Những dịch chuyển trong cấu trúc khu vực Trung Đông

Print Friendly, PDF & Email

13930605000199_PhotoI

Tác giả: Bùi Huy Thành

Nỗ lực thay đổi cấu trúc khu vực của Ả-rập Xê-út

Trong 6 thập kỷ qua, quan hệ giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út được xây dựng trên nền tảng đôi bên cùng có lợi. Theo đó, Mỹ đóng vai trò là người bảo trợ an ninh cho Ả-rập Xê-út, đổi lại Ả-rập Xê-út duy trì nguồn cung năng lượng hợp lý giúp ổn định thị trường năng lượng. Tuy nhiên, nền tảng mối quan hệ này đang có nguy cơ bị lung lay bởi việc Mỹ dần tự chủ được nguồn cung năng lượng nhờ công nghệ khai thác dầu, khí đá phiến và sự nghi ngại về vai trò của Mỹ đối với các vấn đề an ninh trong khu vực như việc Mỹ bỏ mặc đồng minh sau phong trào Mùa Xuân Ả-rập, dừng không kích chế độ Assad tại Sirya hay thúc đẩy đàm phán hạt nhân với Iran. Đây chính là động lực thúc đẩy Ả-rập Xê-út muốn định hình lại khu vực Trung Đông theo hướng nâng cao vị thế của các nước Ả-rập.

Kế hoạch cấu trúc lại khu vực Trung Đông được Ả-rập Xê-út cụ thể hóa bằng bước đi đầu tiên là các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp của nhà vua Salman ngay sau khi lên ngôi, với các cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Pakistan và hầu hết các quốc gia thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Đây được coi là động thái nhằm đánh giá lại các quan hệ song phương chủ chốt, làm cơ sở để xây dựng một mặt trận thống nhất đối phó với hai mối đe dọa cho an ninh khu vực là Iran và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Mặt khác, đã có dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh lập trường theo hướng kiềm chế hơn của Ả-rập Xê-út với tổ chức Anh em Hồi giáo, qua bài phát biểu của Ngoại trưởng Ả-rập Xê-út, khẳng định Ả-rập Xê-út không có vấn đề với tổ chức Anh em Hồi giáo, mà chỉ với một nhóm nhỏ của tổ chức này. Tổ chức Anh em Hồi giáo là phong trào Hồi giáo lâu đời và có ảnh hưởng nhất trong thế giới Ả-rập. Vì vậy, Ả-rập Xê-út sẽ không thể gắn kết được các nước Ả-rập nếu gặp phải sự chống đối từ tổ chức này.

Tuy nhiên, việc tìm cách thay đổi trật tự khu vực Trung Đông của Ả-rập Xê-út chỉ thực sự đạt được bước ngoặt và thu hút được sự chú ý của cộng đồng quốc tế qua việc đứng ra tập hợp một liên minh gồm 10 nước để tấn công lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen, vốn được Iran hậu thuẫn. Ả-rập Xê-út đã lãnh đạo liên minh thực hiện chiến dịch “Bão táp quyết chiến” mà không cần sự cho phép của Mỹ, cho thấy sự quyết đoán của các nước Ả-rập, trước sự lưỡng lự của Mỹ. Sau đó, Mỹ đã bày tỏ quan điểm ủng hộ và hỗ trợ về hậu cần, thông tin tình báo.

Qua sự kiện này, các nước Ả-rập nhận thấy một điều rằng nếu như có người đứng ra lãnh đạo và thể hiện được quyết tâm mạnh mẽ, họ có thể hành động độc lập mà vẫn có sự ủng hộ của Mỹ, từ đó có thể mở ra tiền lệ cho các hành động sau này. Tại hội nghị thượng đỉnh của Liên đoàn Ả-rập ở Sharm El Sheikh, Ai Cập, Ả-rập Xê-út đã cùng các thành viên khác nhiệt tình ủng hộ sáng kiến của Ai Cập trong việc thành lập lực lượng quân đội chung, đóng vai trò là lực lượng răn đe và gìn giữ hòa bình để đối phó với các thách thức an ninh trong khu vực. Nếu thực hiện được ý tưởng này, không chỉ nội bộ các nước Ả-rập được củng cố, mà vị thế của khối này cũng sẽ được nâng cao đáng kể.

Những nỗ lực của Ả-rập Xê-út, nhất là trong việc tập hợp liên minh đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nước Ả-rập khác trong khu vực. Hành động này dường như đã thức tỉnh các nước Ả-rập và khơi dậy lòng tự tôn, cũng như mong muốn được tự quyết định vận mệnh của mình, thay vì phụ thuộc vào bên ngoài. Điều này càng trở nên có ý nghĩa khi những lo ngại về sự bành trướng của Iran ngày càng gia tăng. Nhất là khi Iran đã đạt được thỏa thuận khung hạt nhân với nhóm P5+1, mở đường cho nước này có thể thoát khỏi sự cấm vận của Mỹ và phương Tây. Từ đó, Mỹ và Iran có thể sẽ xích lại gần nhau hơn và có những thỏa thuận ngầm sau lưng các nước Ả-rập. Đồng thời, một cấu trúc mới của khu vực Trung Đông sẽ được hình thành mà không tính đến vai trò của các nước Ả-rập.

Trước các nguy cơ hiện hữu, thực tế cho thấy đã có sự hòa giải giữa các nước Ả-rập vốn có bất hòa với nhau để cùng hợp tác, như trường hợp của Ai Cập và Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út. Sudan cũng đã cắt các quan hệ với Iran để ủng hộ Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, để thực sự gắn kết được thế giới Ả-rập đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của một quốc gia uy tín, đóng vai trò điều phối trong khu vực. Và Ả-rập Xê-út không hề giấu diếm tham vọng trở thành nhà lãnh đạo của khu vực, dựa vào ưu thế về sức mạnh kinh tế và quân sự.

Trong thời gian qua, chính quyền hoàng gia Ả-rập Xê-út đã được cải tổ theo hướng tập trung hơn với việc sắp xếp lại bộ máy nội các và rút gọn 12 ban cố vấn kinh tế và chính trị xuống chỉ còn 2 ban. Mặt khác, Ả-rập Xê-út cũng đã lên kế hoạch tăng cường phát triển năng lực quân sự để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh, và tránh sự phụ thuộc vào Mỹ. Song, điều quan trọng hơn là Ả-rập Xê-út cần thể hiện được vai trò nổi trội hơn trong khu vực như việc thành lập liên minh quân sự vừa rồi, thay vì chỉ đóng vai trò “hậu trường” trong các vấn đề an ninh khu vực thời gian qua như nội chiến ở Li-băng, xung đột giữa phong trào Fatah và Hamas ở Palestine, hay căng thẳng giữa Ai cập và Qatar.

Sự gia tăng ảnh hưởng của Iran

Dù bị cô lập về ngoại giao và phong tỏa kinh tế bởi Mỹ và phương Tây, nhưng Iran vẫn có tiềm lực quân sự khá mạnh và ảnh hưởng chính trị tương đối rộng lớn ở Trung Đông. Được xem là “nhà bảo trợ” của phong trào Hezbollah ở Li-băng, đồng minh thân thiết với Tổng thống Bashar Al-Assad tại Syria, có mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền Iraq và là “hậu phương” của lực lượng Houthi đang nuôi tham vọng cầm quyền ở Yemen, Iran ngày càng cho thấy là một đối thủ mạnh với bất kỳ cường quốc nào trong khu vực. Trong cuộc chiến chống IS hiện nay, khi mà các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu trở nên kém hiệu quả, còn quân đội Iraq và Syria vẫn chưa đủ sức đương đầu, Iran đã thể hiện được những dấu ấn đậm nét.

Cụ thể, tham gia cùng quân đội Iraq trong chiến dịch quân sự lớn nhằm vào phiến quân IS tại Tikrit (ngày 2/3/2015), có lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran do tướng Qassim Suleimani chỉ huy. Trước đó, Iran được cho là người đã tập hợp lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia của Iraq hồi tháng 8/2014 để giành lại quyền kiểm soát khu làng Amerli từ tay IS, dưới sự hỗ trợ về không lực của Mỹ. Cũng chính lực lượng Quds đã hậu thuẫn cho dân quân Shia và các lực lượng an ninh Iraq hồi tháng 11/2014 để giải phóng thành phố trung tâm Baiji, giành lại quyền kiểm soát một nhà máy lọc dầu gần đó. Ngoài ra, đối với lực lượng dân quân người Kurd, Iran cũng đã có những hỗ trợ nhất định, với việc cử các chuyên gia quân sự đến tư vấn. Giới phân tích nhận định, cho đến thời điểm này, Iran là nước duy nhất có thể tập hợp lực lượng người Kurd, quân đội Iraq và dân quân Shia trong nỗ lực đối phó với IS.

Hiểu được vai trò của Iran tại Trung Đông, Mỹ đã tính đến khả năng có thể hợp tác với Iran để tiêu diệt khủng bố IS và duy trì ổn định an ninh trong khu vực. Trong bối cảnh tình hình Trung Đông ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu, với sự lộng hành của IS, nổi dậy ở Syria và giờ đây là Yemen, việc Mỹ sử dụng vũ lực với chính quyền Tổng thống Iran Hassan Rohawni là bất lợi. Thay vào đó, Mỹ vận dụng một chính sách khôn ngoan hơn là “làm hòa” với thủ lĩnh của phái Shia tại những quốc gia do dòng Hồi giáo này nắm quyền. Việc đạt được thỏa thuận khung hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 gần đây có thể tạo động lực để Iran hành xử một cách có trách nhiệm và góp phần lớn hơn vào các vấn đề an ninh chung của khu vực.

Tuy nhiên, sự hợp tác giữa Mỹ và Iran nếu diễn ra chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đổi quyết liệt từ phía các đồng minh của Mỹ là Israel và các nước Ả-rập. Đồng thời, Mỹ cũng e ngai sự gia tăng ảnh hưởng của Iran trong khu vực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và khống chế các nước còn lại. Vì vậy, Mỹ sẽ vẫn chỉ “lặng lẽ” chào đón sự tham gia của Iran trên chiến trường chống IS và duy trì điều đó ít nhất cho tới khi Mỹ hoàn tất việc huấn luyện cho lực lượng vũ trang còn thiếu hiệu quả của Iraq.

Trong khi đó, Iran hiểu được rằng cần phải duy trì lợi thế và vai trò của mình trong khu vực để Mỹ phải thừa nhận, trong khi vẫn tự hạn chế một cuộc chiến trực diện chống IS, được coi là sự mạo hiểm mà không biết trước kết cục. Bởi vậy, dù ngấm ngầm hay công khai thừa nhận vai trò của Iran thì cả Mỹ và Iran vẫn chưa thể bắt tay nhau được vì Mỹ không muốn làm mất lòng đồng minh, còn Iran e sợ sẽ gợi lại ký ức về cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980-1988 khi các nước Ả-rập, nhất là các nước Vùng Vịnh và phương Tây, trong đó có Mỹ và Pháp, đều ủng hộ Iraq. Do đó, trong khi Mỹ “chần chừ” đẩy nhanh cuộc chiến chống IS, Iran cũng không vội vàng gì trong việc mở rộng các hoạt động quân sự của mình.

Cuộc cạnh tranh giữa Iran và Ả-rập Xê-út

Là đại diện của hai hệ phái hồi giáo Shia và Sunni, có mâu thuẫn sâu sắc với nhau, từ trước đến nay, Iran và Ả-rập Xê-út vốn ganh đua không khoan nhượng với nhau để giành vị thế, tầm ảnh hưởng khu vực cũng như quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Trong thời gian tới, sự ghanh đua giữa hai cường quốc khu vực này sẽ càng diễn ra căng thẳng hơn bởi ảnh hưởng và hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Đông ngày càng suy giảm, tạo ra những “khoảng trống quyền lực”. Trong khi đó, các nước vốn có tiềm lực mạnh như Iraq và Ai Cập lại rơi vào bạo loạn, xung đột trong nước. Còn Israel tuy rất mạnh về kinh tế và năng lực quốc phòng, song lại không có tầm ảnh hưởng khu vực, và Thổ Nhĩ Kỳ thì luôn muốn giữ quan điểm thực dụng và tránh xung đột với các bên.

Vì vậy, cấu trúc tương lai trong khu vực Trung Đông sẽ được định hình bởi cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Trong đó, cuộc không kích của liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu tại Yemen được coi là cao trào trong xung đột giữa hai bên. Cho dù kết quả của nội chiến tại Yemen diễn ra như thế nào, Iran vẫn còn những “quân bài” giá trị khác là phong trào Hezbollah tại Li-băng, chính phủ Assad tại Syria và có thể là cả Iraq, chưa tính đến các bộ lạc dòng Shia trải rộng khắp khu vực Trung Đông. Điều này sẽ buộc Ả-rập Xê-út phải nhanh chóng tập hợp sức mạnh và xây dựng liên minh để đối phó với các nguy cơ an ninh do Iran kích động, bời Ả-rập Xê-út hiểu rằng giờ đây không còn có thể trông cậy hoàn toàn vào Mỹ được nữa.

Đối với Israel, tuy không đóng vai trò chi phối trong khu vực song cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định. Là quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt đẹp với thế giới Ả-rập, đồng thời lại có mối quan hệ thù địch với Iran, việc khiến thế giới Ả-rập có mối quan hệ mâu thuân, thậm chí là xung đột với Iran có thể nằm trong tính toán của Israel. Có khả năng Israel và các nước Ả-rập sẽ thỏa hiệp với nhau để cùng đối phó với Iran. Ả-rập Xê-út đã từng tuyên bố sẽ cho Israel mượn không phận trong trường hợp muốn không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, thậm chí là hỗ trợ, chia sẻ thông tin tình báo. Và gần đây, Israel còn thúc đẩy Mỹ nối lại việc viện trợ cho Ai Cập để đối phó với cuộc chiến chống khủng bố.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia dòng Hồi giáo dòng Sunni này vẫn sẽ tiếp tục duy trì quan hệ với các bên, với chính sách ngoại giao dựa trên quan điểm “thế tục” (không chịu ảnh hưởng bởi các tư tưởng tôn giáo). Ngày 7/4/2015, Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã đến thăm Iran để tăng cường quan hệ giữa hai nước, song cũng là để xoa dịu Iran sau khi Tổng thống Erdogan đã có những phát biểu chỉ trích Iran muốn thống trị Trung Đông. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ lập trường ủng hộ cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, đồng thời cũng đã tán thành với cả cuộc không kích của liên minh do Ả-rập Xê-út dẫn đầu vào Yemen.

Dự báo

  • Sau khi đạt được thỏa thuận khung hạt nhân, vị thế của Iran sẽ tăng lên trong khu vực. Iran sẽ can dự nhiều hơn trong cuộc chiến chống IS, song sẽ hạn chế đối đầu trực tiếp thông qua hỗ trợ các lực lượng khác.
  • Cấu trúc khu vực Trung Đông sẽ được định hình bởi sự cạnh tranh quyết liệt giữa Iran và Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, xung đột giữa hai bên sẽ được giới hạn bởi sự dàn xếp của Mỹ, trong khi Iran cũng không muốn gây áp lực lớn đối với Mỹ và phương Tây để được dỡ bỏ cấm vận.

Tác giả Bùi Huy Thành, tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Việt Nam, là nhà nghiên cứu tự do.