Cách mạng công nghiệp (Industrial revolution)

Print Friendly, PDF & Email

wind-farm-620x350

Tác giả: Đào Minh Hồng

Cách mạng Công nghiệp diễn ra đầu tiên ở Anh bắt đầu từ những phát minh máy móc trong ngành dệt (những năm 60 thế kỷ 18), sau đấy lan sang Mỹ, Pháp, Đức…(kéo dài đến giữa thế kỷ 19). Ý nghĩa lớn nhất của Cách mạng Công nghiệp là thay thế lao động thủ công (lao động tay chân) của con người bằng lao động của máy móc, từ sản xuất thủ công sang nền sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng này đã làm thay đổi cơ bản những điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật của xã hội loài người. Ngoài ra, theo quan điểm của chủ nghĩa Marx, Cách mạng Công nghiệp một mặt đẩy mạnh sản xuất, mặt khác hình thành hai giai cấp cơ bản của xã hội tư bản chủ nghĩa là tư sản và vô sản.

Cách mạng Công nghiệp thường được chia thành 2 giai đọan:

    1. Thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 (1708-1835) – diễn ra ở Tây Âu và Bắc Mỹ với thành tựu cơ bản là chế tạo máy móc, giao thông, đường sắt.
    2. Nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 (1836-1913) Cách mạng Công nghiệp lan rộng ra toàn thế giới và phát triển mạnh mẽ với thành tựu của động cơ đốt trong và điện.

Một trong những thành tựu lớn nhất từ Cách mạng Công nghiệp liên quan đến sự phát triển của lý thuyết về quan hệ quốc tế là sự xuất hiện của các học thuyết chính trị về quyền tự do cá nhân và quốc gia dân tộc. Quyền tự do cá nhân được thể hiện trong Luận về Tự do của John Stuart Mill nêu những nguyên tắc cơ bản của tự do cá nhân trên cơ sở không làm phương hại đến người khác. Trong khi đấy Alexis de Tocqueville trong tác tác phẩm Nền dân chủ Hoa Kỳ ca ngợi nền dân chủ Mỹ, coi đấy là sức mạnh của sự thành công về vật chất của nước Mỹ.

Về quyền dân tộc đã xuất hiện hai xu hướng cơ bản trong học thuật. Một xu hướng cho rằng mỗi dân tộc đều có quyền tự lựa chọn mô hình nhà nước và tổ chức xã hội riêng cho mình, không dân tộc nào có quyền can thiệp. Trong khi đấy, với sức mạnh của khoa học công nghệ, các nước tư bản Châu Âu đã bành trướng khắp thế giới thông qua Chủ nghĩa thực dân lại cho rằng các dân tộc lớn, những dân tộc siêu đẳng hơn có nghĩa vụ phải khai hóa văn minh cho những dân tộc khác, giúp họ thiết lập tổ chức nhà nước cho phù hợp. Xu hướng này đã biện minh cho các cuộc xâm lăng của chủ nghĩa tư bản vào những phần đất còn lại của thế giới.

Cách mạng công nghiệp thời kì đầu (1708-1835)
1709: Abraham Draby phát minh lò cao

1712: Newcomen chế tạo động cơ hơi nước dung trong hầm mỏ

1733: John Kay áp dụng máy dệt cơ khí

1759: Nhà máy sản xuất đồ sứ của Wedgwood bắt đầu hoạt động tại Anh

1764: Hargreaves phát minh máy xe sợi Jenny

1769: Thomas Arkwright phát minh máy xe sợi chạy bằng sức nước

1769: Nicolas Cugnot chế tạo xe chạy bằng hơi nuớc

1773: Arkwright xây dựng nhà máy sợi đầu tiên

1773: Chiếc cầu bằng gang đầu tiên được xây ở Coalbrookdale (Anh). Eli Whitney phát minh máy tỉa hạt bông ở Mỹ.

Cách mạng Công nghiệp cũng đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn mang tính đối kháng gay gắt giữa hai giai cấp cơ bản là tư sản và vô sản. Mâu thuẫn đấy đã khiến các nhà xã hội không tưởng như Saint Simon, Charles Fourrier và Robert Owen chủ trương xây dựng một xã hội công nghiệp hạn chế bóc lột, hạn chế sự cách biệt giàu nghèo, khắc phục những mặt tiêu cực của xã hội tư bản trên cơ sở thuyết phục các nhà tư bản.

Cũng trong thời kỳ này, tư tưởng của Karl Marx và Friedrich Engels trong tác phẩm Tuyên ngôn Đảng cộng sản (2/1848) đã hình thành nên cơ sở của Chủ nghĩa xã hội khoa học. Học thuyết này chứng minh rằng lịch sử loài người là lịch sử của các hình thái kinh tế xã hội. Xã hội sau luôn luôn phát triển hơn xã hội trước do nền sản xuất tiến bộ hơn. Động lực phát triển của xã hội là đấu tranh giai cấp. Giai cấp công nhân- giai cấp vô sản sẽ xây dựng chính đảng của mình để tiến hành cách mạng vô sản, thay thế xã hội tư bản thành xã hội cộng sản, thiết lập mối quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới theo tinh thần quốc tế vô sản.

Học thuyết này sang đầu thế kỷ 20 được phát triển thêm bởi lý luận của Vladimir Ilyich Lenin . Ông đã áp dụng chủ nghĩa Marx vào hoàn cảnh thực tiễn của nước Nga và tiến hành thành công Cách mạng tháng Mười, thiết lập nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới. Lenin cũng đã đã bổ sung cho lý luận quan hệ quốc tế của Marx khi vạch rõ mâu thuẫn trong xã hội quốc tế là mâu thuẫn giữa các nhà nuớc tư bản. Chính chủ nghĩa đế quốc – bước phát triển tột bậc của chủ nghĩa tư bản – là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh thế giới.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khái niệm “công nghiệp hóa” xuất hiện và được dùng thay thế cho Cách mạng Công nghiệp. Công nghiệp hóa là quá trình chuyển đổi cơ bản toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý kinh tế, quản lý xã hội từ lao động thủ công sang lao động theo hình thức công nghiệp nhằm tạo ra năng suốt lao động cao hơn. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, nhờ công nghiệp hóa, một số các quốc gia phương Tây phát triển thành quốc gia công nghiệp. Nhiều nước thuộc Thế giới thứ ba cũng bắt đầu các chương trình công nghiệp hóa dưới sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ hoặc Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh nửa cuối thế kỷ 20. Nỗ lực này ở một số nước Đông Á thành công hơn ở các nơi khác trên thế giới

Cách mạng công nghiệp thời kì sau (1836-1913)
1837: Samuel Morse nghĩ ra mã Morse

1838: Brunel đóng tàu thủy hơi nước Great Western

1842: James Nasmyth sáng chế búa hơi đầu tiên

Những năm 1850: Các thành phố công nghiệp ở Anh được nối với nhau bằng kênh đào và đường sắt

1851: “Đại triển lãm” được tổ chức ở điện Crystal

1856: Bessemer phát minh ra lò chuyển Bessemer

1859: Giếng dầu đầu tiên được khoan ở Pennsylvania (Mỹ)

1867: Nobel phát minh ra thuốc nổ

1868: Georges Leclanché, người Pháp, phát minh ra pin khô

1869: Mendeleyev lập ra bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học

1870: Kênh đào Suez hoàn tất giúp việc đi lại sang Ấn Độ dễ dàng

1875: Bell thực hiện cuộc gọi điện thoại đầu tiên

1877: Nikolaus Otto sáng chế động cơ xăng bốn kì

1877: Lắp đặt tổng đài điện thoại công cộng đầu tiên

1882: Nhà máy thủy điện đầu tiên được xây

1885: Sản xuất những chiếc ôtô đầu tiên tại Đức

1887: Dunlop phát minh ra lốp bơm hơi

1896: Marconi phát minh hệ thống rađiô đầu tiên

1900: Cả Mỹ và Đức vượt Anh về sản lượng thép

1903: Anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên có động cơ và có điều khiển

1909: Leo Baekeland phát minh chất dẻo đầu tiên là bakelit

Theo Văn kiện Đại hội 10 của Đảng cộng sản Việt Nam, công nghiệp hóa là trọng điểm của chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam. Theo đó, Việt Nam nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành quốc gia công nghiệp.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 2018).