Ai được ai mất từ cuộc suy thoái của Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

China stockmarket

Nguồn: Marie Charrel, “Les gagnants et les perdants du ralentissement chinois”, Le Monde, 03/08/2015.

Biên dịch: Lý Vân Anh

Trong tháng 7, chứng khoán Trung Quốc sụt giảm tới mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính lên đến đỉnh điểm. Chỉ số tổng hợp của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 15%, bất chấp sự can thiệp liên tiếp của chính phủ trong nỗ lực bình ổn thị trường. Theo các nhà kinh tế, sự sụt giảm này có thể tiếp diễn trong tháng 8 tới. Vào hôm thứ hai vừa qua (3/8), các thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến kết thúc ngày giao dịch với mức giảm tương ứng là 1,11% và 2,72%.

Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là điều đáng lo ngại nhất. Sự hỗn loạn của thị trường chứng khoán chỉ là một trong những dấu hiệu của sự suy thoái kinh tế Trung Quốc. “Bắc Kinh đang lo sốt vó vì các biện pháp đã triển khai cho đến nay nhằm phục hồi tăng trưởng không còn tác dụng”, Patrick Artus, giám đốc nghiên cứu thuộc Ngân hàng Natixis cho biết.

Theo các con số chính thức đưa ra thì GDP của Trung Quốc tăng 7,5% trong quý II. Nhưng các chuyên gia tin rằng trên thực tế, con số này chỉ khoảng 4 đến 5%. “Mức tăng trưởng này sẽ duy trì ở mức 5% trong những năm tới, và còn lâu mới trở lại được mức 10% trước khủng hoảng”, theo Adam Slater, tạp chí Oxford Economics. Trong khi đó, các nhà phân tích của Natixis cho rằng mức tăng trưởng này sẽ giảm xuống còn khoảng 3% trong thập niên tới.

Trong tháng 7, sản lượng công nghiệp chế tạo của Trung Quốc đạt mức thấp nhất trong hai năm vừa qua. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do công ty tài chính Markit kết hợp với tập đoàn truyền thông Trung Quốc Caixin tính toán chỉ đạt 47,8. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2013. Chỉ số PMI phải đạt trên 50 mới thể hiện sản xuất được mở rộng, nếu chỉ số này ở mức thấp hơn, nó cho thấy sản xuất đang thu hẹp lại.

Biến động dân cư và suy giảm khả năng cạnh tranh

Đâu là nguyên nhân của tình trạng suy thoái này? Trước tiên là các nguyên nhân cơ học. “Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu thập kỷ là do hiệu ứng đi tắt đón đầu, giờ đây, hiệu ứng đó ít còn tác dụng”, chuyên gia về Trung Quốc Jean-Joseph Boillot cho biết. Nền kinh tế Trung Quốc, cho đến nay vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư, đang hướng tới một mô hình cân bằng hơn là dựa trên tiêu dùng.

Cùng lúc đó, nguồn lao động tưởng chừng vô tận của Trung Quốc cũng cạn dần do dân số già đi. Hơn nữa, mức tăng tiền lương bình quân (11,6% mỗi năm trong điều kiện thực tế suốt thập niên vừa qua) đã làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của nước này. “Trước những biến động lớn này, việc đà tăng trưởng bị chậm lại là không tránh khỏi,” Vijlder William và Christine Peltier, hai chuyên gia thuộc ngân hàng BNP Paribas kết luận.

Sự suy giảm tăng trưởng của Trung Quốc sẽ dẫn tới những hệ quả gì đối với kinh tế toàn cầu? “Điều này khó nói trước vì còn phụ thuộc vào các điều kiện đi kèm với đà suy giảm này”, hai chuyên gia kinh tế của BNP Paribas giải thích. Nếu sự suy giảm này diễn ra đột ngột và kèm theo việc bong bóng nợ doanh nghiệp vỡ, thì toàn bộ thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt và đầu tư nước ngoài sẽ trở lại cảnh bấp bênh. Ngược lại, nếu sự suy giảm này diễn ra từ từ và được kiểm soát tốt thì tác động sẽ nhẹ nhàng hơn.

“Trong cả hai trường hợp, tác động sẽ ít hơn cuộc khủng hoảng năm 2009,” Sylvain Laclias, chuyên gia của Pháp tại ngân hàng Credit Agricole nhận định. Các nước trên thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ khác nhau.

Thiệt hại nhất là các nước xuất khẩu nguyên liệu

Chịu ảnh hưởng lớn nhất đương nhiên là các nhà cung cấp nguyên liệu. Để đảm bảo nhu cầu phát triển hạ tầng khổng lồ của mình, trong những năm qua, Bắc Kinh đã ngốn tới 51% lượng tiêu thụ than, 50% lượng đồng và 11% nhu cầu dầu toàn cầu. Việc Trung Quốc giảm nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu sẽ ảnh hưởng tới Brazil (thị trường Trung Quốc chiếm 20% tổng sản lượng xuất khẩu của nước này), Nga, Chile và Argentina. Australia và các nước vùng Vịnh cũng ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

Đối với các nước này, kịch bản xấu nhất sẽ là bên cạnh sự suy giảm kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại, điều có thể xảy ra ngay từ cuối năm nay. Điều này dẫn tới việc vốn sẽ đổ về New York và Washington, thay vì San Paulo, Buenos Aires và Santiago. “Ngược lại, nguyên liệu giảm giá sẽ có lợi cho các nước khác, các nước nhập khẩu nguyên liệu, tức là đa phần các nước đã công nghiệp hóa,” ông Boillot nhấn mạnh.

Câu hỏi đặt ra là liệu giá nguyên liệu giảm có bù đắp được sự sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc? Câu trả lời sẽ là không đối với những đối tác châu Á quen thuộc của Bắc Kinh, cụ thể là Hàn Quốc, Singapore hay New Zealand, với tỉ lệ xuất khẩu tương ứng sang Trung Quốc chiếm tới 10,1%, 16,7% và 4,2% giá trị GDP.

Khu vực đồng euro và Hoa Kỳ sẽ ít bị ảnh hưởng

Ngược lại, các nước thuộc khu vực đồng euro và Hoa Kỳ sẽ ít bị ảnh hưởng do xuất khẩu của các nước này sang Trung Quốc chỉ chiếm 1,5% và 0,7% GDP. Với Pháp, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,7% GDP. Theo tính toán của INSEE (Viện Thống kê Pháp), nếu nhu cầu nội địa của Trung Quốc giảm 3 điểm mỗi năm, thì GDP Pháp cũng chỉ mất tối đa 0,1 điểm. Đức cũng chịu tác động tương đương, mặc dù Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba ở Berlin: chiếm 10% lượng ô tô mà Đức xuất khẩu hàng năm.

Bởi vì mặc dù công nghiệp Trung Quốc sẽ tăng chậm lại, nhưng mức tiêu thụ vẫn phải duy trì do tiền lương tăng. Các nước phương Tây chủ yếu xuất hàng tiêu dùng sẽ ít bị ảnh hưởng. “Tất nhiên là với điều kiện chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát được sự biến động kinh tế lần này”, ông Slater nói. Chẳng hạn như tiếp tục xây dựng mạng lưới an sinh xã hội để các gia đình tiếp tục chi tiêu hơn là chuyển sang tiết kiệm để phòng thân.

Xu hướng dịch chuyển sản xuất sang các nước có chi phí sản xuất thấp hơn

Kinh tế Trung Quốc chững lại cũng tác động tới tổ chức sản xuất trên toàn cầu. Theo Agatha Kratz, chuyên gia về Trung Quốc tại nhóm tư vấn về đối ngoại thuộc Hội đồng châu Âu, xu hướng này đã bắt đầu diễn ra do tiền lương tăng khiến các nhà máy Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh đối với các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng thấp”.

Một phần các dây chuyền sản xuất đã được dịch chuyển tới các nước có nguồn lao động rẻ hơn. Trong năm 2010, 40% giày Nike được sản xuất tại Trung Quốc, so với 13% ở Việt Nam. Năm 2013, tỉ phần của Trung Quốc giảm xuống 30%, trong khi ở Việt Nam lại tăng lên 42%. Xu hướng này sẽ tiếp diễn và có lẽ sẽ hướng tới các nước Trung và Đông Âu.

Đồng thời, các nhà máy Trung Quốc sẽ hướng tới các sản phẩm cao cấp hơn, thay vì tiếp tục là một phần của dây chuyền lắp ráp châu Á. Trung Quốc muốn trở thành nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Liệu điều này có đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ giảm bớt đầu tư ồ ạt ra nước ngoài như những năm gần đây? Chưa chắc, bởi nếu trước kia Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu của mình, thì từ nay Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư để quảng bá các thương hiệu của họ tại các thị trường mới, đồng thời nhằm đa dạng hóa các khoản đầu tư, như việc tấn công vào ngành dịch vụ khách sạn hạng sang ở Châu Âu thời gian vừa qua.

Marie Charrel là nhà báo chuyên về kinh tế vĩ mô và chính trị tiền tệ của tờ Le Monde, Pháp.