Nguồn: “House begins impeachment of Nixon,” History.com (truy cập ngày 26/7/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1974, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã đề nghị luận tội[1] và cách chức Tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ, Richard M. Nixon. Quá trình luận tội này là kết quả của một loạt các vụ bê bối chính trị liên quan đến chính quyền Nixon mà sau này được gọi chung là Watergate.
Vụ bê bối Watergate lần đầu được đưa ra ánh sáng sau cuộc đột nhập trụ sở quốc gia của Đảng Dân chủ trong khu phức hợp khách sạn nhà ở Watergate hôm 17 tháng 6 năm 1972. Một nhóm người có liên quan đến Nhà Trắng đã bị bắt giữ và kết tội sau đó. Nixon phủ nhận mọi sự liên quan với vụ đột nhập, nhưng một số nhân viên của ông cuối cùng đã thừa nhận có dính líu tới một vụ che đậy phi pháp và buộc phải từ chức.
Các cuộc điều tra của chính phủ sau đó tiết lộ nhiều “thủ đoạn bẩn thỉu” trong chiến dịch vận động chính trị của Ủy ban Tái bầu cử Tổng thống (một cơ quan gây quỹ của chính quyền Nixon), cùng với “danh sách kẻ thù” của Nhà Trắng. Tháng 7 năm 1973, một trong những nhân viên cũ của Nixon tiết lộ sự tồn tại của các cuộc trò chuyện bí mật được ghi âm lại giữa Tổng thống và các trợ lý. Ban đầu, Nixon từ chối công khai các cuốn băng, trên cơ sở các đặc quyền hành pháp và an ninh quốc gia của tổng thống, nhưng sau đó một thẩm phán đã ra lệnh cho ông phải tiết lộ. Nhà Trắng đã cung cấp một số cuốn băng, nhưng không phải là tất cả, và một số cuộc trò chuyện có vẻ đã bị xóa.
Tháng 5 năm 1974, Ủy ban Tư pháp Hạ viện bắt đầu phiên điều trần chính thức để luận tội Nixon. Ngày 27 tháng 7, điều khoản luận tội đầu tiên (về cản trở công lý) chống lại tổng thống được thông qua. Hai điều khoản luận tội khác là lạm dụng quyền lực và cản trở hoạt động của Quốc hội (contempt of Congress) lần lượt được thông qua vào ngày 29 và 30 tháng 7.
Mùng 5 tháng 8, Nixon tuân thủ phán quyết của Tối cao Pháp viện, cung cấp các đoạn băng còn thiếu. Những bằng chứng mới cho thấy sự bao che, dính líu của Nixon đối với vụ đột nhập Watergate. Mùng 8 tháng 8, Nixon tuyên bố từ chức, trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ tự nguyện rời khỏi văn phòng. Sau khi Nixon rời Nhà Trắng vào ngày mùng 9 tháng 8, Phó Tổng thống Gerald Ford lên kế nhiệm ông. Trong một động thái gây tranh cãi, Ford đã ra lệnh ân xá cho Nixon, giúp cựu tổng thống này không thể bị truy tố vì những tội trạng ông đã gây ra khi còn tại nhiệm.
Trong lịch sử Hoa Kỳ còn có hai vị tổng thống khác cũng bị luận tội: Andrew Johnson năm 1868 (liên quan đến việc ông vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ Quan chức chính phủ [Tenure of Office Act] 1867), và Bill Clinton năm 1998.
————————-
[1] Trong hệ thống chính trị Mỹ, Tổng thống, Phó Tổng thống, cùng tất cả các viên chức dân sự khác của chính phủ đều có thể bị truy tố. Hạ viện sẽ tiến hành luận tội, sau khi bản luận tội được thông qua thì Thượng viện sẽ tiến hành xét xử. Trong lịch sử Hoa Kỳ, có hai tổng thống từng bị luận tội và đưa ra xét xử trước Thượng viện là Andrew Johnson và Bill Clinton, nhưng cả hai đều được tha bổng khi xét xử. Richard Nixon đã từ chức trước khi bị Hạ viện luận tội, sau khi Ủy ban Tư pháp của Hạ viện chính thức đề nghị luận tội ông – ND.
Ảnh: Nixon phát biểu trong buổi lễ từ chức, tháng 8 năm 1974.