Hãy suy nghĩ lại về dân chủ

Print Friendly, PDF & Email

640x392_55396_170733

Nguồn: Dani Rodrik, “Rethinking Democracy,” Project Syndicate, 11/07/2014.

Biên dịch: Nghiêm Hồng Sơn | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Xét trên nhiều khía cạnh, thế giới chưa bao giờ dân chủ hơn bây giờ. Hầu như chính phủ nào cũng ủng hộ dân chủ và nhân quyền, ít nhất là bằng lời nói. Mặc dù bầu cử có thể không được tự do và công bằng, thao túng bầu cử trên quy mô lớn lại ít xảy ra, và cái thời mà chỉ có nam giới, người da trắng, hoặc những người giàu mới có thể bỏ phiếu đã qua lâu rồi. Các cuộc khảo sát toàn cầu của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House) cho thấy tỉ lệ các quốc gia “tự do” đã tăng một cách ổn định từ năm 1970 – một xu hướng mà nhà khoa học chính trị quá cố ở Đại học Harvard là Samuel Huntington gọi là “làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa.

Việc phổ biến các chuẩn mực dân chủ từ các nước phương Tây tiên tiến tới phần còn lại của thế giới có lẽ là những lợi ích quan trọng nhất của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều tốt với dân chủ. Các chính phủ dân chủ ngày nay hoạt động kém, và tương lai của họ vẫn còn đáng ngờ.

Ở các nước tiên tiến, sự bất mãn với chính phủ xuất phát từ việc các chính phủ bất lực trong việc đưa ra các chính sách kinh tế hiệu quả cho tăng tưởng và giúp người nghèo cũng được hưởng lợi (inclusion). Trong các nền dân chủ mới của thế giới đang phát triển, không đảm bảo được các quyền tự do dân sự và tự do chính trị là một nguồn bổ sung gây nên sự bất mãn.

Một nền dân chủ thật sự, nơi có sự kết hợp giữa nguyên tắc đa số với tôn trọng các quyền lợi của các nhóm thiểu số, cần có hai loại thể chế. Thứ nhất, các thể chế đại diện – chẳng hạn như các đảng phái chính trị, quốc hội, và hệ thống bầu cử – là cần thiết để đưa ra những lựa chọn phổ biến và biến chúng thành hành động chính sách. Thứ hai, dân chủ yêu cầu có các thể chế kiểm soát, chẳng hạn như một nền tư pháp và truyền thông độc lập, phát huy các quyền cơ bản như tự do ngôn luận và ngăn chặn chính quyền lạm dụng quyền lực. Đại diện mà không có giới hạn – bầu cử mà không có nền pháp quyền – là nguyên liệu cho sự chuyên chế của số đông.

Dân chủ theo ý nghĩa này – điều mà nhiều người gọi là “dân chủ tự do” – chỉ phát triển mạnh mẽ sau khi xuất hiện các quốc gia – dân tộc (nation-state), và sự nổi dậy và huy động quần chúng tạo ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi cuộc khủng hoảng của nền dân chủ tự do mà nhiều nước dân chủ lâu đời nhất hiện đang trải qua phản ánh áp lực mà mô hình quốc gia – dân tộc phải đối mặt.

Các quốc gia – dân tộc bị tấn công từ cả bên trên và bên dưới. Toàn cầu hóa kinh tế đã làm các công cụ chính sách kinh tế quốc gia bị cùn đi và các cơ chế truyền thống về trợ giúp tài chính cho người nghèo và tái phân phối để củng cố công bằng xã hội bị suy yếu. Hơn nữa, các nhà hoạch định chính sách thường dùng áp lực cạnh tranh (dù thật hay tưởng tượng) xuất phát từ nền kinh tế toàn cầu để biện minh cho việc không đáp ứng các yêu cầu của người dân, và viện dẫn chính những áp lực tương tự khi thực hiện các chính sách không được lòng dân như thắt chặt tài khóa.

Một hậu quả là sự nổi lên của các nhóm cực đoan ở châu Âu. Đồng thời, các phong trào ly khai như ở vùng Catalonia (Tây Ban Nha) và Scotland đang thách thức tính chính danh của các quốc gia – dân tộc trong hình hài hiện tại khi tìm cách phá vỡ các quốc gia này. Cho dù họ làm được quá nhiều hay quá ít, nhiều chính phủ các nước đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tính đại diện.

Ở các nước đang phát triển, các thể chế kiềm chế thường không hoạt động. Những chính phủ được bầu lên thường trở nên tham nhũng và thèm khát quyền lực. Họ lặp lại hoạt động của các chế độ dành cho giới tinh hoa mà họ thay thế, kiểm soát chặt chẽ báo chí và tự do dân sự, và làm suy yếu (hay kiểm soát) các cơ quan tư pháp. Kết quả là điều đó tạo ra các nền “dân chủ phi tự do” hoặc “chủ nghĩa chuyên chế cạnh tranh.” Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, và Thái Lan là một số ví dụ điển hình gần đây của loại hình này.

Khi dân chủ không mang lại thành công về kinh tế hay chính trị, có lẽ chúng ta cũng đoán được rằng một số người sẽ tìm kiếm các giải pháp ở chế độ độc tài. Và đối với nhiều nhà kinh tế, phương pháp gần như luôn được ưa thích hơn là giao chính sách kinh tế cho các cơ quan kỹ trị để tách chúng khỏi “đám đông điên loạn.”

Với sự độc lập của ngân hàng trung ương và các quy tắc tài khóa của mình, Liên minh châu Âu đã tiến xa trên con đường này. Các doanh nhân ở Ấn Độ đang nhìn một cách nuối tiếc về phía Trung Quốc và mong các lãnh đạo của họ có thể hành động mạnh dạn và quyết liệt như vậy – nghĩa là độc đoán hơn – để giải quyết những thách thức về cải cách của đất nước này. Ở các nước như Ai Cập và Thái Lan, sự can thiệp của giới quân sự được xem như một điều cần thiết tạm thời nhằm chấm dứt sự thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo dân cử.

Những phản ứng độc tài này cuối cùng cũng tự chuốc lấy thất bại bởi vì chúng làm sâu sắc thêm tình trạng bất ổn dân chủ. Tại châu Âu, chính sách kinh tế cần tính chính danh dân chủ nhiều hơn chứ không phải ít hơn. Điều này có thể đạt được bằng cách tăng cường đáng kể sự thảo luận thấu đáo và trách nhiệm giải trình dân chủ ở cấp EU, hoặc bằng cách tăng quyền tự chủ của các quốc gia thành viên trong việc thiết lập chính sách kinh tế.

Nói cách khác, châu Âu đang phải đối mặt với một sự lựa chọn giữa liên minh chính trị nhiều hơn hoặc liên minh kinh tế ít hơn. Chừng nào châu Âu còn trì hoãn việc chọn lựa thì dân chủ còn bị ảnh hưởng.

Ở các nước đang phát triển, can thiệp của quân đội vào chính trị quốc gia sẽ làm suy yếu triển vọng lâu dài cho dân chủ, bởi vì nó cản trở sự phát triển của các “văn hóa” cần thiết, bao gồm những thói quen ôn hòa và thỏa hiệp giữa các nhóm dân sự cạnh tranh. Chừng nào quân đội vẫn còn là trọng tài chính trị cuối cùng thì các nhóm này sẽ tập trung chiến lược của họ vào giới quân sự chứ không phải vào nhau.

Các thể chế kiểm soát có hiệu quả không xuất hiện qua một đêm; và có vẻ như giới cầm quyền sẽ không bao giờ muốn tạo ra chúng. Nhưng có một khả năng là khi ta bị thất cử và phe đối lập lên cầm quyền, thì các thể chế này sẽ bảo vệ ta khỏi bị trù dập vào ngày mai tương tự như khi chúng bảo vệ những người đó khỏi bị ta trù dập hôm nay. Vì vậy, triển vọng mạnh mẽ cho cạnh tranh chính trị bền vững là một điều kiện tiên quyết quan trọng để nền dân chủ phi tự do dần dần trở thành nền dân chủ tự do.

Những người lạc quan tin rằng các công nghệ và phương thức quản trị mới sẽ giải quyết tất cả các vấn đề và kéo các nền dân chủ vào trung tâm của quốc gia – dân tộc như là ngựa kéo cỗ xe. Những người bi quan lo ngại rằng nền dân chủ tự do hôm nay sẽ không đủ sức đáp lại các thách thức bên ngoài tạo ra bởi các quốc gia phi tự do như Trung Quốc và Nga với nền chính trị thực dụng cứng rắn. Nhưng dù lạc quan hay bi quan, nếu dân chủ muốn có một tương lai thì nó sẽ cần phải được xem xét lại.

Dani Rodrik là Giáo sư Khoa học xã hội tại Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey. Ông là tác giả cuốn One Economics, Many Recipes: Globalization, Institutions, and Economic Growth và gần đây nhất là cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy.

Copyright: Project Syndicate 2014 – Rethinking Democracy

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]