Fed tăng lãi suất giúp giảm bất bình đẳng ở Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

fed

Nguồn: Alexander Friedman, “How the Fed  Reduced Inequality”, Project Syndicate, 16/12/2015.

Biên dịch: Ninh Thị Thanh Hà | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên qua. Tác động của việc này đối với vấn đề chênh lệch lãi suất, chứng khoán của các thị trường mới nổi, nhu cầu nhà ở, và các vấn đề khác, là đối tượng của các tranh luận rộng rãi. Nhưng, khi các thị trường học cách đối phó với một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, có thể hầu hết mọi người đã bỏ qua một tia sáng cuối đường hầm quan trọng.

Bất bình đẳng thu nhập và của cải ở Mỹ đã tăng đáng kể từ sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, nhưng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ có thể đánh dấu sự bắt đầu chấm dứt xu hướng này. Thật ra, nó giúp đẩy nhanh quá trình đảo ngược của xu hướng bất bình đẳng.

Hãy xem xét một vài số liệu thống kê ảm đạm phản ánh tình trạng hiện tại của các vấn đề này. Thu nhập bình quân thực tế của hộ gia đình (đã điều chỉnh theo tỉ lệ lạm phát) ở Mỹ là gần như không đổi so với năm 1979. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew chỉ ra rằng người Mỹ kiếm được ít hơn 4% trong năm 2014 so với năm 2000, và lần đầu tiên trong hơn 40 năm, giới trung lưu Mỹ không còn chiếm đa số trong xã hội.

20 người giàu nhất hiện tại sở hữu nhiều của cải hơn cả 50% dân số ở phía dưới của nước Mỹ. Khoảng cách của cải giữa nhóm người Mỹ thu nhập cao và phần còn lại của dân số chưa bao giờ cao hơn thế; số lượng các hộ giàu chiếm hơn 1/5 toàn bộ dân số Mỹ. Đáng chú ý, cách Phố Wall 1 tiếng đồng hồ lên phía Bắc, tại Bridgeport, Connecticut, hệ số Gini – phương pháp chuẩn để đo phân phối thu nhập và sự bất bình đẳng – còn tồi tệ hơn cả ở Zimbabwe.

Trớ trêu thay, xu hướng này còn bị làm trầm trọng thêm bởi các chính sách nhằm đối phó lại khủng hoảng tài chính. Trong khi khủng hoảng 2007-2008 làm cho nhóm người thu nhập cao phải chịu thiệt hại nhiều hơn nhóm người thu nhập thấp (vì những người thu nhập cao có xu hướng tạo ra thu nhập của họ từ việc đầu tư vốn rủi ro hơn là thu nhập từ lao động), thì xu hướng ngược lại đã thành hiện thực từ năm 2009. Kể từ đó, khoảng 95% toàn bộ thu nhập thu được chảy vào túi của 1% dân số giàu nhất.

Nguyên nhân của sự tăng bất bình đẳng thu nhập và của cải rất đa dạng và nhiều sắc thái, nhưng những hậu quả không lường trước được của thời kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có xứng đáng nhận nhiều chỉ trích. Lãi suất thực tế âm và nới lỏng định lượng đã dẫn tới tình trạng áp chế tài chính đối với những người giữ tiền mặt, gây tổn hại cho người gửi tiết kiệm, trong khi nhìn chung làm tăng giá của các tài sản tài chính rủi ro hơn vốn thường do người giàu nắm giữ. Khi các khoản thu nhập cố định không có hiệu quả gì, kể cả những quỹ lương hưu bảo thủ nhất cũng đầu tư vào các tài sản rủi ro, vì thế mà ngày càng đẩy giá những tài sản này tăng cao.

Các công ty đã hưởng lợi lớn từ các biện pháp kích thích kinh tế, nhưng lại gây ra thiệt hại cho người lao động. Biên lợi nhuận đã tăng lên mức kỷ lục vì các công ty đều cắt giảm chi phí, trì hoãn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đi vay với lãi suất đặc biệt ưu đãi, và lợi dụng các thị trường lao động kém hơn để tránh việc phải tăng lương.

Nhưng có phải chúng ta đang sắp sửa đảo ngược xu hướng? Chỉ số S&P 500 đã tăng 150% kể từ mức thấp năm 2009, và giá chứng khoán đang có vẻ ở mức cao trong điều kiện tăng trưởng kinh tế thấp (tỉ lệ giá chứng khoán/ cổ tức hiện ở mức 26, so với 15 hồi năm 2009). Trong bối cảnh này, giới nhà giàu Mỹ ít có khả năng hưởng lợi nhuận thêm đáng kể từ các khoản đầu tư tài chính trong tương lai gần.

Cùng lúc đó, lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng ta sẽ thấy áp lực tăng lương ngày càng lớn. Tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 5%, chỉ nhỉnh hơn một chút so với tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên (NAIRU – non-accelerating inflation rate of unemployment) theo ước tính trung bình hiện nay của Fed. Trong khi tỉ lệ NAIRU thực tế có thể thấp hơn, và chúng ta có vẻ như đang chứng kiến sự sụt giảm muôn thuở của tỉ lệ tham gia vào lực lượng lao động, nên thị trường lao động Mỹ sẽ trở nên thắt chặt trong năm 2016 (tức cung ứng lao động và thất nghiệp giảm – NBT).

Thực ra, số người “không thực sự nằm trong lực lượng lao động mà hiện đang muốn tìm việc” đã giảm 416.000 người xuống còn xấp xỉ 5,6 triệu người trong tháng 11. Trong lịch sử, kiểu thay đổi như thế này sẽ gắn với áp lực tăng lương ngày càng tăng. Và lương trung bình tính theo giờ cho tất cả các lao động trong bảng lương phi nông nghiệp tư nhân được công bố hằng năm đã tăng 2,5% vào tháng 10, nhiều nhất kể từ năm 2009.

Vì Fed từ từ nâng lãi suất, các gia đình trung lưu đang gửi tiết kiệm những đồng tiền khó nhọc của mình tại các ngân hàng cuối cùng cũng bắt đầu nhận được một vài lợi nhuận trên khoản tiền gửi. Ảnh hưởng dài hạn không nên bị đánh giá thấp, nhất là nếu xét ảnh hưởng tích cực của tiết kiệm.

Trong suốt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ gần đây nhất từ 2004 đến 2006, thu nhập lãi của hộ gia đình đã tăng 29%. Mặc dù lần này, lợi ích có vẻ là sẽ nhỏ hơn và đến chậm hơn, vì nhịp độ và quy mô thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, nhưng lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ chuyển thu nhập hộ gia đình theo hướng tăng lên.

Tất nhiên, vô số những cải cách chính trị, mỗi cải cách đều có tác động tích cực tiềm năng lên phúc lợi xã hội, cũng có thể giảm mức độ bất bình đẳng nhiều hơn. Nhưng những rào cản đối với những biện pháp này – ví dụ, làm cho hệ thống thuế lũy tiến hơn – là rõ ràng, đặc biệt trong bối cảnh của chiến dịch tranh cử tổng thống. Điều này có nghĩa là sự tăng lương thực tế cho người lao động sẽ có ảnh hưởng trực tiếp nhất, ngay cả khi mặt trái là biên lợi nhuận thấp hơn cho các công ty Mỹ.

Quyết định của Fed tăng lãi suất là một thời khắc lịch sử đối với các thị trường tài chính và đã mở ra thời kỳ bất ổn gia tăng cho giá cả tài sản trên toàn cầu. Mặc dù việc này có thể là thách thức cho các nhà đầu tư, nhưng chúng ta cũng nên được an ủi nhờ vào các tác động đối với nền kinh tế thực.

Khế ước xã hội của nước Mỹ đã xấu đi, và việc này sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, vì các cử tri thể hiện sự giận dữ của họ vì Giấc mơ Mỹ ngày càng xa tầm với. Không có sự phục hồi kinh tế nào có thể bền vững nếu không có việc tăng lương và sức mua tiêu dùng cao hơn. Fed có thể đã vừa phát đi tín hiệu rằng sự khởi đầu của động lực cần thiết này, có lẽ là điểm uốn quan trọng của xu hướng bất bình đẳng, cuối cùng đã đến. Và Fed có thể cũng đã hoàn thành vai trò của mình để đẩy nhanh sự xuất hiện của xu hướng này.

Alexander Friedman, CEO của tập đoàn GAM Holding, từng giữ chức Giám đốc đầu tư toàn cầu của công ty Quản lý tài sản Ngân hàng UBS, Giám đốc tài chính của Quỹ Bill & Melinda Gates, và là nghiên cứu viên tại Nhà Trắng dưới thời chính quyền Clinton.

Copyright: Project Syndicate 2015 – How the Fed  Reduced Inequality
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]