Nguồn: Patrick Cronin, “Respond to the China Challenge by Cooperating Through Strength”, War on The Rocks, 18/5/2015.
Biên dịch: Nguyễn Trần Bảo Yến | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Đây là phần cuối trong chuỗi bài của Patrick Cronin viết về chiến lược thống trị Châu Á -Thái Bình Dương của Trung Quốc. Xem lại bốn phần trước: Bá quyền khu vực của Trung Quốc: một thước phim quay chậm, Chiến lược “đảo hoá” và tham vọng bá quyền khu vực của Trung Quốc, Các nước Đông Nam Á trước nỗ lực bá quyền của Trung Quốc, Mười bước để Mỹ ngăn chặn chiến lược của Trung Quốc
Một thách thức mang tính cấp bách cho các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ là tìm ra phương pháp hiệu quả để đáp trả lại hành động gia tăng sức ép của Trung Quốc vốn không quan tâm đến các quy tắc hay các nước láng giềng. Điều cần thiết lúc này là một đánh giá rõ ràng về điều gì tạo ra các hành vi không thể chấp nhận được và việc phát triển một tập hợp các lựa chọn chính sách linh hoạt giúp áp đặt chi phí lên các hành động mang tính cưỡng ép và gây mất ổn định.
Trong khi chúng ta cần hiện diện quân sự tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, những thách thức từ “vùng xám” của Trung Quốc đòi hỏi nhiều hơn là những phương án có sẵn từ Bộ Quốc phòng. Thật vậy, một đánh giá chính sách liên cơ quan của chính phủ nên hài hoà với các hệ quả mang tính chiến lược của Hoa Kỳ: duy trì và thích ứng với một hệ thống hướng nội và dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương.
Mục đích của chúng ta là không nên quân sự hóa quá mức vấn đề mà là tìm cách giành lấy hòa bình thông qua một chiến lược dài hạn và có sự phối hợp giữa áp đặt chi phí, xây dựng năng lực và tăng cường tiếp xúc. Điều này một phần có nghĩa là chống lại khuynh hướng phải cố gắng nhanh chóng đi tìm hướng giải quyết, thay vào đó là tìm cách giải quyết các tranh chấp thông qua một chính sách cân bằng thận trọng giữa mục tiêu và phương tiện, không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn trong bối cảnh của khu vực Đông Nam Á.
Sống chung với căng thẳng, và thậm chí là mâu thuẫn giữa tầm nhìn của chúng ta và thực tế hiện nay, là điều tốt nhất trong tương lai gần mà chúng ta có thể làm. Chúng ta không thể loại bỏ, đồng thời cũng không thể tiến xa hơn chiến lược khu vực của chính mình mà trong đó, tiếp xúc và ngăn chặn là hai mặt đối lập. Nhưng chúng ta có thể cải thiện điều này, bắt đầu bằng cách tăng cường thi hành chính sách tái cân bằng toàn diện ở Châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dường như rất nghiêm túc về mục tiêu này, và ông nhận được sự ủng hộ từ một số chuyên gia xuất sắc như Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương mới được bổ nhiệm, Đô đốc Harry B. Harris, Jr. Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, và các bộ ngành phòng ban khác cần phải được ủy thác một trách nhiệm tương tự nhau. Thách thức là làm thế nào hiện thực hoá một chiến lược toàn diện, với mục tiêu giành quyền kiểm soát lớn hơn ở khu vực thông qua tất cả các phương tiện sẵn có. Ít nhất là khi nói đến các chính sách tái cân bằng tại châu Á, chính quyền nên hiểu rằng ở cả hai phe trong Quốc hội đều có sự hiện diện của những nhân vật có tiếng nói quyết định.
Một số người cho rằng việc áp đặt chi phí lên các hành vi sai trái gây rủi ro xung đột hoặc ít nhất ủng hộ cho quan điểm của Trung Quốc rằng nước Mỹ đang cố gắng ngăn chặn họ. Tuy nhiên, không có gì có thể đi ngược lại được sự thật.
Chống lại hành vi sai trái không giống như tiến hành ngăn chặn. Cũng không giống như sử dụng một tập hợp của các công cụ quyền lực cứng và mềm để chống lại các hành động liều lĩnh, ví dụ như việc Trung Quốc như xây dựng đảo nhân tạo có khả năng khiến cho căng thẳng tại Biển Đông ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ – Trung.
Chỉ có Trung Quốc có thể kiềm chế Trung Quốc và chỉ có Trung Quốc mới có thể làm chệch hướng mối quan hệ Mỹ-Trung bằng cách đánh giá thấp quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng không bị suy yếu bởi những thay đổi mang tính đơn phương tác động tới nguyên trạng thông qua ép buộc hay cưỡng đoạt. Một số đồng nghiệp có uy tín cao đã kêu gọi dừng các hoạt động giúp duy trì và nhấn mạnh sự trỗi dậy liên tục của Trung Quốc. Tôi điều chỉnh một chút các yêu cầu đó trong phạm vi khả năng của quốc gia: cụ thể là, bảo toàn lợi ích của Hoa Kỳ bằng cách tìm kiếm sự hợp tác thông qua sức mạnh, thúc đẩy một tầm nhìn tích cực có sức hấp dẫn và có thể thu hút hầu hết các quốc gia trong khu vực, và ngược lại, nghe có vẻ mâu thuẫn, sẵn sàng áp đặt chi phí lên các hành vi nằm ngoài những nguyên tắc, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn quốc tế đã được thỏa thuận.
Sống chung với mâu thuẫn đòi hỏi một sự thay đổi liên tục để giữ cân bằng và thích nghi với mọi hoàn cảnh. Điều đó có nghĩa là tiếp tục tìm cách thúc đẩy tiếp xúc tích cực với Trung Quốc ngay cả khi điều này có vẻ như không tạo ra sự khác biệt nào lớn. Đầu tiên, tiếp xúc có thể giúp tìm ra những cách thức thực tế để tránh những hệ quả không mong muốn, chẳng hạn như leo thang căng thẳng. Thứ hai, tiếp xúc giúp gửi đi thông điệp đúng đắn đến các quốc gia còn lại trong khu vực về tầm nhìn hướng tới tương lai, giúp giải quyết vấn đề và dựa vào các quy tắc và luật lệ.
Một số người sẽ không thoải mái với những điều trên, nhưng tôi cho rằng các lựa chọn thay thế khác hoặc là quá hiếu chiến hoặc là quá dễ dãi. Quá trình tương tác có phần đối nghịch nhau giữa tiếp xúc và ngăn chặn không phải lúc nào cũng dẫn đến một phương thức ít gây xung đột nhất giúp theo đuổi các mục tiêu của chúng ta. Tuy nhiên, đó vẫn là phương tiện thực tế nhất để bảo vệ trật tự khu vực và lợi ích của chúng ta, và xa hơn là hướng tới các thỏa hiệp một chiều khi trật tự mà Hoa Kỳ đang cố gắng giữ gìn đang bị mục rỗng từ bên trong.
Nhưng việc áp đặt chi phí và những hành động mạnh mẽ hơn phải được đặt trong một khuôn khổ ngoại giao lớn hơn của một chính sách toàn diện, trong đó mỗi động thái được thiết kế để hỗ trợ cho một mục tiêu chính trị lớn hơn. Mục tiêu đó liên quan đến lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ vốn đang dần được hoà hợp vào khu vực năng động nhất trên thế giới. Khu vực Ấn Độ – Châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành địa điểm tập trung sức mạnh kinh tế và quân sự của thế giới trong thế kỷ này. Hoa Kỳ có thể đi theo xu hướng này hoặc không làm gì cả. Hoa Kỳ có thể dựa trên vai trò lịch sử hậu Thế chiến thứ hai của mình trong việc xây dựng một hệ thống mà ở đó hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã phát triển mạnh mẽ. Hoặc ngược lại, Hoa Kỳ có thể chấp nhận sự suy giảm dần dần vị trí và ảnh hưởng và điều chỉnh bản thân cho phù hợp với điều đó, đồng thời chập nhận làm suy yếu khả năng của chúng ta trong việc phản ứng lại với các sự kiện bên ngoài.
Lý do chính Hoa Kỳ có thể hợp tác dựa trên sức mạnh là vì theo đuổi một hệ thống mở dựa trên luật lệ không thực sự đe dọa tới Trung Quốc. Ngược lại, hợp tác dựa trên sức mạnh vẫn là một trong những triển vọng tốt nhất cho quá trình trỗi dậy của Trung Quốc. Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác, có những lợi ích song trùng và khác biệt nhau. Chúng ta không bao giờ ngừng cố gắng tối đa hóa các lợi ích song trùng giữa hai quốc gia. Nhưng một khi khác biệt xuất hiện, cả hai nước không nên giả vờ rằng chúng không tồn tại. Trung Quốc sẽ không ngừng nhấn mạnh một trật tự khu vực thuận lợi và thậm chí có phần cung kính đối với Bắc Kinh. Khi làm như vậy, Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng những sự thật nửa vời, tuyên bố giả mạo, hay đưa ra những lời lẽ ngụy biện. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ không nên mềm mỏng đối với lợi ích và giá trị của chính mình. Washington phải luôn ghi nhớ rằng bảo vệ cả lợi ích và giá trị đòi hỏi phải đầu tư vào các phương tiện giúp hỗ trợ và duy trì chúng. Một lần nữa, mục tiêu quan trọng nhất là để “giành chiến thắng trong hòa bình”, chứ không phải là tạo ra chiến tranh. Nhưng bảo vệ thịnh vượng và ổn định không có nghĩa là luôn luôn phải ngăn chặn đối đầu.
Kiềm chế Trung Quốc là điều không tưởng. Hãy giả vờ rằng chúng ta chỉ có thể làm xói mòn vị thế của chính mình trong khu vực. Ngược lại, nỗi sợ hãi phải đối đầu với các hành vi không đúng đắn của Trung Quốc chỉ vì sợ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ quan trọng với nước này sẽ là một thất bại trong việc hiểu rõ những gì cần thiết để gầy dựng một trật tự khu vực tương lai. Điều này cũng khẳng định một quan điểm kỳ lạ cho rằng Trung Quốc sẽ tưởng thưởng cho những ai tỏ ra là mình yếu thế. Bằng chứng cho niềm tin này nằm ở đâu?
Lý do tôi tin vào một chiến lược hợp tác dựa trên sức mạnh, bao gồm cả các biện pháp áp đặt chi phí, sẽ vận hành tốt bởi vì chiến lược đó – hay ít nhất là khi nó được bao hàm trong một khuôn khổ chính sách đối ngoại rộng lớn hơn – dựa trên những lợi ích chung mạnh mẽ. Không nói đến hệ thống tuyên truyền và sự thiếu lòng tin từ phía Trung Quốc, Hoa Kỳ thực sự mong muốn thiết lập một hệ thống bao hàm trong đó các quy tắc công bằng đóng vai trò quan trọng. Các nguyên tắc như kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và không sử dụng vũ lực hay cưỡng ép để thay đổi hiện trạng mang lại lợi ích cho tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc. Đó là nguyên tắc mà tất cả chúng ta đều phải chấp nhận.
Patrick M. Cronin là Giám đốc cấp cao tại Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ mới và là cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc gia trực thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia Hoa Kỳ.