibid., 5 February 2009, http://www.asahi.com/politics/update/0204/TKY200902040314.html.
[28] ‘Seifu, Raigetsu Medo Taisho Yoryo’, Nihon Keizai Shimbun, 27 December 2008, p. 2; ‘Shugekimae mo Shageki Kano ni’, ibid., 26 February 2008, p. 1.
[29] ‘Somariaoki Kaizoku Taisaku, Kaiji Goeikan 2seki Haken e’, Yomiuri Shimbun, 3 February 2009, http://www.yomiuri.co.jp/politics/news/20090203-OYT1T00787.htm; Richard Tanter, ‘The Maritime Self-Defence Force Mission in the Indian Ocean: Afghanistan, NATO and Japan’s Political Impasse’,
Northeast Asia Peace and Security Network Policy Forum Online, 4 September 2008, http://www.nautilus.org/fora/security/08068Tanter.html, p. 5
[30] ‘MSDF May Divert Oiler to Somalia Task Force’, Japan Times Online, 25 February 2009, http://searchjapantimes.co.jp/print/nn20090225a2.html.
[31] ‘Kankoku, Kaiji ni Kyuyu o Dachin Somariaoki de Nihon Kyohi’, Asahi Shimbun, 22 February 2009, http://www.asahi.com/politics/update/0220/TKY200902200297.html.
[32] ‘Aso, Lee Have Plan To Cooperate on Antipiracy Effort Off Somalia’, Japan Times Online, 26 January 2009, http://search.japantimes.co.jp/print/nn20090126a1.html.
[33] ‘Kaizoku ni Buki Shiyo Yonin e Seifu no Jieitai Haken Shinhoan’, Asahi Shimbun, 8 January 2009, http://www.asahi.com/politics/update/0108/TKY200901070296.html.