Nguồn: Historic figures, BBC (truy cập ngày 24/4/2015)
Biên dịch & Hiệu đính: Phạm Hồng Anh
Charlemagne (Charles Đại đế; c.747 – c.814) là vua của người Frank (một liên minh bộ lạc dân tộc Đức – ND) và hoàng đế Cơ-đốc của Tây Âu. Ông đóng vai trò rất lớn trong việc định hình lãnh thổ và bản chất của Châu Âu thời trung cổ và thống trị suốt thời kỳ Phục hưng Carolingian.[1][2]
Charlemagne sinh vào khoảng cuối những năm 740 gần Liège (thành phố thuộc nước Bỉ ngày nay), là con trai của Vua Pepin III (Pepin Lùn). Khi Pepin mất năm 768, vương quốc được chia cho hai người con, và Charlemagne cùng người em trai Calorman cùng nhau trị vì trong ba năm. Năm 771, khi Carloman đột ngột chết, Charlemagne trở thành người cai trị duy nhất.
Thời gian đầu trị vì, Charlemagne tiến hành một số chiến dịch quân sự nhằm mở rộng vương quốc của mình. Ông xâm lược Saxony năm 772 và dần dần tiến tới thu phục và buộc người dân cải đạo sang Cơ-đốc giáo. Ông cũng bành trướng lãnh thổ cai trị xuống phía nam, đánh chiếm vương quốc nhà Lombard ở miền bắc nước Ý. Năm 778, ông chinh phạt miền bắc Tây Ban Nha (lúc bấy giờ thuộc sự cai trị của nhà Moor). Từ năm 780 đến năm 800, Charlemagne sáp nhập Bohemia vào đế chế của mình và khuất phục người Avar tại vùng trung du sông Danube, tạo thành một vùng đệm cho biên giới phía đông đế chế của mình (Biên trấn đông – Ostmark).
Năm 800, một cuộc nổi dậy chống lại Giáo hoàng Leo III nổ ra. Charlemagne tới Rome giải cứu và đã đánh bại quân nổi dậy. Để bày tỏ lòng cảm kích, Giáo hoàng đã trao vương miện cho Charlemagne vào ngày Giáng sinh năm đó, tuyên bố ông là hoàng đế của người La Mã. Mặc dù việc này chẳng trao thêm cho Charlemagne một chút quyền hành nào, nó cũng hợp pháp hóa việc cai trị của ông trên khắp lãnh thổ nước Ý, đồng thời khôi phục lại truyền thống đế quốc của đế chế Tây La Mã trước đây.
Lãnh thổ rộng lớn mà Charlemagne kiểm soát được biết đến với tên gọi đế chế Carolingian. Ông tiến hành các cải cách hành chính trên các vùng đất ông cai trị, chỉ định các bá tước chủ chốt quản lý mỗi vùng, và tổ chức một cuộc họp hội đồng toàn thể mỗi năm tại triều đình ở Aachen. Ông tiến hành tiêu chuẩn hóa cân nặng, đo đạc và thuế quan, giúp cải thiện thương mại và khởi đầu cho những cải cách quan trọng về luật pháp. Ông cũng nỗ lực củng cố vị trí của đạo Cơ-đốc trong đế chế to lớn của mình. Ông thuyết phục rất nhiều học giả danh tiếng tới triều đình và xây dựng một thư viện mới gồm những tác phẩm kinh điển và về Cơ-đốc giáo.
Charlemagne qua đời năm 814. Những người kế vị sau này không có được tầm nhìn và quyền lực như ông, và do đó đế chế này không tồn tại được lâu sau khi ông mất.
————————————————–
[1] Thời kỳ Phục hưng Carolingian diễn ra vào thế kỷ thứ 9-10, dưới triều đại các vua Carolingian, đặc biệt là Charlemagne Đại đế. Thời kỳ này đã đánh dấu kết thúc Kỷ tăm tối (Dark Age) và đưa Tây Âu tiến vào giai đoạn phát triển văn hóa mới. – ND
[2] Là một vị Hoàng đế La Mã Thần thánh, triều đại huy hoàng của Charlemagne kéo dài 14 năm, và góp phần phục hưng Đế quốc La Mã cổ đại. Ông là một vị hoàng đế vĩ đại của Vương quốc Frank, một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất của nước Đức, và sáp nhập thêm được nhiều lãnh thổ vào Đức thông qua những cuộc chiến tranh của ông. Charlemagne là vị vua đầu tiên của một đế quốc tại Tây Âu sau sự sụp đổ của Đế quốc Tây La Mã. Ngày nay Charlemagne được coi như Người cha của cả châu Âu (pater Europae) hay Nguyên thủ của cả thế giới (capus orbit). – ND
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]