Nguồn: “Appeal for Amnesty campaign launches,” History.com (truy cập ngày 27/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Ngày 28 tháng 5 năm 1961, tờ báo Anh The London Observer đã đăng tải một bài viết của luật sư Peter Benenson có nhan đề “The Forgotten Prisoners” (Những tù nhân bị quên lãng) trên trang nhất, chính thức phát động phong trào Kêu gọi ân xá 1961 – một chiến dịch nhằm kêu gọi trả tự do cho tất cả tù nhân ở nhiều nơi trên thế giới bị giam giữ vì đã biểu đạt niềm tin của họ một cách ôn hòa.
Benenson có cảm hứng viết lời kêu gọi sau khi đọc được một bài viết về hai sinh viên người Bồ Đào Nha bị bắt giữ sau khi nâng cốc ủng hộ sự tự do trong một nhà hàng công cộng. Ở thời điểm đó, Bồ Đào Nha đang nằm dưới chế độ độc tài do António de Oliveira Salazar cai trị. Bất bình, Benenson viết một bài báo gửi cho tờ The Observer để kêu gọi trả tự do cho hai học sinh và thúc giục độc giả viết thư phản đối để gửi tới chính phủ Bồ Đào Nha.
Bài báo cũng thu hút sự chú ý của dư luận tới những hành vi vi phạm nhân quyền diễn ra trên khắp thế giới, và đặt ra thuật ngữ “tù nhân lương tâm” (prisoner of conscience) để mô tả “bất cứ ai bị giới hạn biểu đạt (bằng cách phạt tù hoặc các cách khác) … bất kỳ quan điểm nào của chính người đó và không ủng hộ hay dung thứ cho bạo lực cá nhân.”
“The Forgotten Prisoners” nhanh chóng được in lại và xuất bản trên khắp thế giới, và chiến dịch kêu gọi ân xá của Berenson đã nhận được hàng trăm lời mời hỗ trợ. Tháng 7 năm 1961, các đại biểu đến từ Bỉ, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ireland, và Thụy Sĩ đã gặp nhau để bắt đầu “một phong trào quốc tế thường trực để bảo vệ tự do tư tưởng và tự do tôn giáo.” Năm 1962, phong trào này chính thức trở thành tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế (Amnesty International).
Tổ chức Ân xá Quốc tế lấy sứ mệnh được trích trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền Liên Hợp Quốc, rằng tất cả mọi người đều có các quyền cơ bản vượt qua khỏi biên giới quốc gia, văn hóa, tôn giáo, và ý thức hệ. Tính đến lễ kỷ niệm 10 năm chiến dịch Kêu gọi ân xá 1961, Ân xá Quốc tế đã thu hút được trên 1.000 tình nguyện viên đến từ 28 quốc gia, con số này tăng dần trong thời gian sau đó. Năm 1977, Ân xá Quốc tế được trao giải Nobel Hòa bình.
Phần lớn thành công của Ân xá Quốc tế xuất phát từ tính khách quan và sự tập trung của nó vào các cá nhân hơn là các hệ thống chính trị. Ngày nay, Ân xá Quốc tế tiếp tục hoạt động hướng tới các mục tiêu đảm bảo các phiên tòa nhanh chóng và công bằng cho tất cả tù nhân, chấm dứt tra tấn và hình phạt tử hình, và đảm bảo việc trả tự do cho những “tù nhân lương tâm” trên toàn cầu.