Các quan niệm gây chia rẽ Mỹ – Trung

Print Friendly, PDF & Email

USChina

Nguồn: Gideon Rachman, “The ideas that divide China and America”, Financial Times, 28/09/2015.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Washington tin vào các giá trị phổ quát và sự tiến bộ tất yếu trong khi Bắc Kinh thì không.

Các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc không thật sự biết cách nói chuyện với nhau. Họ như những chiếc máy tính được chạy trên các hệ điều hành khác nhau vậy”. Đó là nhận định tôi nghe được từ một quan chức Mỹ, người đã theo dõi cận cảnh nhiều hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung. Vậy nên tôi vẫn có những nghi ngờ dù cả hai bên đều nhấn mạnh rằng cuộc gặp cuối tuần trước giữa chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Barrack Obama có tính chất xây dựng. Trung Quốc và Mỹ có sự khác biệt sâu sắc trong cách họ nhìn nhận thế giới. Tôi nhận thấy có năm điểm tương phản lớn.

1. Tuần hoàn và tuyến tính: Trung Quốc có một lịch sử rất lâu dài. Mỹ có một lịch sử rất ngắn. Ông Tập thích chỉ ra rằng “Trung Quốc là một nền văn minh cổ đại. Chúng tôi có 5.000 năm lịch sử”. Ngược lại, Mỹ mới chỉ tồn tại hơn 250 năm.

Sự khác biệt trong cách nhìn này có một tác động sâu sắc lên cách mà lãnh đạo hai nước suy nghĩ về thế giới. Nói chung, người Trung Quốc suy nghĩ dựa trên các chu kỳ, vì lịch sử Trung Quốc được ghi nhận bằng sự trỗi dậy và sụp đổ của các triều đại. Các giai đoạn tốt đẹp kéo dài hàng thế kỉ được nối tiếp bởi các giai đoạn tồi tệ cũng có thể kéo dài hàng thế kỷ. Ngược lại, kể từ năm 1776, nước Mỹ về cơ bản mới chỉ đi theo một hướng duy nhất – hướng tới sức mạnh quốc gia và thịnh vượng cá nhân lớn hơn. Vì vậy, các chính trị gia Mỹ thường nghĩ về lịch sử theo kiểu tuyến tính và tin rằng tiến bộ là quy luật tự nhiên.

2. Thuyết phổ quát và thuyết đặc thù: Tín điều nền tảng của nước Mỹ là “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và có những quyền bất khả xâm phạm. Hiểu rộng ra thì niềm tin bản năng của Mỹ là các giá trị như tự do và dân chủ nên được áp dụng ở tất cả mọi nơi. Trái lại, người Trung Quốc là những người riêng biệt. Họ tin rằng cái gì đúng với Trung Quốc không nhất thiết phải đúng với thế giới và ngược lại. Sự khác biệt trong tư duy này là nền tảng của sự tương phản giữa Mỹ và Trung Quốc trong cách tiếp cận đối với việc can thiệp vào các xung đột ở nước ngoài và bảo vệ nhân quyền.

3. Ý thức hệ và sắc tộc: Nước Mỹ được xây dựng trên những tư tưởng được thể hiện trong Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Mỹ. Hàng triệu người đã trở thành người Mỹ bằng cách sống ở Mỹ và chấp nhận những ý tưởng đó. Ngược lại, Trung Quốc có một cách nhìn mang tính sắc tộc nhiều hơn trong cách định nghĩa thế nào là một người Trung Quốc. Nếu tôi chuyển qua Mỹ, tôi có thể thành người “Mỹ” khá nhanh chóng và các con tôi chắc chắn sẽ là người Mỹ. Nhưng chuyển tới Trung Quốc sẽ không biến con tôi thành người Trung Quốc. Kết quả là người Trung Quốc và người Mỹ thường có các giả định khác nhau về các quan niệm quan trọng như tư cách quốc gia, quyền công dân và nhập cư.

4. Cá nhân và tập thể: Các lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh quyền cá nhân. Các lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh lợi ích tập thể. Sự khác biệt giữa chủ nghĩa cá nhân của Mỹ và chủ nghĩa tập thể của Trung Quốc thể hiện ở thái độ của họ đối với chính quyền. Ở Mỹ, quan niệm rằng cá nhân cần được bảo vệ trước một nhà nước quá quyền uy được đưa vào hiến pháp và các diễn ngôn chính trị. Ở Trung Quốc, quan điểm cho rằng một chính quyền mạnh là cách tốt nhất để bảo đảm cho đất nước tránh được những “rối loạn” đã từng dẫn tới nội chiến và đổ máu là quan điểm phổ biến hơn. Rất nhiều người Mỹ cho rằng cách biện luận này của người Trung Quốc đơn giản chỉ phản ánh lợi ích riêng của Đảng Cộng sản nước này. Tuy nhiên nó cũng có các gốc rễ lịch sử sâu xa. Nguồn gốc của việc người Mỹ nhấn mạnh quyền cá nhân chính là cuộc chiến giành độc lập trong thế kỷ 18. Ngược lại, khi nhấn mạnh về sự cần thiết của một chính quyền mạnh, các lãnh đạo Trung Quốc thường ám chỉ một cách vô thức tới thời “Xuân Thu Chiến Quốc” bắt đầu từ năm 476 TCN.

5. Quyền và hệ thống thứ bậc: Thái độ đối với chính quyền khác nhau dẫn tới các quan niệm trái ngược về điều tạo nên sự ổn định của xã hội. Mỹ nhấn mạnh quyền cá nhân và luật pháp. Nhưng cho dù giờ có nhiều tranh luận ở Trung Quốc về nhu cầu củng cố “chế độ pháp quyền”, Đảng Cộng sản cũng đang thúc đẩy Khổng giáo, một truyền thống vốn nhấn mạnh hệ thống thứ bậc và bổn phận như là một yếu tố rất cần thiết để xã hội có thể vận hành trơn tru. Một lần nữa, điều này có những tác động tới quan hệ quốc tế vì nó ảnh hưởng đến cách Trung Quốc nhìn nhận mối quan hệ được cho là “phù hợp” giữa các nước lớn, như Trung Quốc, với các nước láng giềng nhỏ hơn.

Kích cỡ của Trung Quốc luôn định hình cách nước này nhìn thế giới bên ngoài. Nhưng cuối cùng, đây lại là một sự tương đồng lớn với Mỹ. Cả hai nước điều có tâm tính của một Vương quốc Trung tâm. Quan niệm về Vương quốc Trung tâm đã bén rễ vào quá khứ của Trung Quốc. Một nhà sử học miêu tả đó là “việc có niềm tin phi thường rằng mảnh đất của họ là trung tâm của mọi thứ”. Niềm tin này đã bị lung lay ít nhiều vì “thế kỷ ô nhục” bắt đầu hồi thập niên 1840, khi người Châu Âu và đế quốc Nhật Bản đánh bại Trung Quốc trong chiến tranh. Nhưng một Trung Quốc đang trở lại giờ đây thường bị cáo buộc là đang trở lại não trạng Vương quốc Trung tâm, đặc biệt là trong cách nước này cư xử với phần còn lại của châu Á.

Trong khi đó, Mỹ đã quen với vai trò là siêu cường duy nhất trên thế giới. Các chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn dựa trên niềm tin rằng Mỹ là “cường quốc không thế thiếu” trong việc bảo đảm trật tự toàn cầu. Các tổng thống Mỹ, như các hoàng đế Trung Hoa xưa, đã quen với việc nhận những lời ca tụng hào phóng từ các nước khác.

Cũng an ủi phần nào khi biết rằng ít nhất thì Trung Quốc và Mỹ cũng rất giống nhau trên một phương diện nào đó. Vấn đề là khi cả hai đều có thể coi mình là “Vương quốc Trung tâm”, thì cả hai không thể cùng đúng./.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”620″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]