Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Chiến lược phối hợp hải dương mới của Hoa Kỳ – A Cooperative Strategy for 21st Century Seapower (CS – 21) đã được công bố hồi tháng 3 song vẫn nhận được nhiều ý kiến phân tích và phản hồi. Rõ ràng, Hải quân Hoa Kỳ nhận thấy mối đe dọa nghiêm trọng đến các khái niệm tác chiến thời hậu Chiến tranh Lạnh và đang thay đổi chiến lược nhằm đối phó với kẻ thù tương lai. Sự thay đổi này có thể được tóm tắt trong 3 yêu cầu sau:
Thứ nhất, tìm cách gia tăng mức độ rủi ro của đối thủ. Yêu cầu này tập trung chủ yếu vào khả năng tấn công tầm xa và độ chính xác của tên lửa. Chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD) của các quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, Iran là một trong những vấn đề được quan tâm trong CS – 21. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Hải quân Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị thế độc tôn trên biển. Biên đội các tàu sân bay được xem là vũ khí lợi hại, có thể triển khai khắp thế giới nhằm bảo vệ các lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước sự phát triển của các loại tên lửa mới, các tàu trong biên đội, nhất là tàu sân bay dễ dàng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công. Đáng kể trong số này có tên lửa DF – 21 của Trung Quốc. Bằng cách triển khai các tên lửa tấn công tầm xa chính xác trên nhiều loại tàu, kể cả tàu vận tải và tàu đổ bộ, Washington có thể giảm thiểu thiệt hại mà vẫn tăng cường được sức tấn công đáp trả kẻ thù. Nếu sớm được đưa vào trang bị, hệ thống vũ khí laser và súng điện từ sẽ góp phần tăng cường năng lực của hải quân Hoa Kỳ.
Thứ hai, tăng cường khả năng thích ứng (scalability), bao gồm khả năng can dự xung đột trên diện rộng với chi phí thích hợp. Rõ ràng, một đội tàu chiến đắt tiền sẽ dẫn đến hệ quả là quy mô hạm đội bị thu hẹp. Bằng chứng là số lượng tàu chiến của Hoa Kỳ đã giảm từ 600 xuống còn khoảng 289 tàu. Tuy nhiên, một đội tàu lạc hậu, công nghệ thấp và rẻ tiền lại không đủ để đối phó với những thách thức hiện nay. Thêm vào đó, đa số các cuộc xung đột có sự can dự của hải quân Hoa Kỳ đều là những cuộc chiến công nghệ thấp. Trong khi đó, vũ khí mà Hoa Kỳ sử dụng có mức độ hiện đại và chi phí chế tạo rất cao. Chỉ tính riêng lực lượng hải quân, Washington đã mất hơn 1 tỷ USD cho chiến dịch không kích Lybia trong 7 tháng.
Trong CS – 21, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, Đô đốc Join Greenert đang theo đuổi một mô hình hỗn hợp các tàu chiến công nghệ cao – thấp, bao gồm các hệ thống đổ bộ di động (Mobile Landing Platform – MLP), tàu tốc độ cao (Joint High Speed Vessel – JHSV), căn cứ nổi (Afloat Staging Base – AFSB – USS Ponce), và tàu chiến gần bờ (Littoral Combat Ship/Fast Frigate – LCS/FF). Những lớp tàu này, mặc dù dựa trên nền tảng công nghệ thấp, nhưng sở hữu những tính năng phù hợp với nhiệm vụ, quy mô và năng lực của hải quân một số đối tác trong khu vực. Một ví dụ điển hình là việc chế tạo các tàu đổ bộ tấn công (LHA) mới có khả năng cho phép tiêm kích F-35 cất cánh và hạ cánh ngay trên boong. Ngoài việc tiết kiệm chi phí, mô hình hỗn hợp còn cho phép Hoa Kỳ quyết đoán hơn trong việc triển khai các “tài sản quốc gia” đến những khu vực nhạy cảm mà không cần cân nhắc quá nhiều về giá trị của “tài sản” đó.
Thứ ba, làm rõ những nguy cơ và thách thức có thể làm tăng hiệu quả tác chiến và giảm chi phí. Trong thời gian tới, hải quân Hoa Kỳ cần phải chuyên môn hóa một số nhiệm vụ tác chiến cũng như nên có sự chia sẻ ở một số lĩnh vực để tập trung hơn vào các vấn đề chiến lược.
Liên quan đến kế hoạch xây dựng đội quân máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc được Lầu Năm Góc tiết lộ, nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến. Bà Kelley Sayler, chuyên viên nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNA) cho rằng không phải tất cả 41,800 UAV đều giống hệt nhau. Sayler cho rằng ngân sách 10,5 tỷ USD dành cho 10 năm rõ ràng là khá khiêm tốn và những gì Trung Quốc có thể làm chỉ dừng lại ở mức trung bình. Sayler đưa ra một phép tính đơn giản: 10,5 tỷ USD cho gần 42,000 UAV, trung bình sẽ mất khoảng 250 nghìn USD cho một UAV. Chi phí này chỉ vừa đủ so sánh với loại UAV cỡ nhỏ phóng bằng tay của Hoa Kỳ là RQ – 11 Raven.
Trong khi đó, Paul Scharre, một chuyên gia về công nghệ vũ khí, cho rằng Hoa Kỳ không nên quá lo lắng trước số lượng UAV đang ngày càng tăng của Trung Quốc. Không như hệ thống UAV của Hoa Kỳ, đa số các UAV của Trung Quốc được triển khai ở quy mô nhỏ và đòi hỏi ít sự phức tạp và nguồn lực để vận hành. Cũng theo Scharre, Trung Quốc có thể tiết kiệm chi phí cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng cách đánh cắp dữ liệu từ các quốc gia khác, điển hình là Hoa Kỳ. Những công nghệ đằng sau các UAV hàng đầu hiện nay của Hoa Kỳ như Predator, Reaper hay Global Hawk đều không quá phức tạp. Bắc Kinh là bậc thầy trong lĩnh vực đảo ngược kỹ thuật để sao chép và họ đã làm điều đó liên tục trong nhiều năm qua. Như vậy, theo ý kiến của hai chuyên gia này, khả năng trong thời gian tới phần lớn các UAV của Trung Quốc vẫn sẽ chỉ được sử dụng trong nội địa.
Đặt giả thuyết trong 10 năm tới các UAV của Trung Quốc vẫn “quanh quẩn” trong nội địa, điều này không có nghĩa Bắc Kinh thiếu đi các công cụ hiệu quả cho các khu vực ở xa. Đặc biệt tại biển Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy một chiến thuật còn nguy hiểm hơn cả UAV: “cưỡng ép cường độ thấp”. Biểu hiện gần đây nhất của chiến thuật này là công tác cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo được Bắc Kinh tiến hành ở 7 điểm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Aston Carter, Trung Quốc đang “tăng cường quân sự hóa” các điểm này, bao gồm 1 đường băng quân sự cỡ lớn và 1 đường băng phi quân sự khác. Điều này làm dấy lên lo ngại Trung Quốc có thể thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) thứ hai ở biển Đông. Mối quan ngại này có thêm cơ sở khi hồi tuần rồi, lực lượng Trung Quốc ít nhất đã 6 lần phát đi tín hiệu cảnh báo không quân và hải quân Philippines ngay trong vùng biển tranh chấp.
Khác với ADIZ trên biển Hoa Đông, việc thiết lập ADIZ trên biển Đông có thể tác động đến nhiều quốc gia. Giá trị thương mại qua biển Đông hằng năm lên đến 5,000 tỷ USD. Do đó, nếu Trung Quốc có ý định thiết lập ADIZ ở khu vực cũng gần giống như đang đánh cược một canh bạc lớn. Một tuyên bố chính thức về ADIZ của Bắc Kinh trên biển Đông có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi. Hiện Hoa Kỳ đã cân nhắc khả năng gửi tàu chiến đến biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực, một động thái chưa có tiền lệ.
Cách tiếp cận cứng rắn và quyết đoán của Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đã khiến nhiều quốc gia quan ngại bởi nó không có sự nhất quán và khó dự đoán. Sau ADIZ trên biển Hoa Đông, mối lo ngại càng lớn sau sự kiện Trung Quốc triển khai giàn khoan HD – 981 ngay trên thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã ngay lập tức có những bước đi nhằm củng cố sức mạnh quân sự của mình. Các quốc gia bên ngoài khu vực cũng tăng cường hợp tác quân sự với các nước ASEAN. Với chính sách hiện tại, Trung Quốc ngày càng nhận được ít thiện cảm hơn từ các nước khác. Và nói như một nhà phân tích Trung Quốc: “Nếu Trung Quốc còn muốn có những người anh em bên cạnh, thì chính sách đối ngoại cần phải được nhất quán và có thể dự đoán”.
Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý
Lần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản đã tổ chức một triển lãm vũ khí tại thành phố Yokohama, gần căn cứ Hải quân Hoa Kỳ ở Yokosuka. Triễn lãm kéo dài từ ngày 13 – 15 tháng 5 với sự phối hợp hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, Bộ Quốc phòng Australia, Hạm đội 7 Hoa Kỳ và một công ty tư nhân của Anh. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí tiên tiến của Nhật Bản và đặc biệt tập trung vào an ninh hàng hải, giám sát, các hoạt động cứu hộ và cứu trợ thảm họa. Triển lãm có sự tham gia của một số tập đoàn quốc phòng quốc tế và Nhật Bản, bao gồm hai nhà thầu quốc phòng lớn nhất nước này là Mitsubishi Heavy Industries Ltd và Kawasaki Heavy Industries Ltd. Tokyo được cho là đang tìm cách xuất khẩu 12 máy bay US – 2i cho Ấn Độ. Trong thời gian tới, để tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản sẽ lập một cơ quan tương tự như Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Hoa Kỳ.
Trong một diễn biến khác, ngày 22 tháng 4, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa một số quan chức quân đội Việt Nam với các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ. Những lo ngại về một Trung Quốc quyết đoán và tham vọng hơn đã thôi thúc Hà Nội tìm kiếm và mua thêm các loại vũ khí mới, từ hệ thống ra-đa đến công nghệ nhìn đêm và máy bay. Các sĩ quan quân đội cấp cao Việt Nam đã không có mặt do đang vào thời điểm nhạy cảm trước kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước. Ít nhất hơn 10 công ty quốc phòng Hoa Kỳ đã được mời đến sự kiện, bao gồm Boeing Co., BAE Systems Plc, Lockheed Martin Corp và Honeywell International Inc. Theo ông Vũ Tự Thanh, Trưởng đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, sẽ có thêm nhiều cuộc tiếp xúc giữa các công ty Hoa Kỳ và Việt Nam trong vài tháng tới.
Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ vừa tổ chức một hội nghị quân sự với các lực lượng tương tự đến từ 23 quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Hawaii hôm thứ hai tuần rồi. Hơn một nữa trong số các nước tham gia đến từ châu Á, bao gồm cả các nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc là Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. Dĩ nhiên, Trunng Quốc không được mời đến sự kiện lần này. Chương trình nghị sự chủ yếu tập trung vào chiến thuật đổ bộ tấn công.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ hải quân ở vùng Sừng châu Phi, mà cụ thể là tại Djibouti. Theo Tổng thống Djibouti, Ismail Omar Guelleh “các cuộc thảo luận đang được tiến hành với phía Trung Quốc” và rất có thể căn cứ sẽ được đặt tại thành phố cảng Obock, phía bắc vịnh Tadjoura. Hãng AFP dẫn lời ông Guelleh rằng sự hiện diện của Trung Quốc tại nước này sẽ được “chào đón”. Hồi tháng 2 năm 2014, chính quyền Djibouti cũng đã cho phép Trung Quốc sử dụng các căn cứ hải quân của mình. Nếu cuộc đàm phán thành công, Djibouti sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cho phép Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự.