Đại Nhảy vọt (Great Leap Forward)

199_lg

Tác giả: Nguyễn Thành Trung

Đại nhảy vọt là một chiến dịch được phát động trong giai đoạn 1958 -1961 bởi các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Mao Trạch Đông, nhằm huy động quần chúng thúc đẩy phát triển nông nghiệp và công nghiệp một cách nhanh chóng. Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại, dẫn tới một trong những nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử.

Mặc dù kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957) theo mô hình Xô-viết đạt được một số thành công nhưng nền kinh tế vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, khiến Trung Quốc không bảo đảm được sản lượng xuất khẩu và cung cấp thực phẩm cho lực lượng lao động thành thị đang gia tăng. Cảm thấy không hài lòng với mô hình phát triển kiểu Xô-viết vốn ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, Mao Trạch Đông cho rằng việc huy động lực lượng quần chúng có thể cho phép Trung Quốc phát triển công nghiệp và nông nghiệp một cách song song.

Đại nhảy vọt trở thành chính sách quốc gia vào tháng 10 năm 1957 khi huy động số lượng lớn nông dân tham gia các dự án thủy lợi trong suốt mùa đông 1957-58, và sau đó thúc đẩy việc chuyển các tổ chức tập thể thành các công xã nhân dân vào năm 1958. Tháng 8 năm 1958, dưới sự chỉ đạo của Mao Trạch Đông, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức thông báo các “công xã nhân dân” sẽ được thành lập ở tất cả các khu vực nông thôn của Trung Quốc. Mao xem hành động này như là một bước tiến trước Liên Xô trong việc “cải tạo xã hội”, và tin rằng Trung Quốc sẽ trở thành một hình mẫu tiên tiến nhất cho chủ nghĩa cộng sản thế giới. Cho đến tháng 11/1958, khoảng 98% dân số nông thôn được tổ chức thành khoảng 26.000 công xã. Mỗi công xã nông thôn trung bình bao gồm 5.000 hộ gia đình, hay 25.000 dân, và tập thể hóa tất cả tài sản như đất đai, nhà cửa, gia súc, và kiểm soát tất cả các hoạt động hành chính và sản xuất. Một số công xã đô thị cũng được thành lập vào năm 1958.

Bên cạnh mục tiêu gia tăng sản lượng lương thực, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc vào năm 1958 còn xác định một mục tiêu khác của chương trình Đại nhảy vọt là nhằm tăng nhanh sản lượng thép. Mao Trạch Đông hi vọng với Đại nhảy vọt sản lượng thép của Trung Quốc sẽ vượt qua sản lượng thép của Anh trong vòng 15 năm. Tháng 8 năm 1958, Bộ Chính trị quyết định phải đưa sản lượng thép tăng gấp đôi trong vòng một năm. Để thực hiện các mục tiêu này, lực lượng quần chúng trong cả nước, bao gồm từ viên chức, giáo sư, sinh viên, công nhân cho đến nông dân, đều được huy động. Theo ước tính, có khoảng một triệu nông dân phải xa rời đồng ruộng để tham gia vào các dự án “lò luyện thép sân vườn” nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Cho đến mùa thu 1958 có khoảng 600.000 lò luyện thép như vậy trên toàn Trung Quốc. Chúng tiêu thụ hầu như tất cả kim loại kiếm được bao gồm cả đồ dùng nấu bếp, lò xo thép, giường, đồ đạc bằng thép … cũng như một số lượng lớn gỗ như cửa,bàn ghế, đồ gỗ, và cây rừng. Sản phẩm sản xuất ra chỉ là thép phẩm chất thấp nhưng lại được báo cáo là thép chất lượng cao.

Trong khi đó ở cấp trung ương, các bộ ngành mất khả năng giám sát sản xuất nông nghiệp vì công việc thu thập thống kê số liệu và lập kế hoạch được phân xuống các đơn vị cấp dưới. Trong khi đó, các địa phương luôn báo cáo vượt kế hoạch sản xuất nông nghiệp đề ra với cấp chủ quản bất chấp trên thực tế mùa màng thất bát do các chính sách sai lầm, nông dân bỏ đồng ruộng đi nấu thép, thiên tai hoành hành cũng như nạn châu chấu phá hoại đồng ruộng do hậu quả của chiến dịch diệt chim sẻ mà chính quyền phát động.

Hội nghị Lư Sơn
Tháng 08/1959 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp ở Lư Sơn. Những người theo chủ nghĩa kinh tế thực dụng trong Đảng muốn sửa đổi thất bại của Đại nhảy vọt và hệ thống công xã. Nguyên soái Bành Đức Hoài, Bộ trưởng Quốc phòng và là anh hùng trong cuộc chiến Triều Tiên, với phong cách bộc trực thẳng thắn của mình đã chỉ trích Đại nhảy vọt là “chủ nghĩa điên rồ … cơn sốt cao của chủ nghĩa không tưởng”. Mao đã chuẩn bị cho giây phút này và mặc dù xuất hiện liên minh giữa lãnh đạo quân sự và các nhà kinh tế thực dụng như Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình nhưng Mao vẫn có thể tập hợp đa số trong Trung ương Đảng để thanh trừng và cách chức Bộ trưởng Quốc phòng của Bành Đức Hoài, thay thế ông bằng Lâm Bưu. Sau đó Bành Đức Hoài bị bỏ tù và chết trong ngục năm 1974.

Trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ca ngợi các công xã nhân dân như “ánh sáng ban mai trên chân trời Đông Á” thì kết quả trên thực tế đối với người dân Trung Quốc lại là một thảm họa. Các cán bộ cấp dưới đã báo cáo sai và thổi phồng một cách có hệ thống sản lượng nông nghiệp, khiến trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu lúa gạo đáng kể thì trên thực tế nạn đói lan rộng ở nông thôn trong giai đoạn 1959-1961. Năm 1988, chính phủ Trung Quốc chính thức thừa nhận có khoảng hai mươi triệu người chết đói trong giai đoạn này, nhưng các phân tích độc lập cho rằng từ ba mươi triệu cho đến bốn mươi hai triệu người chết, biến nạn đói do Đại nhảy vọt gây ra trở thành nạn đói tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề như Tứ Xuyên và An Huy, dân số ở một số khu vực bị xóa sạch.

Trong suốt những năm xảy ra nạn đói Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu gạo, chủ yếu sang sang Liên Xô, với sản lượng gạo 2,7 triệu tấn trong năm 1958 và tăng lên 4,2 triệu tấn năm 1959. Chính phủ Trung Quốc che đậy nạn đói và từ chối viện trợ thực phẩm từ cộng đồng quốc tế vì Mao Trạch Đông muốn giữ thể diện và chứng tỏ thành công của Đại nhảy vọt. Trật tự xã hội bị đảo lộn ở một số làng quê nhưng ở thành thị tác động không thể hiện rõ nhờ các biện pháp như chế độ phân phối thực phẩm nghiêm khắc, sản xuất khẩn cấp, nhập khẩu gạo và đưa người nhập cư về quê.

Mặc dù kế hoạch Đại nhảy vọt tỏ ra là một sai lầm nghiêm trọng nhưng không bài học nào được rút ra. Mặc dù Mao tự rời chức Chủ tịch nước năm 1959 như một cử chỉ thừa nhận sai lầm trong Đại nhảy vọt nhưng Mao vẫn cho rằng thất bại của Đại nhảy vọt là do việc thực thi nửa vời chứ không phải do các giả định sai lầm về mặt kỹ thuật và xã hội. Mặc dù vậy, tại kỳ họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc năm 1962, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ chỉ trích “thảm họa kinh tế có 30% lỗi do tự nhiên, 70% là do con người.” Đây cũng là một lý do dẫn tới Cách mạng Văn hóa nhằm trấn áp những người chỉ trích Mao và ở một mức độ nào đó được xem như một phong trào tiếp bước thất bại của Đại nhảy vọt.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).