24/04/1955: Hội nghị Bandung lần thứ nhất kết thúc

Print Friendly, PDF & Email

P200908211455142653224342

Nguồn:The Bandung Conference concludes,” History.com (truy cập ngày 22/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 24 tháng 4 năm 1955, Hội nghị Á-Phi – thường được biết đến với tên gọi Hội nghị Bandung vì được tổ chức ở Bandung, Indonesia – bế mạc. Trong hội nghị, các đại diện từ 29 quốc gia thuộc phong trào “không liên kết” ở châu Phi, châu Á, và Trung Đông đã họp mặt để lên án chủ nghĩa thực dân, bài trừ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và thể hiện mối lo ngại của họ về cuộc Chiến tranh Lạnh đang nổi lên giữa Mỹ và Liên Xô.

Hội nghị Bandung được tổ chức trong bối cảnh các quốc gia được gọi là “không liên kết” ở châu Phi, châu Á, và Trung Đông ngày một thất vọng và chán ghét (với chủ nghĩa thực dân). Những quốc gia này ưu tiên duy trì một lập trường trung lập trong Chiến tranh Lạnh, tin rằng những lợi ích của họ sẽ không đi cùng một mối liên minh với Mỹ hoặc Liên Xô.

Tháng 4 năm 1955, đại diện của 29 quốc gia, trong đó có Ai Cập, Indonesia, Iraq, và Trung Quốc, đã gặp nhau để xem xét các vấn đề mà họ coi là cấp thiết nhất. Nhiều bài phát biểu của các nước và các nghị quyết của hội nghị đã lên án chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc, và kêu gọi cho sự tự do của tất cả các nước đang bị đô hộ.

Mọi hình thức phân biệt chủng tộc cũng bị chỉ trích, đặc biệt chế độ apartheid ở Nam Phi bị cực lực lên án. Các quốc gia tham dự hội nghị cũng kêu gọi chấm dứt chạy đua và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thông điệp cơ bản của các phiên họp là như nhau: cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô không có nhiều ý nghĩa đối với các quốc gia đang phải tập trung phát triển kinh tế, cải thiện y tế và nông nghiệp, và chiến đấu chống các thế lực chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc.

Chính phủ Mỹ nhìn chung đã phải e dè trước Hội nghị Bandung. Dù được mời, Mỹ đã từ chối gửi một quan sát viên không chính thức tới dự hội nghị. Đối với Mỹ, vấn đề rất rõ ràng: [các nước] hoặc tham gia cùng Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản, hoặc đối mặt với nguy cơ bị coi là một kẻ thù tiềm năng. Chính sách này đã đưa Mỹ vào nhiều cuộc xung đột với các quốc gia kém phát triển đang tìm một con đường trung lập trong cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh.

Ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai phát biểu tại Hội nghị Bandung.