Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (11/08/2015)

chinese-submarines-008

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Tháng 5 năm 2015, nhiều lời đồn đoán xuất hiện về khả năng Trung Quốc sẽ có căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti. Những phản ứng chính thức gần đây từ Bắc Kinh cho thấy đó không chỉ đơn giản là một tin đồn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phủ nhận, thay vào đó họ tuyên bố: “hòa bình và ổn định khu vực đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia và đó cũng là nguyện vọng chung của Trung Quốc, Djibouti và những nước khác trên thế giới”. Tương tự, Bộ Quốc phòng cũng bày tỏ thiện chí của Trung Quốc trong việc góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Trong khi đó, Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Trung Quốc, khẳng định đã đến lúc chín muồi để thiết lập một căn cứ quân sự ở Djibouti.

Hồi năm 2014, Washington từng đưa ra dự đoán rất có thể Trung Quốc sẽ thiết lập một căn cứ ở Ấn Độ Dương và sử dụng nó cho cả mục đích an ninh và thương mại. Nếu Trung Quốc mở căn cứ ở Djibouti, dự đoán của Washington sẽ trở thành hiện thực. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại lựa chọn tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương? Môi trường chiến lược mà Trung Quốc phải tác chiến là gì? Và cuối cùng là những ảnh hưởng chiến lược của nó đến cạnh tranh Hoa Kỳ – Trung Quốc và chiến lược biển của Trung Quốc sẽ như thế nào?

Mặc dù Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2015 không nhắc đến một căn cứ quân sự ở nước ngoài, song lại chỉ ra những nguyên nhân cần thiết phải có sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Một căn cứ ở vùng Sừng châu Phi hoàn toàn phù hợp với sự thay đổi chiến lược từ “phòng thủ biển gần” sang kết hợp “phòng thủ biển xa” và “bảo vệ biển gần”. Năm 2008, Bắc Kinh bắt đầu tham gia lực lượng quốc tế chống cướp biển ở vịnh Aden. Hồi tháng 2 vừa rồi, PLAN cũng đã tiến hành tập trận ở eo biển Lombok, phát đi thông điệp về sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Sách Trắng 2015 cũng chỉ rõ, những kinh nghiệm và khả năng trong đối phó các thách thức phi truyền thống cần được mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh truyền thống.

Khu vực Ấn Độ Dương cũng được xem là môi trường hoạt động khá thuận lợi cho Trung Quốc. Khác với Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc vấp phải một loạt các tranh chấp đối đầu, Bắc Kinh đã có quan hệ trên mức hợp tác bình thường với nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc không chỉ có quan hệ nồng ấm với Pakistan mà còn có quan hệ thương mại và chính trị sâu sắc với các nước châu Phi khác.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi trước khi có thể thực hiện hết những mục tiêu đề ra trong Sách Trắng. Việc thiết lập và điều hành một căn cứ ở nước ngoài không phải là điều đơn giản. Trong khi đó, Hoa Kỳ đã có hàng chục năm thiết lập và vận hành các căn cứ như vậy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một sự hiện diện của Trung Quốc ở Djibouti cũng không thể tạo ra thách thức đối với trật tự hàng hải ở khu vực.

Việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Biển Đông cũng là một phần trong đại chiến lược biển của Trung Quốc. Khi nhắc tới các kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo, mọi chuyện lại xoay quanh mục tiêu cuối cùng của kế hoạch này. Theo Justin Chock, việc xây dựng đảo nhân tạo là nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh cho các tuyến đường hàng hải quan trọng, liên quan trực tiếp tới kế hoạch “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc. Dòng chảy thương mại trên Biển Đông, nếu bị gián đoạn, sẽ làm kinh tế Trung Quốc thiệt hại rất lớn và qua đó sẽ ảnh hưởng tới tính chính danh của Đảng Cộng sản. Kết quả là: các đảo nhân tạo được xây dựng nhằm kiểm soát các tuyến đường hàng hải chạy qua Biển Đông.

Đó là lý do mà Sách trắng quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc đã nói rõ ràng về đặc trưng này, khi so sánh với phiên bản năm 2012. Bên cạnh đó là một điểm lưu ý khác: Sách trắng 2015 dường như không đề cập tới tranh chấp tại Điếu Ngư/Senkaku. Đây là yếu tố đáng lưu ý. Theo Chock, Bắc Kinh đang dịch chuyển, hay tái cân bằng, sự chú ý về mặt chiến lược của mình từ Hoa Đông sang khu vực Biển Đông. Các lý do được dự đoán: có thể Trung Quốc cảm thấy an toàn khi thành lập ADIZ tại Hoa Đông; giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế quá lớn; rủi ro quá cao tại khu vực tranh chấp…Chính vì lý do đó, mà cả Mỹ và các nước Đông Nam Á cần phải nhận thức được vị trí ưu tiên của Biển Đông trong tổng thể chiến lược của khu vực: một thách thức nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế và an ninh khu vực.

Sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, vì lý do trên, khiến nhiều nước cảm thấy lo ngại, bao gồm cả Việt Nam. Hà Nội đang bước vào giai đoạn mua sắm và trang bị vũ khí mới với nhiều nhà thầu quốc phòng. Mặc dù việc mua sắm, theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, là nhằm tự vệ và phòng thủ chính đáng, song có thể thấy sức ép từ Trung Quốc buộc Hà Nội phải tăng cường trang bị.

Sự cứng rắn và tham vọng của Trung Quốc trên biển Đông đã đẩy Việt Nam bước vào giai đoạn mua sắm quốc phòng khổng lồ. Chi tiêu quốc phòng của Hà Nội đã tăng 128% kể từ năm 2005, riêng trong năm 2014 vừa rồi tăng 9,6% với tổng ngân sách là 4,3 tỷ USD. Tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng cũng tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức trung bình 6,15%/năm kể từ năm 2000.

Mặc dù chi tiêu quốc phòng của Việt Nam còn rất nhỏ so với Trung Quốc, song Hà Nội không mua sắm dàn trải mà tập trung chủ yếu vào hải quân và không quân. Trong mỗi lĩnh vực, Việt Nam lại tập trung vào các trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để có thể ngăn chặn hoặc chống lại các hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều đáng chú ý là Việt Nam đã bắt đầu mở cửa nhiều hơn với các nhà thầu quốc phòng đến từ nhiều nước khác nhau. Việc Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương cũng bật đèn xanh cho các nhà thầu nước này thâm nhập sâu hơn thị trường Việt Nam.

Có thể thấy Hà Nội đang tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung vũ khí. Điều này phù hợp với chính sách “ba không” của Việt Nam là “không liên minh quân sự, không có căn cứ quân sự nước ngoài ở Việt Nam và không dựa dẫm vào quốc gia này để chống lại quốc gia khác”.

Mặc dù phần lớn trang thiết bị trong quân đội Việt Nam có nguồn gốc từ Nga, song Hà Nội đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Sau khi Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm, hồi tháng 4 năm nay, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các nhà thầu quốc phòng Hoa Kỳ và giới chức quân đội Việt Nam ngay tại Hà Nội. Washington sau đó cũng đã công bố kế hoạch viện trợ 6 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng Nghị sĩ John McCain cũng kêu gọi nên tăng doanh số vũ khí bán cho Việt Nam.

Sau Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ dành tặng 6 tàu tuần tra cho Việt Nam cũng như để ngỏ khả năng bán máy bay tuần thám Kawasaki P-1 cho Hà Nội. Việt Nam còn tiến hành ký các bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng với các nước như Ấn Độ, Israel, Hàn Quốc…

Một số tin vắn đáng chú ý

Hoa Kỳ phát triển tên lửa chống hạm thế hệ mới, thay thế cho tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon vốn đã lạc hậu so với các tên lửa chống hạm của nước khác. Chương trình phát triển mang tên Offensive Anti-Surface Warfare (OASuW) sẽ cải tiến tên lửa Tomahawk chuyên biệt cho nhiệm vụ chống tàu. Thế hệ tên lửa này sẽ mang tên là Tomahawk Block IV và cạnh tranh trực tiếp với chương trình phát triển Tên lửa Chống hạm Tầm xa (Long Range Anti-Ship Missile – LRASM). Các đối thủ của Hoa Kỳ, như Nga và Trung Quốc hiện đã sở hữu những thế hệ tên lửa chống hạm với tầm bắn xa hơn và ngày càng nhanh hơn so với “lão tướng” Harpoon.

Trung Quốc sở hữu hệ thống cảnh báo sớm tầm xa thế hệ mới? Các bức ảnh chụp tại tỉnh Hắc Long Giang hồi tháng 5 cho thấy nhiều khả năng Trung Quốc đã phát triển và sở hữu một hệ thống cảnh báo tầm xa tương tự như của Hoa Kỳ và Nga. Ngay sau khi bị phát tán trên mạng, nhiều người khác cũng chụp được các bức ảnh cho thấy những hệ thống tương tự tại hai tỉnh Tân Cương và Phúc Kiến. Dự đoán, radar của hệ thống này có thể bao phủ một khu vực lên đến 5.500km.

Iran gần đạt được thỏa thuận mua máy bay chiến đâu J-10 từ Trung Quốc. Nhiều khả năng biến thể mà Iran lựa chọn là J-10A. Thế nhưng, cho dù Iran có chọn J-10B, Trung Quốc cũng không bán vì đây là biến thể mới nhất và lo ngại về rò rỉ bí mật công nghệ. Tiêm kích J-10 được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với máy bay F-16 của Hoa Kỳ. Với tầm hoạt động lên đến 2.940km, khi sở hữu J-10, Iran có thể bao quát toàn bộ khu vực vịnh Ba Tư. Theo một nguồn tin từ Nga, Iran sẽ sở hữu 24 chiếc J-10 từ Trung Quốc để đổi lại việc nước này có quyền truy cập giếng dầu Azadegan trong 20 năm.