Thời gian và không gian trong chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Nguồn: Robert Tomes, “Trading Space and Time in the Cold War Offset Strategy”, War on the Rocks, 6/8/2015.

Biên dịch: Nguyễn Trần Bảo Yến | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

“Chiến lược”, như Napoleon phản ánh, là “nghệ thuật sử dụng thời gian và không gian.” Chiến lược bù đắp lần thứ ba được mô tả như một cách thức giúp duy trì thế mạnh công nghệ quân sự của Mỹ. Việc bù đắp các lợi thế của đối thủ và phục hồi uy thế răn đe của Mỹ đòi hỏi các đổi mới về mặt công nghệ và học thuyết, cho phép quân đội chống đỡ và trả đũa các cuộc tấn công ở khoảng cách xa hơn trong một khung thời gian ngắn hơn so với các khả năng cho phép ở hiện tại.

Lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, các nhà hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đặt câu hỏi về khả năng của quân đội trong việc duy trì thế mạnh công nghệ so với các cường quốc khu vực khác. Liệu một “chiến lược bù đắp” mới có thể giúp nước Mỹ tiếp tục giữ vững vị thế răn đe truyền thống trong dài hạn vốn luôn được đảm bảo bởi quân đội Hoa Kỳ? Mối đe dọa từ chống xâm nhập-chống tiếp cận (A2/AD) đang thách thức các khả năng răn đe khu vực của Mỹ bằng cách gia tăng các chi phí tương đối liên quan đến hoạt động của quân đội tại các căn cứ tiền phương, trong khi các căn cứ này lại sở hữu một quá trình tiếp vận kéo dài, bên cạnh đó là đặt các lực lượng quân đội Mỹ ở tư thế phòng thủ trong quá trình giao chiến ban đầu.

Chiến lược bù đắp lần thứ ba, theo một số quan điểm, bàn về nghệ thuật tận dụng thời gian (phản ứng một cách nhanh chóng và dứt khoát trước một cuộc tấn công hay xâm lược bất ngờ ở tầm khu vực) và không gian (hoạt động ở các khu vực tiền phương vốn phải đối mặt với kẻ thù sở hữu các hệ thống vũ khí tầm xa chính xác hơn). Đây không phải là lần đầu tiên các nhà hoạch định chiến lược quốc phòng của Mỹ đối phó với những thách thức về không gian và thời gian trên chiến trường bằng các đổi mới về mặt công nghệ và học thuyết để bù đắp lại các lợi thế quân sự của đối phương. Điều cốt lõi của cuộc thảo luận về chiến lược bù đắp lần thứ ba là những câu hỏi cơ bản về việc làm thể nào để vượt qua các giới hạn về khoảng cách nơi kẻ thù có lợi thế về số lượng và chất lượng so với các lực lượng quân đội Mỹ được triển khai, vốn làm giảm đi thời gian phản ứng chống lại các cuộc tấn công của kẻ địch.

Sự giống nhau chủ yếu giữa các cuộc thảo luận về chiến lược bù đắp lần thứ hai và lần thứ ba là vấn đề tác chiến phát sinh liên quan tới cán cân tấn công-phòng thủ khi các cường quốc khu vực triển khai các hệ thống vũ khí tấn công tầm xa với số lượng lớn. Thật vậy, trong bài phát biểu ở Hội nghị chiến lược tại Trường Quân sự lục quân vào ngày 8 Tháng 4, Thứ trưởng Quốc phòng Bob Work đề xuất các thay đổi trong chiến lược bù đắp thời Chiến tranh Lạnh liên quan tới các khái niệm “Chiến tranh Không-Bộ” (AirLand Battle) và “Phá công” (Assault Breaker) như các thành phần tiềm năng của chiến lược bù đắp lần thứ ba. Bài viết này khảo sát một nỗ lực trước đó nhằm cập nhật học thuyết và các chương trình tiếp nhận vũ khí quốc phòng vốn xuất phát từ chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhằm mục tiêu bổ sung cho các lập luận của Work liên quan tới các khái niệm “Chiến tranh Không-Bộ 2.0 (AirLand Battle 2.0) và “Tấn công phá vỡ” (Raid Breaker).

Các thảo luận về chiến lược bù đắp hiện nay phần lớn được thúc đẩy dựa trên những gì đối thủ của chúng ta học được về lợi thế tấn công tầm xa chính xác của Mỹ và làm thế nào để chống lại chúng trong các cuộc chiến tranh khu vực, bao gồm cả phá vỡ các kế hoạch huy động, tiếp tế, và hỗ trợ của quân đội Mỹ. Bằng việc chuyển sang tập trung vào cấu trúc (quân sự) mang yếu tố tấn công chính xác đầu tiên hậu Chiến tranh Lạnh, mà cụ thể là xem xét cách thức công nghệ, ngân sách quốc phòng, và các đối thủ đang nổi lên trong khu vực thách thức lợi thế quân sự của Mỹ như thế nào, chúng ta có thể rút ra được một số bài học.

Báo cáo đặc biệt của Hội đồng khoa học thuộc Bộ Quốc phòng nhận định về (các chiến dịch) Phối hợp cản phá chính xác (Joint Precision Interdiction – JPI) tháng 6 năm 1994 mang ý nghĩa đặc biệt vì nó là đánh giá đầu tiên về học thuyết và các hệ thống vũ khí vốn là di sản của chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà cụ thể nhấn mạnh các mối đe doạ tới quân đội Mỹ đến từ các cường quốc khu vực sở hữu các hệ thống vũ khí chính xác tầm xa. Khái niệm “Phối hợp cản phá chính xác” được đề xuất bởi Bộ chỉ huy châu Âu của quân đội Mỹ vào cuối Chiến tranh Lạnh để đối phó với “các lực lượng mang tính cơ động cao trong tình huống mà các chiến tuyến khó có thể được xác định” và cũng là để đối phó với những thách thức đến từ “các mô hình xung đột khu vực cũng như các kịch bản tiếp xúc” trong “chiến trường phi tuyến tính” (non-linear battlefield) thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Cũng giống như phát biểu của Work, báo cáo JPI tìm cách cập nhật cả những giả định thúc đẩy khái niệm “Chiến tranh Không-Bộ” và “Phá công” cũng như những chương trình khác đi kèm theo.

JPI là khái niệm tác chiến đầu tiên được thiết kế để thúc đẩy những khoản đầu tư khổng lồ liên quan tới chiến lược bù đắp trong Chiến tranh Lạnh, bằng cách kết hợp các hệ thống (vũ khí) hiện có và dự kiến (được đầu tư) để đối phó với những thay đổi bất ngờ về môi trường tác chiến thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh và hậu chiến dịch Bão táp sa mạc (Desert Storm). Nhóm nghiên cứu JPI công nhận rằng khả năng tấn công chính xác, công nghệ tàng hình, và các khả năng phức tạp khác sẽ sớm được các đối thủ tiềm năng triển khai, làm thay đổi rất lớn giả định về việc duy trì lợi thế áp đảo của nước Mỹ trong các lĩnh vực chủ chốt. Theo đó, việc áp dụng khái niệm JPI đòi hỏi những cải tiến và thích nghi quan trọng trong học thuyết và hệ thống vũ khí liên quan tới chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bao gồm cả khái niệm Follow on Forces Attack – FOFA (tạm dịch là Tấn công theo đuôi) được thảo luận trong các bài viết trước đây trên War on the Rocks.

Cả khái niệm về FOFA được đưa ra vào cuối những năm 1980 và khái niệm về JPI vào những năm 1990 đều có nguồn gốc từ một báo cáo năm 1983 của NATO mang tên “Tăng cường Ngăn chặn thông thường ở châu Âu”. FOFA đưa ra một học thuyết tấn công khôn ngoan và một kế hoạch mua sắm vũ khí có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 300 km so với các đơn vị ở hành làng tuyến đầu của NATO. FOFA ban đầu được xây dựng tập trung vào việc trì hoãn và làm gián đoạn các lực lượng Xô Viết với sự kết hợp của công tác tình báo, khả năng định vị mục tiêu, hệ thống tấn công tầm xa chính xác cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát hỗn hợp trên chiến trường. Do đó, FOFA thích nghi với học thuyết Tác chiến Không-Bộ qua một cách tiếp cận tinh vi, đa diện hơn, có khả năng phối hợp các hoạt động giám sát, định vị mục tiêu và tấn công chính xác của NATO nhằm tấn công thọc sâu vào lãnh thổ của Khối Warsaw, giúp tăng cường phòng thủ cho các đơn vị ở tiền tuyến. Chiến lược này có mục tiêu khôi phục lại khả năng răn đe bằng cách cho phép tấn công thọc sâu vào lãnh thổ đối phương, vốn có khả năng gây tác động ngược lại đến những trận chiến khác ở cự ly gần.

Cấu trúc ban đầu của khái niệm “Tác chiến Không-Bộ” và “Phá công” dẫn tới khái niệm FOFA căn bản là cố gắng vượt qua lợi thế của Liên Xô về mặt không gian-thời gian trong kịch bản đối đầu quân sự giữa NATO và Khối Warsaw. “Tác chiến Không-Bộ” và “Phá công” được thúc đẩy bởi sự cần thiết phải tạo ra khả năng tấn công tầm xa chính xác, và đúng thời điểm để trì hoãn và phá vỡ các lực lượng quân sự của Liên Xô. FOFA và JPI đều tập trung vào việc thích ứng với các sáng kiến quân sự của Mỹ được thiết kế để vượt qua những thách thức về không gian và thời gian của cuộc Chiến tranh Lạnh tại châu Âu và tiếp nối qua thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.

Vào cuối thời kì Chiến tranh Lạnh, thực tại về không gian và thời gian của chiến trường hiện đại thúc đẩy các tư duy mới về chỉ huy và kiểm soát, vai trò của tình báo chiến thuật, bảo vệ kho dự trữ, các đơn vị hậu cần và dự bị ở hậu phương, và duy trì sức mạnh chiến đấu trong tình huống mà các đơn vị không thể xoay sở kịp để bổ sung quân cho tiền tuyến trong giai đoạn hưu chiến. Do phạm vi và khả năng của các hệ thống tấn công tầm xa, sẽ không có bất cứ giai đoạn hưu chiến mang tính chiến thuật nào xảy ra trong chiến trường tương lai. Điều này đã thúc đẩy sự đổi mới của Mỹ trên nhiều phương diện, bao gồm việc cải thiện khả năng xác định mục tiêu và vị trí, phân bổ chính xác các vũ khí tiên tiến với đầu đạn hạt nhân nhẹ hơn với khả năng gây chết người cao hơn, hay khả năng tác chiến điện tử mới được thiết kế giúp đánh lừa và phá vỡ hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương.

Một nguyên lý quan trọng của cả “Tác chiến Không-Bộ” và FOFA là ngăn chặn các đợt tấn công liên tiếp của Liên Xô vào phòng tuyến của NATO. Nếu các đợt tấn được trì hoãn, các lực lượng tiền phương của NATO có thể tập hợp lại, củng cố phòng thủ, và trong tình huống lý tưởng sẽ chuyển sang thế tấn công. Điều này đòi hỏi NATO có trong tay một kế hoạch tấn công trực diện khoảng 150-300 km vào sâu trong chiến trường, trong đó, lần lượt, yêu cầu khả năng tình báo, khả năng chỉ huy và kiểm soát, và khả năng tấn công chính xác tốt hơn. Xác định mục tiêu ở khoảng cách xa như vậy yêu cầu thời gian tình báo chính xác để khai thác thông tin và phổ biến tới các chỉ huy và các trung tâm hỗ trợ tấn công. Các khái niệm này cũng yêu cầu phải làm phá sản các chiến thuật đánh lừa của Liên Xô ở cấp độ toàn chiến trường.

Với nhấn mạnh mới tập trung vào ngăn chặn, các nhà hoạch định cho rằng các lực lượng của NATO sẽ có nhiều thời gian hơn để trì hoãn các cuộc tấn công và ổn định một mặt trận mới. Điều này củng cố sự tập trung vào khía cạnh thời gian của việc lên kế hoạch, thiết kế các hệ thống vũ khí mới, và sửa đổi học thuyết. Như Tham mưu Trưởng Lục quân, Tướng Don Starry lập luận trong bản điều trần của ông trước Uỷ ban Quân dịch Hạ viện vào tháng 4 năm 1983, các thách thức tác chiến mà lực lượng NATO phải đối mặt đòi hỏi tư duy mới về những gì được coi là vấn đề về “không gian-thời gian” được giải quyết bởi FOFA: tạo ra nhiều “cơ hội”, trong đó lực lượng đối phương bị suy thoái, nhờ đó Hoa Kỳ có thể chuyển sang thế tấn công. Về mặt khái niệm, những ảnh hưởng của JPI và khả năng tấn công thọc sâu vào lãnh thổ đối phương được mô tả như là nỗ lực giúp củng cố khả năng phòng thủ của NATO.

Những hàm ý về khái niệm và học thuyết của việc tập trung vào các khung thời gian cụ thể đã mở đường cho các cuộc thảo luận tác chiến mang tính quyết định trong những năm 1990. Những thay đổi quan trọng xảy ra sau đó. Các nhà hoạch định quân sự công nhận rằng những giả định cơ bản của FOFA và Tác chiến Không-Bộ đã thay đổi.

Trong khi FOFA tập trung vào việc tấn công thọc sâu nhằm tác động tới quá trình cận chiến thì khái niệm JPI cũng tập trung vào việc tấn công thọc sâu nhưng là nhằm gây ra những ảnh hưởng sâu sắc ngay trong lòng quân địch. Định nghĩa “chính xác” (precision) trong cấu trúc phát triển của JPI giữ lại các yếu tố định vị mục tiêu, theo dõi và tấn công chính xác trong khi chú trọng các khả năng mới cho phép các chỉ huy chiến trường xác định, lựa chọn, và tấn công các mục tiêu dựa vào mức độ quan trong về mặt quân sự của mục tiêu ở thời điểm đó.

Ngoài ra, các nhà hoạch định quân sự chuyển hướng quan tâm đến các cuộc chiến tranh với các mục tiêu giới hạn, vấn đề vốn khiến các nhà hoạch định chính sách quốc phòng lo ngại vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Moscow kết hợp sự ổn định của chiến trường châu Âu với các khu vực khác. Lực lượng của Mỹ và Liên Xô, hay các lực lượng uỷ nhiệm khác của họ, cạnh tranh ảnh hưởng bên ngoài châu Âu có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu xảy ra ngay trong lòng châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu Moscow tấn công với các mục tiêu giới hạn, chỉ nhằm chiếm lãnh thổ của NATO để đạt được một số lợi ích hoặc nhượng bộ? Nếu không có đầy đủ khả năng răn đe, các nhà hoạch định cảnh báo rằng một sự tấn công bất ngờ như vũ bão có thể chỉ mang lại thiệt hại tối thiểu cho Liên Xô và các áp lực chính trị khiến châu Âu phải “quỳ gối” trước các yêu cầu của Moscow.

Trong khi FOFA giả định về việc tiếp cận cơ sở hạ tầng của NATO, căn cứ không quân, và các khả năng hỗ trợ khác, JPI giả định rằng các xung đột mang tính khu vực hậu Chiến tranh Lạnh sẽ đòi hỏi ở nước Mỹ năng lực chiến đấu lớn hơn nhưng với khả năng tiếp cận một cách giới hạn các căn cứ tiền phương. JPI cũng nhắc tới khả năng các đối thủ có thể tấn công các cảng, sân bay và các tuyến đường hậu cần thiết yếu nhằm ngăn ngừa năng lực tiếp viện và tiếp tế của quân đội Hoa Kỳ. Song song với các cuộc tranh luận hiện nay về việc chống lại chiến lược chống xâm nhập-chống tiếp cận (A2/AD), cấu trúc trước đó của Tác chiến Không-Bộ và FOFA yêu cầu sự kết hợp của các hệ thống vũ khí và đạn dược chính xác cùng với sự đổi mới trong lĩnh vực hậu cận, chiến tranh điện tử, công nghệ tàng hình, các mánh khóe trên chiến trường và các hệ thống không người lái.

Sau Chiến tranh Lạnh, khái niệm JPI tìm cách đề cập tới các xung đột tiềm năng mang tính khu vực, bao gồm cả các cuộc chiến tranh hạn chế, cũng như những thay đổi cơ bản trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh vốn tiếp tục định hình chiến lược quốc phòng ngày nay. Báo cáo đặc biệt về JPI nhắc tới một số vấn đề trùng hợp với cuộc thảo luận về chiến lược bù đắp thứ ba và phản ánh suy nghĩ của Thứ trưởng Work về Tác chiến Không-Bộ 2.0 và Phá công.

Ví dụ, chiến lược bù đắp hiện nay giả định việc suy giảm đáng kể tỷ lệ binh lính trên một vùng không gian trong một khung tham chiến quy ước. Trong đó, không xuất hiện bất cứ lá chắn răn đe leo thang xung đột nào (bằng cách đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân). Những kẻ xâm lược có thể không cảm nhận đủ mức độ răn đe gây ra bởi sự đe dọa leo thang hạt nhân của Mỹ nếu như quân đội Mỹ chịu thất bại trên chiến trường. Giống như những kiến trúc sư của khái niệm JPI, các nhà hoạch định quốc phòng ngày nay đang phải vật lộn với viễn cảnh xung đột tương lai trong đó nước Mỹ triển khai lực lượng ít hơn (cả trong khu vực và trên toàn cầu) và sự vắng mặt của các tuyến phòng thủ tuyến tính cho phép cấu trúc chiến thuật tấn công thọc sâu-cận chiến phát huy hiệu quả như đã được nhấn mạnh trong FOFA. Công nghệ tấn công với độ chính xác cao đã trở nên phổ biến. Điều này thúc đẩy những đầu tư bổ sung của nước Mỹ để duy trì khả năng vượt trội của mình bất chấp kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng và sự suy giảm năng lực cho các chương trình vũ khí mới. Bất kỳ sự nhấn mạnh nào của Mỹ về các khả năng tấn công, chủ động, hoặc “phủ đầu” (bao gồm các học thuyết) nhằm chuyển đổi nhanh chóng từ các nhiệm vụ triển khai binh lính ra tuyến đầu hay triển khai sức mạnh ở bên ngoài trở thành các nhiệm vụ tác chiến khiến kẻ thù phải thay đổi dựa trên các lợi thế của Mỹ, đều có thể tạo ra thêm các mối đe dọa liên quan tới A2/AD, trong đó có các chương trình chống tàng hình và đánh lừa kẻ thù vốn cần thêm các khoản đầu tư đến từ chiến lược bù đắp lần thứ thứ ba.

Sự biến đổi từ FOFA đến JPI vào cuối Chiến tranh Lạnh không chỉ là một nỗ lực đánh giá lại môi trường an ninh hậu Chiến tranh Lạnh hay những vấn đề mới nổi lên mang tầm khu vực. Nó cũng liên quan đến việc kiểm tra lại các khả năng của nước Mỹ. Cụ thể, khái niệm JPI công nhận rằng các loại vũ khí được thiết kế cho FOFA không đủ tầm hoạt động để có thể ngăn chặn hoặc làm gián đoạn các lực lượng đối phương. Hơn nữa, các lực lượng quân đội được điều động không có đủ các cơ sở vật chất tiền phương sẵn có để duy trì hoạt động chiến đấu. Đối thủ, cuối cùng, sẽ có khả năng sở hữu các hệ thống phòng không và tên lửa tầm xa tinh vi hơn, tạo nên một thách thức đối với các khái niệm tác chiến ngăn chặn thọc sâu được thiết kế để đánh bại lực lượng của Liên Xô ở châu Âu và được chứng minh trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Sau đó, ở hiện tại, các nhà hoạch định chính sách quốc phòng đặt câu hỏi liệu các loại vũ khí phóng từ mặt đất và trên không có đủ tầm bắn để nâng cao khả năng sống sót cho quân lực Hoa Kỳ hay không.

Các nhà hoạch định quốc phòng hiện nay đang bị “tắc nghẽn” ở điểm nào? Có nhiều thay đổi kể từ khi khái niệm JPI nhấn mạnh tới các xung đột khu vực hậu Chiến tranh Lạnh trên một chiến trường phi tuyến tính, bao gồm cả việc xác định các mối đe dọa cụ thể đến khả năng triển khai sức mạnh và khả năng xây dựng lực lượng của Mỹ; những thay đổi cơ bản trong công nghệ, công nghiệp, và suy nghĩ của chúng ta về quá trình đổi mới quân sự; sự trỗi dậy của các cường quốc khu vực mang tư tưởng bành trướng thách thức trực tiếp lợi ích của Mỹ và đồng minh trên nhiều chiến trường; và, khả năng chính trị và tài chính của Mỹ để đạt được đồng thuận trong các ưu tiên chi tiêu quốc phòng và sau đó theo đuổi một danh mục đầu tư đa dạng cho chương trình “bù đắp lần thứ ba”. Với sự hiểu biết nhiều hơn về các chiến lược bù đắp trước đó và cách thức các đối thủ ngày nay phản ứng với chúng, chúng ta sẽ được định hướng tốt hơn hướng đến những thay đổi phù hợp.

Như đề nghị của Thứ trưởng Work về khái niệm “Tác chiến Không-Bộ 2.0” và “Tấn công phá vỡ”, có thể là các thách thức cốt lõi về không gian-thời gian và khả năng tác chiến được kế thừa từ chiến lược bù đắp thời Chiến tranh Lạnh, được cập nhật bởi việc xây dựng JPI, vẫn có liên quan đến thảo luận chiến lược bù đắp hiện nay. Sau tất cả, chúng là nguồn gốc của những lợi thế của nước Mỹ mà đối thủ của họ đang tìm cách hoá giải. Với cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc, sự tiến hóa, và sự liên quan của các khái niệm cũng như kiến ​​thức về khả năng của các đối thủ này, các nhà hoạch định chiến lược bù đắp lần thứ ba có thể tránh được những cám dỗ của sự rập khuôn và sắp xếp lại các khái niệm, mối quan tâm, và các cuộc tranh luận cũ xuyên suốt hàng thập kỷ qua và thay vào đó là sự phối hợp khả năng đột phá và đổi mới vào các khái niệm mới, các học thuyết, và công nghệ.

Hy vọng rằng, các kết quả của Nhóm hành động Chương trình Nghiên cứu và phát triển tầm xa (Long Range Research and Development working group) và sự phục hồi của Văn phòng Mạng lưới đánh giá (Office of Net Assessment) dưới hệ thống lãnh đạo mới sẽ giúp chúng ta vượt qua những khái niệm tiên tiến như “Tác chiến Không-Bộ 2.0” và “Tấn công phá vỡ”. Điều này cũng giúp chúng ta nhận ra bước đột phá cơ bản đi kèm các khái niệm, các chương trình và tư duy còn sót lại của chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tiến sĩ Robert R. Tomes là Chủ tịch của MapStory Foundation và là phó giáo sư về nghiên cứu chính sách an ninh tại Đại học Georgetown. Các ấn phẩm của ông bao gồm Chiến lược quốc phòng Mỹ từ Chiến tranh Việt Nam đến Chiến dịch Tự do Iraq: Đổi mới quân sự và các phương thức chiến tranh mới của Mỹ, 1973-2003 (Routledge, 2007), trong đó phân tích chiến lược bù đắp thời kỳ Chiến tranh Lạnh như là một trường hợp điển hình để nghiên cứu vấn đề đổi mới quân sự.