Singapore: Chống tham nhũng thành công nhờ chuyên chế?

33613954555e

Nguồn: Alfred Stepan & Richa Maheshwari, “Good-Government Authoritarianism?”, Project Syndicate, 23/4/2015.

Biên dịch: Trần Anh Phúc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nhiều lời tán dương dành cho Lý Quang Diệu – Thủ tướng phục vụ lâu năm của Singapore mất hồi tháng Ba – đã nêu bật cuộc chiến chống tham nhũng thành công của ông. Điểm ẩn ý thường thấy trong phân tích này (khi không được nêu rõ ràng) là việc chính phong cách cai trị chuyên chế của Lý Quang Diệu đã giúp hiện thực hóa những thành tựu (chống tham nhũng) của ông.

Ngoài những ngụ ý mang tính phản dân chủ sâu sắc của giả thuyết này, nó còn không chính xác về mặt thực nghiệm. Vâng, Singapore xếp thứ 7 trong số hơn 170 quốc gia được khảo sát về tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi năm ngoái. Nhưng nếu xem xét các quốc gia khác trong nhóm 15 nước dẫn đầu chúng ta sẽ phát hiện ra rằng tất cả những nước đó đều là những nền dân chủ đang phát triển vững mạnh.

Freedom House, một tổ chức giám sát chuyên đánh giá các nước theo thang điểm 7 dựa trên tiêu chí các quyền chính trị và tự do dân sự, đã xếp Singapore vào thang điểm 4 trong cả hai nhóm tiêu chí trên. Các quốc gia khác nằm trong nhóm 15 nước dẫn đầu theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều nhận được điểm số tốt nhất là 1 xét theo mỗi nhóm tiêu chí trên.

Thật vậy, không có gì mang tính chất độc tài trong các biện pháp chống tham nhũng đã giúp cho những nỗ lực của Lý Quang Diệu trở nên thành công. Với một số cải biến, những biện pháp chống tham nhũng này đều có thể được áp dụng ở hầu hết các nền dân chủ.

Trước hết, Singapore truy tìm quyết liệt những tội phạm cổ cồn trắng, áp dụng hình phạt tù không chỉ đối với những người nhận hối lộ, mà đối với cả những người đưa hối lộ. Và những người bị kết tội nhận tiền bất hợp pháp có nghĩa vụ phải trả lại số tiền đó. Ví dụ, năm 1995, Phó Giám đốc điều hành các tiện ích công cộng (như điện, nước…- NBT) của Singapore bị kết tội nhận hối lộ trị giá 9,8 triệu USD. Ông bị kết án 14 năm tù giam và buộc phải trả lại toàn bộ số tiền đó.

Singapore cũng chi trả lương hậu hĩnh cho các nhân viên chính phủ, điều này đã giúp Singapore thu hút và giữ chân các nhân tài hàng đầu – và tạo một động lực mạnh mẽ để những người mà chính phủ tuyển dụng sẽ luôn trung thực. Chính phủ giám sát mức lương của khu vực tư nhân cho một loạt các kỹ năng, vị trí và các nhiệm vụ, đồng thời cố gắng duy trì tiền lương của công chức ở mức không thấp hơn 75% mức chi trả trong khu vực tư nhân.

Đối với các quan chức cấp cao của chính phủ, mức lương còn cao hơn mức cạnh tranh. Theo công ty tư vấn toàn cầu Hay Group, năm ngoái tổng số tiền lương trung bình cho một giám đốc điều hành tại Singapore là 673.000 USD. Để so sánh, theo một nghiên cứu của chính phủ, một bộ trưởng hàng đầu nhận hơn 800.000 USD. Tư duy này cho rằng một quan chức chính phủ được trả lương cao sẽ ít có khả năng dính líu vào tham nhũng, đặc biệt là nếu việc trả lương cao được bổ sung bằng các hình phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp không cưỡng lại được sự cám dỗ.

Hơn nữa, Singapore đã loại bỏ những cơ hội cho tham nhũng bằng cách cung cấp nhiều dịch vụ công trên Internet hoặc qua điện thoại di động. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, lĩnh vực công của Singapore có mức độ số hóa tiên tiến thứ ba trên thế giới, sau Hàn Quốc và Úc. Kết quả là, các quan chức không trung thực sẽ khó có cơ hội hơn để đòi hối lộ hoặc cắt xén từ các khoản thanh toán công.

Các công dân của Singapore đều biết rõ về các biện pháp này. Điều này có nghĩa rằng không có lý do gì việc dân chủ hóa lại sẽ làm xói mòn những nỗ lực chống tham nhũng của Singapore. Điều mà nhiều người dân thật sự mong muốn hiện nay là tự do cá nhân và tự do chính trị lớn hơn cùng với sự kiểm soát cao hơn đối với chính phủ để đảm bảo rằng các hàng hóa khan hiếm như nhà ở được phân phối công bằng hơn. Thật vậy, có thể nói rằng một xã hội dân sự tự do hơn và việc vượt qua một chế độ độc đảng có thể giúp tăng cường động lực và năng lực của Singapore trong việc chống tham nhũng.

Báo chí Singapore đôi khi phải đấu tranh để thực hiện vai trò giám sát của mình. Freedom House gọi truyền thông của nước này là “không tự do”, với lý do là mức độ tự kiểm duyệt cao, điều chủ yếu phản ánh nỗi lo sợ về các “hành động trừng phạt (của chính phủ) sau khi xuất bản”. Chính phủ thực thi luật chống phỉ báng hà khắc và buộc nhiều tổ chức truyền thông đặt cọc 40.000 USD, số tiền sẽ bị tịch thu nếu chính phủ thắng một vụ kiện phỉ báng.

Trong đại đa số các quốc gia tham nhũng thấp nhất thế giới, một nền báo chí tự do, một xã hội dân sự mạnh mẽ và một môi trường chính trị cạnh tranh kết hợp với nhau để kiểm soát sự không trung thực. Nếu Singapore áp dụng một hệ thống chính trị ít chuyên chế hơn, kết quả chống tham nhũng của nó gần như chắc chắn vẫn sẽ không thay đổi (theo hướng xấu đi).

Alfred Stepan là Giáo sư về quản lý công tại Đại học Columbia. Richa Maheshwari là học viên sau đại học ngành Quản trị công tại Đại học Columbia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]