Hòa ước Westphalia (The Peace of Westphalia)

Print Friendly, PDF & Email

Westphalia

Tác giả: Đào Minh Hồng

Vào nửa đầu thế kỷ 17, những căng thẳng về chính trị và kinh tế ngày càng gia tăng giữa các quốc gia Châu Âu. Cùng lúc với thời kỳ Phát kiến địa lý, khai phá mở đường tới những nguồn tài nguyên của Tân thế giới, châu Âu cũng chuyển mình với  sự ra đời của những học thuyết mới như chủ nghĩa trọng thương, chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, ý thức dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia cũng đã thức tỉnh các vị vua, hình thành nên những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc ở Châu Âu. Phong trào cải cách tôn giáo từ giữa thế kỷ 16 đã chia Châu Âu thành hai phe: những nhà nước theo Cựu giáo (Thiên chúa giáo) hoặc những nhà nước theo Tân giáo (Tin Lành). Những xung đột giữa các quốc gia Châu Âu ở thời kỳ này luôn mang màu sắc của các cuộc chiến tranh tôn giáo. Cuộc chiến tranh tôn giáo 30 năm là cuộc chiến tranh toàn Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử thế giới. Khởi đầu là xung đột tôn giáo giữa người Thiên chúa giáo (Cựu giáo) và những người Tin Lành (Tân giáo), nó đã trở thành một cuộc chiến giành quyền lực ở châu Âu.

Chiến tranh 30 năm (1618 – 1648)
1618-1620: Người Bohemia (theo Tân giáo) nổi dậy chống Áo (theo Thiên chúa giáo)1620-1627: Đan Mạch (Tân giáo) tham chiến

1618- 1629: Phe Tân giáo thua trận

1630: Thụy Điển (theo Tân giáo) tham chiến

1631-1632: Phe Tân giáo thắng trận

1635: Pháp tham chiến

1645: Pháp và Thụy Điển chiến thắng ở Đức

1648: Hoà ước Westphalia chấm dứt chiến tranh

Hòa ước Westphalia bao gồm một loạt các hiệp ước hòa bình được ký kết từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1648 tại Osnabrück và Münster. Hai sự kiện quan trọng nhất liên quan đến Hòa ước Westphalia bao gồm lễ ký Hòa ước Münster ngày 30 tháng 01 năm 1648 giữa Hà Lan và Tây Ban Nha (được chính thức phê chuẩn ngày 15 tháng 05 năm 1648) và lễ ký hai hiệp ước bổ sung ngày 24 tháng 10 năm 1648: Hiệp ước Münster giữa đế quốc La Mã Thần thánh với Pháp và các đồng minh của cả hai bên; và Hiệp ước Osnabrück giữa đế quốc La Mã Thần thánh với Thụy Điển và các đồng minh. Hoà ước Westphalia đã đánh dấu sự kết thúc cuộc Chiến tranh 30 năm ở Đức (1618-1648) và Chiến tranh 80 năm giữa Tây Ban Nha và Hà Lan.

Nội dung của Hòa ước bao gồm những nội dung chính:

  1. Thụy Điển được chiếm một vùng đất rộng lớn của nước Đức, được bồi thường 5 triệu đồng Taler và có quyền tham gia hội nghị của đế quốc Đức;
  2. Nước Pháp được vùng Alsace và vùng Lorraine và có quyền tham gia hội nghị của đế quốc Đức;
  3. Nước Đức bị chia cắt thành 300 tiểu vương quốc;
  4. Các chư hầu Đức hoàn toàn được độc lập;
  5. Về vấn đề tôn giáo: cả Tin Lành (Tân giáo) và Thiên chúa giáo (Cựu giáo) đều bình đẳng. Đạo Calvin cũng được thừa nhận. Các quốc gia có quyền quyết định lựa chọn tôn giáo cho mình;
  6. Công nhận nền độc lập của Thụy Sĩ và Hà Lan.

Hòa ước Westphalia được đánh giá là văn bản đầu tiên xác nhận chủ thể trong quan hệ quốc tế là quốc gia. Khái niệm quốc gia – dân tộc (nation-state) cũng bước đầu được xác định và Hoà ước được xem là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Trong mối quan hệ với Châu Âu ở thế kỉ 17, nó đã đánh dấu thành quả của cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa bá quyền, chống lại khát vọng tạo ra một đế chế siêu quốc gia của vương triều Habsburg. Nó cũng báo hiệu sự suy yếu quyền lực của người Tây Ban Nha, sự chia cắt nước Đức (gây trở ngại cho sự thống nhất trong hơn 200 năm) và sự vươn lên của nước Pháp trong vai trò cường quốc chính của Châu Âu.

Một số nguyên tắc quan trọng được chính thức công bố trong Hoà ước Westphalia về sau đã tạo ra cơ sở để hình thành nền luật pháp và chính trị của mối quan hệ hiện đại giữa các quốc gia. Nó góp phần định hình một xã hội của các quốc gia – dân tộc dựa trên nguyên tắc chủ quyền quốc gia là tối thượng, xác nhận sự độc lập của các quốc gia và nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia có quyền lực nhất định mà các quốc gia khác phải tôn trọng. Hoà ước cũng công nhận tính hợp pháp của tất cả các hình thức chính thể và thừa nhận quan điểm về tự do tôn giáo và sự khoan dung. Cụ thể, các bên thừa nhận nguyên tắc cuius regio, eius regilio (vương quốc của ai, tôn giáo của người đó) được ghi nhận trong Hòa ước Augsburg (1555). Theo đó các đấng quân vương được toàn quyền quyết định tôn giáo cho quốc gia và thần dân của mình, cho dù đó là Thiên chúa giáo, Tin lành, hay đạo Calvin.

Bản đồ Châu Âu năm 1648
Bản đồ Châu Âu năm 1648

Như vậy, Hòa ước Westphalia mang một ý nghĩa quan trọng đối với nền quan hệ quốc tế hiện đại. Bằng cách phá hủy quan niệm về chủ nghĩa toàn cầu tôn giáo, “trật tự Westphalia” thúc đẩy những quan điểm về độc lập và chủ quyền của mỗi quốc gia, đưa cân bằng quyền lực trở thành khái niệm chính trong chỉ đạo và công thức của chính sách đối ngoại. Từ năm 1648 trở đi, quyền lợi của các quốc gia trở thành tối cao cả về luật pháp lẫn chính trị. Đây là một dấu mốc lịch sử cho dù trật tự các quốc gia được công bố tại Westphalia chủ yếu ảnh hưởng tới châu Âu và các quốc gia theo đạo Cơ đốc. Nguyên tắc không can thiệp không được áp dụng với các quốc gia theo đạo Hồi và phần còn lại của thế giới. Tiêu chuẩn kép này tồn tại một cách bảo thủ trong nền ngoại giao Châu Âu đến suốt thế kỉ 19 và 20; trong khi đó trật tự Westphalia dần dần và mặc nhiên trở thành một trật tự toàn cầu.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]