#259 – Giải quyết tranh chấp và UNCLOS: Vấn đề tình trạng phân tán và thẩm quyền

timthumb

Nguồn: Alan E. Boyle* (1997), “Dispute Settlement and the Law of the Sea Convention: Problems of Fragmentation and Jurisdiction”, International and Comparative Law Quarterly, Vol. 46, No. 1, pp 37-54.

Biên dịch & Hiệu đính: Đinh Ngân Hà

  1. Giới thiệu

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (“UNCLOS”) có hiệu lực từ ngày 16 tháng 11 năm 1994 có thể được xem là một bước phát triển quan trọng nhất trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế kể từ khi Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế được thông qua. Công ước không chỉ thiết lập nên một tòa án quốc tế mới, Tòa án Luật biển Quốc tế (“ITLOS”), mà còn xác lập các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc liên quan đến các Quốc gia, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương (“ISBA”), các đối tác hợp đồng khai khoáng ở đáy đại dương, và có thể cả nhiều bên khác. Việc thực hiện Công ước đã tạo ra một loạt các tranh chấp mới giữa các Quốc gia, chưa kể đến các vụ việc đang được Tòa án Quốc tế thụ lý. Việc thiết lập Tòa ITLOS không chỉ mở ra khả năng mới cho việc giải quyết các tranh chấp này mà còn có tác động đến vai trò tương lai của Tòa án Quốc tế và các tòa trọng tài tạm thời (ad hoc) trong lĩnh vực luật biển và luật pháp quốc tế nói chung.

Tòa ITLOS được thiết lập sẽ góp phần vào việc phổ biến hơn nữa các cơ quan tài phán quốc tế và cũng là nguy cơ làm gia tăng tình trạng phân tán của các quy định luật thực chất và thủ tục hiện có để giải quyết tranh chấp. Thẩm phán Oda và Guillaume lập luận rằng Tòa ITLOS là một thiết chế vô nghĩa, và rằng các nhà đàm phán UNCLOS đã sai lầm khi tước bỏ vai trò trung tâm của Tòa án Quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về biển và việc thiết lập một tòa án chuyên biệt có thể phá huỷ sự thống nhất của luật pháp quốc tế.[1] Hai thẩm phán cho rằng luật biển là một ngành luật quan trọng trong luật pháp quốc tế và bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc áp dụng và giải thích ngành luật này nên được xem như thuộc phạm vi giải quyết của Tòa án Quốc tế. Mặc dù hai thẩm phán đồng ý rằng các thiết chế chuyên biệt hơn có thể thích hợp hơn cho một số loại tranh chấp, ví dụ như các tranh chấp về chuyên môn kỹ thuật hay việc áp dụng nguyên tắc công bằng, quan điểm cốt lõi của hai thẩm phán cho rằng chỉ nên có một cơ quan tài phán duy nhất – Tòa án Quốc tế – thực hiện trọng trách phát triển một cách thống nhất một hệ thống luật pháp quốc tế duy nhất. Mục đích của bài viết này nhằm xem xét mức độ hợp lý của những quan ngại đối với tình trạng phân tán trên, và xét một cách thực tế hơn, việc UNCLOS 1982 thiết lập một hệ thống mới và khá phức tạp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc tố tụng các tranh chấp luật biển, và vai trò nào mà một tòa ITLOS mới có thể đảm nhận.

  1. Cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS

A. Vai trò của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc trong UNCLOS

Việc nhấn mạnh các thủ tục giải quyết tranh chấp trong UNCLOS 1982 – và cụ thể là tập trung vào các thủ tục bắt buộc có tính ràng buộc – phản ánh ba mục tiêu trọng tâm của các nhà đàm phán khi thông qua cơ chế này.[2] Ba mục tiêu này sẽ được trình bày rõ sau đây.

Thứ nhất, Công ước được dự kiến là một bộ quy tắc toàn diện về luật biển xét một cách tổng thể, bao quát mọi vấn đề liên quan trong một văn bản duy nhất. Thứ hai, Công ước được dự kiến sẽ có tính chất phổ quát, một bộ quy tắc có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất có thể từ phía các Quốc gia và có thể, ở mức độ lớn nhất, thể hiện một sự đồng thuận quan điểm. Thứ ba, Công ước được dự kiến là một văn bản thống nhất, một “thỏa thuận trọn gói”, chỉ có thể được phê chuẩn toàn bộ, và không có bất cứ bảo lưu nào. Do Công ước là một thỏa thuận với rất nhiều điểm đã từng gây tranh cãi, nhiều điểm mới và nhiều điểm còn chưa được giải quyết, nó rõ ràng thể hiện một sự cân bằng lợi ích phức tạp và ghi nhận nhiều điều khoản mơ hồ hay không chắc chắn về mặt bản chất. Trong bối cảnh đó cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc có tính ràng buộc đóng vai trò gắn kết toàn bộ cấu trúc Công ước và bảo đảm Công ước tiếp tục nhận được sự ủng hộ và chấp nhận của tất cả các thành viên. Nếu không có quy chế này Công ước tất yếu sẽ bị giải thích và áp dụng khác nhau giữa các quốc gia khác nhau, thậm chí cả khi các quốc gia hoàn toàn thiện chí. Như Ngài Ian Sinclair đã giải thích: “Điều quan trọng – và thực chất là trọng yếu – là  luôn cần có sự tồn tại mặc nhiên của các thủ tục giải quyết tranh chấp trong bối cảnh để kiểm tra tính hợp lý của các yêu sách.”[3] Do đó các mục tiêu chính của các điều khoản Công ước về giải quyết tranh chấp nhằm quy định các cơ chế có thẩm quyền quyết định các vấn đề liên quan đến “giải thích hay áp dụng” điều ước, nhằm đảm bảo sự toàn vẹn của văn bản, và nhằm kiểm soát việc thực thi và phát triển của các Quốc gia thành viên.[4] Từ quan điểm này cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc được thiết kế nhằm ngăn chặn sự phân tán của luật biển.

Một mục đích khác, và là một trong những lý do chính của việc thiết lập riêng một Viện Giải quyết Tranh chấp liên quan đến đáy biển, là nhằm bảo đảm rằng sẽ luôn tồn tại một diễn đàn có thể giải quyết các vụ việc liên quan đến cả quốc gia và các chủ thể khác.[5] Các quyền hạn và trách nhiệm được giao cho Cơ quan Quyền lực Đáy đại dương đặt ra yêu cầu rằng cơ quan này nên có quyền khởi kiện các Quốc gia để yêu cầu thực thi một số các quy định nhất định của điều ước và có thể bị các Quốc gia hay các đối tác tư nhân khai thác vùng đáy khởi kiện nếu cơ quan này sử dụng sai hoặc vượt quá quyền hạn được giao. Do đó Viện Giải quyết Tranh chấp liên quan đến đáy biển là một cơ quan độc nhất trong số các cơ quan tài phán quốc tế, về mặt các loại chủ thể tham gia tranh chấp mà nó thực thi thẩm quyền bắt buộc. Tuy vậy, Tòa ITLOS cũng có thẩm quyền rộng rãi hơn về chủ thể tranh chấp (ratione personae) so với Tòa án Quốc tế. Mặc dù trong các vụ việc bắt buộc thẩm quyền của toà bị hạn chế chỉ xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia, thẩm quyền theo thỏa thuận chung của Toà ITLOS có thể được mở rộng đến các chủ thể khác bao gồm tổ chức quốc tế và thậm chí các tổ chức phi chính phủ.[6] Do đó, nhìn chung với việc mở rộng các loại chủ thể có thể tiến hành tố tụng quốc tế Công ước có thể được xem như đang tìm cách để tránh tình trạng phân tán của các tranh chấp và thúc đẩy sự toàn vẹn, thống nhất và toàn diện.

Tuy nhiên nếu xem xét kỹ càng hơn các khía cạnh khác của cơ chế trong Công ước có thể thấy rằng theo nhiều cách khác nhau tình trạng phân tán là một phần của cái giá phải trả cho việc bảo đảm sự đồng thuận về một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc có tính ràng buộc. Do đó cái mà chúng ta đối mặt không chỉ là vấn đề lý thuyết về sự thống nhất của luật pháp quốc tế mà còn là một vấn đề vô cùng thực tế về việc xử lý các tranh chấp phức tạp trong một cấu trúc, mà như chúng ta đã thấy, dự kiến trước sự gia tăng đáng kể của việc sử dụng cơ chế giải quyết bắt buộc. Các vấn đề này phát sinh từ hai đặc điểm chính định hình nên Phần XV của Công ước: cách tiếp cận “tùy chọn” về các cơ quan giải quyết tranh chấp, và cách tiếp cận “theo lát cắt” về các vấn đề pháp lý, yêu cầu một sự phân loại đôi khi tùy tiện về các loại tranh chấp khác nhau, với kết quả khác nhau đối với hình thức giải quyết tranh chấp và khả năng về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bắt buộc.

B. Cách tiếp cận “tùy chọn”

Vấn đề quan trọng ở đây là một loạt các cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Công ước. Trong suốt quá trình đàm phán, những bất đồng về vấn đề thủ tục nào là thích hợp và phù hợp nhất dẫn đến hệ quả là không một diễn đàn nào được trao thẩm quyền bắt buộc chung.[7] Khối các nước Xô-viết tiếp tục phản đối mọi hình thức giải quyết tài phán nhưng sẽ chấp nhận hình thức trọng tài. Nhiều quốc gia đang phát triển, và một số các nước phương tây như Pháp, không chấp nhận Tòa án Quốc tế, nhưng một số nước sẽ chấp thuận một tòa án chuyên biệt về luật biển được cơ cấu theo một cách khác, kết quả sau này chính là Tòa ITLOS. Sự phản đối đối với Tòa án Quốc tế đồng nghĩa với việc toà này không thể là cơ quan duy nhất hay thậm chí là cơ quan chính yếu để giải quyết các tranh chấp luật biển, giống như vai trò của toà như theo quy định của Nghị định thư tùy chọn của các Công ước Geneva 1958. Các Quốc gia khác, mặc dù về nguyên tắc không phản đối bất kỳ thủ tục cụ thể nào, cũng không tin tưởng rằng các tranh chấp với tính chất và loại hình khác xa nhau lại có thể được giải quyết thỏa đáng bởi duy nhất một cơ quan giải quyết tranh chấp.

Giải pháp cho vấn đề này, được ghi nhận trong văn bản được gọi là “công thức Montreux”, cho phép một sự linh hoạt trong việc lựa chọn một hoặc nhiều thủ tục khác nhau để giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Phần XV.[8] Bốn thủ tục theo cách tiếp cận “tùy chọn” này bao gồm:

  • Tòa án Luật biển Quốc tế;
  • Tòa án Công lý quốc tế;
  • Trọng tài;
  • Trọng tài đặc biệt.

Các Quốc gia có thể đưa ra tuyên bố nêu rõ thủ tục bắt buộc nào mà mình ưu tiên lựa chọn tại bất kỳ thời điểm nào và tuyên bố này có thể được hủy bỏ hay sửa đổi sau khi thông báo trước ba tháng. Nếu quốc gia không đưa ra tuyên bố, đây là tình trạng chung của hầu hết các thành viên Công ước cho đến thời điểm này, hoặc nếu các bên tranh chấp có sự lựa chọn khác nhau, trọng tài sẽ là thủ tục được mặc định, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.[9] Để mô tả hệ thống này một cách đơn giản hơn, trọng tài là thủ tục bắt buộc trừ khi các bên tranh chấp đã đồng thuận trước đó hoặc đồng ý một cách tạm thời giải quyết tranh chấp theo một cách khác.

Các phân tích này minh chứng tình trạng phân tán trên thực tế hay tiềm ẩn ở hai ý nghĩa: không có một diễn đàn duy nhất nào cho các tranh chấp phát sinh từ Công ước và cũng không có một cơ chế nào đảm bảo sự thống nhất về mặt kết quả giữa các vụ việc tương tự nếu được giải quyết trước các cơ quan tài phán khác nhau. Nhưng đây đều không phải là những vấn đề mới. Từ năm 1958 Tòa án Quốc tế đã giải quyết thực chất bảy vụ việc liên quan chủ yếu hay một phần đến luật biển;[10] trong cùng giai đoạn đó cũng có bảy phán quyết trọng tài quốc tế về cùng vấn đề trên.[11] Hầu hết các vụ việc này liên quan đến phân định biên giới trên biển hoặc về đánh bắt cá. Khoa học pháp lý luật biển chắc chắn đã phát triển trong suốt giai đoạn này; có thể có tranh cãi về việc liệu rằng luật biển quốc tế đã được cải thiện nhưng chưa xuất hiện tình trạng phân tán đáng kể. Mặc dù quan điểm của các tòa án về các vấn đề như giải thích Điều 6 Công ước về Thềm lục địa hay bản chất pháp lý của thềm lục địa đã có sự thay đổi nhất định, chưa có xung đột rõ ràng nào giữa một bên là các phán quyết của Tòa án Quốc tế với một bên là phán quyết của các tòa trọng tài. Khoa học pháp lý có thể không là một mạng lưới liền mạch, nhưng tính chất tiếp nối của nó vượt trội hơn hẳn so với tính xung đột. Sẽ là thích đáng khi nhận định rằng sự cạnh tranh có thể giúp khoa học pháp lý phát triển và có tác động tốt đến các tiến trình pháp lý.[12]

Từ khía cạnh này, các quan ngại của Thẩm phán Oda về sự thống nhất của luật pháp quốc tế xuất phát từ việc phổ biến các cơ quan tài phán và từ cách tiếp cận “tùy chọn” trong việc lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp có vẻ như là một sự phóng đại. Hoàn toàn không chắc chắn khi cho rằng Tòa án Quốc tế sẽ không còn đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết các tranh chấp luật biển, hoặc các vụ việc sẽ nhất thiết được đệ trình lên ITLOS hơn là lên trọng tài. Ở đây, rõ ràng là các thành viên UNCLOS 1982 có quyền lựa chọn thực chất về diễn đàn giải quyết tranh chấp giữa họ. Trong trường hợp số lượng vụ việc tăng đáng kể, và dẫn đến việc sử dụng đầy đủ bốn thủ tục bắt buộc trên, vấn đề về tính nhất quán và tiếp nối trong khoa học pháp lý luật biển mới có thể sẽ nảy sinh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, các dạng khác của tình trạng phân tán – nổi bật là sự “cắt lát” các tranh chấp có vẻ có vấn đề hơn.

C. Cách tiếp cận “theo lát cắt” các tranh chấp

Vấn đề chúng ta vừa xem xét là việc cùng một loại tranh chấp có thể được đưa ra bốn cơ quan tài phán khác nhau, nhưng trong mọi trường hợp, kết quả cuối đều dẫn tới những phán quyết mang tính ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp. Bây giờ, chúng ta chuyển sang một vấn đề tinh vi và phức tạp hơn liên quan tới việc phải phân loại và chia các tranh chấp thành các loại khác nhau, trong đó một vài loại sẽ dẫn đến thủ tục giải quyết bắt buộc có tính ràng buộc, một vài loại khác sẽ không. Điều này gần như làm cho việc giải quyết một số tranh chấp – đặc biệt là giải quyết tranh chấp bắt buộc – khó khăn hơn nếu không nói là không thể. Các loại tranh chấp chúng ta quan tâm nhất ở đây là một số tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế (“EEZ”) nhất định, phân định biển, danh nghĩa lịch sử và các tranh chấp về đáy đại dương. Ngoại trừ các tranh chấp về đáy đại dương thì việc phân loại các tranh chấp trên không có cơ sở chức năng. Nói cách khác, các tranh chấp này không được giải quyết một cách khác biệt vì lý do tồn tại một số cách thức xử lý khác thích hợp hơn, mặc dù trong một vài trường hợp đúng là như vậy, mà bởi các tranh chấp này liên quan đến các vấn đề có tính nhạy cảm chính trị và liên quan đến nhiều quy định có cấu trúc mở và linh hoạt, ví dụ như việc phân định biển dựa trên các nguyên tắc công bằng. Sự ngần ngại của một số Quốc gia khi cam kết sẽ giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc trong hầu hết các vụ việc thuộc loại này là khá lớn và có thể hiểu được, cụ thể như liên quan đến đánh bắt cá hay biên giới, tuy vậy nó đã làm tổn hại nghiêm trọng đến sự toàn vẹn chung của Công ước.

  1. Các tranh chấp liên quan đến vùng EEZ

Các tranh chấp này đại diện cho các vấn đề phức tạp nhất trong giải quyết tranh chấp. Tác động thực tế của Điều 297 Công ước là sự tồn tại cơ chế giải quyết bắt buộc và ràng buộc đối với các tranh chấp vùng EEZ liên quan đến vấn đề giao thông hàng hải hay bảo vệ môi trường, nhưng không tồn tại một cơ chế tương tự để giải quyết được các tranh chấp liên quan đến việc thực thi thẩm quyền của Quốc gia ven biển đối với hoạt động đánh bắt cá và nghiên cứu khoa học biển ở vùng EEZ. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi một vài (nhưng không phải tất cả) tranh chấp nghề cá bị loại trừ khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc có tính ràng buộc và sẽ được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải bắt buộc nhưng không có tính ràng buộc. Cuối cùng, theo Điều 298 các Quốc gia có thể lựa chọn loại trừ khỏi cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc một số tranh chấp liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật trong vùng EEZ liên quan đến đánh bắt cá hay nghiên cứu khoa học.

Việc đưa các tranh chấp hàng hải và bảo vệ môi trường vào trong phạm vi của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm mục đích giới hạn các yêu sách của Quốc gia ven biển “mở rộng thẩm quyền” của mình đối với hoạt động hàng hải trong vùng EEZ, và sẽ gia cố sự cân bằng được thiết lập ở Phần V và XII theo hướng ưu tiên cho tự do hàng hải.[13] Nhưng việc đồng thời rất nhiều vấn đề quan trọng khác nằm ngoài phạm vi của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc này sẽ khiến cơ chế hầu như sẽ không có tác động đáng kể nào đối với các yêu sách vốn đã hạn chế của các Quốc gia trong việc đánh bắt cá và nghiên cứu khoa học trong vùng EEZ của nước khác. Các quyền cho các quốc gia khác được quy định trong Điều 62, 69, 70 và 246 chỉ có thể được thực thi thông qua thỏa thuận và, trong trường hợp liên quan đến đánh bắt cá, chỉ dựa vào các quy định mang tính tuỳ nghi liên quan đến các quyết định chủ quan về bảo tồn, năng lực đánh bắt và tổng sản lượng đánh bắt được phép. Các quy định giải quyết tranh chấp ở vùng EEZ phản ánh thực tế là việc quản lý tài nguyên vùng EEZ phần lớn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc gia ven biển,[14] điều này càng được củng cố bởi các quy định của Điều 297(2) và 197(3), theo đó ngăn cấm ủy ban hòa giải xem xét thẩm quyền quyết định của Quốc gia ven biển trong lĩnh vực nghiên cứu, hay thay thế thẩm quyền của Quốc gia ven biển bằng thẩm quyền của ủy ban trong các vấn đề đánh bắt cá.

Ngược lại, các tranh chấp về đánh bắt cá và nghiên cứu khoa học ở vùng biển cả hoàn toàn nằm trong các quy định của Công ước về giải quyết tranh chấp bắt buộc có tính ràng buộc. Do đó, liên quan đến đánh bắt cá, câu hỏi trọng tâm là liệu tranh chấp liên quan đến tự do biển cả hay quyền chủ quyền của Quốc gia ven biển trong vùng EEZ. Nhưng nếu tranh chấp liên quan đến cả hai thì sao? Hầu hết các tranh chấp đánh bắt cá khó giải quyết nảy sinh khi các nguồn cá vắt ngang qua một hay nhiều vùng EEZ, hay ngang qua vùng EEZ và vùng biển cả. Trường hợp này đã xảy ra trong tranh chấp giữa Canada và Tây Ban Nha ở vùng Tây Bắc Đại Tây Dương, và ở vùng biển Bắc Thái Bình Dương/Biển Bering.[15] Đối với hầu hết các tranh chấp thuộc dạng này, sẽ là vô nghĩa nếu tách biệt vấn đề đánh bắt cá ở biển cả khỏi vấn đề quản lý nguồn cá trong vùng EEZ liền kề. Việc đánh bắt cá quá mức hay quản lý kém trong một khu vực sẽ nhất thiết gây ra tác động đến khu vực khác. Điều này hiện hữu một cách rõ ràng trong tranh chấp giữa Canada và Tây Ban Nha. Trong khi Canada được cho là có lợi thế khi khiếu nại về hoạt động đánh bắt cá ở biển cả của Tây Ban Nha và các Quốc gia khác thuộc EU, và tranh chấp thuộc dạng đó sẽ nằm trong phạm vi thẩm quyền của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc, chính Canada đã thừa nhận rằng việc quản lý vùng EEZ của nước này đã gây ra tình trạng đánh bắt quá mức.[16] Tuy vậy khía cạnh này của tranh chấp có vẻ như không ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Công ước. Hệ quả của điều này là các bên có hai lựa chọn:

  • Thỏa thuận một bản đệ trình chung bao quát tất cả các vấn đề tranh chấp và nộp lên một cơ quan tài phán mà cả hai đồng ý lựa chọn;
  • Chỉ đệ trình các vấn đề liên quan đến biển cả lên cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc.

Điểm yếu của lựa chọn thứ nhất chính là yêu cầu phải có thỏa thuận giữa các bên, trong khi điểm yếu của lựa chọn thứ hai là việc lựa chọn này không giải quyết một cách trọn vẹn tranh chấp và chính vì lý do đó lựa chọn thứ hai gần như sẽ không giải quyết được tranh chấp. Đây có thể đơn giản chỉ là một biểu hiện khác cho thấy việc Công ước không xử lý thoả đáng vấn đề đánh bắt cá, nhưng cách hiểu như vậy chẳng mang lại lợi ích gì cho (việc bảo tồn) những đàn cá. Hiêp định 1995 về Các đàn cá Lưỡng cư và Di cư Xa cũng không giải quyết được tình thế lưỡng nan này, do hiệp định này chủ yếu dẫn chiếu ngược lại các quy định về giải quyết tranh chấp trong Phần XV của UNCLOS.[17]

2. Các tranh chấp liên quan đến phân định biển

D. Thẩm quyền bắt buộc và thẩm quyền theo thỏa thuận: Thực tiễn của UNCLOS

  1. Tòa án Quốc tế về Luật Biển
  2. Kết luận

……………………

Download phần còn lại của văn bản tại ĐÂY: Giai quyet tranh chap va Cong uoc Luat Bien.pdf

—————-

* Giáo sư Công pháp quốc tế, Đại học Edinburgh. Đây là bài viết đã được chỉnh lý, bổ sung từ bài viết cho Hội thảo thường niên ILA Anh quốc tại Edinburgh năm 1996. Tôi cảm ơn Ngài Thẩm phán Dolliver Nelson đã có những nhận xét hữu ích, tuy nhiên, mọi quan điểm nêu ra trong bài viết đều là của cá nhân tôi.

[1] S. Oda, “The ICJ Viewed from Bench” (1993) 244-II Hag.Rec. 127-155, và “Dispute Settlement Prospects in the Law of the Sea” (1995) 44 I.C.L.Q. 863; G. Guillaume, “The Future of International Judicial Institutions” (1995) 44 I.C.L.Q. 848. Xem thêm E. Lauterpacht, Aspects of the Administration of International Justice (1991), tr. 20-22.

[2] Xem UNGA Res.2750 XXV (1970) và 3067 XXVIII (1973); Final Act, Hội nghị Luật biển lần thứ 3 (1982); B. de Zulueta, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ trong UN, Official Text of the UN Convention on the Law of the Sea, Introduction; H. Caminos và M. Molitor, “Progressive Development of International Law and the Package Deal” (1985) 79 A.J.I.L 871; B. Buzan, “Negotiation by Consensus” (1981) 75 A.J.I.L. 324.

[3] I. Sinclair, The Vienna Convention on the Law of Treaties (2nd edn, 1984), tr. 235.

[4] Xem trong L. Sohn, “Settlement of Disputes Relating to the Interpretationa nd Application of Treaties” (1976) 150-II Hag.Rec. 195, và “Settlement of Disputes Araising out of the Law of the Sea Convention” (1975) 12 San Diego L.R. 495, 516; B. Oxman, trong A. Soons (Ed.), Implementation of the Law of the Sea Convention through International Institutions (1989), tr. 648; A. O. Adede, The System for Settlement of Disputes under the UN Convention on the Law of the Sea (1987), tr. 241; C. Chinkin, “Disputes Regulation and the Law of the Sea”, in trong J. Crawford và D. Rothwell (Eds.), The Law of the Sea in the Asian Pacfic Region (1995), tr. 237; J. Merrills, International Dispute Settlement (2nd edn, 1991), chương 11; A. E. Boyle, “Settlement of Disputes Relating to the Law of the Sea and the Environment” 1996 Thesaurus Acrosaurium (sắp xuất bản).

[5] Adede, idem, chương 9; L. Sohn, “Settlement of Law of the Sea Disputes” (1995) 10 Int.J.Marine and Coastal L. 205.

[6] Xem Phần III.

[7] Adede, op. cit. supra, tr. 242 et seq., và “Settlement of Disputes Araising Under the Law of the Sea Convention” (1975) 69 A.J.I.L. 798.

[8] Điều 287.

[9] Xem chi tiết ở Adede, op. cit. supra n. 4, tr. 53 et seq.; Sohn, op. cit. supra n. 5.

[10] Vụ North Sea Continental Shelf Case I.C.J.Rep. 1969, 3; Vụ Fishery Jurisdiction Cases I.C.J.Rep. 1974, 3 và 175; Vụ Tunisia/Libya Continental Shelf Case I.C.J.Rep. 1982, 18; Vụ Gulf of Maine Case I.C.J.Rep. 1984, 246; Vụ Libya/Malta Continental Shelf Case I.C.J.Rep. 1985, 13; Vụ Land, Island and Maritime Frontier Case I.C.J.Rep. 1992, 35; Vụ Jan Mayen Case I.C.J.Rep. 1993, 38.

[11] Vụ Beagle Channel Arbitration (1977) 521.L.R. 93; Vụ Anglo-French Continental Shelf Arbitration (1978) Cmnd.7438; Vụ Sharjah/Dubai Boundary Arbitration (1981) 91 I.L.R. 543; Vụ Guinea/Guinea-Bissau Maritime Boundary Arbitration (1985) 35 I.L.M. 251; Vụ Franco-Canadian Fisheries Arbitration (1986) 90 R.G.D.I.P. 151; Vụ Guinea-Bissau/Senegal Maritime Delimitation Case (1989) 83 I.L.R. 1; Vụ St Pierre and Miquelon Arbitration (1992) 95 I.L.R. 645.

[12] J. Charney, “The Implications of Expanding International Dispute Settlement Systems: The 1982 Convention on the Law of the Sea” (1996) 90 A.J.I.L. 69. Cf. Guillaume, op. cit. supra n. 1, tr. 861 – 862.

[13] Xem P. W. Birnie và A. E. Boyle, International Law and the Environment (1992), chương 7.

[14] Xem Điều 55-75,192-262; W.T. Burke, The New International Law of Fisheries (1994), tr. 59-80; B. Kwiatkowska, The 200 Mile EEZ in the New Law of the Sea (1989); D. Attard, The Exclusive Economic Zone (1987); F. Orrego-Vicuna, The Exclusive Economic Zone (1989).

[15] Xem E. Meltzer. “Global Overview of Straddling and Highly Migratory Fish Stocks: The Non-Sustainable Nature of High Seas Fisheries” (1994) 25 O.D.I.L. 255; Burke, ibid; G. Ulfstein, P. Andersen and R. Churchill, The Regulation of Fisheries: Legal, Economic and Social Aspects (1986).

[16] Xem P. Davies “The EC/Canadian Fisheries Dispute in the Northwest Atlantic” (1995) 44 I.C.L.Q. 927. Năm 1995 Canada và EC đã ký kết một Văn bản thỏa thuận về Bảo tồn và Quản lý Nguồn cá: xem (1995) 34 I.L.M. 1260.

[17] Điều 27 – 32. Điều 30 được tóm tắt ở chú thích số 24 phía trên. Điều 32 ghi nhận lại các ngoại lệ của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc giống với quy định của Điều 297(3) của Công ước.