Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 8), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).
Biên dịch: Lưu Ngọc Trâm | Hiệu đính: Nguyễn Đắc Thành
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future
Chiến lược quân sự trong thời đại hạt nhân
Vụ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản ngày 6 tháng 8 năm 1945 là sự kiện quan trọng đánh dấu sự phân chia giai đoạn trước và sau Thế Chiến II trong chính trị quốc tế. Sau một ánh chớp chói lòa, thế giới chuyển từ hệ thống “cân bằng quyền lực” sang “cân bằng sợ hãi”. Trong các thập kỷ tiếp theo, các nhà hoạch định chính sách ở các nước có vũ khí hạt nhân phải giải quyết hai vấn đề chính sách chính: (1) có nên sử dụng vũ khí hạt nhân không và (2) làm thế nào để ngăn các nước khác dùng vũ khí hạt nhân. Việc tìm giải pháp cho những vấn đề trên có ý nghĩa rất quyết định bởi vì những hậu quả khủng khiếp tức thời cũng như dài hạn của chiến tranh hạt nhân tổng lực đối với bất cứ ai.
Nói một cách ngắn gọn, sự sống mà chúng ta thấy trên thế giới này sẽ kết thúc. Hành tinh trái đất sẽ là nơi không thể sinh sống được do hậu quả của mùa đông hạt nhân,[1] kèm theo hậu quả khủng khiếp: “Khói do lửa từ cuộc chiến này tạo ra đủ để che khuất mặt trời và làm nhiễu bầu khí quyển trên diện rộng… [giảm] nhiệt độ trung bình của Trái đất… [che khuất] bầu trời từ đó ngăn cản sự quang hợp của cây xanh” (Sagan và Turco 1993, 369). Có ước tính rằng chỉ cần hai mươi bốn tên lửa Trident II trên một tàu ngầm của Mỹ, mỗi tên lửa mang trung bình sáu đầu đạn hạt nhân loại 455 kiloton W88 là đủ để gây ra mùa đông hạt nhân – đủ để nhân loại diệt vong.
Mặc dù vũ khí hủy diệt trên diện rộng đã tồn tại từ thời Thế Chiến II, chính sách (postures) của các cường quốc hạt nhân đối với vũ khí hạt nhân đã thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ, nhu cầu quốc phòng, năng lực và hoàn cảnh quóc tế. Để dễ phân tích, ta có thể xem xét các chính sách này trong ba giai đoạn: ép buộc, răn đe và đánh phủ đầu. Giai đoạn đầu tiên bắt đầu cuối Thế Chiến I và kết thúc sau khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Ưu thế hạt nhân thống trị của Mỹ là đặc điểm chính của giai đoạn này. Giai đoạn hai bắt đầu từ năm 1962 đến năm 1991 khi Liên Xô tan rã. Sự lớn mạnh về năng lực quân sự của Liên Xô là đặc điểm chính của giai đoạn này, đồng nghĩa với việc Mỹ không còn là nước duy nhất có khả năng tiêu diệt một quốc gia khác mà không phải lo đến sự hủy diệt của chính nước mình. Giai đoạn ba bắt đầu từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hình thành cùng với việc các siêu cường điều chỉnh các học thuyết chiến lược của mình cho phù hợp với các nguy cơ toàn cầu mới.
Ép buộc
Các quốc gia sở hữu ưu thế vượt trội về quân sự thường coi vũ khí như một công cụ cho thương lượng ngoại giao. Mỹ, nước đầu tiên và trong nhiều năm có sức mạnh hạt nhân tuyệt đối, thực hiện chủ thuyết chiến lược về đường lối ép buộc[2] (Schelling 1966) khi nó có ưu thế tuyệt đối so với Liên Xô. Sức mạnh quân sự không nhất thiết phải mang ra sử dụng, một quốc gia có thể gây ảnh hưởng đơn giản bằng cách “chứng minh sức mạnh vũ lực và đề cao khả năng hay ý định sử dụng vũ lực” (Majeed 1991). Chủ thuyết ép buộc của Mỹ đã dùng vũ khí hạt nhân như một công cụ để tạo ảnh hưởng chính trị, dùng nó không phải để gây chiến mà để buộc đối phương tuân thủ cho dù đối phương không hề muốn.
Mỹ tạo lợi thế trong đàm phán bằng cách cho đối phương biết rằng cuối cùng nước này có thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Chiến lược này đặc biệt nổi lên trong nhiệm kỳ của Eisenhower khi Ngoại trưởng John Foster Dulles thi hành chính sách “bên miệng hố chiến tranh”,[3] cố tình đe dọa các đối thủ của Mỹ về sự hủy diệt hạt nhân làm cho các nước này phải tuân theo yêu cầu của Mỹ khi đối mặt với bờ vực chiến tranh. Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” là một phần của học thuyết chiến lược của Mỹ “trả đũa khủng khiếp”.[4] Để kiềm chế chủ nghĩa cộng sản và sự bành trướng của Liên Xô, nó sử dụng chiến lược nhằm vào các mục tiêu giá trị,[5] đó là việc vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ nhắm đến các mục tiêu quan trọng nhất với Liên Xô – dân số và các trung tâm công nghiệp. Một số nhà phân tích lại cho rằng sẽ hiệu quả hơn nếu áp dụng chiến lược nhằm vào mục tiêu quân sự,[6] tập trung vào các kho quân sự mà không đụng đến sinh mạng dân thường.
Đòn trả thù khủng khiếp làm tăng thêm nỗi lo cho điện Kremlin là nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra thì Liên Xô sẽ bị hủy diệt trong khi Mỹ thì vẫn tồn tại. Chính vì vậy để tăng cường năng lực hạt nhân các nhà lãnh đạo Liên Xô đã tập trung vào các chương trình vũ trụ và phóng thành công vệ tinh đầu tiên (Sputnik), qua đó chứng minh khả năng phóng vũ khí hạt nhân của Moscow vượt qua đại lục Á – Âu. Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev phát biểu hồi tháng bảy năm 1957: “Nếu sống giữa bầy chó thì phải luôn nhớ mang theo gậy.” Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc có bước ngoặt mời, lần đầu tiên Mỹ đứng trước nguy cơ bị tấn công hạt nhân.
Răn đe
Khi ưu thế chiến lược của Mỹ dần biến mất, các nhà hoạch định chính sách bắt đầu đặt câu hỏi về sự hữu ích của vũ khí hủy diệt hàng loạt như là một công cụ thương lượng chính trị. Họ bàng hoàng về khả năng hủy diệt có thể xảy ra nếu chiến lược ép buộc khơi mào cho cuộc chiến hạt nhân. Cuộc khủng hoảng tên lửa gần như là tự sát ở Cuba năm 1962 đưa đến sự thay đổi trong tư duy chiến lược của Mỹ, chuyển chính sách chiến lược từ ép buộc thành răn đe.[7]
Trong khi chính sách ép buộc bao hàm việc đe dọa tấn công mang tính cưỡng ép nhằm thuyết phục đối thủ từ bỏ một hành động mà không kháng cự, chiến lược răn đe ngăn cản đối thủ không tiến hành một hành động chống lại nước mình (răn đe trực tiếp) hay chống lại nước đồng minh của mình (răn đe mở rộng). Các nhà chiến lược luôn phân định rõ hai phương cách răn đe. Đầu tiên là răn đe bằng cách cự tuyệt, dựa trên giả định rằng có thể thuyết phục đối thủ từ bỏ tấn công nếu cho đối thủ thấy những nỗ lực đó là không có kết quả.
Phương cách thứ hai là răn đe bằng trừng phạt, dựa trên giả thiết rằng nước răn đe có khả năng trừng phạt đối thủ phải trả giá rất cao nếu đối thủ tấn công. Phương cách thứ hai là cơ sở lý thuyết của cách mà Mỹ và Liên Xô răn đe lẫn nhau. Các thành tố chính của chiến lược răn đe dựa trên đe dọa trừng phạt bao gồm: (1) năng lực – sở hữu nguồn lực quân sự để sẵn sàng trả đũa quân sự; (2) độ khả tín – làm đối thủ tin rằng mục tiêu của cuộc tấn công sẽ được tiến hành ngay sau lời đe dọa; và (3) thông tin giao tiếp – có phương tiện để truyền đạt một thông điệp rõ ràng tới bên gây hấn rằng bên răn đe có khả năng và sẵn sàng phản công. Những người ủng hộ chính sách răn đe bằng trừng phạt lập luận rằng chính sách này “sẽ thành công nếu bên bị thách thức biết đến, tự đánh giá được và tin vào cái giá của lời đe dọa” (Harknett 1994).
Nghịch lý là, sự chuyển đổi từ chiến lược ép buộc sang răn đe đã khuyến khích thay vì ngăn cản cuộc chạy đua vũ trang Mỹ – Liên Xô. Chiến lược răn đe, dựa vào năng lực chắc chắn có thể gây thương tổn cho đối thủ, cần đến năng lực đánh trả lần hai,[8] nghĩa là năng lực để một nước có thể chịu được lần tấn công đầu tiên của đối thủ, sau đó vẫn còn khả năng thực hiện phản công. Để đảm bảo cho năng lực đánh trả lần hai và sự nhận thức của đối phương về năng lực này, chính sách răn đe đòi hỏi việc tìm kiếm không giới hạn năng lực phản công vượt trội. Người ta phải xây dựng tất cả các hệ thống có thể được xây dựng bởi như Tổng thống Kennedy giải thích năm 1961 “chỉ khi quân đội có sức mạnh chắc chắn thì chúng ta mới chắc chắn không phải sử dụng tới nó.” Cả hai siêu cường đều dốc sức triển khai bộ ba[9] tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ mặt đất (ICBMs), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBMs), và máy bay ném bom tầm xa với niềm tin rằng cả ba sẽ không thể bị tiêu diệt cùng một lúc trong lần tấn công đầu tiên.
Các nhà làm chính sách đưa ra cụm từ sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn (MAD)[10] để mô tả cho sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô sau khủng hoảng hạt nhân ở Cuba. Cho dù bên nào tấn công trước thì bên còn lại cũng có khả năng hủy diệt kẻ tấn công. Nếu như vậy thì việc khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân là không khôn ngoan; Tổn thất kinh khủng vượt quá bất cứ lợi ích nào có được. Tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev cảnh báo: “Nhấn nút khởi động cũng đồng nghĩa với tự sát.” Theo lời của cựu Thủ tướng Anh Wiston Churchill thì sự an toàn là “con của nỗi khiếp sợ và là anh em song sinh của sự hủy diệt.”
Khi quan hệ Mỹ – Xô tiến triển, tư duy chiến lược của Mỹ phát triển theo hai quan điểm đối nghịch. Dù nhiều chiến lược gia tiếp tục cổ vũ cho khuyến nghị chính sách về MAD, một số khác trong thập kỷ 1980 cổ vũ cho quan điểm được gọi là lý thuyết sử dụng hạt nhân (NUTS).[11] Quan điểm này cho rằng vũ khí hạt nhân không chỉ đóng vai trò răn đe mà còn có thể được sử dụng trong chiến tranh. Những người ủng hộ quan điểm này lập luận rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân không nhất thiết dẫn tới leo thang chiến tranh hạt nhân toàn diện mà chỉ là một chiến tranh hạt nhân “giới hạn”. Bằng cách phát triển vũ khí hạt nhân có thể sử dụng được, họ cho rằng Mỹ có thể làm cho mối đe đọa về vũ khí hạt nhân hiện hữu hơn. Mặt khác, những người ủng hộ MAD lại cho rằng mục đích duy nhất của vũ khí hạt nhân là để răn đe. Những người này cho rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân dù chỉ ở mức độ rất hạn chế cũng có thể leo thang thành một cuộc chiến hạt nhân không kiểm soát được.
Sự thay đổi tư duy chiến lược tiếp theo diễn ra vào năm 1983, khi Tổng thống Mỹ Reagan đề xuất xây dựng một lá chắn phòng thủ không gian để chống lại tên lửa đạn đạo. Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI)[12] hay “Chiến tranh giữa các vì sao” như cách gọi của những nhà phân tích, đề xuất phát triển lá chắn phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo của Liên Xô, sử dụng vũ khí dùng tia laze trên quỹ đạo trái đất để phá hủy các tên lửa bắn đi dù với bất kỳ lý do gì như sợ hãi, tức giận hay chỉ là vô ý. Mục tiêu, như Tổng thống Reagan xác định, là khiến cho vũ khí hạt nhân trở nên “vô dụng và lỗi thời”. Chính vì vậy Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI chuyển đổi chiến lược hạt nhân của Mỹ ra khỏi sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn, điều mà Tổng thống Reagan gọi là “không thể chấp nhận về mặt đạo đức”. Thế nhưng dù đã chi hơn 150 tỉ đô cho đến năm 2008, Mỹ vẫn còn xa mới đạt được phòng thủ tên lửa đạn đạo tin cậy. Nhưng với việc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và Iran, Mỹ lại tiếp tục xây dựng một hệ thống đánh chặn không phải bằng laze không gian mà là hệ thống đánh chặn trên mặt đất.
Đánh phủ đầu
Sự kết thúc Chiến tranh Lạnh không đồng nghĩa với việc chấm dứt các kế hoạch chiến lược. Những mối nguy hiểm mới nổi lên buộc các nhà chiến lược phải nghĩ đến một chiến lược mới là đánh phủ đầu.[13] “Chúng ta đang đối mặt với một mối nguy chưa từng có”, Tổng thống George W. Bush khẳng định điều này trong bài phát biểu tại lễ phát bằng của trường West Point ngày 1 tháng 6 năm 2002. Một mặt, công nghệ hiện đại cho phép mạng lưới khủng bố chìm gây nên các cuộc tấn công thảm khốc chống lại Mỹ. Mặt khác, các mạng lưới khủng bố này không thể bị răn đe bởi sự đe dọa trừng phạt do không có dân số và lãnh thổ xác định. Ông kêu gọi “Chúng ta phải mang chiến tranh đến với kẻ thù và đối mặt với những nguy cơ tệ nhất trước cả khi nó hình thành.”
Lời kêu gọi của Bush cho việc đánh phủ đầu bọn khủng bố và các quốc gia nuôi dưỡng chúng được nhắc lại trong bản báo cáo của ông ngày 17 tháng 9 năm 2002 về Chiến lược An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ (The National Security Strategy of the United States of America (NSS), và được khẳng định một lần nữa trong tài liệu tiếp theo được công bố vào tháng 3 năm 2006. Dưa trên lập luận rằng “các quốc gia không thể phải chịu một cuộc tấn công trước khi quốc gia đó có thể tự vệ hợp pháp trước các lực lượng là mối nguy hiểm tiềm tàng,” Bản báo cáo cho rằng việc các tổ chức khủng bố và các quốc gia thù nghịch sở hữu vũ khí hủy diệt là lý do thuyết phục để Mỹ tiến hành hành động tự vệ trước các mối nguy đó. Đánh phủ đầu chứ không phải là răn đe là cần thiết cho an ninh quốc gia.
Cho dù theo luật quốc tế một quốc gia có quyền hợp pháp để bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công có thể xảy ra, những nhà phân tích cho rằng ẩn dấu dưới ngôn ngữ của đánh phủ đầu quân sự là một chính sách quả quyết hơn về chiến tranh phòng ngừa.[14] Nói ngắn gọn thì một cuộc tấn công quân sự phủ đầu bao hàm việc sử dụng vũ lực để dập tắt hoặc giảm thiểu nguy cơ một cuộc tấn công của đối thủ. Một cuộc tấn công phòng ngừa bao hàm việc dùng vũ lực để phòng ngừa bất cứ cuộc tấn công nào trong tương lai, ngay cả khi không có lý do để tin rằng cuộc tấn công đó có thể xảy ra. Trong khi đánh phủ đầu dựa trên bằng chứng tin cậy về một mối đe dọa có thực và có thể xảy ra sớm, cơ sở của chiến tranh phòng ngừa chỉ dưa trên sự nghi ngờ mới chớm, phòng ngừa một mối đe dọa (Kegley và Raymond 2007).
Để mô tả sự khác biệt giữa những hành động quân sự dựa trên động cơ đánh phủ đầu hay phòng ngừa, chúng ta hãy so sánh ngắn gọn hai ví dụ lịch sử cụ thể. Cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và một liên minh gồm Ai Cập, Syria, Jordan và Iraq là ví dụ cho việc đánh phủ đầu. Căng thẳng giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập đã gia tăng trong suốt mùa xuân 1967 và đạt tới đỉnh điểm vào tháng 5 khi Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser thi hành một loạt các bước đi làm tăng thêm sự lo ngại ở Tel Aviv về một cuộc tấn công có thể xảy ra. Bên cạnh việc huy động quân đội của mình và củng cố quan hệ quân sự với Syria, Jordan và Iraq, Nasser yêu cầu các Lực lượng khẩn cấp của Liên Hợp Quốc rời khỏi Sinai, lực lượng đã được triển khai từ sau Chiến tranh Suez năm 1956 như là một vùng đệm giữa Ai Cập và Israel. Tiếp đó, ông tuyên bố việc phong tỏa Eo biển Tiran, tuyến hàng hải quan trọng của Israel ra biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Ông tuyên bố rằng mục tiêu của bất kỳ cuộc chiến tranh tương lai nào với Israel cũng là để hủy diệt quốc gia Do thái này. Cho rằng cuộc chiến dường như chắc chắn sẽ diễn ra và khả năng tồn tại bị đe dọa nếu Ai Cập tấn công trước, người Do Thái đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào ngày 5 tháng 6 và đã giúp nước này giành được thắng lợi quyết định.
Trong khi Chiến tranh 6 ngày minh họa cho đánh phủ đầu, cuộc tấn công của Israel tháng 6 năm 1981 vào lò phản ứng hạt nhân Osiraq của Iraq mô tả hành động quân sự phòng ngừa. Israel nhìn nhận, với loại lò phản ứng Baghdad đã có, nhiên liệu đã mua có thể được sử dụng sản xuất vũ khí hạt nhân, và việc chấm dứt các cuộc thanh tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế là những bằng chứng gián tiếp rằng Iraq đang phát triển năng lực hạt nhân quân sự. Do thái độ thù địch mãnh liệt mà các nhà lãnh đạo Iraq đối với Israel cũng như việc các khu tập trung dân cư và kho vũ khí hạt nhân của Israel dễ bị tổn thương trước đòn tấn công đầu tiên, các nhà lãnh đạo Israel cho rằng không thể ngăn cản được Saddam Husein; các lò phản ứng của Iraq phải bị phá hủy trước khi chúng hoạt động. Trái ngược với năm 1967 khi các nhà lãnh đạo Israel thấy được nguy cơ trực tiếp từ Ai Cập, cuộc tấn công năm 1981 diễn ra vì có khả năng vào một thời điểm nào đó trong tương lai Iraq có thể là một mối nguy hạt nhân. Israel lý giải rằng tốt hơn là thực hiện các hành động phòng ngừa ngay lập tức để tránh nguy cơ phải chiến đấu với các điều kiện kém thuận lợi hơn trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo quốc gia luôn cảm thấy cần gây nên một cuộc tấn công nhanh và quyết đoán khi đứng trước một mối nguy cơ đang hình thành, đặc biệt là khi họ tin rằng không hành động hôm nay đồng nghĩa với phá hủy tương lai. Xuyên suốt lịch sử, rất nhiều người ủng hộ quan điểm về “chính trị quyền lực” đồng ý coi chiến tranh phòng ngừa như là một chiến lược thiết yếu trong môi trường chính trị thế giới hỗn loạn và lộn xộn. Đại diện kinh điển cho quan điểm này, nhà triết học chính trị người Floren thế kỷ 16 Niccolò Machiavelli (1950, 10-11) khẳng định các nhà lãnh đạo chính trị phải luôn phòng ngừa trước những nguy hiểm có thể xảy ra: “Nếu phòng ngừa trước thì các mối nguy này có thể dễ dàng hóa giải. Nhưng nếu đợi cho đến khi nó thực sự xảy ra, thì sẽ không kịp chạy chữa và bệnh đã trở thành nan y.” Tương tự vậy, Hồng y Richelieu (1961, 80), Thủ tướng Pháp dưới thời vua Louis XIII lập luận rằng “Một bác sĩ biết cách phòng bệnh đáng quý hơn một bác sĩ chỉ chữa bệnh, cũng như vậy… dự đoán tương lai quan trọng hơn là chỉ đắm mình vào hiện tại, bởi cũng như bệnh tật, tốt hơn là tấn công kẻ thù trước thay vì chờ đợi.”
Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng dùng lực lượng quân sự vào mục đích phủ đầu sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm. Nhắc đến thất bại của Mỹ trong việc đánh giá chính xác các chương trình vũ khí của Iraq, họ lập luận rằng thông tin tình báo không đáng tin cậy về mục đích và khả năng của đối phương có thể dẫn tới một cuộc chiến phủ đầu. Dự đoán hành động tương lai của một quốc gia khác là rất khó bởi rất khó đoán biết ý định của các nhà lãnh đạo, thông tin về mục tiêu dài hạn sẽ được giữ bí mật và các dấu hiệu của việc định hướng chính sách có thể bị nhiễu bởi các điều kiện xung quanh. Các nhà chỉ trích tiếp tục nhận định nếu chỉ từ mối nghi ngờ đối thủ mà trở thành lý do chính đáng cho hành động phủ đầu quân sự thì các nhà lãnh đạo hiếu chiến sẽ luôn có một cái cớ sẵn sàng và đơn giản để tấn công kẻ thù tiềm tàng. Nhưng tấn công kiểu này đưa đến nguy cơ cao của “dương tính giả” (dự đoán sai về sự gây hấn trong tương lai của các quốc gia khác). Tình thế nan giải lớn về chính sách mà các nhà lãnh đạo chính trị phải đối mặt khi đưa ra quyết định đánh phủ đầu liên quan tới tỉ lệ “dương tính giả” và “âm tính giả”. Làm cách nào các nhà lãnh đạo tránh gây ra các cuộc tấn công phủ đầu với các quốc gia không hề có kế hoạch xâm lược trong khi bỏ qua các quốc gia đang thật sự chuẩn bị gây hấn?
Chiến lược tự vệ trước do vậy lại đặt ra câu hỏi muôn thuở rằng với điều kiện nào, với mục đích gì thì việc dùng lực lượng quân sự là chính đáng. Chiến lược phòng ngừa trước có thể bảo đảm điều gì khi mà các đối thủ không tên, giấu mặt luôn sẵn sàng tấn công tự sát bừa bãi chống lại thường dân? Vũ lực có thể được sử dụng như thế nào để tác động tới sự suy xét của đối thủ về hoạch định chiến lược? Những điều kiện gì ảnh hưởng đến sự thành công của ngoại giao cưỡng bức?
Giới hạn của ngoại giao cưỡng bức
Sử dụng sức mạnh quân đội để thuyết phục
Trừng phạt kinh tế
Xây dựng an ninh thế giới
Tóm tắt chương
Bài đọc gợi ý
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Suc manh quan su va an ninh quoc gia trong mot the gioi hon loan-P2.pdf
——————
[1] Mùa đông hạt nhân (nuclear winter): sự đóng băng dự kiến xảy ra với khí hậu Trái đất từ hậu quả của khói và bụi do sử dụng vũ khí hạt nhân, ngăn ánh sáng mặt trời và hủy hoại cây cối cũng như sinh vật sống sau vụ nổ.
[2]Ép buộc (compellence): đe dọa sử dụng vũ lực nhằm làm cho kẻ thù phải nhượng bộ trái với mong muốn của họ.
[3] Chính sách “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship): chấp nhận trả giá lớn trong thương lượng với kẻ thù để ép buộc sự nhượng bộ của kẻ thù.
[4]Trả đũa khủng khiếp (massive retaliation): một chính sách đáp trả một hành vi hiếu chiến với khả năng gây tổn thương lớn nhất có thể, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhất.
[5] Chiến lược nhằm vào các mục tiêu giá trị (countervalue targeting strategy): nhắm mục tiêu vũ khí hạt nhân vào nguồn lực phi quân sự đáng giá nhất của kẻ thù, chẳng hạn như con người và các khu công nghiệp ở một thành phố (đôi khi được gọi là nhắm vào mục tiêu thành thị).
[6] Chiến lược nhằm vào mục tiêu quân sự (counterforce targeting strategy): tập trung vũ khí hạt nhân nhắm vào cơ sở quân sự của đối thủ.
[7] Răn đe (deterrence): một chiến lược được thiết kế để ngăn cản đối thủ làm những điều đáng ra nó sẽ làm.
[8] Năng lực đánh trả lần hai (second strike capability): năng lực của một quốc gia để đánh trả lại sau khi chịu cuộc tấn công đầu tiên bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
[9] Bộ ba (triad) sự kết hợp của ICBMs, SLBMs và máy bay ném bom tầm xa trong một lực lượng hạt nhân đánh trả lần hai.
[10] Sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn (Mutual assured destruction): hệ thống răn đe trong đó cả hai bên đều có khả năng tồn tại sau cuộc tấn công đầu tiên và thực hiện cuộc tấn công trả đũa có sức hủy diệt.
[11] Lý thuyết sử dụng hạt nhân (NUTS): tư tưởng chiến lược cho rằng những răn đe dễ trở thành hiện thực hơn nếu vũ khí hạt nhân được thiết kể để có thể sử dụng dễ dàng.
[12] Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) một kế hoạch được chính quyền Reagan đưa ra để triển khai một hệ thống chống tên lửa đạn đạo sử dụng tia laze trên không gian nhằm phá hủy tên lửa của đối phương. Dù vậy trong suốt những năm còn lại của Chiến tranh Lạnh Mỹ vẫn không thể xây dựng được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có độ tin cậy.
[13] Đánh phủ đầu (preemption): cuộc chiến được thực hiện để loại trừ khả năng đối thủ có được năng lực để tấn công trong tương lai.
[14] Chiến tranh phòng ngừa (preventive war): chiến tranh thực hiện để loại trừ việc có thể bị kẻ thù tấn công trong tương lai.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]