Nguồn: Andrew F. Krepinevich Jr., “How to Deter China: The Case for Archipelagic Defense“, Foreign Affairs, March/April 2015 Issue.
Biên dịch: Hương Trà
Trong quân đội Mỹ, ít nhất, chiến lược “xoay trục” sang Châu Á đã bắt đầu. Đến năm 2020, hải quân và không quân dự kiến bố trí 60% lực lượng của mình ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đang đầu tư một phần ngày càng tăng các nguồn lực đang thu hẹp lại vào máy bay ném bom tầm xa mới và tàu ngầm năng lượng hạt nhân được thiết kế để hoạt động trong các môi trường có mức độ đe dọa cao.
Những sự thay đổi này rõ ràng nhằm ngăn chặn một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Và với một lý do chính đáng: các tuyên bố chủ quyền ngày càng bành trướng của Bắc Kinh đe dọa gần như mọi quốc gia nằm dọc cái thường được biết đến là “chuỗi đảo thứ nhất”, bao gồm các khu vực của Nhật Bản, Philippines và Đài Loan – tất cả các khu vực mà Washington có nghĩa vụ phải bảo vệ.
Nhưng để ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc, Lầu Năm Góc thậm chí sẽ phải đi xa hơn nữa. Các năng lực đang nổi lên của Trung Quốc nhằm làm suy giảm khả năng Washington đem lại sự trợ giúp quân sự cho các đồng minh và đối tác của Mỹ. Mặc dù răn đe thông qua viễn cảnh trừng phạt, dưới hình thức không kích và bao vây hải quân, có một vai trò trong việc ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, mục tiêu của Washington, và cũng là mục tiêu của các đồng minh và đối tác của Washington, hẳn sẽ là răn đe thông qua ngăn chặn – để thuyết phục Bắc Kinh rằng họ đơn giản không thể đạt được các mục tiêu của mình bằng vũ lực.
Tận dụng khả năng tiềm tàng của các lực lượng mặt đất của Mỹ cùng đồng minh và đối tác, Washington tốt nhất có thể đạt được mục tiêu này bằng cách thiết lập một loạt phòng tuyến liên kết dọc theo chuỗi đảo thứ nhất – một tuyến “phòng thủ quần đảo” – và, bằng cách làm như vậy, ngăn chặn khả năng Bắc Kinh đạt được các mục tiêu theo chủ nghĩa xét lại của mình bằng cách gây hấn hoặc ép buộc.
Những rủi ro của chủ nghĩa xét lại
Trung Quốc tuyên bố rằng sự trỗi dậy của nước này là hòa bình, nhưng các hành động của họ lại kể một câu chuyện khác biệt: câu chuyện của một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại đang tìm cách thống trị Tây Thái Bình Dương. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền không chỉ đối với Đài Loan mà còn cả quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) và phần lớn trong 1,7 triệu km2 biển Hoa Đông và Biển Đông, mà ở đó 6 quốc gia khác vẫn duy trì các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và biển khác nhau. Và Trung Quốc đã không biện hộ cho việc theo đuổi các mục tiêu này. Chẳng hạn, năm 2010, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó của Trung Quốc, Dương Khiết Trì, đã bác bỏ một mạch những lo ngại về chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh khi nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đó là thực tế”.
Hãy xem xét những hành động bắt nạt gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông. Vào tháng 3/2014, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã ngăn không cho các tàu của Philippines tiếp cận tiền đồn của nước này trên quần đảo Trường Sa. Hai tháng sau, Trung Quốc đã di chuyển một giàn khoan vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, đụng độ với các tàu đánh cá của Việt Nam. Các động thái này đã lặp lại các sự cố trước đó ở biển Hoa Đông. Vào tháng 9/2010, như là một sự trừng phạt dành cho việc bắt giữ thuyền trưởng của một tàu cá của Trung Quốc – người đã lái tàu đâm vào hai tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, Trung Quốc đã tạm thời cắt đứt xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, thành phần thiết yếu để sản xuất điện thoại di động và máy tính. Và đến tháng 11/2013, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố một “Vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ), buộc phải tuân thủ các quy định giao thông hàng không của nước này, đối với quần đảo Senkaku có tranh chấp và các khu vực khác của biển Hoa Đông, cảnh báo rằng nước này sẽ có hành động quân sự nhằm vào các máy bay từ chối tuân thủ.
Một số người cho rằng khi quân đội của Trung Quốc lớn mạnh hơn và các nhà lãnh đạo của nước này cảm thấy an tâm hơn, Trung Quốc sẽ tiết chế hành vi như vậy. Nhưng điều ngược lại dường như khó có khả năng xảy ra. Quả thực, các hành động khiêu khích của Bắc Kinh đã xảy ra đồng thời với sự gia tăng đáng kể sức mạnh quân sự của nước này. Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư vào một số năng lực mới, điều đặt ra một thách thức trực tiếp cho sự ổn định của khu vực. Chẳng hạn, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tăng cường cái được gọi là các năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), nhằm ngăn chặn các quân đội khác chiếm đóng hoặc vượt qua các dải lãnh thổ rộng lớn, với mục tiêu đặc biệt là biến Tây Thái Bình Dương thành một khu vực cấm ra vào đối với quân đội Mỹ. Mục tiêu đó bao gồm cả việc phát triển các phương tiện nhằm vào các hệ thống chỉ huy và kiểm soát của Lầu Năm Góc, vốn phụ thuộc nặng nề vào các vệ tinh và mạng Internet để phối hợp hoạt động tác chiến và hậu cần. PLA đã có tiến bộ đáng kể trên mặt trận này trong những năm gần đây, thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh, sử dụng tia laser để “làm mù” các vệ tinh của Mỹ, và tiến hành các cuộc tấn công mạng tinh vi vào các mạng lưới phòng thủ của Mỹ.
Trung Quốc cũng đang tăng cường khả năng của mình để nhằm vào các phương tiện quân sự quan trọng của Mỹ và hạn chế khả năng của Hải quân Mỹ hoạt động ở các vùng biển quốc tế. PLA đã có các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình thông thường có thể tấn công các cơ sở lớn của Mỹ ở khu vực này, chẳng hạn như căn cứ không quân Kadena, ở Okinawa, Nhật Bản, và đang phát triển máy bay chiến đấu tàng hình có khả năng tấn công nhiều mục tiêu nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất. Để phát hiện và nhắm tới các tàu hải quân ở khoảng cách xa hơn, PLA đã triển khai các hệ thống radar và vệ tinh do thám mạnh mẽ, cùng với các phương tiện bay không người lái (UAV) có thể thực hiện các nhiệm vụ do thám tầm xa. Và để đuổi theo các tàu sân bay của Mỹ, cũng như các tàu chiến trên mặt nước bảo vệ chúng, Hải quân Trung Quốc đang mua các tàu ngầm được trang bị ngư lôi tối tân và tên lửa hành trình tốc độ cao được thiết kế để tấn công các tàu ở khoảng cách xa.
Các hành động của Bắc Kinh không thể được biện minh như một hành động đáp trả trước sự tăng cường vũ trang của Mỹ. Trong thập kỷ qua, Washington đã tập trung năng lượng và các nguồn lực của mình chủ yếu vào việc hỗ trợ các lực lượng trên bộ của Mỹ ở Afghanistan và Iraq. Ngân sách quốc phòng của Mỹ, mà cho đến gần đây chiếm hơn 4% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của nước này, được dự báo sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối thập kỷ này. Nói đơn giản, Lầu Năm Góc đang đánh rơi các khả năng quân sự trong khi PLA đang tích lũy chúng.
Tuy nhiên, nếu quá khứ là nguồn gốc của bối cảnh hiện tại, Trung Quốc sẽ không tìm cách giải quyết các mục tiêu theo chủ nghĩa bành trướng của mình bằng cách gây hấn công khai. Nhất quán với văn hóa chiến lược của nước này, Trung Quốc muốn thay đổi cán cân quân sự theo chiều hướng có lợi cho mình một cách chậm rãi nhưng không thể lay chuyển được, hầu như không để lại sự lựa chọn nào cho phần còn lại của khu vực này ngoài việc quy phục sự ép buộc của Trung Quốc. Phần lớn, các nước láng giềng gần biển của Trung Quốc tin chắc rằng cam kết ngoại giao và kinh tế sẽ hầu như không có tác dụng thay đổi thực tế cơ bản này. Một số quốc gia này, trong đó có Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, đang ngày càng tập trung quân đội của họ vào nhiệm vụ chống lại các tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ hiểu rõ rằng hành động cá nhân sẽ là không đủ để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện tầm nhìn phía trước. Chỉ với sự trợ giúp về vật chất của Mỹ, họ mới có thể thiết lập được một mặt trận chung ngăn chặn được các hành động gây hấn hoặc ép buộc của Trung Quốc.
Răn đe thông qua phong tỏa
Nếu Washington muốn thay đổi toan tính của Bắc Kinh, họ phải ngăn chặn khả năng Trung Quốc kiểm soát vùng trời và vùng biển xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, bởi vì PLA sẽ phải thống trị cả hai đấu trường để cô lập nhóm đảo này. Mỹ cũng phải hợp nhất các mạng lưới tác chiến của đồng minh và củng cố các năng lực của đồng minh – cả hai điều này sẽ giúp bù lại các nỗ lực của PLA nhằm gây bất ổn cán cân quân sự của khu vực. Nói chung, các mục tiêu này có thể đạt được bằng các lực lượng mặt đất, các lực lượng này sẽ không thay thế các lực lượng không quân và hải quân hiện nay mà sẽ bổ sung cho họ.
Khi nói đến phòng không, các nước nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất có thể củng cố năng lực của họ để ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận không phận bằng cách sử dụng các đơn vị quân đội được trang bị tên lửa đánh chặn tầm ngắn có tính cơ động cao và tương đối đơn giản (chẳng hạn như tên lửa Sea Sparrow cải tiến, được hỗ trợ bởi các hệ thống radar GIRAFFE nhằm phát hiện mục tiêu). Trong khi đó, quân đội Mỹ, cùng với các đồng minh như Nhật Bản, có thể vận hành các hệ thống tinh vi hơn, tầm xa hơn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình và tiêu diệt máy bay tiên tiến của Trung Quốc. Mặc dù không phải là một phần trong chuỗi đảo thứ nhất, Việt Nam cũng đang củng cố các năng lực chống xâm nhập không phận và có thể đóng góp vào một nỗ lực phòng thủ lớn hơn.
Khi đó, nhiệm vụ đề ra là ngăn chặn PLA kiểm soát vùng biển mà lực lượng này sẽ cần để gia tăng hoạt động tấn công nhằm vào các hòn đảo này. Các thành viên cấp cao của Quốc hội đã khích lệ quân đội Mỹ xem xét việc khôi phục một lực lượng pháo binh để phòng thủ bờ biển, một nhiệm vụ mà quân đội này đã từ bỏ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ý tưởng này đơn giản và có sức thuyết phục. Thay vì mạo hiểm đưa các tàu chiến vào trong phạm vi phòng thủ của PLA hoặc chuyển hướng các tàu ngầm sang các nhiệm vụ ưu tiên hơn, Mỹ và các đồng minh của mình có thể dựa vào các lực lượng mặt đất, được bố trí dọc theo chuỗi đảo thứ nhất và được trang bị các bệ phóng cơ động và các tên lửa hành trình chống tàu, để thực hiện các hoạt động tương tự. Quân đội của Nhật Bản đã thực hiện chính xác như vậy, bố trí các đơn vị tên lửa hành trình chống tàu trên một số hòn đảo của quần đảo Ryukyu trong các cuộc diễn tập quân sự. Việt Nam cũng đã triển khai các hệ thống tương tự. Và các nước tiền tuyến khác cũng đã làm theo, hoặc là độc lập hoặc với sự tài trợ, huấn luyện và trợ giúp về mặt kỹ thuật của Mỹ.
Một nhiệm vụ khác mà các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh có thể đóng góp đó là chiến tranh thủy lôi. Theo truyền thống, các tàu của hải quân bố trí hoặc rà phá thủy lôi để hạn chế hoặc cho phép đi qua các vùng biển và eo biển hẹp. Mặc dù việc rà phá thủy lôi sẽ vẫn là một chức năng vốn có của hải quân, các lực lượng mặt đất có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc bố trí chúng, đặc biệt là nếu được đóng ở gần các eo biển chủ chốt nối biển Hoa Đông và Biển Đông với các vùng biển mở. Được trang bị khả năng đặt thủy lôi từ các căn cứ trên đất liền sử dụng các tên lửa tầm ngắn, máy bay trực thăng, hoặc xuồng lớn, các lực lượng mặt đất của Mỹ và đồng minh có thể khiến các vùng biển rộng lớn trở thành bất khả xâm phạm đối với Hải quân Trung Quốc. Các bãi mìn ở các điểm chủ chốt dọc chuỗi đảo thứ nhất sẽ làm cho một cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc trở nên vô cùng phức tạp và làm cản trở khả năng Trung Quốc quấy rối các lực lượng hải quân của đồng minh. Trong khi đó, các khẩu đội pháo chống tàu ven biển gần đó, có thể khiến các hoạt động rà phá thủy lôi của các tàu của PLA trở nên rất nguy hiểm.
Về dài hạn, các lực lượng mặt đất cũng có thể trợ giúp các hoạt động tác chiến chống lại lực lượng tàu ngầm ngày càng lớn mạnh của PLA. Một chiếc tàu ngầm chủ yếu dựa vào khả năng tàng hình của nó để phòng thủ; một khi bị phát hiện, nó phải tránh liên lạc hoặc có nguy cơ cao bị tiêu diệt. Bằng cách bố trí các thiết bị cảm biến tần số thấp và cảm biến âm thanh dưới nước xung quanh chuỗi đảo thứ nhất, các lực lượng của Mỹ và đồng minh có thể gia tăng khả năng phát hiện tàu ngầm của PLA. Các đơn vị pháo binh ven biển khi đó có thể sử dụng ngư lôi phóng từ tàu ngầm để khiến các tàu ngầm đang tiến đến phải từ bỏ nhiệm vụ và rút lui.
Nếu Trung Quốc xâm lược một đồng minh hoặc đối tác của Mỹ, ngay cả một số lượng nhỏ bộ binh của Mỹ cũng có thể giúp đỡ các lực lượng địa phương chống trả quyết liệt. Các xung đột hiện đại ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông đã thể hiện những gì mà một lực lượng mặt đất không chính quy khiêm tốn có thể làm được với sự giúp đỡ của các vũ khí hiện đại và các cố vấn tài giỏi. Nhờ có các cố vấn và sức mạnh không quân của Mỹ, quân đội miền Nam Việt Nam đã chống đỡ được một cuộc tấn công quy mô toàn diện của các lực lượng miền Bắc Việt Nam vào năm 1972. Gần 3 thập kỷ sau, vào năm 2001, một nhóm nhỏ Lực lượng Đặc biệt của Mỹ, được hỗ trợ bởi máy bay, đã giúp Liên minh phương Bắc của Afghanistan đánh bại Taliban. Và vào năm 2006, các chiến binh Hezbollah ở Liban, với sự trợ giúp của các cố vấn Iran, đã chiến đấu chặn đứng Lực lượng Phòng vệ Israel trong suốt 1 tháng. Một nỗ lực tương tự của các lực lượng mặt đất của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể khiến việc đoạt lấy và chiếm đóng lãnh thổ trở thành một vấn đề cực kỳ tốn kém đối với Trung Quốc, đặc biệt là nếu các lực lượng địa phương cũng được huấn luyện và trang bị tiên tiến. Chẳng hạn, khả năng tiếp cận súng cối, tên lửa tầm ngắn dẫn đường chính xác, và các tên lửa phòng không vác vai, sẽ tối đa hóa việc sát thương của các đơn vị kháng chiến du kích nhỏ.
Bằng cách gánh vác nhiều hơn trách nhiệm ngăn chặn PLA kiểm soát vùng trời và vùng biển mà họ cần để gia tăng các hoạt động tấn công, các lực lượng mặt đất có thể để cho các lực lượng không quân và hải quân của đồng minh thực hiện các nhiệm vụ mà họ có thể thực hiện, chẳng hạn như do thám tầm xa và không kích. Nếu răn đe thất bại, các phương tiện không quân và hải quân này sẽ chứng tỏ tầm quan trọng đối với việc bảo vệ chuỗi đảo thứ nhất và bù lại các lợi thế của PLA. Chẳng hạn, PLA có thể tập trung các lực lượng ở bất kỳ địa điểm nào dọc chuỗi đảo thứ nhất nhanh chóng hơn nhiều so với Mỹ và các đồng minh của nước này, những nước có quân đội của họ được phân bố rải rác hơn. Và PLA không cần phải điều hòa các lợi ích quốc gia mâu thuẫn. (Sau khi Trung Quốc tấn công một hòn đảo, các quốc gia dọc chuỗi đảo này có thể sẽ muốn giữ các lực lượng của họ tại chỗ để bảo vệ quê hương của mình). Bằng cách giảm bớt đòi hỏi phải có các lực lượng không quân và hải quân của Mỹ thực hiện các nhiệm vụ chẳng hạn như chống xâm nhập vùng trời và vùng biển, các lực lượng mặt đất sẽ cho phép các lực lượng không quân và hải quân giữ vững lực lượng, sẵn sàng di chuyển nhanh chóng để bảo vệ một mắt xích bị đe dọa trong chuỗi.
Để thành công, một chính sách răn đe cũng cần phải có một sự đe dọa trả đũa đáng tin cậy sau sự việc, và ở đây, các lực lượng mặt đất cũng có thể giúp đỡ. Hiện nay, các vũ khí của Mỹ mà có thể phát động một cuộc tấn công trả đũa chính xác được đặt tại các căn cứ không quân và tàu sân bay tiền tuyến ngày càng dễ bị tổn thương. Lầu Năm Góc dự định sẽ giải quyết vấn đề này một phần bằng cách chế tạo các tàu ngầm và máy bay ném bom tàng hình tầm xa mới, nhưng chi phí cho các khí tài hạng nặng như vậy là rất cao, đặc biệt là do tải trọng tương đối khiêm tốn của chúng. Nếu so sánh, các lực lượng mặt đất, có thể mất một mức chi phí rẻ hơn để cung cấp thêm hỏa lực. Không giống như các lực lượng không quân và hải quân, các lực lượng mặt đất có thể không cần quay trở lại các căn cứ xa xôi để tái vũ trang. Họ có thể dự trữ nhiều đạn dược hơn rất nhiều so với ngay cả chiếc máy bay ném bom hay tàu chiến lớn nhất, và họ có thể cất trữ chúng trong các boongke kiên cố có thể chống chịu được các đợt tấn công tốt hơn.
Hơn nữa, trong trường hợp có xung đột, PLA sẽ được hưởng lợi nhờ một lợi thế đặc biệt không cân xứng: số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung trên đất liền của nước này. Mỹ, với tư cách là một bên ký kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (IRNF), không thể triển khai các hệ thống này. Tuy nhiên, bằng cách trang bị cho các lực lượng mặt đất những tên lửa tương đối rẻ tiền tuân thủ các hạn chế về tầm bắn của hiệp ước này, và bằng cách bố trí các tên lửa này dọc chuỗi đảo thứ nhất để giảm bớt chi phí liên quan đến việc phóng tên lửa tầm xa, Washington và các đồng minh của mình có thể tiến xa trong việc “sửa chữa” sự mất cân bằng này với một chi phí tương đối thấp. Và nếu bộ binh không thể hành động đủ nhanh để đối phó với một sự xâm phạm các phòng tuyến của chuỗi đảo này, các phòng tuyến gần đó có thể nhanh chóng đáp trả bằng cách tập trung hỏa lực tên lửa vào khu vực bị đe dọa.
Có lẽ điểm yếu nhất của chuỗi đảo thứ nhất là mạng lưới tác chiến của Mỹ – các hệ thống quan trọng có thể xử lý tất cả vấn đề từ chỉ đạo và theo dõi quân đội và tiếp tế cho đến điều khiển vũ khí. Mạng lưới này hiện nay chủ yếu dựa vào các vệ tinh và phương tiện bay không người lái (UAV) không tàng hình, cả hai đều có thể bị PLA nhắm làm mục tiêu. Cách tốt nhất để giảm bớt rủi ro sẽ là thiết lập một mạng lưới thông tin liên lạc bằng cáp quang được chôn dưới mặt đất và đáy biển dọc chuỗi đảo này, cho phép các lực lượng khác nhau tiếp nhận và truyền tải dữ liệu một cách an toàn từ các trung tâm chỉ huy kiên cố trên đất liền. Các lực lượng phòng không và phong tỏa biển được đặt trên đảo, cũng như là các bãi mìn chống tàu, có thể bảo vệ các đường dây cáp chạy giữa các hòn đảo.
Nghệ thuật của điều khả thi
Giống với bất kỳ khái niệm tác chiến nào, phòng thủ quần đảo cũng gặp phải những trở ngại. Hai trở ngại nổi bật nhất là tài chính và địa chính trị: phí tổn về sau và sự sẵn sàng hợp tác của các nước nằm dọc chuỗi đảo thứ nhất. Nhưng bất chấp cái giá được đưa ra để có một tư thế mới, cộng đồng phòng thủ ở Mỹ đang bắt đầu nhận thấy rằng những sự cắt giảm được dự kiến hiện tại trong ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc không thích hợp với môi trường an ninh ngày càng nguy hiểm hiện nay. Ủy ban Quốc phòng, một nhóm chuyên gia quốc phòng của hai đảng của Mỹ, mới đây đã đề nghị Chính quyền Obama và Quốc hội Mỹ khôi phục chi tiêu quốc phòng ở mức dự kiến trong ngân sách ban đầu của Lầu Năm Góc cho năm tài khóa 2012. Việc thông qua khuyến nghị này sẽ làm tăng đáng kể các nguồn lực của Lầu Năm Góc trong thập kỷ tới.
Lầu Năm Góc cũng có thể đưa ra lập luận rằng việc đầu tư vào phòng thủ quần đảo có thể đem lại những lợi ích vượt ra ngoài Tây Thái Bình Dương. Chẳng hạn, cái gọi là khái niệm Tác chiến trên không-trên bộ, vốn được phát triển trong những năm 1970 và giúp ngăn chặn một cuộc tấn công của khối Vacsava vào NATO, đã thành công không chỉ ở Trung Âu; Mỹ và các đồng minh của nước này cũng đã dựa vào khái niệm này, dưới hình thức sửa đổi, trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1990-1991. Tương tự, Lầu Năm Góc có thể sử dụng nhiều năng lực liên quan đến phòng thủ quần đảo để bảo vệ các khu vực quan trọng khác, gồm cả các đồng minh và đối tác gần vùng Vịnh Persian và Biển Baltic.
Nếu Bộ Quốc phòng không thể đảm bảo những sự gia tăng trong ngân sách, bộ này vẫn có thể tạo ra những sự thay đổi để làm cho tư thế tổng thể của mình phù hợp hơn với môi trường an ninh hiện nay. Lấy một ví dụ, Lầu Năm Góc vẫn dành ra một số lượng đáng kể lực lượng mặt đất để bảo vệ Hàn Quốc trước một cuộc tấn công của Triều Tiên. Tuy nhiên, một cuộc xâm lược quy mô lớn là điều không thể xảy ra; mối đe dọa lớn hơn là Bình Nhưỡng có thể phát động một cuộc tấn công với các tên lửa được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn hóa học. Trong bất kỳ trường hợp nào, Hàn Quốc có dân số lớn gấp đôi dân số của kẻ thù và thu nhập bình quân đầu người lớn gấp hơn 15 lần. Seoul có thể và nên gánh vác một phần gánh nặng phòng thủ lớn hơn trước một cuộc xâm lược trên bộ truyền thống.
Ngay cả với các nguồn lực thích hợp, việc phối hợp với một nhóm đồng minh và đối tác khu vực chắc chắn sẽ là một thách thức. Các lực lượng mặt đất của Mỹ sẽ phải đóng các vai trò khác nhau phụ thuộc vào nước này. Nhật Bản, với các năng lực đáng gờm của mình, có thể hỗ trợ cho tuyến phòng thủ trên bộ của nước này mà không cần nhiều đến sự trợ giúp của Mỹ. Ngược lại, các lực lượng mặt đất của Mỹ có thể sẽ cần phải đảm nhận một vai trò to lớn hơn ở Philippines. Ở cả hai nước, một sự hiện diện lớn hơn của Mỹ ở trên bộ sẽ đem lại một mức độ đảm bảo mà các lực lượng không quân và hải quân, vốn có thể nhanh chóng rút lui, không thể đem lại. Trong khi đó, Đài Loan, do không có các mối quan hệ ngoại giao với Mỹ, sẽ phải hành động với hầu như không hoặc không có sự trợ giúp đỡ nào.
Một số nước, cụ thể là Nhật Bản và Việt Nam, đã cho thấy rằng họ nghiêm túc về việc triển khai dạng phòng tuyến mạnh mẽ sẽ cần thiết cho phòng thủ quần đảo. Các quốc gia khác nằm ngoài chuỗi đảo thứ nhất, trong đó có Úc và Singapore, dường như có ý sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp về căn cứ và hậu cần. Nhưng chính bởi NATO cũng đã phải mất hơn một thập kỷ để thiết lập một sự răn đe thông thường đáng gờm đối với khối Vacsava, Mỹ và các đồng minh của mình không thể thiết lập phòng thủ quần đảo trong một sớm một chiều.
Hiện nay, việc cam kết thực hiện chiến lược này có lợi thế, đó là cho phép Washington và các bạn bè của mình dàn trải phí tổn triển khai các lực lượng như vậy theo thời gian. Trong khi đó, bởi sự cạnh tranh quân sự đang diễn ra của khu vực này, Mỹ và các đồng minh của mình dọc chuỗi đảo thứ nhất phải nỗ lực kiên trì, lâu dài để duy trì sự ổn định và thịnh vượng của khu vực. Dĩ nhiên, phòng thủ quần đảo sẽ không đem lại nhiều hơn một thứ thuốc chữa bách bệnh chống lại mọi hình thức gây hấn của Trung Quốc so với sự răn đe thông thường của NATO đã giải quyết những vấn đề mà các cuộc chiến giải phóng dân tộc và tăng cường hạt nhân của Moskva đặt ra. Nhưng việc thiết lập một tư thế như vậy sẽ thể hiện bước đi đầu tiên cần thiết và đã quá chậm từ lâu trong việc đối trọng với các tham vọng theo chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc./.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông