26/04/1954: Khai mạc Hội nghị Genève

Dien_Bien_Phu_7514_23

Nguồn:Genève Conference begins,” History.com (truy cập ngày 25/4/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong nỗ lực giải quyết một số vấn đề ở châu Á, trong đó có cuộc chiến giữa người Pháp và Việt Nam ở bán đảo Đông Dương, đại diện của nhiều nước trên thế giới đã nhóm họp tại Genève, Thụy Sĩ. Hội nghị này đánh dấu một bước ngoặt trong sự dính líu của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Đại diện các nước Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, và Anh đã gặp nhau vào tháng 4 năm 1954 để cố gắng giải quyết một số vấn đề liên quan đến châu Á. Đáng ngại nhất trong số đó là cuộc chiến trường kỳ và đẫm máu của các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam, dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo cộng sản Hồ Chí Minh, và người Pháp, vốn có ý định đô hộ toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.

Hai bên đã chiến đấu từ năm 1946. Nhưng đến năm 1954, Pháp đã quá mệt mỏi với cuộc chiến lâu dài và toàn diện đã làm kiệt quệ cả ngân khố quốc gia và sự kiên nhẫn của dân chúng. Hoa Kỳ, vốn đang hỗ trợ cho Pháp, lo ngại rằng chiến thắng của quân đội của Hồ Chí Minh sẽ là bước đầu tiên trong sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Đông Nam Á.

Khi Mỹ từ chối yêu cầu của Pháp là can thiệp trực tiếp hơn vào chiến tranh ở Việt Nam, Pháp tuyên bố đưa vấn đề Việt Nam vào chương trình nghị sự của Hội nghị Genève.

Những thảo luận về vấn đề Việt Nam được bắt đầu tại Hội nghị sau khi Pháp phải gánh chịu thất bại quân sự tồi tệ nhất của cuộc chiến khi quân đội Việt Nam chiếm được căn cứ quân sự của Pháp ở Điện Biên Phủ. Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève được ký.

Theo một phần trong thỏa thuận, Pháp đồng ý rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Việt Nam sẽ tạm thời bị chia cắt bằng vĩ tuyến 17, tổng tuyển cử tự do để chọn người lãnh đạo và thống nhất đất nước sẽ được tổ chức trong vòng hai năm. Trong khoảng thời gian hai năm đó, không lực lượng quân sự nước ngoài nào được phép tới Việt Nam.

Miền Bắc Việt Nam đã miễn cưỡng ký vào hiệp định dù họ tin rằng nó thể gây tổn hại tới những lợi ích từ chiến thắng của họ. Chính phủ bù nhìn phi cộng sản do Pháp lập nên ở miền Nam Việt Nam đã từ chối ký vào hiệp định, nhưng không có sự ủng hộ của Pháp, hành động này không mấy quan trọng vào thời điểm đó. Mỹ cũng từ chối ký, nhưng đã cam kết sẽ tuân thủ các thỏa thuận.

Các quan chức Mỹ tin rằng nếu Hiệp định Genève có hiệu lực, nó sẽ là một thảm họa. Họ tin rằng nếu tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam, chiến thắng áp đảo sẽ thuộc về Hồ Chí Minh, người đã đánh bại thực dân Pháp. Chính phủ Mỹ gấp rút xây dựng một chính sách để ít nhất là bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi lực lượng cộng sản.

Trong vòng một năm, Mỹ đã giúp thành lập một chính phủ chống cộng mới ở miền Nam Việt Nam và bắt đầu cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự, bước định mệnh đầu tiên trong cuộc chiến sa lầy của Mỹ ở Việt Nam.