Vì sao gói cứu trợ Hy Lạp thất bại?

0004b449-642

Nguồn: Kenneth Rogoff, “Why the Greek Bailout Failed”, Project Syndicate, 01/07/2015.

Biên dịch: Lưu Bảo Nam Dung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp tiến triển, điều quan trọng là phải hiểu được rằng để có một chương trình điều chỉnh cơ cấu thành công thì quốc gia tiến hành điều chỉnh phải có sự làm chủ mạnh mẽ đối với chương trình đó. Ngay cả nếu như các nhà đàm phán vượt qua những nút thắt gần đây nhất, cũng sẽ rất khó để tin vào khả năng thực hiện nó nếu chính người Hy Lạp vẫn không cảm thấy bị thuyết phục. Cho đến hiện nay thì đây là kinh nghiệm thực tế. Và khi không có sự cải cách về mặt cơ cấu, sẽ có ít cơ hội để nền kinh tế Hy Lạp nhìn thấy sự ổn định và tăng tưởng bền vững – nhất là vì các chủ nợ chính thức không sẵn sàng tiếp tục trao cho một Hy Lạp không-cải-cách một khoản tiền nhiều hơn số tiền nước này cần để trả nợ. (Đây là trường hợp luôn gặp phải trong hầu hết các cuộc khủng hoảng, ngay cả khi truyền thông quốc tế không đề cập đến thực tế này.)

Tư cách thành viên của Hy Lạp trong Liên minh Châu Âu cho phép các chủ nợ có một sự ảnh hưởng đáng kể, nhưng chưa đủ để thay đổi phép tính cơ bản. Hy Lạp vẫn là một quốc gia có chủ quyền, chứ không phải là một nhà nước không có chủ quyền. “Bộ ba” chủ nợ – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ủy ban Châu Âu – đơn giản là không muốn gây ảnh hưởng lên Hy Lạp theo kiểu như Công ty Hỗ trợ Thành phố (Municipal Assistance Corporation) từng gây áp lực lên New York khi thành phố này đứng bên bờ phá sản vào giữa thập niên 1970.

Các chương trình điều chỉnh cơ cấu tốt nhất là những chương trình trong đó chính phủ nước mắc nợ đề xuất các thay đổi chính sách, và IMF giúp thiết kế một chương trình riêng biệt và cung cấp một vỏ bọc chính trị để thực hiện chính sách này. Việc áp đặt từ bên ngoài đơn giản không phải là một lựa chọn hiệu quả. Vì vậy, để các cải cách được bám rễ, chính phủ Hy Lạp và cử tri của nước này phải tin vào chúng.

Việc một đất nước phải giành lấy quyền làm chủ chương trình cải cách của mình không phải là một bài học mới. Mối quan hệ bấp bênh giữa IMF và Ukraina bắt đầu từ lâu trước vòng đàm phán gần đây nhất. Vào năm 2013, nhân viên IMF đã viết một bản báo cáo tỉnh táo về kinh nghiệm của tổ chức này tại Ukraina. Về cơ bản, họ kết luận rằng việc chính phủ không chấp nhận toàn bộ quá trình cải cách sẽ đảm bảo rằng chương trình sẽ không thực hiện được.

Nếu một chính phủ không có khả năng hoặc không quan tâm đến việc đưa ra những thay đổi cần thiết, theo như báo cáo, thì lựa chọn tốt nhất là chi tiền một cách nhỏ giọt khi các cải cách được thực hiện, như những gì hiện tại đang diễn ra tại Hy Lạp. Không may thay, cách tiếp cận này tỏ ra chưa đủ để vượt qua các thách thức ở đó. Các điều kiện cải cách cơ cấu thường làm thay đổi cán cân giữa các đảng phái cạnh tranh nội bộ, theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Nếu như trong nước không có ý chí duy trì các cải cách, thì chúng sẽ mau chóng bị suy yếu.

Các nhà tư tưởng cánh tả từ lâu đã xem xét các chương trình cải cách cơ cấu với nhiều nghi ngờ, buộc tội các chủ nợ quốc tế như IMF và Ngân hàng Thế giới bị những người theo tư tưởng thị trường tân tự do cực đoan chi phối. Có một ít sự thật trong sự phê phán này, nhưng nó đã bị thổi phồng.

Chắc chắn, các cải cách cơ cấu thường ưu tiên các chính sách như sự linh hoạt trong thị trường lao động. Nhưng chúng ta không nên mắc sai lầm khi xem xét những sự can thiệp này rõ ràng như giấy trắng mực đen. Phá vỡ các hệ thống thị trường lao động kép vốn đang loại trừ lực lượng lao động trẻ (như đang diễn ra ở nhiều vùng ở Nam Âu, bao gồm Ý và, một phần nào đó, ở Pháp) là rất khác với việc giúp cho sa thải toàn bộ lao động dễ dàng hơn. Tạo ra các hệ thống lương hưu bền vững cũng không có nghĩa là làm lương hưu bị thấp hơn. Làm cho hệ thống thuế trở nên đơn giản và công bằng hơn cũng không đồng nghĩa với việc tăng các loại thuế.

Gần đây, những người chống cải cách cơ cấu đưa ra nhiều sự phản đối kỳ lạ hơn – đáng kể nhất là vấn đề gây nên bởi giảm phát khi lãi suất chính sách ở mức 0. Nếu như các cải cách cơ cấu đơn giản chỉ là làm giảm tiền lương và giá cả, có thể sẽ thực sự gặp khó khăn trong ngắn hạn để đối phó với sự sụt giảm tổng cầu. Nhưng người ta vẫn có thể đưa ra một lời phê bình tương tự khi có bất kỳ sự thay đổi nào khác trong chính sách: nếu như chính sách được thiết kế quá tệ, nó sẽ phản tác dụng. Sự thật là con đường tương lai ở Châu Âu yêu cầu cần đạt được năng suất lao động cao hơn.

Các bài học từ Hy Lạp và các chương trình cứu trợ không thành công khác là hồi chuông cảnh tỉnh. Nếu như một chương trình giải cứu nợ yêu cầu một sự thay đổi toàn diện trong mô hình kinh tế, xã hội và chính trị của một quốc gia, thì hành động tốt nhất có thể là bỏ qua các mất mát của tư nhân, thay vì đổ tiền của công chúng vào để trang trải cho những khoản nợ này. Trong những trường hợp như ở Hy Lạp, mong muốn của các chủ nợ đối với các cải cách cơ cấu có thể được định hướng tốt hơn tại quê nhà của chính các chủ nợ – đặc biệt là trong việc cải thiện quy định tài chính (đối với việc cho vay).

Đại đa số người Hy Lạp muốn ở lại trong Liên minh Châu Âu. Trong một thế giới lý tưởng, cung cấp gói cứu trợ tài chính để đổi lại các gói cải cách có thể giúp những người dân Hy Lạp nào muốn định hình đất nước mình thành một quốc gia Châu Âu hiện đại. Nhưng với khó khăn mà Hy Lạp đã đối mặt cho đến nay trong việc tạo ra các thay đổi cần thiết để đạt được mục tiêu đó, có lẽ đã đến lúc cần xem xét lại một cách toàn diện cách tiếp cận này đối với cuộc khủng hoảng. Thay vì một chương trình cung cấp cho đất nước nhiều khoản vay hơn, thì sẽ hợp lý hơn nếu cung cấp một chương trình cứu trợ nhân đạo khẩn cấp dù Hy Lạp có còn hoàn toàn nằm trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu hay không.

Kenneth Rogoff là Giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công tại Đại học Harvard và là chủ nhân của giải thưởng Ngân hàng Đức về Kinh tế Tài chính năm 2011. Ông là Kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế từ 2001 đến 2003. Cuốn sách mới nhất của ông, viết cùng với Carmen Reinhart, có tên This time is different: Eight Centuries of Financial Folly.

Copyright: Project Syndicate 2015 – Why the Greek Bailout Failed