Asquith – Thủ tướng của cải cách và chiến tranh

H-H-Asquith-010

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 7/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

H.H. Asquith (1852-1928) thuộc Đảng Tự do giữ chức thủ tướng Anh từ năm 1908 đến 1916. Ông đã cho tiến hành các cải cách to lớn trong nước và đưa nước Anh tham gia Thế chiến thứ nhất.

Herbert Henry Asquith sinh ngày 12 tháng 9 năm 1852 tại Morley, Tây Yorkshire. Cha của ông là một nhà buôn len.  Sau khi theo học tại Đại học Oxford, Asquith trở thành luật sư, và năm 1886 trở thành nghị viên thuộc đảng Tự do đại diện cho hạt East Fife. Ông nhanh chóng để lại dấu ấn riêng và tới năm 1892, ông được thủ tướng Gladstone chỉ định làm thư ký trong nội các của mình. Trong 10 năm kể từ 1895, ông vắng bóng trên chính trường và quay lại với sự nghiệp pháp lý.[1] Năm 1906, Đảng Tự do trở lại nắm quyền và thủ tướng khi đó là Henry Campbell-Bannerman đã chỉ định Asquith làm bộ trưởng tài chính.

Đầu tháng 4 năm 1908, Campbell-Bannerman từ chức và mất vài ngày sau đó. Asquith trở thành thủ tướng. Để có đủ kinh phí cho việc thực hiện đạo luật về phúc lợi xã hội đầy tham vọng và việc xây dựng lực lượng Hải quân Hoàng gia nhằm đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn từ Đức, bộ trưởng tài chính David Lloyd George đã đưa ra một dự thảo ngân sách có nhiều thay đổi lớn vào năm 1909 và bị thượng viện phủ quyết. Năm 1910, Asquith công bố kế hoạch nhằm hạn chế quyền lực của thượng viện, đe dọa sẽ lôi kéo đủ thượng nghị sĩ ủng hộ cải cách để có thể vô hiệu bất cứ phản đối nào. Kết quả là Đạo luật Nghị viện được thông qua vào tháng 8 năm 1911, chấm dứt quyền phủ quyết của các thượng nghị sĩ đối với các dự luật tài chính nào đã được Hạ viện thông qua.

Năm 1912, Asquith làm nóng lại các nỗ lực thúc đẩy việc thi hành quyền tự trị (home rule) tại Ireland [nhằm trao cho Ireland quyền tự trị nhiều hơn, hạn chế sự lệ thuộc vào Anh – ND], gây ra sự phản đối dữ dội tại Ulster (miền Bắc Ireland) và từ phe đối lập Bảo thủ. Thế chiến thứ nhất nổ ra vào tháng 8 năm 1914 đã ngăn chặn cuộc nội chiến ở Ireland về vấn đề gây tranh cãi này, bởi đó cũng là lúc dự thảo luật bị hoãn lại.

Sau một cuộc khủng hoảng do thiếu đạn dược,[2] tháng 5/1915 chính phủ sụp đổ và Asquith đã thiết lập một chính phủ liên minh [với đảng đối lập – ND]. Tuy vậy, thất bại của quân viễn chinh tại trận Dardanelles [trước Thổ Nhĩ Kỳ – ND] và những bế tắc tiếp diễn trên mặt trận phía tây ngày càng tăng thêm áp lực nặng nề lên Asquith. Năm 1916 thậm chí còn tồi tệ hơn với cuộc nổi dậy Phục sinh (the Easter Rising)[3] ở Dublin và Trận Somme,[4] đi kèm với con số thương vong khổng lồ. Việc ban bố lệnh tòng quân bắt buộc đã được chờ đợi từ lâu cũng không đủ để dập tắt những bất đồng, còn báo chí quy trách nhiệm cho Asquith về những thất bại quân sự vừa qua. Đến tháng 12, ông từ chức và được thay thế bởi David Lloyd George, người vẫn luôn vận động ngầm chống đối ông. Asquith không bao giờ trở lại chính trường. Năm 1925 ông được phong tước hiệu bá tước Oxford và Asquith. Ông mất ngày 15 tháng 2 năm 1928.

—————————————

[1] Sau cuộc bầu cử 1895, Đảng Tự do mất đa số ghế vào tay liên minh Đảng Bảo thủ và phe Liên hiệp của Đảng tự do (Liberal Unionist Party – chống lại sự ủng hộ của Đảng Tự Do đối với việc trao quyền tự chủ cho Ireland trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland). [ND]

[2] Khủng hoảng đạn dược (The Crisis of Shell) xảy ra trong thất bại của quân Anh tại trận Neuve Chapelle trước quân Đức (3/1915), nguyên nhân được cho là vì thiếu đạn pháo. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng về chính trị trong nước. [ND]

[3] Cuộc nổi dậy Phục sinh nổ ra ngày 24 tháng 4 năm 1916, kéo dài 1 tuần lễ. Nguyên do là đạo luật về quyền tự trị của Ireland đã bị hoãn bỏ phiếu thông qua vì Thế chiến thứ nhất, nhưng những người bất bình tại Ireland không thể chờ đợi chiến tranh kết thúc: họ tụ họp lại dưới tên gọi “Những người Ireland tình nguyện”, thúc  giục nổi dậy với sự trợ giúp vũ khí từ phía Đức. Tuy vậy vũ khí đã không được đem tới. Cuối cùng những người nổi dậy cũng phải đầu hàng sau nhiều ngày chiến đấu trên các đường phố ở Dublin. [ND]

[4] Trận Somme diễn ra vào mùa hè và mùa thu năm 1916, là một trong những trận đánh lớn nhất của Thế chiến thứ nhất, đồng thời là một trong số những trận đánh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người, với con số thương vong hơn 1 triệu người. Ngay trong ngày mở màn trận đánh (1/7/1916), quân Anh đã chịu tổn thất 57.470 thương vong, trong số đó 19.240 người chết, là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử quân đội Anh. [ND]