Xoay trục sang Đông không giải quyết được vấn đề của Nga

134398567_14364874764591n

Nguồn: Vladimir Ryzhkov, “Pivot East Won’t Solve Russia’s Problems”, The Moscow Times, 16/07/2015.

Biên dịch: Phương Nguyễn

Nhà cầm quyền Nga có một động thái mang tính biểu tượng là chọn Ufa, thủ phủ vùng thảo nguyên Bashkortostan để tổ chức sự kiện kép: thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và thượng đỉnh  BRICS. Khách được chào đón theo phong tục Nga kết hợp với phong tục vùng Bashkir. Vừa hạ cánh, khách được được đón bằng bánh mì và muối theo truyền thống Nga rồi được đãi trà với sữa dê trong lều da Bashkir của dân du mục – một biểu tượng mới nhằm làm sâu sắc thêm tình đoàn kết của nhóm quốc gia phi phương Tây.

Sau khi đã chành chọe với phương Tây và đang mắc kẹt vào cuộc đối đầu gay go nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ này, Nga đang đặt cược vào Nam và Đông. Bằng cách này, Nga hy vọng đạt ba mục đích chính: 1) tránh được sự cô lập quốc tế toàn diện; 2) tạo ra một mặt trận các nước chống phương Tây có khả năng thách thức vai trò áp đảo của phương Tây và thay đổi luật chơi trong chính trị, kinh tế, và các định chế quốc tế; và 3) thay thế các nguồn lực, công nghệ và thị trường phương Tây mà Nga đã mất, bằng nguồn từ các nước phi phương Tây.

Phản ứng cứng rắn trước thách thức đương đầu với phương Tây, Putin đã ngay lập tức tăng cường mối quan hệ với người Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và các nước khác. Moskva đưa ra hàng loạt đề xuất và sáng kiến, làm cho các vị đối tác chóng hết cả mặt. Moskva đã chủ động chèo kéo và việc này đã thành công: Lãnh đạo các quốc gia phi phương Tây lớn nhất trong năm nay đã thăm Nga tới lần thứ hai.

Việc làm thân với lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Iran và Braxin cũng nhằm mục đích tăng cường uy tín trong nước. Sự có mặt của các vị lãnh đạo kia làm tăng thêm uy tín nhà cầm quyền với dân Nga đồng thời là sự ủng hộ kín đáo chính sách đối ngoại của Kremlin. Sau hết, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi ủng hộ Putin, thì đúng là Nga đang đi đúng hướng!

Tuy nhiên, trong thực tế, biện pháp này không đạt được một mục đích nào cả. Cái khẩu hiệu “xoay trục sang Đông và Nam” vẫn chỉ là “ngôi làng Potemkin” với mặt tiền đẹp đẽ che đậy sự hoang tàn phía sau mà thôi. (Ngôi làng Potemkin là làng giả, di động trông xa rất trù phú, được dựng lên để che mắt Nữ hoàng Nga Catherine II khi bà thị sát – kiểu ‘lừa dối cấp trên’ – ND)

Trước hết, việc này không thể giải thoát Nga khỏi tình trang bị cô lập. Phát triển quan hệ với các nước phi phương Tây chỉ giảm bớt, chứ không làm tiêu tan sự cô lập này. Tuy ảnh hưởng đang giảm sút, phương Tây vẫn tiếp tục chế ngự hệ thống kinh tế và tài chính thế giới, phương Tây vẫn là người tạo ra những công nghệ, đường lối và các định chế quan trọng. Xây dựng mối quan hệ với các quốc gia phi phương Tây có thể làm dịu bớt, nhưng không thể loại bỏ trình trạng bị cô lập của Nga. Nó chỉ chữa triệu chứng chứ không thể chữa được bệnh. Không có sự tham gia của phương Tây, các quốc gia khác có thể đi đến những quyết định tầm khu vực, địa phương chứ không thể mang tầm quốc tế – ví dụ chỉ liên quan đến SCO – chứ không thể phát triển thành chính sách toàn cầu được.

Thứ hai, không có quốc gia thành viên nào của SCO hay BRICS sẽ theo Nga đối đầu với Mỹ và phương Tây cả. Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Pakistan và cả Trung Quốc đã từ lâu xây dựng mối quan hệ sâu rộng và nhiều tầng bậc với Mỹ và EU. Chẳng có ai trong số đó dại dột mạo hiểm mối quan hệ của họ chỉ để thỏa mãn tham vọng trả thù của Moskva. Những quốc gia này chỉ chia sẻ với Moskva ở mức tối thiểu hai điều: 1) mong muốn bảo vệ chủ quyền và ngăn phương Tây can thiệp vào việc nội bộ của mình; 2) mong muốn điều chỉnh sự mất cân bằng trong các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế  giới (WB) nhằm mang lại lợi ích cho những trung tâm quyền lực mới, trước hết là Trung Quốc và Ấn Độ. Ngay cả mục đích thứ hai này cũng chẳng mang lại lợi lộc gì cho Nga. Từng một lần là cường quốc, hẳn Nga phải biết bất cứ điều chỉnh nào trong cán cân sức mạnh giữa các tổ chức quốc tế cuối cùng sẽ chỉ làm giảm chứ không làm tăng thêm ảnh hưởng của Nga, và do đó làm mất đi vai trò của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

Thật sự trong nghị trình không có gì hơn cái gọi là “khối chống phương Tây”.

Thứ ba, đối với Nga, các đối tác mới ở Đông và Nam còn khó chơi hơn và nguy hiểm hơn về kinh tế so với các đối tác Tây và Bắc. Họ mua dầu và khí với giá thấp hơn và cạnh tranh từng li từng tí với các nhà sản xuất Nga trên mọi thị trường. Ví dụ, nông dân ở vùng Altai phàn nàn rằng sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường như mật ong và kiều mạch giá rẻ. Các nhà sản xuất nông sản cũng phàn nàn về sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc trong mọi lĩnh vực.

Con đường Tơ lụa Vĩ đại và Vành đai Kinh tế sẽ trói chặt các quốc gia Trung Á với Bắc Kinh. Thực tế cho biết những gì Trung Quốc muốn ở đây là dầu, khí, gỗ, đất và các nguồn tài nguyên khác – với giá bèo.

Đồng thời, không một quốc gia nhóm SCO hay BRICS nào có khả năng cung cấp nguồn tài chính và công nghệ hiện đại mà Nga đang cần. Trớ trêu thay là những quốc gia này đang nhận tiền, công nghệ, cách điều hành và các định chế chủ chốt từ phương Tây – nơi mà Nga đang ngạo mạn quyết không mua, không học hỏi hoặc vay mượn sản phẩm của họ.

Trong lúc đang hăng máu muốn kéo các đối tác phi Phương Tây đi theo hướng mình chọn, rồi tổ chức 2 cuộc họp thượng đỉnh vô cùng xa xỉ và treo những áp-phích màu mè bên ngoài những tòa nhà tồi tàn ở Ufa, Nga càng bộc lộ mình là một tay lái buôn vô trách nhiệm. Rốt cuộc, trong một nỗ lực vô ích nhằm phô trương sức mạnh quân sự để giải quyết tỉ số, Nga thấy mình không chỉ càng bị cô lập trước phương Tây mà còn yếu kém hơn về kinh tế và công nghệ – ngay cả khi so với chính các quốc gia phi phương Tây mà Nga đang trông ngóng như những vị cứu tinh cho mình.

Vladimir Ryzhkov, đại biểu Duma Nga từ 1993 đến 2007, hiện là nhà phân tích chính trị.