Lý Quang Diệu nói về tương lai Quan hệ Mỹ – Trung

Print Friendly, PDF & Email

Lee Kuan Yew

Nguồn: Graham Allison & Robert D. Blackwill, Interview: Lee Kuan Yew on the Future of U.S.- China Relations“, The Atlantic, 05/03/2013.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong trích đoạn này của cuốn sách, một trong những chính khách vĩ đại nhất của Châu Á cho rằng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng xung đột thì không.

Rất ít cá nhân có vai trò hệ trọng trong lịch sử nước họ như Lý Quang Diệu, người thủ tướng đã khai sinh ra Singapore. Trong nhiệm kì dài hơn ba thập niên của mình, ông đã góp phần biến Singapore từ một thuộc địa nghèo khó, thiếu tài nguyên của Anh thành một trong những quốc gia giàu có và phát triển nhất Châu Á. Qua năm tháng, Ông Lý cũng trở thành một trong những nhà trí thức gần gũi với công chúng và xuất chúng nhất của châu Á, người có được những hiểu biết sâu sắc về những xu hướng của châu lục nhờ vào kinh nghiệm và góc nhìn độc đáo của mình.

Trong cuộc nói chuyện dưới đây, ông Lý tập trung vào vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta: sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông cho rằng Hoa Kỳ nên cùng với Trung Quốc tạo ra một trật tự thế giới mới một cách xây dựng hơn thay vì tìm cách ngăn trở việc Trung Quốc nổi lên như một siêu cường toàn cầu.

Cuộc đối thoại này được trích từ cuốn sách Lee Kuan Yew: The Grand Master’s Insights on China, the United States, and the World. Cuốn sách bao gồm những bài phỏng vấn và những những bài được chọn lọc bởi Graham Allison, Robert D. Blackwill, Ali Wyne, và có lời đề tựa được viết bởi Henry A. Kissinger.

Liệu có khả năng xảy ra một cuộc chạm trán lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hay không?

Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng xung đột thì không. Đây không phải là Chiến tranh Lạnh. Liên Xô muốn tranh đoạt ưu thế toàn cầu với Hoa Kỳ. Trung Quốc đang hành động hoàn toàn vì lợi ích quốc gia. Họ không có hứng thú với việc thay đổi thế giới.

Sẽ có một cuộc tranh giành ảnh hưởng. Tôi nghĩ nó sẽ được làm dịu đi vì người Trung Quốc cần Mỹ. Họ cần thị trường Mỹ, công nghệ Mỹ. Họ cần có học sinh qua Mỹ để học các phương pháp và cách thức kinh doanh để họ có thể phát triển đất nước. Họ sẽ mất từ 10, 20, hoặc 30 năm. Nếu bạn cố gắng gây hấn với Hoa Kỳ và trở thành đối thủ đáng ghét của họ, tất cả khối thông tin và công nghệ đó sẽ bị cắt. Cuộc đối đầu giữa hai nước sẽ được giữ ở mức cho phép họ tiếp tục lợi dụng Hoa Kỳ.

Không giống mối quan hệ Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh, không có một mâu thuẫn không thể hòa giải về mặt ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc đón nhận (kinh tế) thị trường rất nồng nhiệt.  Mối quan hệ Mỹ-Trung mang cả tính hợp tác và cạnh trạnh. Cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng xung đột thì không.

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Hoa Kỳ và Trung Quốc càng dễ coi nhau như đối thủ cạnh tranh (competitors), nếu không muốn nói là đối thủ (adversaries). Tuy nhiên đây chưa phải là định mệnh. Cái kết đẹp nhất sẽ là hai nước biết rằng khi họ không thể hợp tác, họ vẫn sẽ cùng chung sống và để cho tất cả các nước ở Thái Bình Dương phát triển và giàu mạnh.

Một yếu tố tạo sự ổn định trong mối quan hệ giữa hai nước là mỗi nước đều yêu cầu sự hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với nước còn lại. Không có nhiều khả năng xung đột quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Lãnh đạo Trung Quốc biết rằng Hoa Kỳ có ưu thế quân sự áp đảo và điều này sẽ còn tiếp tục trong vài thập niên nữa. Họ sẽ hiện đại hóa quân đội, không phải để thách thức Hoa Kỳ, mà để gây áp lực lên Đài Loan bằng cách phong tỏa hoặc làm bất ổn nền kinh tế Đài Loan, nếu cần thiết. Việc Trung Quốc xây dựng quân đội đưa đến Hoa Kỳ một thông điệp rằng Trung Quốc rất nghiêm túc về vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, người Trung Quốc không muốn gây hấn với ai—ít nhất trong khoảng 15 tới 20 năm tới. Họ tự tin rằng quân đội của họ sẽ đạt độ tinh vi ngang ngửa với Hoa Kỳ sau 30 năm nữa. Trong dài hạn, họ không thấy mình bất lợi trong trận chiến này.

Trung Quốc sẽ không để một tòa án quốc tế làm trọng tài phân xử vấn đề tranh chấp chủ quyền của biển Đông, vì vậy sự hiện diện của hỏa lực Hoa Kỳ trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương sẽ là cần thiết nếu Luật biển Liên Hợp Quốc muốn giành ưu thế.

Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đã công khai rằng khái niệm cân bằng quyền lực đã lỗi thời trong thế kỷ 21: “Cả hai [Hoa Kỳ hay Trung Quốc] đều không thể tiếp tục nhìn thế giới qua lăng kính cũ, dù là di sản của chủ nghĩa đế quốc, Chiến tranh Lạnh, hay nền chính trị cân bằng quyền lực. Cách suy nghĩ có tổng bằng không sẽ đưa đến các kết quả âm.  Cân bằng quyền lực nên có vai trò thế nào trong chính sách của Mỹ nhằm ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Cẩn trọng mà nói, nên có một sự cân bằng quyền lực trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện ở một sự đồng thuận rộng rãi rằng sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực nên được duy trì. Sự hiện diện quân sự không nhất thiết phải được sử dụng mới có thể có ích. Sự có mặt của nó tạo ra sự khác biệt. Nó làm nên hòa bình và ổn định trong khu vực. Sự ổn định này có lợi cho tất cả các bên, kể cả Trung Quốc.

Hòa bình và an ninh ở cả Châu Âu và Thái Bình Dương đều dựa vào cán cân quyền lực. Sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở cả hai khu vực là rất cần thiết. Tuy nhiên, trừ khi nền kinh tế Hoa Kỳ trở nên năng động hơn và gánh nặng nợ giảm bớt, sự có mặt này sẽ giảm sút đáng kể vào cuối thập kỷ này. Viễn cảnh dài hạn này lúc đó sẽ trở nên thật đáng lo ngại. Kể cả khi thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ được giảm bớt, năng suất công nghiệp đi lên, và xuất khẩu tăng thì Hoa Kỳ cũng không thể và không muốn chịu toàn bộ gánh nặng chi phí an ninh toàn cầu. Rất nguy hiểm ở chỗ nền kinh tế Hoa Kỳ không hồi phục đủ nhanh. Cùng với đó là những bất đồng thương mại và sự phê phán của Nhật Bản gia tăng khi Mỹ trở thành nước bảo hộ công nghiệp. Tệ nhất là khi thương mại và các mối quan hệ kinh tế trở nên xấu đến mức các ràng buộc an ninh chung yếu đi và rạn nứt. Đó sẽ là một diễn tiến tồi tệ và nguy hiểm.

Thế giới đã phát triển nhờ vào sự ổn định mà Mỹ thiết lập. Nếu sự ổn định đó lung lay, chúng ta sẽ có một tình huống khác.

Kích thước của Trung Quốc sẽ làm cho các nước khác của Châu Á, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản, không thể sánh bằng về sức nặng và tiềm lực trong 20 đến 30 năm tới. Vì vậy chúng ta cần Mỹ để lấy lại thế cân bằng. Câu hỏi ở đây là liệu Hoa Kỳ có thể tiếp tục vai trò là thành viên an ninh và kinh tế chủ chốt ở Thái Bình Dương hay không. Nếu nó làm được, tương lai của Đông Á sẽ thật tuyệt. Ngược lại, sẽ có nhiều vấn đề nếu nền kinh tế Hoa Kỳ không lấy lại được sức cạnh tranh của minh.

Hoa Kỳ không thể từ bỏ Nhật Bản trừ khi nó chấp nhận mạo hiểm có thể đánh mất đòn bẩy ảnh hưởng đối với cả Trung Quốc và Nhật Bản. Dù có hay không một Hiệp ước An ninh chung Mỹ-Nhật  thì cán cân ổn định duy nhất có thể duy trì được là một tam giác với Nhật Bản và Hoa Kỳ ở một phía và Trung Quốc ở phía còn lại. Điều này là không thể tránh được vì sức nặng tiềm năng của Trung Quốc lớn hơn nhiều sức nặng của Hoa Kỳ và Nhật Bản hợp lại.

Tại sao Hoa Kỳ nên tiếp tục can dự để giúp tổng sản lượng quốc dân của Đông Á vượt qua Bắc Mỹ? Tại sao không dừng và hủy quá trình này? Bởi vì hủy bỏ quá trình này không dễ dàng. Không có lựa chọn thay thế nào để cân bằng quyền lực dễ chịu như hiện tại, với Hoa Kỳ là một thành viên chính. Bối cảnh khi không có Hoa Kỳ như một thế lực chính yếu trong việc cân bằng địa chính trị sẽ rất khác so với bối cảnh bây giờ hoặc bối cảnh có thể xảy ra khi Hoa Kỳ tiếp tục là một thành viên trung tâm. Thế hệ người Châu Á của tôi đã trải qua cuộc chiến gần nhất, chịu đựng sự ghê sợ và khốn khổ cùng cực nó gây ra. Chúng tôi – những người vẫn nhớ vai trò của Hoa Kỳ trong việc tạo nên một Nhật Bản thịnh vượng, như con chim phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn chiến tranh, những nền kinh tế đang phát triển, và ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) – sẽ cảm thấy thật nuối tiếc rằng thế giới sẽ trở nên thật khác vì Hoa Kỳ đã trở thành một nhân vật kém quan trọng hơn trong cán cân quyền lực mới.

Tổng thống Nixon là một chiến lược gia thực dụng. Ông ấy sẽ hợp tác, thay vì kìm hãm Trung Quốc. Tuy nhiên, ông ấy cũng sẽ bí mật thiết lập các đường đi nước bước để có thể rút lui nếu Trung Quốc không tuân theo các quy tắc như một công dân toàn cầu gương mẫu. Trong trường hợp này, khi các quốc gia bắt buộc phải chọn phe, ông sẽ sắp xếp để giảnh lấy Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Nga về phía bàn cờ Mỹ.

Liệu các lãnh đạo Trung Quốc có nghiêm túc về việc thay thế Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số một Châu Á và thế giới?

Tất nhiên rồi. Tại sao lại không? Họ đã biến một xã hội nghèo khó thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu bằng một phép lạ kinh tế ở hiện tại và đang trên đường trở thành nền kinh tế số một thế giới, theo Glodman Sachs tiên đoán. Họ đã theo bước Hoa Kỳ trong việc đưa người lên vũ trụ và bắn hạ vệ tinh bằng tên lửa. Họ có một nền văn hóa 4.000 năm với 1,3 tỉ người, với một nguồn nhân lực tài năng và khổng lồ để khai thác. Làm sao mà họ lại không khao khát trở thành số một Châu Á, và rồi thế giới?

Trung Quốc hiện nay đang phát triển ở một tốc độ không thể tin được 50 năm trước, một cuộc chuyển mình mà không ai có thể tiên liệu. Người Trung Quốc đã nâng kỳ vọng và khát vọng của họ lên. Tất cả nhân dân Trung Hoa đều muốn một Trung Quốc giàu mạnh, một quốc gia thịnh vượng, phát triển và có một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến như Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản. Nhận thức mới về định mệnh này của Trung Quốc là một sức mạnh áp đảo.

Không giống các quốc gia đang nổi lên, Trung Quốc muốn được là Trung Quốc và được nhìn nhận như vậy, chứ không phải là một thành viên danh dự của phương Tây. Người Trung Quốc sẽ muốn chia sẻ thế kỷ này ngang bằng với Hoa Kỳ

Mỹ nên thay đổi các chính sách và động thái thế nào để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Việc nhận ra Hoa Kỳ bị thay thế, dù không phải trên bình diện toàn cầu mà chỉ ở phía tây Thái Bình Dương thôi, bởi những người Châu Á, những người từ lâu đã bị khinh miệt và xúc phạm là những kẻ suy đồi, nhu nhược, thối nát và ngớ ngẩn, quả thật là một cảm xúc khó chấp nhận. Cảm giác ưu việt hơn về mặt văn hóa sẽ là rào cản lớn nhất cho sự điều chỉnh này. Người Mỹ tin rằng những ý tưởng của họ mang tính phổ quát—quyền tối cao của cá nhân và sự tự do ngôn luận không trói buộc. Nhưng chúng chưa bao giờ là như vậy. Trên thực tế, xã hội Mỹ thành công đến như vậy không phải bởi những ý tưởng và nguyên tắc trên, mà bởi một vận may địa chính trị cụ thể: một nguồn tài nguyên dồi dào và nguồn lực từ người nhập cư, một dòng vốn hào phóng từ Châu Âu, và hai đại dương rộng lớn giữ cho các xung đột của thế giới cách xa khỏi bờ biển Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ không thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nó phải chung sống với một Trung Quốc mạnh hơn, một điều hoàn toàn xa lạ với Hoa Kỳ bởi chưa từng có đất nước nào đủ lớn để thách thức vị trí của nó. Trung Quốc sẽ làm được điều đó trong 20 đến 30 năm tới. Người Mỹ cuối cùng sẽ phải chia sẻ vị trí vượt trội với Trung Quốc.

Tác động của việc Trung Quốc đổi chỗ trong cán cân quyền lực thế giới lớn đến độ thế giới cần phải tìm ra một cán cân mới. Không thể giả vờ cho rằng đây chỉ là một thành viên lớn nữa. Đây chính là thành viên lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Quốc hội Mỹ hiện chống lại bất cứ hiệp định tự do thương mại mới nào (FTA). Nếu Quốc Hội khóa tới tiếp tục phản đối các FTA, thời gian quý giá sẽ mất đi, và sẽ có thể quá muộn để thử làm lại. Quốc hội cần phải nhận thấy lợi ích liên quan cao đến thế nào và viễn cảnh của một mỗi quan hệ cân bằng và hợp lý giữa thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên khó khăn. Cứ mỗi năm Trung Quốc lại thu hút thêm nhiều nhập khẩu và xuất khẩu từ các nước láng giềng hơn so với Hoa Kỳ trong khu vực đó. Không có các FTA, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, và các nước ASEAN sẽ bị hợp nhất vào nền kinh tế của Trung Quốc—một viễn cảnh cần phải tránh.

Các chính sách và hành động nào mà Hoa Kỳ cần phải tránh trong quan hệ với Trung Quốc?

Đừng đối xử Trung Quốc như kẻ thù. Nếu làm vậy Trung Quốc sẽ phát triển một chiến lược phản công để hất cẳng Hoa Kỳ ra khỏi khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Thật ra, họ đang thảo luận một chiến lược như vậy rồi. Chắc chắn sẽ có một cuộc tranh giành ưu thế ở phía Tây Thái Bình Dương giữa hai quốc gia này, nhưng nó không nhất thiết phải dẫn đến xung đột.

Việc quấy nhiễu Trung Quốc bởi các nhóm nhân quyền Mỹ đã lờ đi sự khác biệt về văn hóa, các giá trị, và lịch sử. Điều này đã đưa các cân nhắc chiến lược trong quan hệ Mỹ-Trung lệ thuộc vào một chương trình nghị sự đối nội trong nước Mỹ. Cách tiếp cận mang tính may rủi như vậy có thể biến Trung Quốc thành một đối thủ dài hạn của Hoa Kỳ. Hiểu biết rõ hơn về thực tế văn hóa của Trung Quốc có thể tạo dựng nên một mối quan hệ ít mang tính đối đầu hơn.

Cùng với việc Liên Xô tan rã, quan hệ Mỹ-Trung không còn dựa trên mối đe dọa chung. Trung Quốc có tiềm năng để trở thành một siêu cường. Mỹ thì mong muốn giữ nguyên trạng với bản thân mình là cường quốc duy nhất. Nhưng trong 30 năm tới, sự lớn mạnh của Trung Quốc có thể sẽ thách thức sự vượt trội này của Mỹ. Chính sách Mỹ đối với Trung Quốc đã bị cuốn đi bởi nhưng yếu tố không liên quan như việc tràn ngập các thông tin trên truyền thông về sự kiện Thiên An Môn, vấn đề về những cá nhân Trung Quốc bất đồng trốn khỏi sự ngược đãi, dân chủ, nhân quyền, quy chế tối huệ quốc, quyền tự trị cho Tây Tạng và Đạt Lai Lạt Ma, và việc Đài Loan cố gắng trở thành một thành viên độc lập của Liên Hợp Quốc. Những vấn đề thách thức chủ quyền và sự thống nhất của Trung Quốc sẽ khuấy động sự thù địch của nước này. Nhấn mạnh vào các vấn đề trên chỉ có lý khi đó là chính sách của Hoa Kỳ để kìm hãm Trung Quốc, và để làm chậm hoặc chấm dứt sự phát triển kinh tế mau chóng của nó.

Nhiều cuộc cải cách kinh tế to lớn đã giúp mở cửa Trung Quốc. Nếu tự do hóa chính là mục tiêu của chính sách Hoa Kỳ thì câu trả lời chính là giao thương và đầu tư nhiều hơn. Việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ soạn thảo báo cáo về vấn đề nhân quyền của Trung Quốc giống như việc một ông hiệu trưởng nhận xét vào sổ liên lạc của một học sinh cho phụ huynh đứa nhóc vậy. Điều này có thể khiến người Mỹ cảm thấy thật tuyệt và khiến người Trung Quốc có vẻ nhỏ bé, nhưng người Đông Á khó chịu với những hệ quả lâu dài của nó.

Nước Mỹ chính là nước, hơn bất cứ quốc gia nào khác, có thể dung nhập Trung Quốc vào cộng đồng quốc tế. Khó khăn nảy sinh từ việc Mỹ mong muốn khiến Trung Quốc trở nên dân chủ hơn. Trung Quốc phẫn uất và kháng cự lại việc này, coi việc này như can thiệp vào vấn đề nội bộ của nó. Những cường quốc bên ngoài không thể nhào nặn Trung Quốc theo cách họ muốn. Xã hội Mỹ quá đa nguyên, các lợi ích bị phân tán quá nhiều để có một góc nhìn chung và duy nhất về Trung Quốc. Đôi khi dòng quan điểm ở Mỹ đã khiến người Trung Quốc tự hỏi rằng liệu can dự (engagement) của Hoa Kỳ có thực sự không đồng nghĩa là một cam kết chiến tranh (engagement in combat) hay không.[1] Trung Quốc cần phải được thuyết phục rằng Hoa Kỳ không muốn làm Trung Quốc tan rã trước khi Trung Quốc sẵn lòng bàn bạc các câu hỏi về ổn định và an ninh thế giới.

Liệu các chính sách và hành động của Hoa Kỳ có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới quỹ đạo và hành vi của Trung Quốc khi nó nổi lên như một cường quốc hay không?

Có chứ, tất nhiên rồi. Nếu Hoa Kỳ cố gắng làm bẽ mặt Trung Quốc, ghìm Trung Quôc xuống, nó sẽ tự kiếm thêm một kẻ thù. Nếu ngược lại, nó chấp nhận Trung Quốc là một nước lớn, hùng mạnh, đang lên và cho Trung Quốc một chỗ ngồi trong ban quản trị, Trung Quốc sẽ nhận lấy vị trí đó trong tương lai gần. Vậy nên nếu tôi là một người Mỹ, tôi sẽ nói tốt về Trung Quốc, công nhận nó là một cường quốc, chào mừng việc nó trở lại vị trí được tôn trọng, sự phục hồi quá khứ hào hùng của nó, và đưa ra các đề nghị rành mạch, cụ thể về các cách làm việc cùng nhau.

Tại sao hiện tại Hoa Kỳ lại cố tranh đấu với Trung Quốc khi nó biết rằng làm vậy sẽ tạo nên một kẻ địch không cần thiết trong một thời gian rất dài, một thế lực sẽ còn mạnh hơn nữa và sẽ coi Hoa Kỳ như một kẻ thù? Điều đó là không cần thiết. Hoa Kỳ nên nói rằng: “Chúng ta cuối cùng sẽ ngang hàng, anh thậm chí sẽ có thể còn lớn hơn tôi, nhưng chúng ta cần phải làm việc cùng với nhau. Hãy ngồi xuống, và chúng ta sẽ cùng thảo luận về các vấn đề của thế giới.”

Đây là quyết định mang tính nền tảng mà Hoa Kỳ phải làm: hợp tác cùng hoặc cô lập Trung Quốc. Bạn không thể làm cả hai việc. Bạn không thể nói rằng bạn sẽ hợp tác với Trung Quốc trong một vài lĩnh vực và cô lập nó trong các lĩnh vực khác. Bạn không thể trộn lẫn các luồng tín hiệu của bạn.

Ảnh hưởng lớn nhất trong dài hạn của Hoa Kỳ lên Trung Quốc đến từ việc Hoa Kỳ là nơi thu nhận hàng ngàn sinh viên đến từ Trung Quốc mỗi năm, một phần trong số đó là những học giả và nhà khoa học xuất sắc nhất của Trung Quốc. Họ sẽ là tác nhân mạnh mẽ nhất dẫn đến thay đổi ở Trung Quốc.

Khi Trung Quốc đã phát triển gần đến mức nó có đủ tiềm lực để can thiệp sâu vào khu vực, nó sẽ đưa ra một lựa chọn định mệnh – đó là trở thành một nước bá quyền, sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để tạo ra vùng ảnh hưởng, hay tiếp tục như một công dân toàn cầu gương mẫu. Việc mọi người cần làm vì lợi ích của chính mình là trước khi thời khắc đó tới, Trung Quốc nên được khuyến khích bằng mọi cách để chọn lấy hợp tác quốc tế, thứ sẽ hấp thu lấy năng lượng của nó một cách xây dựng trong khoảng 50 đến 100 năm tới. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải có những cơ hội kinh tế để làm điều này một cách hòa bình mà không phải lên gân để có được những nguồn tài nguyên như dầu, và được tiếp cận với những thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của nó. Nếu Trung Quốc không có được một con đường như vậy, thế giới sẽ phải chung sống với một Trung Quốc hung hăng. Hoa Kỳ có thể thông qua đối thoại và hợp tác với Trung Quốc để soạn ra một lộ trình nhằm quản lý sự quá độ của Trung Quốc thành một cường quốc trong 20 đến 30 năm tới.

Trung Quốc là một nền văn minh lâu đời và sẽ không dễ bị thay đổi bởi các áp lực bên ngoài hay các lệnh trừng phạt. Nhưng thay đổi sẽ tới khi các nhà lãnh đạo, các nhà tư tưởng, và các trí thức của họ bị thuyết phục bởi chính họ rằng chấp nhận một vài thuộc tính hay đặc điểm của các xã hội khác sẽ có lợi cho Trung Quốc.

Cách tốt nhất để tăng tốc lộ trình và hướng thay đổi chính trị ở Trung Quốc là gia tăng các mối liên kết thương mại và đầu tư của nó với thế giới. Khi đó sự thịnh vượng của Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào tính tương thích của hệ thống kinh tế của nó với các nước giao thương chính. Và các tiếp xúc rộng khắp đó sẽ ảnh hưởng và thay đổi các giá trị văn hóa và đạo đức của Trung Quốc.

Dung nạp Trung Quốc vào hệ thống toàn cầu sẽ tạo nên lợi ích bất di bất dịch cho Trung Quốc nếu nó tuân theo các nguyên tắc quốc tế. Điều này sẽ gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau của Trung Quốc vào thương mại, dịch vụ, đầu tư, công nghệ, và thông tin. Các mối liên kết phụ thuộc lẫn nhau này có thể gia tăng tới mức nếu đơn phương phá vỡ những giao ước quốc tế có thể dẫn tới những hậu quả không thể bù đắp nổi.

Hòa bình và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào liệu Trung Quốc sẽ nổi lên như một thế lực theo chủ nghĩa sô-vanh, bài ngoại, gay gắt và thù địch với phương Tây bởi phương Tây đã cố làm chậm hoặc phá hoại sự phát triển của Trung Quốc, hay nó sẽ trở thành một quốc gia có giáo dục và đi chung trên những con đường của thế giới— đại đồng hơn, quốc tế hóa và có cái nhìn hướng ngoại hơn.

Các chính sách và hành động của Trung Quốc nên điều chỉnh như thế nào để tạo nên một mối quan hệ hợp tác vững vàng với Hoa Kỳ?

Trong giai đoạn 1945 đến 1991, Trung Quốc đã vướng vào một loạt các cuộc chiến tranh vốn đã gần như hủy hoại họ. Thế hệ đó đã trải qua địa ngục: Cuộc Đại Nhảy Vọt, đói khát, chết đói, gần như xung đột với người Nga — cuộc Cách Mạng Văn Hóa điên rồ. Tôi không hề nghi ngờ thế hệ này mong muốn một cuộc trỗi dậy hòa bình. Nhưng cháu của họ thì sao? Họ nghĩ rằng họ đã “tới”, và nếu họ bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình, chúng ta sẽ có một Trung Quốc rất khác. Lũ cháu không bao giờ nghe lời những người ông. Vấn đề còn lại còn cốt yếu hơn nữa: Nếu bạn tin rằng thế giới đã tàn nhẫn với bạn, đã bóc lột bạn, các nước đế quốc đã tàn phá bạn, cướp bóc Bắc Kinh, làm tất cả điều này với bạn – thì điều này thật không ổn. Nếu tôi là Mỹ, Châu Âu, hoặc Nhật Bản, tôi sẽ dành thời gian để đảm bảo rằng suy nghĩ của thế hệ trẻ hơn nay sẽ không phải dưới dạng thù địch, mà dưới dạng tán thành, và hiểu rằng bây giờ họ là một bên liên quan (stakeholder), một cách miêu tả thật thông minh của Bob Zoellick về vai trò của họ. Hãy khiến họ cảm thấy rằng họ cũng là các bên liên quan, và nếu trái đất này trở nên ấm hơn, họ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề như bất cứ ai khác.

Việc tối cần thiết là khiến thế hệ trẻ hơn của Trung Quốc, những người mới chỉ sống trong thời kì hòa bình và phát triển và không có kinh nghiệm về quá khứ đầy biến động của Trung Quốc, hiểu rõ về những sai lầm Trung Quốc vấp phải bởi sự ngạo mạn và thừa mứa ý thức hệ. Họ phải được thấm nhuần bởi những giá trị và thái độ đúng để tiến tới tương lai với sự khiêm tốn và trách nhiệm.  Những tác giả của học thuyết trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc nhận thức rõ ràng và sâu sắc rằng cùng với việc Trung Quốc hồi phục trở lại, nó cần có trách nhiệm và có lợi ích trong việc đảm bảo với các nước láng giềng, rộng hơn là cả thế giới, rằng sự trỗi dậy của nó là ôn hòa, không phải là một mối đe dọa mà là một mối lợi cho thế giới, và nó sẽ cố gắng tránh sự chia rẽ và xung đột. Trung Quốc hiểu về những vấn đề mà sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nó sẽ gây ảnh hưởng tới thế giới, và nó mong muốn được làm việc cùng nhau với cộng đồng quốc tế để giảm thiểu tối đa sự nhiễu loạn này. Sẽ tốt cho Trung Quốc nếu nó học được cách giảm thiểu những tác động bất lợi cho sự tăng trưởng của mình.

Những cách để Trung Quốc biểu lộ ưu thế sẽ khá khác biệt so với giai đoạn trước đó. Hãy lấy trường hợp hiện nay của Đông Á, nơi họ chắc chắn đã gây dựng nên một vị thế kinh tế vượt trội trong quan hệ với các nước láng giềng, và sử dụng vị thế đó cùng với quyền tiếp cận với thị trường 1,3 tỉ người và các nguồn đầu tư đáng kể vào các nước khác để tạo thuận lợi cho họ. Nếu các quốc gia và doanh nghiệp không chấp nhận vị thế của Trung Quốc và tôn trọng họ một cách thích hợp, họ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa bị cách ly khỏi một thị trường 1,3 tỉ người đang phát triển nhanh chóng.

Gramham Allison là giám đốc của Trung tâm Khoa học và Quan hệ Quốc tế Belfer và là Giáo sư tại trường Quản trị John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Robert D. Blackwill là Nghiên cứu viên cao cấp về Chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

—————–

[1] Trong tiếng Anh, từ engagement vừa có nghĩa là can dự, hợp tác với ai đó, vừa có nghĩa là nghênh chiến (trong chiến tranh) với một đội quân nào đó (NBT).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]