Đài Loan chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống toàn nữ

55a2d22fdf725

Nguồn: Chen-shen J. Yen, “Taiwan gears up for all-female presidential race,” East Asia Forum, 01/07/2015.

Biên dịch: Dương Trường Phúc | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Với việc Phó Chủ tịch Lập pháp viện (tức Quốc hội Đài Loan – NHĐ), bà Hồng Tú Trụ (Hung Hsiu-chu), được Ủy ban Thường vụ Quốc Dân Đảng (KMT) xác nhận, các ứng viên của hai đảng chính tranh cử tổng thống Đài Loan năm 2016 đều là nữ, dẫn đến một kết luận hiển nhiên là sẽ có một nữ tổng thống ở Đài Loan vào năm tới.

Ứng cử viên Đảng Dân Tiến (DPP), bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), từng tranh cử vào văn phòng tổng thống năm 2012 nhưng đã để thua đương kim tổng thống Đài Loan, ông Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou). Lần này, với sự ủng hộ dành cho Quốc Dân Đảng đang ở mức thấp và sinh khí của Đảng Dân Tiến từ sau chiến thắng áp đảo trong các cuộc bầu cử địa phương năm 2014, bà Thái được tin là sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc.

Ngược lại, Quốc Dân Đảng đang gặp khó khăn trong việc tìm được một ứng cử viên khả thi. Bà Hồng đã tham gia vòng bầu cử nội bộ của Quốc Dân Đảng nhằm “khích tướng” các nam ứng viên nặng ký tham gia tranh cử. Chủ tịch Quốc Dân Đảng Chu Lập Luân (Eric Chu) đã từ chối tranh cử với lý do là ông đã cam kết với những cử tri vừa mới bầu lại cho ông làm Thị trưởng thành phố Tân Bắc. Viện trưởng Lập pháp viện Vương Kim Bình (Wang Jin-ping) đã mong chờ được chọn (làm ứng viên đại diện Quốc Dân đảng) nếu bà Hồng không thể vượt qua ngưỡng 30% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử nội bộ (của Quốc Dân đảng). Phó Tổng thống Ngô Đôn Nghĩa (Wu Den-yih), người kế nhiệm hiển nhiên và có liên quan mật thiết tới nhiệm kỳ mờ nhạt của Tổng thống Mã, thậm chí còn không màng đến việc tham gia tranh cử.

Trong khi những người khác chùn bước hay thất bại trong những suy tính của mình thì bà Hồng với phong cách nói chuyện thẳng thắng và quyết liệt dường như đã mang lại diện mạo mới cho Quốc Dân Đảng – vốn đang phải chịu nhiều chỉ trích – cùng những người ủng hộ đảng này khi bà giành được 46% số phiếu trong cuộc bỏ phiếu nội bộ. Bà đã vượt xa mức chỉ tiêu tối thiểu và theo mặc định thì bà sẽ trở thành ứng cử viên đại diện cho Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Đài Loan không phải là nền dân chủ châu Á đầu tiên có nữ tổng thống. Philippines, Indonesia, và Hàn Quốc đều từng bầu chọn ứng viên nữ làm nguyên thủ quốc gia. Còn Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, và Thái Lan cũng từng trải qua sự điều hành của những nữ thủ tướng trong hệ thống nghị viện tương ứng của họ.

Hầu như không có ngoại lệ, các nữ chính khách từ những triều đại chính trị nổi bật đều là vợ góa, con gái hay thậm chí là em gái của những nam chính trị gia nổi tiếng.

Đài Loan cũng từng có nhiều nữ nghị sĩ lên nắm quyền sau khi người chồng chính trị gia của họ bị truy tố vì bất đồng quan điểm hay các hoạt động chống đối. Nhưng họ hiếm khi vượt qua được vị trí của người chồng. Trong quá khứ, chính phủ Quốc Dân Đảng quy định hạn ngạch (số ghế) dựa trên giới tính ở cả các hội đồng địa phương và quốc hội. Ngày nay, các ứng viên nữ đã có khả năng cạnh tranh như các đối thủ nam và không còn cần đến hạn ngạch giới để đảm bảo vị trí đại diện của mình. Cựu Phó Tổng thống Lã Tú Liên (Annette Lu), nữ chính khách cấp cao nhất trong lịch sử Đài Loan, đã gia tăng quyền lực bằng những thành tích của chính mình mà không cần dựa vào danh tiếng của gia thế.

Một trong những biễn biến đáng chú ý nhất mà không phải là vấn đề giới tính trong cuộc bầu cử sắp tới là lý lịch cá nhân của những ứng cử viên từ hai đảng lớn dường như đã bị đảo ngược. Bà Thái xuất thân từ một gia đình thương nhân giàu có và hưởng một cuộc sống vật chất tương đối thoải mái. Bà Hồng mặc dù sinh ra ở Đài Loan nhưng thực chất cha mẹ bà là người Trung Quốc đại lục. Cha bà là một nạn nhân của đàn áp chính trị. Trong thời gian ông ở tù ba năm, mẹ bà đã làm việc trong nhà máy để kiếm sống. Lý lịch bình thường như thế, lại được điểm tô bởi sự đàn áp chính trị, thì thường chỉ dành cho những chính khách Đảng Dân Tiến.

Nền tảng học thuật của bà Thái giống như của một nhà kỹ trị Quốc Dân Đảng, hay một học giả chuyển sang làm chính trị, tương tự như Tổng thống Mã. Bà Thái tốt nghiệp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Đài Loan, có bằng thạc sĩ từ Trường Luật, Đại học Cornell, và bằng tiến sĩ từ Trường Kinh tế Luân Đôn. Bà Hồng học cùng trường trung học với bà Thái và cũng học luật nhưng tại Đại học Văn hóa Trung Quốc (Đài Bắc) vốn ít danh tiếng hơn.

Bà Thái được tuyển dụng vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) vào cuối những năm 1990; là Phó Thủ tướng dưới thời chính quyền Trần Thủy Biển (Chen Shui-ban) của Đảng Dân Tiến giai đoạn 2000-2008. Bà Hồng nguyên quán ở thành phố Tân Bắc, là một trong những nhà lập pháp cấp cao nhất trong Quốc hội và được đánh giá là nhà lãnh đạo hàng đầu trong các vấn đề giáo dục. Việc thăng tiến trở thành phó chủ tịch Quốc hội năm 2012 dường như là đỉnh cao sự nghiệp của bà trước khi bất ngờ được chọn làm ứng cử viên Tổng thống vào năm nay. Một lần nữa, trình độ tiếng Anh lưu loát và lập trường chủ nghĩa quốc tế của bà Thái là đặc trưng của Quốc Dân Đảng, trong khi khuynh hướng tập trung vào cơ sở và các vấn đề lập pháp địa phương của bà Hồng có thể tìm thấy ở nhiều chính khách Đảng Dân Tiến.

Ở bà Thái toát lên vẻ trí thức kiêu ngạo và chủ nghĩa giáo điều về hoạch định chính sách đã mang đến cho bà biệt hiệu “Giáo sư Thái.” Mặt khác, bà Hồng được ghi nhận là có lý luận sắc bén và lập trường cứng rắn, thế nên bà có biệt biệt danh “Tiểu Lạt Tiêu” (trái ớt nhỏ). Bà cũng có cách tiếp cận trực diện vốn quen thuộc với các nhà lập pháp Đảng Dân Tiến.

Với thất bại nặng nề của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014 và tỉ lệ tín nhiệm thấp của Tổng thống Mã, Đảng Dân Tiến có nền tảng thuận lợi để giành quyền lực cùng với bà Thái, người rất được mong đợi trở thành tổng thống kế tiếp của Đài Loan. Tuy nhiên, việc bà Hồng ứng cử dường như đã làm hồi sinh Quốc Dân Đảng ra khỏi khả năng thất bại. Ngay cả với tỉ lệ phiếu đáng khích lệ, bà Hồng sẽ vẫn phải đối mặt với một trận chiến khó khăn phía trước. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Đài Loan sẽ có cuộc tranh cử vị trí nguyên thủ với hai ứng viên đều là nữ lần đầu tiên ở Châu Á. Đây là một sự đảo ngược lý thú của mô hình chính trị thông thường ở Đài Loan, một điều chắc chắn tốt đẹp cho nền dân chủ.

Nghiêm Chấn Sinh (Chen-shen J. Yen) là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế, Đại học Chính Trị Quốc gia, Đài Bắc, Đài Loan.

Hình: Bà Hồng Tú Trụ (trái) và Thái Anh Văn (phải). Nguồn: Dawn.com.