Tác giả: Nguyễn Thế Phương
Độ ồn luôn là điểm yếu chí tử của tàu ngầm Trung Quốc. Trong hoàn cảnh đó, việc phát triển năng lực chống tàu ngầm được xem là biện pháp khả dĩ cho Trung Quốc. Trớ trêu thay, ngay cả trong tác chiến chống ngầm, Bắc Kinh lại còn thua Washington ở khoảng cách xa hơn. Do đó, Trung Quốc đã và đang dành nguồn lực đáng kể nhằm tăng cường năng lực chống ngầm. Điều này giúp cải thiện phần nào năng lực của hải quân Trung Quốc, nhưng sẽ còn mất rất nhiều năm nữa mới đạt đến trình độ mà Bắc Kinh mong muốn.
Vào thời điểm hiện tại, Hải quân Trung Quốc không có đủ các trang thiết bị, kiến thức và huấn luyện cần thiết cho một cuộc chiến săn ngầm hiệu quả. Tàu săn ngầm hiện có của Trung Quốc – Type 037 – chỉ được trang bị sonar, tên lửa chống ngầm, súng cối và thủy lôi. Với cấu hình như vậy, Type 037 chỉ có thể “hù” được các tàu ngầm ở vùng nước cạn hoặc ven bờ. Đối với các tàu ngầm hạt nhân, vốn có khả năng lặn rất nhanh và sâu, Type 037 trở nên “bất lực”. Để khắc phục nhược điểm đó, Bắc Kinh đã đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu thế hệ tàu mới. Kết quả là tàu hộ tống lớp Type 056A ra đời năm 2014. Tuy nhiên, các tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc vẫn còn quá ồn để có thể trở thành một vũ khí săn ngầm hiệu quả.
Tình trạng thiếu trực thăng hải quân cũng buộc các tàu chiến Trung Quốc phải luân phiên sử dụng. Bắc Kinh vẫn sử dụng kiểu chồng ngầm lạc hậu là sử dụng thủy lôi để ngăn chặn sự xâm nhập của các tàu ngầm kẻ thù. Thậm chí, nước này còn dự định triển khai thủy lôi ở các khu vực huyết mạch nhằm ngăn cản các tàu ngầm và tàu mặt nước đối phương trong trường hợp xung đột.
Năng lực chống ngầm yếu kém dường như lại mâu thuẫn với chiến lược chống xâm nhập/tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc. Bắc Kinh có thể dựa vào hệ thống tên lửa và không quân để ngăn cản sự xâm nhập của tàu mặt nước. Tuy nhiên, những phương pháp đó lại không thể áp dụng với tàu ngầm. Trước khi Trung Quốc mơ đến một lực lượng hải quân biển xanh, Bắc Kinh cần nhanh chóng lấp đi khoảng trống trong năng lực chống ngầm. Bởi tiến ra đại dương, Trung Quốc sẽ phải gặp một lực lượng hùng hậu, mạnh cả về tàu ngầm và chống ngầm là Hoa Kỳ. Thêm vào đó, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc cũng đã bắt đầu hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm của mình. Đơn cử như Việt Nam đã đặt đến 6 tàu ngầm Kilo từ Nga và sẽ hoàn tất việc bàn giao toàn bộ vào năm tới.
Nhận thức được sự yếu kém đó, Bắc Kinh đã không ngừng nỗ lực rút ngắn khoảng cách trong tác chiến chống ngầm so với Hoa Kỳ. “Ngứa chỗ nào thì gãi chỗ đó”, Trung Quốc phát triển máy bay chống ngầm Gaoxin-6 để đối chọi lại với P-3 Orion – máy bay săn ngầm phổ biến nhất thế giới do Hoa Kỳ chế tạo. Bắc Kinh cũng tăng cường chế tạo các tàu hộ tống chống ngầm mới, trang bị các thiết bị phát hiện tàu ngầm tiên tiến, như sonar chủ động quét sâu và sonar thụ động kéo. Trung Quốc cũng đồng thời chế tạo thêm các thế hệ mồi nhử âm, trang bị ngư lôi dẫn đường cho các tàu mặt nước. Người Trung Quốc, bằng nhiều cách khác nhau, cũng đã lập các bản đồ dưới biển ở những khu vực trọng yếu như Biển Đông. Bắc Kinh cũng được cho là đã xây dựng một hệ thống cảm biến phát hiện tàu ngầm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Dù đã có nhiều nỗ lực, song khoảng cách giữa năng lực chống ngầm của Trung Quốc và sự phát triển của công nghệ tàu ngầm Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ tiếp tục đặt Bắc Kinh vào mức bị đe dọa nghiêm trọng trong nhiều năm tới.
Biển Đông là khu vực tập trung nhiều lợi ích của các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc. Những động thái gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, tác giả Robert Farley từ trường Ngoại giao và Thương mại Quốc tế Patterson đã đưa ra 3 kịch bản có thể dẫn đến chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trên Biển Đông. Tất nhiên, cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn chiến tranh xảy ra, ít nhất là trong tương lai gần. Quân đội Trung Quốc chưa thực sự sẵn sàng cho cuộc đối đầu với Hoa Kỳ và ngay cả Washington cũng không muốn rơi vào thời kỳ đối đầu quân sự hay xung đột với Trung Quốc.
Kịch bản đầu tiên xuất phát từ những bất đồng về lợi ích trên Biển Đông. Trong suốt nhiều tháng vừa qua, Trung Quốc không ngừng cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Thông qua các đảo nhân tạo này, Bắc Kinh có thể triển khai binh sĩ, vũ khí hòng chốt chặn và kiểm soát khu vực. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại chủ trương bảo vệ tự do hàng hải.
Kịch bản thứ hai đến từ những va chạm trên không. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gần như đi đến ngưỡng xung đột vào năm 2001 khi một máy bay tuần tra P-3 của Hoa Kỳ va chạm với máy bay chiến đấu J-8 của PLA. Bất kỳ một sai lầm nào đến từ phi công hai phía đều có thể khiến căng thẳng leo thang đến xung đột. Nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, tình hình có thể sẽ phức tạp hơn. Chắc chắn, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác sẽ phớt lờ ADIZ của Trung Quốc bởi sự vô lý của nó. Tuy nhiên, nếu thiết lập ADIZ, tần suất các máy bay của nước này hiện diện trong khu vực sẽ tăng lên. Trong khi đó, để thể hiện sự phản đối hay phớt lờ, Hoa Kỳ sẽ triển khai máy bay đến Biển Đông. Điều này vô tình đặt các lực lượng không quân hai nước gần nhau hơn, dẫn đến tần suất va chạm giữa các máy bay quân sự sẽ cao hơn.
Trong khi đó, kịch bản thứ ba lại đến từ…dưới mặt nước. Trong Chiến tranh Lạnh, các tàu ngầm Liên Xô và NATO thường “vô tình lướt qua” ở khoảng cách rất gần trên Đại Tây Dương, Biển Bắc và Bắc Cực. Biển Đông là một biển nhỏ và kín, là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Do đó, nếu cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều triển khai tàu ngầm thường xuyên đến biển Đông, khả năng đụng độ nhau là khá cao.
Một số tin vắn quốc phòng nổi bật
Đô đốc Katsutoshi Kawano hôm thứ 5 trong chuyến thăm Hoa Kỳ cho rằng sự hung hăng của Trung Quốc tại Tây Thái Bình Dương sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, khiến mọi việc trở nên tồi tệ. Trong trường hợp Biển Đông, ông Kawano đặc biệt nhấn mạnh Trung Quốc không chối bỏ rằng nước này sẽ không tiến hành các hoạt động gây hấn nhiều hơn nữa trong tương lai (xây đảo nhân tạo và thiết lập ADIZ). Chỉ dấu này gây lo ngại cho nước Nhật, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh và kinh tế. Điều này cũng được thể hiện qua Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản được thông qua ngày hôm nay khi tài liệu này lên án việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh dừng việc xây giàn khoan thăm dò trên biển Hoa Đông.
Philippines đã mở lại căn cứ vịnh Subic với vai trò như căn cứ quân sự chính sau một thời gian dài đóng cửa. Quân đội sẽ đặt các máy bay chiến đấu mới (có thể là các máy bay FA-50 đặt mua từ Hàn Quốc) và hai chiến hạm tại căn cứ mới này. Theo Thứ trưởng quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Bationo, một phần của tổ hợp vịnh Subic đã được cho thuê trong vòng 15 năm tới. Và đây cũng là lần đầu tiên căn cứ Subic được sử dụng vào mục đích quân sự trong vòng 23 năm. Về mặt chiến lược, Subic sẽ giúp Philippines tiếp cận nhanh chóng các khu vực tranh chấp tại Biển Đông.
Bên cạnh Subic, hải quân Philippines cũng đã âm thầm gia cố “căn cứ nổi” của mình tại bãi Cỏ Mây, chiến hạm cũ BRP Sierra Madre. Chiến hạm dài 100 mét này được Hải quân Hoa Kỳ chế tạo trong khoảng thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, sau đó được chuyển giao cho Philippines. Sau cùng, BRP Sierra Madre được Manila sử dụng như một công cụ khẳng định chủ quyền tại bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose đã từ chối nêu lên chi tiết quá trình gia cố và nâng cấp tàu Sierra Madre, nhưng ông cho rằng hành động này không vi phạm Tuyên bố ứng xử mà ASEAN và Trung Quốc đã ký kết vào năm 2002.
Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành tập trận đổ bộ tại Biển Nhật Bản vào cuối tháng 8, với sự tham gia của hơn 20 tàu chiến từ cả hai quốc gia. Cuộc tập trận diễn ra gần vùng lãnh thổ Primorsky của Nga, cách Nhật Bản 250 dặm. Cũng tương tự như cuộc tập trận chung hải quân giữa hai nước vào tháng 5, sự kiện lần này đưa ra một thông điệp chính trị cụ thể tới Hoa Kỳ và đồng minh khu vực: quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc đang ngày càng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Nga ông Li Hui nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là hai nước đang cố gắng thiết lập một liên minh quân sự dưới bất kỳ dạng thức nào.