Thảm cảnh của người Rohingya

20150606_blp504

Nguồn:The Plight of the Rohingyas”, The Economist, 01/06/2015.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Dân tộc Rohingya thường được gọi là cộng đồng thiểu số bị ngược đãi nhất thế giới, và điều đó là có lý. Họ là nhóm người “không nhà nước” đơn lẻ lớn nhất trên thế giới, khoảng 1,5 triệu trong tổng số 10 triệu người (không nhà nước). Họ không có các quyền hợp pháp ở quốc gia nơi có khoảng 1,1 triệu trong số họ sinh sống, cụ thể là Myanmar. Không được bảo vệ, người Rohingya đã chịu đựng sự phân biệt đối xử và bạo hành trong hàng thập kỷ qua ở bang Rakhine miền Tây của Myanmar.

Điều này đã lên tới đỉnh điểm trong cuộc thanh trừng sắc tộc quy mô lớn đối với người Rohingya để đuổi họ ra khỏi Sittwe, thủ phủ của bang này, năm 2012. Sau đó khoảng 140.000 người trong số họ bị buộc phải vào các trại tị nạn bẩn thỉu. Nhiều người đã bắt đầu gọi đây là “tội ác diệt chủng” mới. Kể từ đó, hàng ngàn người đã cố gắng chạy trốn bằng thuyền để bắt đầu cuộc sống mới của họ ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan.

Chỉ trong quý 1 năm nay, 25.000 người đã trả tiền cho những kẻ buôn người để chạy trốn bằng thuyền từ miền Tây của Myanmar và Bangladesh. Phần lớn trong số họ là người Rohingya, từ cả hai quốc gia trên cũng như người Bangladesh. Khoảng 300 người đã chết trong những chuyến vượt biển như vậy. Một hội nghị quốc tế về cảnh ngộ của họ được tổ chức tại Thái Lan vào ngày 29/5, nhưng không một vấn đề cụ thể nào được quyết định. Tuy nhiên, người Rohingya là ai?

Người Rohingya theo đạo Hồi ở một quốc gia mà Phật giáo chiếm đa số. Nhiều người Rohingya có thể có nguồn gốc tổ tiên ở bang Rakhine hàng trăm năm trước, vào thời điểm bang này trở thành một vương quốc độc lập gọi là Arakan (Sittwe được gọi là Akyab). Tuy nhiên, hàng trăm nghìn người (Rohingya) khác đã di cư từ vùng là Bengal ngày nay (sang Akyab) sau khi người Anh chiếm đóng Akyab trong những năm 1820 và bắt đầu cuộc chinh phạt dần dần ra toàn bộ nước Miến Điện lúc đó. Trong hồ sơ lúc đó của Anh, những người nhập cư này đã được liệt kê là người Chittagonia hoặc Mahommed. Họ đến để kiếm việc làm, chủ yếu tại thành phố cảng đang phát triển nhanh Akyab, nơi xuất khẩu hầu hết lượng gạo của cả nước. Trong những năm 1920, Miến Điện là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, việc nhập cư hàng loạt này của người Rohingya đã bị phản đối bởi người Rakhine – những người theo đạo Phật ở địa phương vốn xem những người mới đến chỉ đơn thuần là những tay sai cho những gã chủ thực dân mà họ căm thù. Người Rakhine đã không có quyền kiểm soát chính sách nhập cư, điều vốn dĩ nằm hoàn toàn trong tay của chính quyền thực dân cai trị vì Miến Điện bị cai quản như một phần của đế chế Ấn Độ thuộc Anh. Cho đến nay, người Rohingya chỉ được người Rakhine gọi đơn giản là “những người nhập cư bất hợp pháp”, hoặc nhẹ nhàng lắm thì cũng bằng tên gọi miệt thị là “Bengali”.

Hận thù đã được khuấy động hơn nữa trong Thế chiến II, khi người Anh đang ở thế phải rút lui đã trang bị vũ khí cho một số người Rohingya để giúp họ chiến đấu chống lại quân Nhật đang tấn công mạnh mẽ. Người Rakhine cho rằng, những vũ khí này sau đó đã được sử dụng để chống lại họ. Những người Miến Điện – sắc dân chiếm đa số của Myanmar – cũng phẫn uất trước dòng người Rohingya nhập cư bất hợp pháp, và Miến Điện từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1948 đã nhất quyết từ chối trao tư cách công dân cho người Rohingya. Người Rohingya không được thống kê như là một trong số 135 nhóm dân tộc bản xứ chính thức trong luật Quốc tịch năm 1982 nổi tiếng.

Kể từ đó, người Rohingya trở thành đối tượng của những làn sóng tấn công của quân đội Miến Điện cũng như của người Rakhine. Hàng trăm ngàn người đã vượt biên vào Bangladesh. Vụ thanh trừng sắc tộc năm 2012 ở Sittwe và ở các khu vực khác của Rakhine đã thiết lập một hệ thống phân biệt chủng tộc trên thực tế tại bang này, với việc người Rohingya bị cô lập hoàn toàn và loại khỏi đời sống kinh tế và chính trị của người Rakhine.

Hầu hết đã mất kế sinh nhai, và sự nghèo đói sau đó đã khiến nhiều người trong số họ liều mạng vượt biển. Ủy ban phản ứng khẩn cấp địa phương được thành lập để giải quyết vấn đề dân Rohingya không hề có một đại diện người Rohingya nào trong đó. Các cuộc cải cách được ca tụng nhiều ở Myanmar kể từ năm 2011 đã không làm được gì nhiều để giúp đỡ người Rohingya.

Thật vậy, nó thậm chí còn có thể khiến tình cảnh của họ trở nên tồi tệ hơn khi chính phủ bán dân sự giúp kích thích tình cảm bài Hồi giáo trong lòng quốc gia nhằm cố gắng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 sắp tới. Ngay cả Aung San Suu Kyi – người sẽ ra tranh cử và là người giành giải Nobel hòa bình từng kiên định ủng hộ quyền con người – cũng chỉ miễn cưỡng đứng lên bênh vực những người Rohingya. Họ nhìn thấy rất ít triển vọng cải thiện tình cảnh của mình, điều có nghĩa là khi mùa gió mùa hiện nay kết thúc, hàng ngàn người nữa sẽ lên thuyền vượt biển và hàng trăm người nữa sẽ chết đuối.