Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (30/06/2015)

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc tiếp tục là đề tài được đem ra mổ xẻ, phân tích. Taylor Fravel đến từ Viện Công nghệ Massachusetts khẳng định Bắc Kinh đã có một chiến lược quân sự mới, với tên gọi “Winning Informationalised Local Wars” (Chiến thắng cuộc chiến tranh thông tin hoá ở cấp độ khu vực). Đây là kết quả của quá trình so sánh và phân tích các ngôn từ được sử dụng trong Sách trắng. Trước đó, Nghị quyết Trung Ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2013 đã từng ám chỉ về việc Bắc Kinh nên có sự thay đổi trong chiến lược quân sự để phù hợp với bối cảnh mới.

Theo cách tiếp cận của Trung Quốc, một bản định hướng chiến lược quân sự cũng gần như là đại diện cho chiến lược quân sự quốc gia. Được định hình bởi Quân ủy Trung ương, bản định hướng là sự bao quát cấp ở cấp độ cao nhất về mọi khía cạnh của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Kể từ khi lập quốc từ năm 1949 cho đến nay, Bắc Kinh đã 8 lần đưa ra các bản định hướng chiến lược. Sách trắng 2015 cho thấy sự thay đổi lần thứ 9 đã xảy ra, chuyển dịch từ mục tiêu “chiến thắng các cuộc chiến tranh khu vực dưới điều kiện thông tin hoá” (Winning Local Wars Under the Conditions of Informationization) sang “Winning Informationized Local Wars”. Như vậy, sự thay đổi lần này là một bước tiến hóa về chất chứ không phải là một sự đột phá mới hoàn toàn.

Các bản định hướng chiến lược được xem là nền tảng cơ bản cho chiến lược quân sự quốc gia của Trung Quốc. Năm 1957, Nguyên soái Bành Đức Hoài khẳng định: “Các định hướng chiến lược ảnh hưởng đến việc xây dựng quân đội, huấn luyện binh sĩ và sự chuẩn bị cho chiến tranh”. Một bản định hướng chiến lược được cấu thành bởi nhiều thành tố. Thành phần đầu tiên là xác định đối thủ chiến lược, dựa trên sự đánh giá của Trung Quốc về tình hình quốc tế cũng như sự nhận thức về những mối đe dọa đến lợi ích quốc gia. Thành phần thứ hai là xác định các định hướng chiến lược chính, trong đó đề cập đến các tiêu điểm địa lý cho một cuộc xung đột tiềm năng, từ đó tạo ra những nhận thức nền tảng trong ưu tiên bố trí nguồn lực đối phó thích hợp. Thành phần thứ ba là những những cơ sở để chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, miêu tả các đặc điểm chính của một cuộc chiến mà Trung Quốc sẽ phải đối phó ở tương lai. Thành phần thứ tư là những tư tưởng định hướng cơ bản, đề cập đến những nguyên tắc mà PLA phải tuân thủ trong các tình huống chiến tranh trong tương lai.

Khi có sự thay đổi ở một hoặc nhiều hơn một trong bốn thành phần trên, Quân ủy Trung Ương sẽ điều chỉnh định hướng chiến lược. Có khi đó là một sự thay đổi mang tính bước ngoặt hoặc chỉ là sự điều chỉnh nhỏ cho phù hợp hơn. Định hướng chiến lược năm 1993 là sự thay đổi lớn gần đây nhất trong chiến lược quân sự Trung Quốc, được thông qua dựa trên đánh giá rằng Chiến tranh vùng Vịnh đã làm thay đổi cơ bản cách thức tiến hành chiến tranh. Lãnh đạo Trung Quốc khi ấy là Giang Trạch Dân đã nhấn mạnh rằng, PLA “phải có sự chuẩn bị nền tảng cho việc giành thắng lợi trong một cuộc chiến cục bộ có thể xảy ra, đặc biệt với điều kiện công nghệ cao”.

Quay trở lại với Sách trắng 2015, những ngôn ngữ được sử dụng đã cho thấy sự thay đổi trong định hướng chiến lược của Trung Quốc. Những điều chỉnh này được dựa trên hai kết luận được đúc kết ngay trong Sách trắng. Thứ nhất, các hình thức chiến tranh đã thay đổi với sự ứng dụng một cách mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các khía cạnh hoạt động quân sự. Và thứ hai, môi trường an ninh quốc gia Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức mới, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải. Sách trắng 2015 cũng đã nêu rõ các định hướng được điều chỉnh dựa trên “sự tiến hóa về các hình thức chiến tranh và bối cảnh an ninh quốc gia”. Sách trắng 2015 lưu ý rằng “cơ sở cho sự chuẩn bị sẽ được đặt trong bối cảnh chiến thắng các cuộc xung đột được thông tin hoá ở khu vực. Đây là sự điều chỉnh và rút gọn so với mục tiêu của định hướng chiến lược năm 2004.

Những thành tựu công nghệ quân sự gần đây đã cho thấy khả năng trí tuệ con người và sự nguy hiểm nếu chúng rơi vào tay kẻ xấu. Vũ khí tự động là một trong những số đó. Sự xuất hiện của các vũ khí tự động đã làm thay đổi cách thức tiến hành “cuộc chơi”. Khả năng vũ khí tự động tự xác định và khai hỏa mục tiêu nghe có vẻ viễn vông nhưng đó là điều mà hơn 90 quốc gia và 50 tổ chức phi chính phủ đang thảo luận một cách nghiêm túc. Trong thời gian 2 năm trở lại đây, nhiều cuộc tiếp xúc và thảo luận đã diễn ra trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về một số vũ khí thông thường (CCW). Nhưng những nỗ lực đó vẫn còn chậm so với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.

Công nghệ tự động đã không còn quá xa lạ với cuộc sống con người. Nhưng điều đáng lo ngại chính là sự bùng nổ công nghệ tự động trong quân sự, điển hình là máy bay không người lái. Gần 90 quốc gia và các chủ thể phi quốc gia đang vận hành máy bay không người lái, trong đó có gần 30 nước sở hữu máy bay không người lái vũ trang hoặc các dự án phát triển chúng. Sự phát triển của các cảm biến và thuật toán áp dụng trên chế độ lái tự động của ô tô có thể cho phép các vũ khí tự động xác định mục tiêu và khai hỏa. Và để thảm cảnh này không xảy ra, 50 tổ chức phi chính phủ đã cùng nhau tham gia một chiến dịch kêu gọi ngừng sử dụng các cỗ máy giết người này. Họ đòi hỏi cần phải có một hiệp ước quốc tế cấm sử dụng các vũ khí tự động, tương tự như các hiệp ước cấm bom chùm, địa lôi và tia laser gây mù.

Một trở ngại hiện nay là việc cần phải xác định rõ đâu là những hình thức chính xác của vũ khí tự động, từ đó mới có thể đưa chúng vào danh sách cấm hoặc hạn chế sử dụng. Một khó khăn nữa chính là sự khác biệt về cách các quốc gia định nghĩa vũ khí tự động. Thêm vào đó, nếu dựa vào CCW để đưa ra một hiệp ước cấm sử dụng vũ khí tự động, sẽ rất mong manh để hiệp ước này được thông qua và có hiệu lực. CCW hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận. Do đó, nếu có một quốc gia không đồng ý, hiệp ước sẽ đổ vỡ. Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển một cách nhanh chóng, rõ ràng cộng đồng quốc tế có rất ít thời gian để đạt được sự đồng thuận thông qua con đường ngoại giao. Tiến trình này cần phải nhận được sự ủng hộ từ những quốc gia có kho vũ khí tự động lớn nhất thế giới thì mới có khả năng trở thành hiện thực. Hoa Kỳ nên là quốc gia tích cực đi đầu trong tiến trình này.

Một số tin vắng quốc phòng đáng chú ý

Trong một diễn biến có liên quan, trong khuôn khổ hội nghị thường niên GEOINT 2015 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert O. Work tuyên bố Lầu Năm Góc sẽ thành lập một trung tâm chỉ huy phối hợp mới để đáp trả các đòn tấn công nhằm vào các tài sản không gian của Hoa Kỳ. Nhiệm vụ của trung tâm này là sẽ thu thập dữ liệu từ các vệ tinh, phân tích, xử lý và công bố các dữ liệu đó mỗi 6 tháng một lần. Việc thành lập trung tâm mới là kết quả của gói bổ sung ngân sách quốc phòng trị giá 5 tỷ USD. Những bước tiến nhanh chóng trong công nghệ quân sự không gian đang khiến các lãnh đạo Lầu Năm Góc lo ngại, cho thấy một “mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng” đối với ưu thế quân sự của Hoa Kỳ. Cơ quan này hiện đang vận hành 24 vệ tinh GPS. Nhiều quan chức quốc phòng, trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đã kêu gọi nên thay thế những vệ tịnh GPS này bởi chi phí vận hành và bảo trì chúng thực sự quá lớn.

Nhật Bản triển khai máy bay tuần thám đến biển Đông trong cuộc tập trận chung với Philippines. Là một phần trong kịch bản diễn tập, Tokyo đã cho triển khai một máy bay tuần thám P3-C Orion trên biển Đông. Máy bay đã đi ngang qua Reed Bank, khu vực đang có tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Đi kèm với máy bay của Nhật Bản là một máy tuần tra của Philippines. Theo Đại tá Hải quân Philippines Jonas Lumawag, hai nước đã tiến hành diễn tập ứng phó, ứng cứu nạn nhân trên biển trong trường hợp xảy ra thảm họa. Ông này cũng lưu ý, các thành viên Philippines trên P3-C bị ấn tượng bởi khả năng săn ngầm tuyệt vời của chiếc máy bay bay này. Manila mong muốn được học hỏi kinh nghiệm vận hành loại máy bay này từ Tokyo trong tương lai.

Trung Quốc thử nghiệm máy bay vận tải Y-20 ở điều kiện địa hình cao. Những hình ảnh được cư dân mạng Trung Quốc lan truyền trên diễn đàn quân sự Sina cho thấy nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiến hành thử nghiệm Y-20 ở tỉnh Vân Nam. Đây là lần đầu tiên máy bay sẽ được thử nghiệm và kiểm tra ở điều kiện địa hình cao. Sân bay Lệ Giang nằm ở độ cao 2,200 soi với mực nước biển được lựa chọn là nơi thử nghiệm. Yếu tố độ cao và khí hậu có thể ảnh hưởng đến động cơ cũng như lực đẩy của động cơ so với thử nghiệm ở khu vực thấp. Cũng cần lưu ý rằng, đường bay của sân bay Lệ Giang có độ dài gần tương đương với đường băng mà Trung Quốc đang xây dựng tại Gạc Ma. Có thể Trung Quốc sẽ sử dụng Y-20 trong các mục đích tiếp tế trên Biển Đông trong tương lai.

Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc vì giá rẻ. Chính phủ Thái Lan vừa quyết định mua tàu ngầm từ Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ quân sự giữa hai nước. Đây là tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Thái Lan trong gần 60 năm qua. Nhiều khả năng mẫu tàu ngầm mà người Thái đặt mua là Type 039B. Theo một nguồn tin từ Hải quân Hoàng gia Thái Lan, ngoài ưu thế về giá rẻ, tàu ngầm Trung Quốc cho thấy các tính năng tương đương thậm chí với vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh khác. Trước đó, Trung Quốc đã chào hàng Thái Lan mẫu tàu ngầm S-20, một biến thể xuất khẩu của tàu ngầm nội địa Type 039A. Nhiều chuyên gia đánh giá, S-20 là sản phẩm sao chép từ tàu ngầm Kilo nổi tiếng của Nga.