Bất bình đẳng ảnh hưởng đến tăng trưởng như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

20150620_blp502

Nguồn:How inequality affects growth”, The Economist, 15/06/2015.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Xuân Hùng

Bất bình đẳng là một trong những chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Vào hôm 14 tháng 6, bà Hillary Clinton, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ để kế nhiệm ông Barack Obama làm Tổng thống Hoa Kỳ, đã lấy sự bất bình đẳng làm trọng tâm của bài diễn văn tranh cử chính. Ngày 18 tháng 6, Giáo hoàng Francis sẽ truyền tải thông tri, một tuyên bố cấp cao của tòa thánh Vatican, dự kiến sẽ đưa ra giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng toàn cầu cùng với một số vấn đề khác. Và vào ngày 15 tháng 6, các nhà kinh tế của IMF đã xuất bản một nghiên cứu đánh giá các nguyên nhân và hậu quả của việc gia tăng bất bình đẳng.

Các tác giả cho rằng trong các vấn đề gây ra bởi sự bất bình đẳng, các chính phủ cần quan tâm đặc biệt tới ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế. Họ ước tính rằng một điểm phần trăm tăng thêm trong phần thu nhập của nhóm 20% người có thu nhập cao nhất sẽ kéo tăng trưởng giảm 0,08 điểm phần trăm trong 5 năm, trong khi phần tăng trong thu nhập của nhóm 20% người có thu nhập thấp nhất lại thực sự thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng sự bất bình đẳng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế như thế nào?

Các nhà kinh tế cho rằng sự bất bình đẳng ở một mức độ nhất định là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng. Nếu không có “củ cà rốt” là phần thưởng tài chính lớn, tinh thần kinh doanh mạo hiểm và đổi mới sẽ chững lại. Vào năm 1975, nhà kinh tế người Mỹ Arthur Okun lập luận rằng xã hội không thể có cả sự bình đẳng tuyệt đối và hiệu quả tuyệt đối, mà phải chọn lựa hy sinh bao nhiêu phần của cái này cho cái kia.

Trong khi các nhà kinh tế vẫn tiếp tục giữ quan điểm đó, sự gia tăng gần đây của bất bình đẳng đã gợi ra một cái nhìn mới về chi phí kinh tế của nó. Sự bất bình đẳng có thể làm giảm tăng trưởng khi mà người thu nhập thấp chịu nhiều vấn đề về sức khỏe dẫn đến năng suất lao động thấp, hoặc khi mà, như các bằng chứng cho thấy, người nghèo phải vật lộn chi trả các khoản đầu tư cho giáo dục. Dani Rodrik của Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton cho rằng bất bình đẳng cũng có thể đe dọa niềm hy vọng của công chúng vào các chính sách thúc đẩy tăng trưởng như thương mại tự do.

Các nghiên cứu gần đây cho rằng sự bất bình đẳng có thể dẫn tới sự bất ổn kinh tế và tài chính. Trong một cuốn sách xuất bản năm 2010, Raghuram Rajan, hiện là Giám đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, lập luận rằng các chính phủ thường phản hồi lại sự bất bình đẳng bằng cách nới lỏng luồng tín dụng cho những hộ gia đình nghèo.

Các nghiên cứu khác lại cho thấy các hộ gia đình ở Mỹ đã vay mượn rất nhiều trước khủng hoảng để chống đỡ cho việc chi tiêu của họ. Nếu không có sự gia tăng của nợ hộ gia đình này, tiêu dùng sẽ trì trệ vì tăng trưởng tiền lương thấp. Những nhà kinh tế nổi bật như Ben Bernanke và Larry Summers thì lập luận rằng sự bất bình đẳng có thể cũng góp phần tạo nên “thừa tiết kiệm” của thế giới, vì người giàu thì ít có khả năng tiêu thêm 1 đô la so với người nghèo. Vì tiết kiệm tăng, lãi suất giảm, làm tăng giá tài sản, khuyến khích đi vay và làm cho các ngân hàng trung ương khó khăn hơn trong quản lý nền kinh tế.

Tuy nhiên, thiết kế giải pháp cho vấn đề bất bình đẳng ngày càng gia tăng là khó khăn. Một số ảnh hưởng tiêu cực của sự bất bình đẳng đối với tăng trưởng có thể đổ lỗi cho các chính sách tồi tệ của chính phủ tại các nước có tỉ lệ bất bình đẳng cao. Ở châu Mỹ Latinh chẳng hạn, áp lực dân túy cần phải có  sự kiểm soát kinh tế quá mức của nhà nước dường như rút ngắn thời gian trung bình của các đợt tăng trưởng.

Tuy nhiên, nếu được thực hiện ở mức độ vừa phải, việc phân phối lại có thể có những ảnh hưởng tốt – có lẽ bằng cách giảm sự phụ thuộc vào việc vay nợ nhiều rủi ro của những hộ gia đình nghèo. Trong một, hai thế hệ qua, sự bất bình đẳng đã tăng ở hầu hết những nơi mà các chính sách tiến bộ, như tỉ lệ thuế cao cho người giàu, bị yếu đi. Phân phối lại nhiều hơn một chút bây giờ có lẽ sẽ cải thiện chất và lượng của tăng trưởng kinh tế – và về sau sẽ làm giảm nhu cầu đối với sự can thiệp mạnh của nhà nước (vào nền kinh tế).