Edmund Burke – Nhà tư tưởng bảo thủ

edmund-burke

Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 15/4/2015)

Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh

Edmund Burke (1729-1797), người Anh-Ireland, là một chính khách, nhà hùng biện và triết gia chính trị có ảnh hưởng vô cùng to lớn. Ông được biết đến chủ yếu là người ủng hộ mạnh mẽ cuộc Cách mạng Mỹ và phản đối quyết liệt Cách mạng Pháp.

Edmund Burke sinh vào ngày 12 tháng 1 năm 1729 tại Dublin, con trai của một luật sư. Ông theo học tại trường Đại học Trinity ở Dublin, rồi sau đó tới London học luật. Không lâu sau Burke bỏ học và sau một chuyến đi Châu Âu, ông định cư tại London để tập trung vào văn học và sự nghiệp chính trị. Năm 1765, ông trở thành thành viên nghị viện. Ông tham gia những cuộc tranh luận về giới hạn quyền lực của nhà vua và thúc đẩy trao quyền cho nghị viện trong việc kiểm soát vai trò bảo trợ và chi tiêu của hoàng gia.

Những biện pháp đánh thuế của Anh tại Mỹ, bao gồm cả Đạo luật tem (Stamp Act) năm 1765, đã làm dấy lên sự phản đối kịch liệt từ thuộc địa. Burke cho rằng chính sách của Anh không hề linh hoạt và cần phải thực dụng hơn nữa. Ông tin rằng sự cai trị nên là một mối quan hệ hợp tác giữa những người cai trị và những người lệ thuộc. Hơn nữa, mặc dù quá khứ có vai trò quan trọng, nhưng tinh thần sẵn sàng thích ứng với những thay đổi không thể tránh khỏi cũng có thể củng cố những giá trị truyền thống trong hoàn cảnh mới.

Burke cũng dành sự quan tâm cho Ấn Độ. Ông kết luận rằng việc xóa bỏ sự bảo trợ đối với các phe lợi ích sẽ giải quyết vấn nạn tham nhũng trong chính quyền Ấn Độ. Ông đề xuất giải pháp Ấn Độ được cai trị bởi các ủy viên độc lập tại London (chứ không phải các Toàn quyền tại thuộc địa – NHĐ). Tuy nhiên dự luật về vấn đề này đã bị bác bỏ, góp phần dẫn tới thủ tục luận tội (hay đàn hạch – impeachment) chống lại Warren Hastings, Toàn quyền Bengal[1].

Cuộc Cách mạng Pháp nổ ra năm 1789 trở thành mục tiêu chỉ trích lớn nhất của Burke. Ông thể hiện sự phẫn nộ trong tác phẩm ‘Suy ngẫm về Cách mạng Pháp’ (Reflections on the Revolution in France, 1970). Cuốn sách này kéo theo một loạt phản hồi, trong đó có cả cuốn ‘Quyền của Con người’ (The Rights of Man) của Thomas Paine. Burke nhấn mạnh vào mối nguy khi quần chúng lên cầm quyền, lo sợ rằng sức nóng của cuộc cách mạng sẽ hủy hoại xã hội Pháp. Ông kêu gọi duy trì những giá trị Anh về sự tiếp nối, truyền thống, thứ bậc và của cải, đồng thời phản đối cuộc cách mạng cho tới tận cuối đời.

Burke rời nghị viện năm 1794. Những năm cuối đời của ông nhuốm màu u ám bởi cái chết của người con trai duy nhất, tuy vậy ông vẫn tiếp tục viết và bảo vệ ý kiến của mình trước các nhà phê bình. Những lập luận của ông về những quy ước hiến pháp lâu đời, đảng phái chính trị, và vai trò độc lập của nghị sĩ vẫn còn có giá trị. Ông xứng đáng được xem là một trong những người sáng lập tư tưởng của chủ nghĩa bảo thủ Anh[2]. Ông mất ngày 9 tháng 7 năm 1797.

———————————–

[1] Warren Hastings (1732–1818) là chính khách người Anh và là Toàn quyền đầu tiên tại Bengal (từ 1773 đến 1785). Năm 1787 Hastings bị Edmund Burke buộc tội tham nhũng, nhưng rồi được tuyên bố trắng án sau nhiều năm xét xử (1788-1795). – ND

[2] Sự phản đối cuộc Cách mạng Pháp khiến Burke trở thành nhân vật đi đầu thuộc phe bảo thủ trong đảng Whig (nay là Đảng Dân chủ Tự do), bè phái mà ông gọi là “Cựu Whig”, đối lập với những người ủng hộ cuộc cách mạng Pháp “Tân Whig”, đứng đầu bởi Charles James Fox. – ND