Nguồn: John Lee, “Japan’s Good Fight,” Project Syndicate, 07/05/2015.
Biên dịch: Trần Bảo Trân | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Theo quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì chuyến thăm gần đây của ông tới Hoa Kỳ đã thành công rực rỡ. Lần sửa đổi đầu tiên của Bản định hướng hợp tác quốc phòng song phương trong vòng 18 năm đã được ký kết, tạo điều kiện cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đóng vai trò rộng lớn hơn trong việc cung cấp hỗ trợ hậu cần cho Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tái khẳng định rằng Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) thuộc quyền quản lý của Nhật Bản, nơi Trung Quốc đang cố gắng tuyên bố chủ quyền, được bảo vệ bằng hiệp ước phòng thủ chung. Đã có một số bước tiến trong Hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều này đòi hỏi Nhật Bản phải chủ động và nhiệt tình tham gia để có thể thành công. Và Abe đã trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản được phát biểu trong một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.
Nhưng bất chấp những thành tích ấn tượng này, phần nổi bật nhất của chuyến đi của Abe lại xuất hiện vào phút cuối. Thay vì trở về nước ngay khi lịch trình chính thức của chuyến thăm kết thúc, Abe đã đến California, bao gồm Thung lũng Silicon, trong bốn ngày.
Theo báo cáo chính thức của giới truyền thông Nhật Bản, Abe đến thăm California để mang những hiểu biết và cảm hứng ông có được ở đây trở về Tokyo. Nhưng việc ông dành thời gian ở California cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: suy giảm không phải là con đường đã định của Nhật Bản. Dưới sự lãnh đạo của Abe, Nhật Bản sẽ làm những gì cần thiết để tự khôi phục nền kinh tế, cũng như cách mà Mỹ từng làm nhiều lần.
Do các kỳ vọng có thể định hình sự phát triển trong thế giới thực thông qua tác động của chúng lên các quyết định chiến lược và chính trị, chiến lược này là hợp lý. Abe biết rằng ông phải chống lại quan điểm đang thịnh hành ngày nay rằng tương lai của nền kinh tế châu Á thuộc về Trung Quốc. Nếu ông thất bại, áp lực sẽ dồn vào các chính phủ trong khu vực khiến họ phải gắn kết với Trung Quốc về địa chính trị, thậm chí phải tuân theo sự dẫn dắt của Trung Quốc trong việc hi sinh tự do để đổi lại sự thịnh vượng.
Cho đến nay, hầu hết các quốc gia Đông Á dường như đều hi vọng rằng Abe sẽ thành công. Thật vậy, họ đang cẩn trọng ủng hộ Nhật Bản với lý do chính đáng là vì nước này là đối trọng cần thiết cho một Trung Quốc đang lên. Trong khi đó, tầm quan trọng của Trung Quốc trong kinh tế khu vực có xu hướng được đánh giá quá cao còn của Nhật Bản thì lại bị đánh giá quá thấp.
Trên thực tế, thương mại của Trung Quốc trong khu vực châu Á – ví dụ như với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) – được thực hiện phần lớn bởi những doanh nghiệp có các công ty mẹ đến từ các nền kinh tế tiên tiến, trong đó có Nhật Bản. Hơn nữa, dù Trung Quốc nổi tiếng là thị trường tăng trưởng năng động hơn, người tiêu dùng Nhật Bản vẫn giàu có hơn người tiêu dùng Trung Quốc, điều này có nghĩa là Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trong việc duy trì các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của khu vực.
Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, không thể đạt được tiềm năng của họ nếu không có vốn và sự đổi mới của nước ngoài – điều mà các nền kinh tế như Nhật Bản có thể mang lại. Thật vậy, Nhật Bản cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn Trung Quốc tại mọi nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á và toàn thể khối ASEAN, và các công ty hàng đầu của Nhật – những tập đoàn toàn cầu như Mitsubishi và Sony – chuyển giao công nghệ nhiều hơn và biết làm thế nào để phát triển châu Á hơn là các đối tác Trung Quốc của họ.
Chắc chắn là Trung Quốc đang rất nỗ lực để bắt kịp (Nhật Bản), khi mà chính phủ nước này đã xác định rằng khả năng kinh doanh và đổi mới là cần thiết cho sự phát triển của mô hình tăng trưởng đất nước. Nhưng không nên đánh giá thấp sự tiên phong đáng kể của Nhật Bản về công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực mới nổi như các hệ thống năng lượng và điện toán thế hệ tiếp theo, cũng như những phát triển trong sản xuất như công nghệ rô bốt và in 3D.
Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ phải cố gắng để không đánh mất lợi thế của họ. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản sẽ phải tiến hành những cải cách cơ cấu khó khăn, chẳng hạn như tự do hóa các quan hệ công nghiệp. May mắn là Abe đã nhận ra điều cấp thiết này, và “mũi tên” thứ ba trong chiến lược của ông nhằm hồi sinh nền kinh tế Nhật Bản đã xác định đó là một mục tiêu chính thức (cùng với việc mở cửa các ngành vốn được bảo hộ – đặc biệt là nông nghiệp – để cho phép cạnh tranh nước ngoài lớn hơn).
Tất nhiên, không thể đảm bảo rằng giai đoạn cải cách cơ cấu của “Abenomics” sẽ thành công. Điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thử thách khó khăn hơn (so với Nhật Bản): nó phải tái tạo chứ không thể chỉ cải cách nền kinh tế chính trị của mình.
Bất chấp ba thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Trung Quốc vẫn đang hoạt động dựa trên bộ máy nhà nước thời Chiến tranh Lạnh. Đổi mới trên quy mô lớn ở các nền kinh tế tiên tiến đòi hỏi các thể chế đảm bảo nền pháp quyền, quyền sở hữu trí tuệ, và một chế độ trọng dụng nhân tài, với các công ty xứng đáng nhất (chứ không phải những công ty được nhà nước ưu ái) có thể có nguồn tài trợ và cơ hội mà họ cần để phát triển. Ở khía cạnh này, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi.
Nhật Bản chưa bao giờ bị gạt ra khỏi việc hình thành trật tự kinh tế tương lai của châu Á. (Là một nửa của liên minh [Nhật-Mỹ] vốn sẽ đóng vai trò lớn nhất trong việc xác định cán cân quyền lực Đông Á trong những thập niên tới, Nhật Bản cũng sẽ đóng một vai trò chiến lược quan trọng.) Nhưng chuyến đi gần đây của Abe tới Mỹ cũng là lời nhắc nhở quan trọng về vai trò trung tâm của Nhật Bản trong các vấn đề châu Á.
Có điều khá trớ trêu là khi thế giới sắp tiến đến mốc kỷ niệm 70 năm Nhật Bản bị đánh bại trong Thế chiến II, chính phủ Mỹ và chính phủ của hầu hết các nước lớn ở châu Á lại đang âm thầm cổ vũ Abe. Những gì Nhật Bản đang nỗ lực hướng tới trong thời gian này hứa hẹn sẽ mang lại những lợi ích sâu rộng, không chỉ ở châu Á mà còn xa hơn nữa.
John Lee là nghiên cứu viên tại Viện Hudson và là giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia.