01/08/1975: Hiệp ước Helsinki được ký

BE022152

Nguồn:Helsinki Final Act signed,” History.com (truy cập ngày 31/7/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Vào ngày này năm 1975, Hoa Kỳ, Liên Xô, Canada, và hầu hết các nước châu Âu (trừ Albania) đã cùng nhau ký vào Hiệp ước Helsinki trong ngày cuối cùng diễn ra Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE), được tổ chức ở Phần Lan. Hiệp ước này mong muốn làm sống lại tinh thần hòa hoãn giữa Liên Xô và Hoa Kỳ cùng các đồng minh của hai nước trong Chiến tranh Lạnh.

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Richard M. Nixon cùng Cố vấn An ninh Quốc gia của ông là Henry Kissinger đã tạo nên một chính sách đối ngoại mà sau này được biết đến với tên gọi “hòa hoãn” (detenté) với Liên Xô – đúng như nghĩa đen của từ này là xoa dịu những căng thẳng Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ.

Chính sách này đã đạt được một số thành công nhất định trong những năm đầu 1970, khi Nixon có chuyến thăm Liên Xô và bắt đầu các cuộc thảo luận về vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đến mùa hè năm 1975, tinh thần hòa hoãn đã bắt đầu giảm sút. Nixon từ chức trong ô nhục vào tháng 8 năm 1974 trong vụ bê bối Watergate. Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam trong thất bại; tháng 4 năm 1975, chính quyền Nam Việt Nam sụp đổ trước lực lượng cộng sản. Tiến trình đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân với Liên Xô lâm vào bế tắc.

Tuy nhiên, đến tháng 7 năm 1975, Liên Xô và Hoa Kỳ đã cố gắng vực dậy chính sách hòa hoãn bằng cách tổ chức Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu ở Helsinki. Ngày mùng 1 tháng 8, các nước tham dự đã ký Hiệp ước Helsinki, qua đó đưa Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu thành một tổ chức tư vấn liên tục, và đặt ra một số vấn đề (được nhóm lại với nhau thành các “rổ”) cần thảo luận trong thời gian tiếp theo. Những vấn đề này bao gồm kinh tế và thương mại, cắt giảm vũ khí, và bảo vệ nhân quyền.

Trong một thời gian ngắn, chính sách hòa hoãn có vẻ đã được vực dậy, nhưng chính Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu lại sớm trở thành nguyên nhân cho những cuộc tranh luận nảy lửa giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, chủ yếu về vấn đề nhân quyền ở Liên Xô.

Sau khi Hiệp ước Helsinki được ký, những người bất đồng chính kiến và những nhà cải cách ở Liên Xô đã thành lập nên Nhóm Helsinki, một tổ chức giám sát sự tuân thủ của chính phủ Liên Xô trong việc bảo vệ các quyền con người ở nước này. Liên Xô đã đàn áp Nhóm Helsinki, bắt giữ nhiều người trong số các lãnh đạo hàng đầu của tổ chức này. Các nhóm bảo vệ nhân quyền ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới đã đứng lên phản đối những hành động của chính phủ Liên Xô.

Chính phủ Hoa Kỳ chỉ trích Liên Xô vì họ đã không tôn trọng tinh thần của Hiệp ước Helsinki. Để đáp trả, Liên Xô phẫn nộ vì cho rằng Mỹ đang can thiệp vào công việc nội bộ của đất nước họ. Đến giữa năm 1978, Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu về cơ bản ngừng hoạt động. Nó sau này được lãnh đạo Xô viết Mikhail Gorbachev hồi sinh trong những năm 1980, và phục vụ như một nền tảng cho những chính sách hướng tới quan hệ gần gũi và thân thiện hơn với Hoa Kỳ của Gorbachev.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Gerald Ford, Lãnh tụ Liên Xô Leonid Brezhnev, và Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko tại Hội nghị Helsinki 1975. © Corbis.