Địa chính trị của việc đối phó với một Trung Quốc đang lên

Print Friendly, PDF & Email

xi-abe

Nguồn: Jeff Kingston, “The geopolitics of coping with a rising China,” The Japan Times, 30/05/2015.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Tuần trước, tôi đã xem xét tính logic và những hệ quả của “Học thuyết Abe,” theo đó Nhật Bản sẽ tăng cường liên minh với Mỹ bằng việc đồng ý mở rộng những hoạt động quân sự mà Nhật sẵn lòng tiến hành để hỗ trợ các chiến dịch an ninh toàn cầu của Mỹ. Đây không phải là một vấn đề đã được dàn xếp ổn thỏa trong nước, vì có rất ít người Nhật ủng hộ sự thay đổi lớn từ chủ nghĩa hòa bình và chủ nghĩa tối giản (về quân sự) được thể hiện trong “Học thuyết Yoshida” vốn là nền tảng của chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ những năm 1950.

Cựu Thủ tướng Yoshida Shigeru đã từ chối những yêu cầu của Washington rằng Nhật Bản phải gánh chịu một gánh nặng quốc phòng lớn hơn bằng cách viện dẫn Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản[1] và ưu tiên phục hồi kinh tế. Nhật Bản đã cam kết hòa bình và có chính sách quốc phòng chỉ để phòng vệ từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cho đến thế kỷ 21, nhưng bối cảnh chiến lược đã nhanh chóng thay đổi với sự nổi lên của Trung Quốc.

Năm 1997, năm mà Bản định hướng hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật đầu tiên được ban hành, Trung Quốc đã chi 10 tỉ USD cho quốc phòng. Năm 2014, con số này đã tăng lên khoảng 144 tỉ USD, nhằm tài trợ cho công cuộc hiện đại hóa nhanh chóng lực lượng vũ trang của Trung Quốc, để dần thu hẹp khoảng cách quân sự với liên minh Mỹ-Nhật. Sự gia tăng này cũng trùng hợp với sự quyết đoán ngày một gia tăng của Trung Quốc về những yêu sách chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải, gây nên mối bất hoà giữa Bắc Kinh với nhiều nước châu Á.

Để chống lại tham vọng của Bắc Kinh, John Mearsheimer tại Đại học Chicago, một người ủng hộ cái gọi là chủ nghĩa tân hiện thực tấn công, đã trả lời tạp chí Nikkei Asian Review rằng một liên minh song phương chặt chẽ hơn (giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ) sẽ giúp kiềm chế Trung Quốc.

“Mỹ không có ý định chia sẻ quyền lực với Trung Quốc,” ông nói. “Mỹ là chúa ghen ghét. Họ muốn là quốc gia mạnh nhất ở Đông Á.”

Mearsheimer tin rằng Trung Quốc sẽ quyết tâm thay đổi nguyên trạng châu Á vì lợi ích của họ, bởi đó là những gì các cường quốc làm, và Trung Quốc sẽ dựa vào đòn bẩy kinh tế và lực lượng quân sự để đạt được những mục tiêu của mình. Ông lưu ý rằng việc trở thành bá quyền khu vực là rất hợp lý theo quan điểm của Trung Quốc, nhưng cũng bất hợp lý không kém nếu nhìn từ phía Nhật hay Mỹ. Sự cạnh tranh an ninh này, ông nói, có thể sẽ không dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, nhưng chắc chắn là có nguy cơ xung đột vũ trang ở biển Hoa Đông và biển Đông.

Nhưng khát vọng không phải là định mệnh.

“Tất cả đã kết thúc thảm khốc với Nhật Bản. Tuy nhiên, người Nhật đã rất khôn ngoan khi muốn thống trị châu Á,” Mearsheimer nói. Ông còn cho rằng Trung Quốc đang hy vọng vào một kết quả tốt hơn và họ cũng khôn ngoan bởi “tất cả các quốc gia đều suy tính tới việc thống trị khu vực của họ, vì đó là cách tốt nhất để được an toàn.”

Quan điểm cho rằng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày một gia tăng về kinh tế có thể ngăn chặn chiến tranh là không chắc chắn vì chính trị thường đánh bại lý lẽ về kinh tế.

“Chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc rất mạnh mẽ,” ông lập luận, “đến nỗi nếu một cuộc khủng hoảng nổ ra, có thể sẽ có áp lực rất lớn từ nhân dân lên các nhà lãnh đạo Trung Quốc để buộc họ phải thực sự chiến đấu chống Nhật Bản. Còn người Nhật Bản thì xem quần đảo Senkaku là vùng lãnh thổ thiêng liêng, vì vậy họ sẽ chiến đấu để bảo vệ vùng lãnh thổ đó.”

Tôi khá nghi ngờ việc các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định quan trọng như vậy dựa trên áp lực dân túy và điều này chính xác là bởi vì chỉ rất ít người Nhật xem Senkaku là thiêng liêng nên chính phủ Nhật Bản đang cố gắng hết sức để khơi dậy tình cảm dân tộc về “lãnh thổ thừa kế” này trong các sách giáo khoa mới, các hoạt động ngoại giao, và trên các phương tiện truyền thông.

Trong khi một số chuyên gia khẳng định rằng các thể chế quốc tế, và việc phát triển một mạng lưới trao đổi, và các biện pháp xây dựng lòng tin trong một kiến trúc an ninh khu vực mạnh mẽ hơn sẽ có thể ngăn chặn chiến tranh, Mearsheimer lại chỉ ra rằng một giả định dựa trên nguyên tắc như vậy đã bỏ qua một điểm quan trọng: “Các cường quốc sẽ không tuân theo luật khi họ không cho rằng đó là vì lợi ích của họ.”

Về đồng minh của Nhật Bản, ông cho rằng “Mỹ thường vi phạm luật pháp quốc tế khi nó cho rằng lợi ích cốt lõi của nó bị đe dọa. Người Mỹ đã vi phạm luật quốc tế khi tiến hành chiến tranh chống Iraq. Dẫu sao, Tổng thống George W. Bush đã nói, ‘Tôi không quan tâm những gì luật pháp quốc tế nói.’”

Như vậy, nếu chủ nghĩa hòa bình đơn phương, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, các thể chế hoặc luật quốc tế cũng không thể đảm bảo hòa bình thì Nhật Bản nên làm gì?

Khi Trung Quốc trở nên giàu mạnh hơn, nó sẽ trở thành một gã khổng lồ Goliath[2] không thể kiểm soát, và đến một lúc nào đó, điều này có nghĩa là Mỹ và Nhật sẽ phải đối diện với Trung Quốc như một bá quyền khu vực. Theo quan điểm của Mearsheimer, đây sẽ là thảm họa đối với Nhật Bản. Ông dự đoán rằng sau hai mươi năm nữa Nhật Bản sẽ phải coi giai đoạn hiện nay là “thời kỳ vàng son của an ninh ở Đông Á.”

Trong bối cảnh khó chịu và tàn bạo đó của chính trị quốc tế, Watanabe Tsuneo, trong một bài báo do Quỹ Tokyo (Tokyo Foundation) xuất bản năm 2014, đã lập luận về việc “theo đuổi lợi ích an ninh thông qua một liên minh với Mỹ và lợi ích kinh tế thông qua thương mại với Trung Quốc.” Điều này đòi hỏi phải “tăng cường khả năng quân sự của riêng Nhật Bản, sửa đổi Hiến pháp nhằm cho phép chính sách an ninh linh hoạt hơn, mở rộng phạm vi của liên minh để đáp ứng những thách thức khu vực và toàn cầu và mở rộng quan hệ an ninh với các quốc gia khác có chung tư tưởng.

“Trong quá khứ, quân bài lịch sử của Trung Quốc đã có hiệu quả trong việc kiềm chế chính sách an ninh của Nhật. Nhưng khi đối mặt với việc hiện đại hóa quân sự và nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc – cũng như khi số lượng người cao tuổi Nhật Bản, những người đã trải qua thời kỳ chiến tranh xâm lược, giảm xuống – khả năng tự kiềm chế của Nhật Bản đang yếu dần đi.”

Có lẽ vậy, nhưng ngân sách quốc phòng của Nhật Bản vẫn còn khá khiêm tốn, đặc biệt là trước sự mất giá mạnh của đồng yên và những hoạt động mua sắm (quân sự) kém hiệu quả, điều có nghĩa là họ phải trả nhiều tiền hơn và nhận được ít hơn mức đáng có. Abe thường được mô tả là một người hiếu chiến, nhưng ông bị bao quanh bởi công luận và ngân sách hạn chế, và như đồng nghiệp của tôi là Robert Dujarric thường chỉ ra, ông là một “con cừu trong bộ lông sói.”

Nhưng với một Trung Quốc đang lên và thù địch, có lẽ sẽ khôn ngoan nếu Nhật Bản hoạt động ngoại giao nhiều hơn để chuẩn bị cho sự chuyển giao quyền lực không thể tránh khỏi. Điều này không có nghĩa là đầu hàng, nhưng nó đòi hỏi phải có sự can dự với Trung Quốc sâu sắc và nhiều cảm hứng hơn hiện tại.

Chuyên gia an ninh Hugh White của Úc đã lập luận trong cuốn Sự lựa chọn Trung Quốc: Tại sao chúng ta nên chia sẻ quyền lực (The China Choice: Why We Should Share Power) của ông rằng cần mở rộng hợp tác Mỹ-Trung để tạo ra một cán cân quyền lực cùng có lợi, một “sự hòa hợp quyền lực ở châu Á” (Concert of Asia). Điều đó có vẻ là không tưởng vì nhiều lý do, chủ yếu là bởi một tình thế hòa dịu ở khu vực là không mấy hấp dẫn đối với Bắc Kinh, Tokyo hay Washington; căng thẳng sẽ tiếp tục diễn ra miễn là chúng được kiểm soát.

Nhưng Nhật Bản cần một chiến lược thoát khỏi bế tắc hiện nay với Trung Quốc và sự mất lòng tin lẫn nhau đáng lo ngại trên nhiều mức độ. Điều này phải được giải quyết trong mối quan hệ ba bên bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, và phải được đảm bảo bằng một hành động cân bằng tinh tế. Watanabe kết luận rằng quan hệ liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ là rất cần thiết, dù cái giá phải trả là gia tăng thêm lo ngại và ngờ vực từ phía Trung Quốc. Nhưng điều đó cũng không thể thay thế cho việc cố gắng giải quyết và vượt qua những lo âu và ác cảm. Trên mặt trận ngoại giao này, Nhật Bản đang tỏ ra yếu kém.

Jeff Kingston là trưởng khoa Nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, cơ sở Nhật Bản.

———————

[1] Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản quy định về Tuyên bố từ bỏ quyền khai chiến:
“Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.” – NHĐ

[2] Goliath là một dũng sĩ khổng lồ có sức mạnh phi thường của dân tộc Philistines. Nhờ có Goliath mà người Philistines đã chiến thắng người Israel trong một thời gian dài trong cuộc chiến trường kỳ của họ trên miền Đất Hứa. Nhưng do chủ quan và khinh thường kẻ địch, Goliath sau này đã bị một tráng sĩ trẻ tuổi, vị vua tương lai của người Israel là David hạ gục bằng một hòn sỏi nhỏ – NHĐ.