EU và thực tiễn địa chính trị phức tạp của Balkan

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Javier Solana, “The Balkans Between Competing Poles”, Project Syndicate, 28/08/2017.

Biên dịch: Trần Văn Thắng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Rất ít khu vực trên thế giới lại phức tạp về văn hoá và chính trị hơn Balkan. Và dường như không có ví dụ minh hoạ nào về quá khứ và hiện tại sinh động của khu vực này rõ ràng hơn cuộc đời và di sản của một trong những người con xuất chúng của khu vực này: nhà vật lý và nhà phát minh Nikola Tesla.

Sinh ra trong một gia đình Serbia theo Chính thống giáo năm 1856 tại một thị trấn hiện đang là một phần của Croatia, quốc tịch của Tesla vẫn là một vấn đề gây tranh luận trong khu vực. Tesla tin rằng các tiến bộ khoa học cần được sử dụng để xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, và cuối cùng để đạt được hòa bình khắp mọi nơi. Nhưng có một số người ở cả Croatia và Serbia muốn sử dụng di sản của ông theo những cách bất công đối với nó.

Ngay cả những đóng góp của Tesla cho lĩnh vực vật lý cũng gợi lên những động lực chính trị phức tạp của quê hương ông. Trong Hệ thống Đơn vị đo lường quốc tế (International System of Units), tesla là một đơn vị đo mật độ thông lượng của từ trường. Và như Federica Mogherini, cao ủy  về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh Châu Âu, đã chỉ ra vài tháng trước đây, “Balkan có thể dễ dàng trở thành một trong những bàn cờ, nơi các cường quốc có thể chơi ván cờ của họ.” Thật vậy, khu vực này luôn được đặt giữa các cực đối lập, mỗi cực đều phóng chiếu quyền lực của mình thông qua các liên kết kinh tế, chính trị, lịch sử, và văn hóa.

Đối với EU, các cuộc chiến tranh kèm theo sự tan rã của Nam Tư vào những năm 1990 đã biểu thị cho một thất bại hoàn toàn. Sau khi bạo lực lắng xuống, EU đã cố gắng sử dụng lực hút của mình để đưa các vùng lãnh thổ Nam Tư cũ trải qua một quá trình tái thiết và hòa giải. Nhưng chiến lược này đã tạo ra những kết quả không đồng đều.

Mặc dù một số quốc gia do người theo Chính thống giáo Đông phương chiếm đa số, như Hy Lạp, Bulgaria và Romania, đã gia nhập EU, chỉ 2 nước hậu Nam Tư gia nhập khối là nơi Công giáo chiếm ưu thế, đó là Croatia và Slovenia. Đây là thực tế tạo nên một câu chuyện phản tác dụng. Khi Đức và Vatican nhanh chóng công nhận Croatia và Slovenia vào năm 1991 và 1992, họ đã củng cố nhận thức của điều mà nhà khoa học chính trị quá cố Samuel P. Huntington lúc đó gọi là “cuộc xung đột giữa các nền văn minh”. Đối với Huntington, các cuộc chiến của Nam Tư phù hợp với thế giới quan đơn giản hóa của ông, phân chia một bên là Kitô giáo Tây Phương, gồm Công giáo và đạo Tin lành, với bên kia là phần còn lại của các tôn giáo châu Âu khác.

Cả Croatia và Slovenia đã yêu cầu “6 nước Tây Balkan”, gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Macedonia, Montenegro, và Serbia, phải được kết  nạp vào EU. Nhưng sự tiến triển này đã bị cản trở bởi các cuộc tranh chấp chính trị song phương giữa Balkan và EU, tương tự như khi Slovenia, tranh thủ tư cách thành viên EU của mình, đã tạm thời ngăn cản việc gia nhập của Croatia.

Hơn nữa, các hoàn cảnh bên trong chính EU, những cuộc khủng hoảng kinh tế và sự nổi lên của các đảng chính trị bài ngoại trong những năm gần đây, đã khiến chính sách mở rộng của EU không còn được ưu tiên, với việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thông báo hồi năm 2014 rằng EU sẽ không chấp nhận thêm thành viên mới nào trước năm 2019.

Đồng thời, các chuẩn mực và thể chế dân chủ ở Tây Balkan đã bị xói mòn. Các nước khác với sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực này, không chỉ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, nơi EU đã thất bại trong việc ngăn chặn sự chuyển hướng sang chủ nghĩa chuyên chế dưới thời Thủ tướng Viktor Orbán, đang đưa ra các mô hình chính trị thay thế cho các nước Tây Balkan đi theo.

Hãy xem xét mối quan hệ giữa Serbia và Nga. Trong chuyến thăm Belgrade năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đi xa đến mức (thậm chí) nói rằng “Như trước đây, Nga sẽ luôn coi Serbia là đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi.” Bên cạnh quan hệ văn hoá lâu đời với Nga, Serbia phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, cũng như quyền phủ quyết của Nga với tư cách một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chừng nào Serbia vẫn giữ được quan hệ tốt đẹp với Nga, Nga có thể ngăn Kosovo gia nhập Liên Hợp Quốc.

Các yếu tố này lý giải tại sao Serbia không tham gia cùng EU trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014. Bosnia và Macedonia cũng đã chọn cách không tham gia vào các lệnh trừng phạt của EU, trong khi các thành viên NATO là Albania và Montenegro đã làm điều đó.

Tuy nhiên, các nước Balkan không chỉ đơn giản là các hạt được kéo thụ động về phía các cực từ xung quanh chúng. Ví dụ, Serbia tìm thấy nguồn cảm hứng trong di sản của Nguyên soái Tito, người là Tổng thống Nam Tư trong suốt Chiến tranh Lạnh. Không những không phải là đồng minh thân cận nhất của Liên Xô, Tito còn là người sáng lập ra Phong trào Không liên kết, và đã rất giỏi trong việc tận dụng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Liên Xô để hưởng lợi.

Tương tự, Serbia ngày nay được chính thức xác định là một quốc gia trung lập. Nhưng nước này hợp tác chặt chẽ với NATO thông qua Quan hệ Đối tác vì Hòa bình, trong khi đồng thời tổ chức các cuộc tập trận với quân đội Nga. Tương tự như vậy, trong khi Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić khẳng định chắc chắn sẽ ủng hộ nhất thể hóa châu Âu, nhưng ông vẫn không hề tỏ ý định xa cách với Nga.

Tất nhiên, cùng với Nga, Trung Quốc cũng đã phản đối việc công nhận Kosovo. Thông qua “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đã củng cố sức mạnh kinh tế của nước này và đầu tư hàng triệu đôla vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Serbia và các vùng khác của khu vực này. Một sáng kiến là tuyến đường sắt cao tốc giữa Belgrade và Budapest nhằm kết nối cảng Piraeus của Hy Lạp với Trung Âu.

Ủy ban châu Âu hiện đang điều tra tuyến đường Belgrade-Budapest về những vi phạm có thể xảy ra đối với các quy tắc đấu thầu của EU. Cuộc điều tra gợi nhắc một khuynh hướng cơ bản: mặc dù Trung Quốc không có các tham vọng gây bất ổn như Nga, nhưng các hành động của nước này có thể khiến các nước Tây Balkan nghi ngờ các động lực của họ trong việc chấp thuận mô hình thể chế và các quy tắc kèm theo của EU .

Bất chấp những thách thức này, EU vẫn duy trì một vị thế thuận lợi đối với các nước Tây Balkan. Ngoại trừ Croatia, 74% tổng giá trị thương mại của các nước Tây Balkan là với EU, so với 6% với Trung Quốc, 5% với Nga, và 4% với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh này, EU không nên để cho những thách thức hiện tại làm suy yếu chiến lược mở rộng tổng thể của mình. Hội nghị thượng đỉnh các nước Tây Bankan hồi tháng trước là một bước đi tích cực, với điều kiện các nước vẫn mong muốn gia nhập EU không được quên tầm quan trọng của nhu cầu tiến hành các cải cách sâu rộng.

EU phải đạt được những kỳ vọng mà Tesla chắc chắn đã dành cho nó. Tất cả người dân châu Âu cần được trao cơ hội để tham gia vào dự án này của châu Âu và hưởng lợi từ tiềm năng mang tính biến đổi của nó. Đó là chính những gì mà đại bộ phận người dân Balkan vẫn mong muốn. Các nhà lãnh đạo EU không thể đảm bảo rằng tiến trình gia nhập EU của các nước này sẽ nhanh chóng và dễ dàng. Nhưng điều duy nhất họ có thể đảm bảo là hành trình này sẽ xứng đáng với công sức bỏ ra.

Javier Solana nguyên là cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU, tổng thư ký NATO và Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha. Ông hiện là giám đốc Trung tâm ESADE về Kinh tế và Địa chính trị Toàn cầu, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, và là thành viên Hội đồng Chương trình Nghị sự Toàn cầu về châu Âu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Copyright: Project Syndicate 2017 – The Balkans Between Competing Poles

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]